Ông Trump cung cấp số di động cho một vài lãnh đạo thế giới
Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị một số nhà lãnh đạo trên giới liên lạc trực tiếp với ông qua số điện thoại di động cá nhân.
Tổng thống Trump khuyến khích các nhà lãnh đạo thế giới gọi điện cho ông qua điện thoại di động cá nhân. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cung cấp số điện thoại di động của mình cho một số nguyên thủ quốc gia và đề nghị họ gọi điện trực tiếp cho ông, AP đưa tin.
Đây được xem là một lời đề nghị bất thường, phá vỡ nghi thức ngoại giao, đồng thời làm dấy lên mối lo ngại về an ninh và bảo mật hệ thống thông tin liên lạc của tổng tư lệnh nước Mỹ.
Ông Trump khuyến khích hai nhà lãnh đạo Canada và Mexico gọi cho ông qua điện thoại di động. Và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã tận dụng phương thức liên lạc này.
Ngoài ra, ông Trump còn cung cấp số điện thoại cá nhân cho Tổng thống Pháp trong cuộc điện đàm chúc mừng ông Emmanuel Macron sau chiến thắng cuộc bầu cử hồi đầu tháng, một quan chức Pháp tiết lộ nhưng không bình luận gì về việc liệu ông Macron có ý định sử dụng cách thức liên lạc này hay không.
Việc các nhà lãnh đạo thế giới liên lạc với nhau qua điện thoại di động hiện không phải là chuyện lạ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực ngoại giao, các cuộc gọi bàn chuyện “quốc gia đại sự” giữa các nhà lãnh đạo luôn được sắp xếp trước để đảm bảo bí mật thông tin.
Các tổng thống Mỹ thường điện đàm qua một đường dây đã được bảo mật bố trí trong phòng Tình huống, phòng Bầu dục ở Nhà trắng và trong xe chuyên chở tổng thống. Việc tổng thống sử dụng điện thoại di động do chính phủ cung cấp vẫn có nguy cơ bị nghe lén, đặc biệt từ chính phủ nước ngoài, theo các chuyên gia an ninh Mỹ.
Video đang HOT
An Hồng
Theo VNE
Tổng thống Donald Trump muốn phá vỡ trật tự thế giới truyền thống?
Khác với những người tiền nhiệm, Tổng thống Mỹ Donald Trump không hề có ý định "tuyên truyền" về vai trò "lãnh đạo thế giới" của Mỹ.
Theo RIA Novosti, nhận định trên được học giả hàng đầu của Nga Vladimir Lepekhin đưa ra trong bối cảnh ông Trump vừa hoàn tất chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (vest đen, cà vạt đỏ), có vẻ "lạc lõng" giữa các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7. Ảnh: Reuters
Thông điệp mới, mục tiêu mới
Ông Lepekhin cho rằng, qua chuyến công du vừa qua, ông Trump muốn vạch ra "một chiến lược ngoại giao toàn diện cho Mỹ" hòng "thiết lập một trật tự thế giới mới".
Học giả người Nga nhận định, việc chiến lược gia "diều hâu" của Mỹ Zbigniew Brzezinski vừa qua đời đánh dấu việc "bàn cờ lớn về địa chính trị toàn cầu" đã chuyển mình thành "một ván bài nhỏ" mà ông Trump "muốn nắm những quân bài chủ chốt".
Để lý giải cho quan điểm của mình, ông Lepekhin xoáy sâu vào thực tế rằng, chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống của ông Trump "hoàn toàn vượt ra ngoài khuôn khổ những chuyến công du nước ngoài của những người tiền nhiệm trước đây".
"Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống George W. Bush tới châu Âu được chuẩn bị kỹ lưỡng để thể hiện vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ, cũng như giới thiệu với các quốc gia khác về một chính sách toàn cầu mới mà Mỹ muốn thiết lập sau ngày 11/9/2001", ông Lepekhin nói.
Tương tự như vậy, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Barack Obama cũng vẫn là đến châu Âu và cũng để truyền tải thông điệp về vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ.
"Trong khi đó, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump là hoàn toàn khác biệt. Ông ấy đến Saudi Arabia (gặp gỡ lãnh đạo các nước Arab), Israel, Vatican, Brussels (gặp gỡ quan chức NATO) và Sicily (tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7", ông Lepekhin nói.
Cũng theo học giả này, hiện giới quan sát quốc tế và thậm chí cả Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chưa lý giải được tại sao ông Trump lại quyết định đến Saudi Arabia, Israel và Vatican trước tiên, trong khi lại "phớt lờ" các đồng minh và đối tác châu Âu.
Ưu tiên hàng đầu là vấn đề tôn giáo
Chuyên gia hàng đầu về khoa học chính trị người Nga Igor Shatrov còn chỉ ra rằng, khác với các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình, ông Trump tập trung vào việc đến thăm "những trung tâm tôn giáo lớn trên thế giới".
"Rõ ràng là chính quyền của ông Trump đang muốn tạo ra một hình ảnh tích cực khi làm điều này. Tôi tin rằng, thông qua chuyến công du vừa qua, ông Trump muốn truyền đi thông điệp rằng, thế giới Hồi giáo và Thiên chúa giáo là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Tổng thống Mỹ", ông Shatrov nói.
Về phần mình, ông Lepekhin bày tỏ tin tưởng rằng, quan điểm của ông Trump là "không theo đuổi các giá trị địa chính trị truyền thống". Tổng thống Mỹ đang muốn thay đổi hoàn toàn chính sách ngoại giao của nước Mỹ và "phá vỡ hiện trạng đã được thiết lập từ lâu".
Theo ông Lepekhin, sự thay đổi này của ông Trump nhiều khả năng xuất phát từ nhận định của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Diễn đàn Kinh tế Davos tháng 1/2017.
Tại thời điểm đó, ông Kissinger nhấn mạnh: "Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất trong thời đại của chúng ta là trật tự thế giới mà chúng ta từng rất quen thuộc đang bị phân mảnh, và các yếu tố mới từ châu Á và các nước đang phát triển đang xâm nhập mạnh mẽ vào trật tự đó".
Theo ông Lepekhin, thế giới đa cực hiện nay hoàn toàn khác so với thế giới lưỡng cực - được ví như "một bàn cờ lớn" - hay một thế giới đơn cực. Trong thế giới đa cực, mỗi một quốc gia được ví như một "tay chơi bài" luôn phải đưa ra những tính toán khác nhau với các đồng minh, đối tác và đối thủ của mình và phải che đậy kỹ lưỡng "những quân bài chiến lược".
Vì sao ông Trump lại "phớt lờ" châu Âu?
Vậy tại sao ông Trump lại không mấy quan tâm đến các đồng minh và đối tác lâu đời tại châu Âu? Câu trả lời là khá hiển nhiên, ông Trump nhận thấy sẽ là vô ích nếu cứ đàm phán với các nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra không hợp tác với ông.
"Chiến lược của ông Trump là tìm kiếm sự hợp tác từ các đối tác thực sự muốn đàm phán với Mỹ, bao gồm Hoàng gia Saudi Arabia, cộng đồng Hồi giáo, giới lãnh đạo Israel, Anh, Trung Quốc, Nga và Vatican", ông Lepekhin nhấn mạnh.
Vậy còn các đồng minh NATO? Trong chuyến thăm trụ sở NATO tại Brussels, ông Trump "đe dọa" các thành viên NATO vì không đóng đủ ngân sách như đã cam kết cho liên minh quân sự này. Liệu điều này có đồng nghĩa với việc ông Trump muốn tái thiết và cải thiện sức mạnh của NATO hay không?
Theo ông Lepekhin, đó không phải là mục đích chính của ông Trump. Trong tính toán của ông Trump, NATO sẽ trở thành "lực lượng thay thế cho bộ binh Mỹ" tại các khu vực chiến sự ở Trung Đông và Trung Á. Dù vậy, nếu NATO thất bại trong việc tiêu diệt IS, al-Qaeda và Taliban, sẽ không có chuyện Mỹ tiếp tục "đổ tiền" vào NATO như trước kia nữa./.
Theo Trần Khánh/ VOV.VN
Lãnh đạo thế giới liên tiếp chúc mừng tổng thống đắc cử Pháp Lãnh đạo các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Trung Quốc và Liên minh châu Âu gửi lời chúc mừng tới Emmanuel Macron sau khi ông đắc cử tổng thống Pháp. Tổng thống Pháp đắc cử Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters. Emmanuel Macron, theo đường lối ôn hòa, ngày 7/5 đánh bại đối thủ cực hữu Marine Le Pen trong cuộc bầu cử...