Ông Trump quyết trị Trung Quốc dù kinh tế Mỹ bị tổn thương
Giới quan sát nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy rõ rằng ông quyết tâm đối đầu Trung Quốc, cho dù chiến tranh thương mại có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ.
Hôm 3/9, Tổng thống Trump gửi thông điệp rõ ràng tới bất cứ ai còn đang mù mờ về ý nghĩa của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. “Nếu tôi không làm gì với Trung Quốc, thị trường chứng khoán sẽ tăng 10.000 điểm so với hiện nay”, ông Trump nói với các phóng viên ở Nhà Trắng.
“Nhưng cần phải có một ai đó làm điều đó. Với tôi, điều đó quan trọng hơn cả nền kinh tế. Bởi tình hình rối loạn quá mức. Trung Quốc làm loạn quá mức”, ông Trump nhấn mạnh. Thông điệp này khá tương đồng với tuyên bố “tôi là người được chọn” để chống Trung Quốc của ông chủ Nhà Trắng trước đây.
Ông Trump từng khẳng định “chiến tranh thương mại là tốt và dễ thắng”. Nhưng trên thực tế, giới chuyên gia bình luận ông chủ Nhà Trắng hoàn toàn ý thức được những tổn hại chiến tranh thương mại Mỹ – Trung gây ra với nền kinh tế Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Trung Quốc “làm loạn quá mức”. Ảnh: AFP.
Chính sách cũ đã thất bại
Việc chính phủ Mỹ hồi giữa tháng 8 quyết định hoãn đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc cho tới ngày 15/12 cho thấy ông Trump muốn hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực lên người tiêu dùng Mỹ. Và lời thừa nhận của ông Trump hôm 3/9 cho thấy rõ một điều. Đó là ông muốn kiềm chế Trung Quốc.
“Chiến lược trước đây của Mỹ là tương tác với Trung Quốc và hi vọng rằng các chính sách và đường hướng của Bắc Kinh sẽ không đe dọa Washington. Nhưng trong 5 năm qua, hi vọng đó đã tan biến”, Business Insider dẫn lời chuyên gia Martin Chorzempa thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết.
Chuyên gia Chorzempa lý giải về cơ bản, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama có cái nhìn lạc quan về tương lai của Trung Quốc và tìm cách tương tác với khối doanh nghiệp nước này. Khi đó Washington mở rộng các kênh đầu tư vào Trung Quốc và cho phép doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Mỹ.
Các cố vấn của ông Obama cho rằng việc tăng cường trao đổi thương mại với Trung Quốc sẽ đem lại những kết quả tích cực, biến nước này thành một thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế.
Chính sách Trung Quốc của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không đem lại kết quả. Ảnh: CBS.
Video đang HOT
Nhưng điều đó không diễn ra. Những năm qua, phía Mỹ vẫn nhiều lần lên tiếng cảnh báo về tình trạng Trung Quốc ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, hạn chế đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng…
Về phương diện chính trị, Trung Quốc tiếp tục phớt lờ các quy định quốc tế khi tăng cường quân sự hóa ở Biển Đông. Và kế hoạch “Made in China 2025″ của chính quyền Trung Quốc cho thấy nước này muốn phế truất vị trí siêu cường số một của Mỹ.
Ông Trump sẽ chơi tất tay
Trong 3 sách trắng về an ninh quốc gia, quốc phòng và chính sách hạt nhân, chính quyền Tổng thống Trump xác định Trung Quốc không phải là đối tác, mà là đối thủ đáng lo ngại. Về phương diện thương mại, ông Trump từng mô tả hành vi kinh doanh của Trung Quốc không khác gì “cưỡng hiếp nền kinh tế Mỹ”.
Theo Business Insider, có thể ông Trump vẫn nói rằng muốn đạt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nhưng các hành động của ông cho thấy ông quyết tâm leo thang chiến tranh thương mại chống Trung Quốc.
Ông Trump từng cáo buộc Trung Quốc đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại 600 tỷ USD/năm. Ông nói rằng Mỹ “sẽ sống khỏe hơn khi không có Trung Quốc”. Ông “ra lệnh” cho các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc.
Nền kinh tế Mỹ sẽ lao đao vì chiến tranh thương mại, và ông Trump chấp nhận điều đó. Ảnh: Getty Images.
Mỹ và Trung Quốc là nền kinh tế số một và số hai thế giới, có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ. Cố vấn thân cận của Tổng thống Trump là Peter Navarro công khai ủng hộ chiến lược “phân ly kinh tế Mỹ – Trung”. Giới chuyên gia khẳng định điều đó sẽ khiến cả hai nền kinh tế tổn thương nghiêm trọng.
Chuyên gia Chorzempa nhận định ông Trump hiểu rõ điều đó. Nhưng nếu Trung Quốc không tin rằng Mỹ sẵn sàng chịu đựng một khoảng thời gian kinh tế suy thoái để tái cơ cấu lại mối quan hệ thì nước này sẽ không bao giờ chấp nhận lùi bước trước những cú đòn trừng phạt của ông Trump.
Sẽ không dễ để các công ty Mỹ rút hoàn toàn ra khỏi Trung Quốc. Và theo chuyên gia Chorzempa, chiến tranh thương mại chắc chắn sẽ khiến nền kinh tế Mỹ lao đao, nhưng ông Trump chấp nhận điều đó. “Ông ấy hoàn toàn tin tưởng vào cuộc chiến này và vai trò của bản thân”, ông Chorzempa nhấn mạnh.
Minh Phụng
Theo Zing.vn
Thượng đỉnh G-7: Cháy rừng Amazon hay thương chiến Mỹ - Trung sẽ 'nóng' hơn?
Kinh tế toàn cầu đang tổn thương nghiêm trọng, thương chiến Mỹ-Trung được cho là chủ đề quan trọng nhất tại thượng đỉnh G-7 ở Pháp cuối tuần này.
Khi nền kinh tế toàn cầu đang thương tổn nghiêm trọng giữa các đòn áp thuế qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc, Trung Đông sôi sục và "lá phổi của Trái đất" Amazon bị nướng cháy, lãnh đạo các nước công nghiệp G-7 tập trung tại bờ biển Đại Tây Dương của Pháp trong một cuộc đàm phán mà ít người tin rằng có thể giải quyết được bất cứ vấn đề nào.
Cuộc họp giữa nguyên thủ 7 nước diễn ra sau một tuần đầy biến động mà nổi cộm là các tuyên bố của Tổng thống Trump và trong bối cảnh Mỹ đang bị cô lập hơn bao giờ hết.
Các nhà lãnh đạo thế giới bước vào các cuộc thảo luận với ít hy vọng có thể khiến nhà lãnh đạo Mỹ hồi tâm chuyển ý về lập trường trong nhiều vấn đề. Bất đồng đang phủ bóng các chương trình nghị sự.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Tất nhiên, ông Trump và những người khác không tới Pháp chỉ để nói chuyện kinh tế. Có rất nhiều vấn đề khác cần thảo thuận như Iran, căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan... Tổng thống Emmanuel Macron, chủ nhà của G-7 nói ông muốn thảo luận về vụ cháy rừng dữ dội ở khu vực Amazon.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nền kinh tế toàn cầu vẫn sẽ là vấn đề cấp bách nhất trên các bàn đàm phán.
Trước khi tới Pháp, Thủ tướng Anh Borris Johnson khẳng định ông sẽ kêu gọi Tổng thống Trump rút khỏi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và khẳng định ưu tiên của ông với hội nghị lần này là thương mại toàn cầu.
Nhìn lại các kịch bản hỗn loạn trong 2 hội nghị trước, nhiều người tin rằng kể cả khi ông Trump không bất ngờ rời đi như năm 2018, G-7 năm nay cũng khó có thể kết thúc trong khúc ca khải hoàn.
Trong các cuộc trò chuyện với trợ lý vài tuần qua, bản thân ông chủ Nhà Trắng cũng đặt câu hỏi vì sao ông phải tham gia G-7 năm nay và tin rằng việc bỏ thời gian bay đi bay lại giữa Pháp và Mỹ sẽ chẳng mang lại kết quả gì. Một số nguồn tin khẳng định các trợ lý của ông Trump phải đề nghị nước chủ nhà Pháp sắp xếp phiên họp tập trung về kinh tế toàn cầu vào sáng 25/8 để ông đồng ý tham dự.
Theo CNN, ông Trump sẽ tận dụng phiên họp này để khoe các thành công của ông trong việc thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh các quốc gia khác đang cho thấy dấu hiệu suy yếu. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo khác lại coi đây là cơ hội để đổ lỗi cho ông vì các đòn thuế quanvới Trung Quốc đang góp phần đẩy nền kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái và khiến thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Ngay trước khi ông Trump tới Pháp, Trung Quốc tung cú phản đòn thuế quan 75 tỷ USD khiến ông chủ Nhà Trắng "nổi giận" đáp trả bằng tuyên bố áp thuế gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Ngoài "cuộc chiến thuế quan" với Trung Quốc, còn vô số vấn đề khác mà các lãnh đạo G-7 có thể khai thác và chỉ trích ông.
Tổng thống Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AP)
Điểm dừng chân tới Pháp đầu tiên của ông Trump là sân hiên đầy nắng với bữa trưa bất ngờ cùng Tổng thống Macron.
"Cho đến nay, mọi thứ vẫn tốt. Thời tiết thật tuyệt vời. Mọi người đều hòa hợp. Tôi nghĩ chúng ta sẽ hoàn thành được nhiều thứ vào cuối tuần này", ông nói khi ngồi đối diện với người đồng cấp Pháp. Nhiều người lo ngại đây có thể sẽ là đánh giá lạc quan hiếm hoi của ông Trump trong chuyến công du 3 ngày lần này.
Một quan chức Mỹ cho biết bữa trưa là một cuộc thảo luận dài và thẳng thắn về các vấn đề kinh tế và đối ngoại.
Vài giờ sau bữa trưa, ông Trump tới bữa tối dành cho các lãnh đạo G-7 dưới chân một ngọn hải đăng nhìn ra Biarritz, địa điểm tổ chức hội nghị năm nay. Ông và ông Macron trao nhau cái bắt tay mà CNN mô tả là không khác là bao so với các đối tác kinh doanh. Nhưng dù sao nó vẫn tốt hơn là cái bắt tay dùng quá nhiều lực của Tổng thống Pháp trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ tại G-7 ở Canada cách đây hơn 1 năm.
Nguồn tin của CNN khẳng định rằng sau 2 hội nghị thượng đỉnh 2017 và 2018, Tổng thống Trump đều không hài lòng với các cuộc thảo luận kéo dài về môi trường và đại dương khiến ông không còn chỗ để khoe về các thành tựu của mình.
Vì vậy, phiên họp sáng 25/8 sẽ là cơ hội để ông khuếch trương sức mạnh của kinh tế Mỹ. Nhưng các nhà lãnh đạo khác không hài lòng với điều này bởi thứ mà họ tâm tâm niệm niệm hiện nay là chiến thuật thương mại đang khiến tăng trưởng toàn cầu sụt giảm của nhà lãnh đạo Mỹ.
Chưa kể tới khả năng ông sẽ chẳng kịp khoe khoang trước cơn bão tấn công dồn dập chỉ trích các đe dạo áp thuế liên tiếp gần đây của ông với Trung Quốc, Mexico thậm chí với cả Pháp, EU...
(Nguồn: CNN)
SONG HY
Theo VTC
Nguy cơ suy thoái kinh tế bủa vây Trump trước thềm bầu cử Kinh tế Mỹ đảo chiều có thể ảnh hưởng đến nỗ lực tái đắc cử của Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020. Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. Tổng thống Donald Trump hôm 15/8 cảnh báo Mỹ sẽ đối mặt với sự sụp đổ kinh tế nếu ông thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020....