Ông Trump có thể cứu TikTok khỏi lệnh cấm của Mỹ như đã hứa?
Hạn chót để ByteDance bán TikTok hoặc đối mặt với lệnh cấm là ngày 19/1/2025 – một ngày trước lễ nhậm chức của ông Donald Trump.
Câu hỏi hiện nay là Tổng thống đắc cử Mỹ làm sao để có thể cứu TikTok như đã hứa khi tranh cử?
Biểu tượng TikTok trên màn hình điện thoại. Ảnh: AFP/TTXVN
Mối quan ngại chung giữa các nhà lập pháp Mỹ là ByteDance phải tuân thủ yêu cầu hợp tác theo luật pháp Trung Quốc về các vấn đề tình báo và an ninh quốc gia.
Hồi tháng 4, Tổng thống Joe Biden đã ký một đạo luật cấm TikTok nếu ByteDance không bán tài sản ở Mỹ cho một công ty không thuộc quốc gia được coi là “đối thủ nước ngoài” kiểm soát.
Tất nhiên, luật mà Quốc hội thông qua vẫn có tính ràng buộc ngay cả khi có sự thay đổi quyền lực tổng thống. Nhưng tương lai của TikTok tại Mỹ vẫn còn chưa chắc chắn và một số kịch bản có thể xảy ra.
Kịch bản 1: Bán một phần không có thuật toán TikTok
Bắc Kinh đã tuyên bố phản đối bất kỳ hành vi nào ép bán TikTok cho Mỹ. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới được Trung Quốc thông qua gần đây đã hạn chế việc chuyển giao công nghệ, như thuật toán cung cấp năng lượng, cho nền tảng truyền thông xã hội này.
Giả sử việc bán thuật toán TikTok không được thực hiện, thỏa thuận thay thế có thể bao gồm việc bán các tài sản khác, bao gồm dữ liệu người dùng, nhưng không phải công nghệ cốt lõi.
Đây có thể là kịch bản ít có khả năng xảy ra nhất. TikTok không có thuật toán giống như một chiếc xe thể thao không động cơ – một khoản đầu tư kém hấp dẫn hơn nhiều.
Hơn nữa, mức giá của TikTok sẽ khiến ứng dụng này nằm ngoài tầm với của hầu hết người mua tiềm năng. Và những công ty như Meta, vốn đã sở hữu các doanh nghiệp liên quan, có thể phải đối mặt với các thách thức về luật chống độc quyền.
Video đang HOT
Kịch bản 2: Tòa án lật ngược lệnh cấm dựa trên cơ sở Tu chính án thứ nhất
Ông Donald Trump phát biểu tại Des Moines, Iowa, ngày 15/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Có khả năng Tổng thống đắc cử Trump không cần phải hành động để đạt được kết quả mong muốn.
TikTok đã thách thức tính hợp hiến của lệnh cấm tại tòa phúc thẩm – trên cơ sở rằng mạng xã hội này xâm phạm quyền tự do ngôn luận. Đây là một trường hợp bất thường: Một công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc tranh luận về quyền Tu chính án thứ nhất của người Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ bảo vệ lệnh cấm tiềm tàng đối với một ứng dụng mà một nửa người Mỹ sử dụng.
Các luật sư của chính phủ đã yêu cầu tòa án ra quyết định vào tháng 12 để có thời gian kháng cáo trước thời hạn tháng 1. Nếu vụ kiện kéo dài sau lễ nhậm chức của ôngTrump, Bộ Tư pháp dưới chính quyền mới có thể từ bỏ việc bảo vệ luật này.
Nếu vụ kiện được đưa ra Tòa án Tối cao Mỹ, phe bảo thủ chiếm đa số có thể lật ngược lệnh cấm dựa trên các cân nhắc chính trị. Rất nhiều học thuyết về quyền tự do ngôn luận ủng hộ quan điểm này hoài nghi về lệnh cấm.
Kịch bản 3: Bỏ luật “bán hoặc cấm TikTok”
Nếu các thách thức pháp lý của TikTok không thành công, lệnh cấm vẫn chưa phải là điều tất yếu.
Chính quyền của ông Trump có thể cố gắng tập hợp các nhà lập pháp để sửa đổi hoặc bãi bỏ luật. Song việc lật ngược nó không phải là vấn đề đơn giản bởi bất kỳ thay đổi nào cũng cần cả hai viện của Quốc hội thông qua.
Mặc dù đa số đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện vào tháng 1, việc bãi bỏ luật cấm TikTok có thể tạo ra tình huống khó xử. Những người ủng hộ nhiệt thành của ông Trump – bao gồm cả lựa chọn của ông cho chức Ngoại trưởng – Thượng nghị sĩ Marco Rubio – đã lên tiếng tranh luận về luật này.
Kịch bản 4: Không thực thi lệnh cấm
Tổng thống Trump có thể chỉ thị cho Bộ Tư pháp không thực thi lệnh cấm. Mặc dù chính quyền tổng thống có toàn quyền quyết định các ưu tiên thực thi pháp luật liên bang, nhưng việc bãi bỏ luật mới được thông qua – với sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng – sẽ là một động thái gây tranh cãi.
Lệnh mới sẽ cấm các cửa hàng ứng dụng cho phép người dùng tải xuống ứng dụng TikTok. Vì vậy, chính sách không thực thi lệnh cấm sẽ tạo ra sự bất ổn về mặt pháp lý cho các bên liên quan như Apple và Alphabet.
Luật pháp Mỹ dường như cho phép một số quyền tự do để trì hoãn hoặc không thực thi lệnh cấm. Nhóm của ông Trump có thể khai thác “lỗ hổng” và lập luận rằng những nỗ lực của TikTok nhằm cô lập dữ liệu người dùng Mỹ khỏi sự kiểm soát của ByteDance có nghĩa là nó không còn bị “kiểm soát” bởi một đối thủ nước ngoài nữa.
“Thủy triều thay đổi”
Điều gì xảy ra tiếp theo là khó dự đoán. Nhưng ý chí chính trị để ban hành lệnh cấm TikTok dường như đã suy yếu. Vào tháng 8, cuộc thăm dò ý kiến của Pew cho thấy chỉ còn 1/3 người Mỹ ủng hộ lệnh cấm Tiktok, giảm từ mức đỉnh điểm 1/2 so với một năm trước.
Kể từ đó, TikTok ngày càng phổ biến hơn trong cuộc sống của người Mỹ. Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden đã đăng ký tài khoản TikTok ngay cả khi tổng thống ký luật. Các chiến dịch của Phó Tổng thống Kamala Harris và ông Trump cũng hoạt động tích cực trên nền tảng này. Cho đến nay, đã có ít người chỉ trích nền tảng truyền thông xã hội này hơn trong việc hạn chế thông tin sai lệch so với những năm trước.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng ban hành sắc lệnh hành pháp cấm TikTok, nhưng tòa án đã chặn lệnh này. Ông đã đảo ngược lập trường kể từ tháng 3, cáo buộc lệnh cấm sẽ giúp ích cho nền tảng của đối thủ cạnh tranh của TikTok là Meta. Mạng xã hội Facebook của Meta đã hạn chế tài khoản của ông Trump trong hai năm sau vụ tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1/2021.
Các nhà quan sát lưu ý rằng động thái phản đối lệnh cấm TikTok của ông Trump được đưa ra sau cuộc họp với một nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa, người có khoản đầu tư đáng kể vào ByteDance. Sau cuộc bầu cử, những người phát ngôn của ông Trump đã nói rằng ông sẽ giữ lời hứa ngăn chặn lệnh cấm.
Không có bằng chứng rõ ràng
Văn phòng công ty ByteDance tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trước khi dự luật được thông qua, các quan chức tình báo Mỹ đã thông báo cho các thượng nghị sĩ về mối đe dọa mà TikTok gây ra. Một số nhà lập pháp kêu gọi công khai một số nội dung, nhưng chúng vẫn được phân loại là tuyệt mật.
TikTok đã thầm lặng giải quyết những lo ngại về cấu trúc công ty và lưu trữ dữ liệu với một ủy ban bí mật của Chính phủ Mỹ chuyên xử lý các khoản đầu tư nước ngoài có tác động đến an ninh quốc gia. Các quan chức chính phủ đã rút khỏi các cuộc đàm phán, nói rằng bất kỳ hành vi vi phạm thỏa thuận nào cũng sẽ khó bị phát hiện.
Do thiếu bằng chứng công khai về việc TikTok đã sử dụng sai dữ liệu người dùng một cách có hệ thống hoặc chia sẻ dữ liệu đó với Trung Quốc, nên việc giám sát tập trung vào các giả thuyết – liệu Trung Quốc có thể truy cập thông tin về từng người dùng, điều chỉnh thuật toán hay không.
Trong các phiên tòa năm nay, các thẩm phán phúc thẩm đã hỏi điều gì có thể xảy ra nếu căng thẳng Mỹ – Trung leo thang thành hành động quân sự. Sự leo thang này – dù cố ý hay không – dường như không phải là không thể, xét đến các lựa chọn bổ nhiệm Nội các theo đường lối cứng rắn của ông Trump gần đây.
Cần lưu ý rằng chỉ trong tháng này, Canada, đã ra lệnh cho TikTok đóng cửa các văn phòng tại nước này do “rủi ro an ninh quốc gia”. Tuy nhiên, chính quyền đã không hạn chế người Canada sử dụng ứng dụng này. Mặc dù chính quyền không tiết lộ thông tin tình báo đằng sau quyết định này, song cựu giám đốc Cơ quan Tình báo An ninh Canada, David Vigneault, cho biết do thiết kế của ứng dụng, dữ liệu người dùng Canada có thể bị Trung Quốc tiếp cận.
Tiến sĩ Mark Cenite tại Đại học Công nghệ Nanyang nhận định: “Với ý chí chính trị của Mỹ trong việc thực hiện lệnh cấm dường như đang yếu đi và khả năng xoay xở để tránh lệnh cấm vẫn còn, tôi không cho rằng lệnh cấm sẽ sớm thành hiện thực”.
Công ty TikTok bị cấm hoạt động tại Canada
Ngày 6/11, Canada thông báo sẽ không cho phép công ty TikTok Technology Canada Inc. hoạt động tại quốc gia này sau khi xem xét vấn đề an ninh.
Tuy nhiên, chính phủ sẽ không chặn quyền truy cập, cũng như khả năng tạo nội dung của người dân trên ứng dụng chia sẻ video ngắn này.
Biểu tượng Tiktok trên màn hình điện thoại di động. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Trong thông báo, Bộ trưởng Bộ Đổi mới, Khoa học và Công nghiệp Francois-Philippe Champagne cho biết chính phủ đang hành động để giải quyết các rủi ro an ninh quốc gia liên quan đến hoạt động của ByteDance (công ty có trụ sở ở Trung Quốc và sở hữu TikTok) tại Canada, đồng thời khẳng định việc sử dụng ứng dụng hoặc nền tảng mạng xã hội là lựa chọn cá nhân, do đó không bị hạn chế. Ông nhấn mạnh quyết định của chính phủ dựa trên cơ sở luật định cho phép xem xét các khoản đầu tư nước ngoài có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia.
TikTok tuyên bố sẽ phản đối lệnh này tại tòa án. Theo người phát ngôn của TikTok, việc đóng cửa các văn phòng của công ty tại Canada sẽ làm mất hàng trăm việc làm có mức thu nhập tốt tại nước này.
Chuyên gia mạng Michael Geist của Đại học Ottawa nhận định việc cấm công ty thay vì ứng dụng có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn, vì những rủi ro liên quan đến ứng dụng vẫn còn, nhưng khả năng buộc công ty phải chịu trách nhiệm sẽ giảm đi.
Năm 2023, Canada đã cấm ứng dụng TikTok trên tất cả thiết bị của chính phủ do lo ngại rủi ro đối với quyền riêng tư và bảo mật. Bên cạnh đó, Chính phủ Canada cũng bắt đầu xem xét về kế hoạch đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh của TikTok tại quốc gia này.
Trong khi đó, tại Mỹ, TikTok cũng có nguy cơ bị cấm nếu vẫn thuộc sở hữu của ByteDance. Vào tháng 4, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành luật cho ByteDance thời hạn đến ngày 19/1/2025 để thoái vốn khỏi TikTok, hoặc sẽ bị cấm hoạt động tại Mỹ vì lý do an ninh quốc gia. Đến tháng 5, TikTok và ByteDance đã kiện lên tòa phúc thẩm liên bang nhằm chặn đạo luật này.
Bầu cử Mỹ 2024: TikTok, Facebook bị cáo buộc duyệt tin sai, tin giả Kết quả cuộc điều tra của nhóm vận động Global Witness công bố ngày 17/10 cho thấy các mạng xã hội TikTok và Facebook đã duyệt những quảng cáo chứa tin sai, tin giả về cuộc bầu cử Mỹ, chỉ vài tuần trước khi cuộc bỏ phiếu chính thức bắt đầu. Biểu tượng TikTok trên màn hình điện thoại. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN...