Ông Trump: Thổ Nhĩ Kỳ đứng sau chiến dịch lật đổ Tổng thống Syria
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Ankara đứng sau chính biến ở Syria dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Bashar al-Assad.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng vào ngày 13/11/2019 (Ảnh: Reuters).
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm thứ Hai (16/12), Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói rằng sự kiện nhà lãnh đạo Bashar al-Assad bị lực lượng đối lập Syria lật đổ là một “chiến dịch tiếp quản không thân thiện” được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
“Tôi nghĩ Thổ Nhĩ Kỳ là nước rất thông minh… Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một cuộc tiếp quản không thân thiện mà không gây thiệt hại cho nhiều sinh mạng”, ông Trump nói với các phóng viên tại tư dinh của mình ở Mar-a-Lago, Florida.
“Một bên đã bị loại bỏ. Không ai biết phía bên kia là ai. Nhưng tôi biết. Các bạn biết đó là ai không? Đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đứng sau sự kiện đó. Ông Erdogan (Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ) là người rất thông minh. Họ đã muốn làm điều đó từ hàng nghìn năm và giờ ông ấy đã làm được”.
Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng chia sẻ rằng, ông có quan hệ tốt với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khen ngợi ông Erdogan đã xây dựng được một lực lượng quân sự lớn mạnh mà không bị chiến tranh làm cho suy kiệt.
Video đang HOT
“Ông ấy đã xây dựng được một quân đội rất mạnh và hùng hậu”, ông Trump phát biểu.
Mặc dù cùng là đồng minh NATO nhưng từ nhiều năm nay Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tồn tại những bất đồng về cuộc nội chiến ở Syria.
Sự hiện diện của Mỹ ở Syria chủ yếu tập trung vào việc ủng hộ cho các lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Đây chính là điểm nhạy cảm trong mối quan hệ giữa Washington và Ankara khi Thổ Nhĩ Kỳ coi SDF là cánh tay nối dài của đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump từng tìm cách rút khoảng 900 binh lính Mỹ ra khỏi Syria, khi đó đang đóng vai trò cố vấn cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một nhóm đối lập được Washington hậu thuẫn. Tuy nhiên, cuối cùng ông Trump đã từ bỏ do áp lực từ các quốc gia đồng minh trước lo ngại về sự trỗi dậy trở lại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai, ông Trump từ chối trả lời câu hỏi về việc liệu Mỹ có rút các lực lượng khỏi Syria hay không.
Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết hiện chưa rõ tương lai chính trị của Syria sẽ diễn biến như thế nào nhưng nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giữ vai trò chủ chốt với quốc gia này.
Hồi đầu tháng, Tổng thống Syria bị lật đổ Bashar al-Assad đã di tản sang Nga sau chiến dịch tấ.n côn.g chớp nhoáng từ các phe phái đối lập do tổ chức Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đứng đầu đạo diễn.
Kể từ những ngày đầu tiên của phong trào đối lập chống Tổng thống Assad nổ ra vào năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được coi là nước hậu thuẫn chính cho phe đối lập chống lại chính quyền của ông Assad.
Ankara từng tiếp đón phe chính trị đối lập ở Syria, cho phép hàng triệu người tị nạn và hậu thuẫn cho các nhóm đối lập chiến đấu với quân đội chính phủ của Tổng thống Assad.
Nhiều năm trong chiến tranh, HTS chiếm đóng các phần lãnh thổ ở Tây Bắc Syria tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đây, lực lượng này liên kết với các phe phái đối lập phát động chiến dịch lật đổ nhà lãnh đạo Assad.
Ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Syria là loại các chiến binh ly khai người Kurd, mục tiêu cũng được chính phủ mới ở Damascus hiện nay ủng hộ.
Syria và sự khởi đầu mới hay hỗn loạn tiếp diễn?
Trong khi các lực lượng bên ngoài như Mỹ, Nga, và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục duy trì ảnh hưởng của mình, các nhóm vũ trang nội bộ như HTS và SDF đang kiểm soát các khu vực khác nhau.
Với sự đa dạng sắc tộc và tôn giáo, nguy cơ nội chiến và tình trạng hỗn loạn là rất cao.
Người dân Syria tại thủ đô Damascus ngày 8/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Syria, quốc gia đã trải qua hơn một thập kỷ nội chiến, đang đứng trước một giai đoạn chuyển giao quan trọng. Tiến sĩ Salman Rafi Sheikh, Phó Giáo sư chính trị tại Đại học Khoa học Quản lý Lahore (LUMS) tại Pakistan ngày 9/12 cho rằng sau khi chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ, dù có những thông tin về sự ăn mừng trên khắp các thành phố lớn ở Syria, nhưng tương lai của nước này vẫn còn mờ mịt và đầy bất trắc.
Chính quyền của Tổng thống Assad đã bị lật đổ bởi các nhóm "phiến quân" do Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đứng đầu. Đây là một liên minh các nhóm Hồi giáo từng có liên hệ với al-Qaeda, không phải là một phong trào do người dân Syria bình thường lãnh đạo. Theo ước tính, khoảng một nửa trong số 23 triệu người dân Syria trước cuộc xung đột mới nhất đã trở thành người tị nạn trong nước hoặc quốc tế do cuộc nội chiến kéo dài. Điều này cho thấy rằng quá trình chuyển đổi chính trị ở Syria có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn hơn là sự chuyển mình thành nền dân chủ.
Việc chính quyền Assad sụp đổ không chỉ ảnh hưởng đến Syria mà còn có thể định hình lại toàn bộ khu vực Trung Đông. Iran và Hezbollah, hai lực lượng từng có ảnh hưởng lớn tại Syria, có thể sẽ mất đi vị thế của mình. Thổ Nhĩ Kỳ, với chiến lược hỗ trợ quân nổi dậy, dường như đang nắm giữ lợi thế trong việc ổn định và tái thiết khu vực. Tuy nhiên, những bài học từ Afghanistan cho thấy khả năng xảy ra hỗn loạn là rất cao khi các lực lượng quốc tế như Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự tại đây.
Mỹ có căn cứ MSS Euphrates ở phía Đông Deir ez-Zor, thành phố lớn thứ bảy ở Syria. Mỹ đã tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở miền Đông Syria nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Trung Đông Daniel Shapiro nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình trong bối cảnh đầy biến động này. Tuy nhiên, với sự thay đổi trong chính quyền Mỹ sắp tới, khả năng can thiệp và định hình tương lai của Syria vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng.
Tại tỉnh Latakia ở Tây Syria, giáp với tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga duy trì một căn cứ không quân. Tại một khu vực khác ở Tây Syria là Tartous, Moskva cũng có một căn cứ hải quân. Hiện tại, họ đã đặt các căn cứ của mình trong tình trạng báo động rất cao, cho thấy ý định ở lại.
"Nhóm dân quân" được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, còn được gọi là Quân đội Quốc gia Syria, hiện đang kiểm soát một số khu vực của tỉnh Aleppo. Mặt khác, Israel đã quyết định chiếm giữ vùng đệm của Syria, nơi ngăn cách Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng với phần còn lại của Syria. Họ không muốn những người Hồi giáo có vũ trang ở biên giới của mình vào thời điểm họ đã tham gia vào các cuộc chiến tàn khốc với người Palestine ở Gaza và Bờ Tây, với Hezbollah ở Liban.
Ngoài ra, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo cũng kiểm soát khoảng một phần tư lãnh thổ Syria ở phía Đông. Ngoài hầu hết tỉnh Raqqa, SDF còn kiểm soát một nửa tỉnh Deir ez-Zur lân cận và một phần tỉnh Aleppo.
Chính sự "đa dạng" của các tác nhân trong nước và quốc tế chẳng khác gì một "bóng đen" đang bao trùm Syria. Với những tác nhân khác nhau kiểm soát nhiều khu vực khác nhau, sự tan rã lãnh thổ trên thực tế, hoặc ít nhất là sự thiếu thống nhất lãnh thổ, rất có thể xảy ra. Đây chính là vấn đề có thể biến Syria trở thành một Libya và/hoặc Yemen khác.
Tóm lại, tương lai của Syria vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn. Mặc dù chính quyền Assad đã sụp đổ, nhưng những gì diễn ra tiếp theo vẫn còn là một câu hỏi lớn. Sự can dự của nhiều bên quốc tế cùng với tình hình nội bộ phức tạp khiến cho quá trình chuyển đổi ở Syria trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Vì sao nội chiến ở Syria tái bùng phát dữ dội lúc này? Nội chiến ở Syria đang trở thành tâm điểm chú ý sau khi một liên minh nổi dậy mới phát động cuộc tấ.n côn.g bất ngờ vào thành phố Aleppo lớn thứ 2 của đất nước. Cuộc tấ.n côn.g đánh dấu lần đầu tiên lực lượng đối lập chiếm được lãnh thổ ở Aleppo kể từ năm 2016, phá vỡ thế bế tắc...