Ông Trump có thể “bắt bài” Triều Tiên trong cuộc đàm phán lịch sử?
Trước thông điệp có phần bất ngờ mềm mỏng từ Triều Tiên, giới quan sát hoài nghi về ý định thật sự của Bình Nhưỡng khi đưa ra lời mời hội đàm. Chuyên gia Harry J. Kazianis của National Interest đã “hiến kế” cho Tổng thống Mỹ Donald Trump cách “bắt bài” Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty)
Ngày 9/3, dư luận thế giới đã đổ dồn sự chú ý về bán đảo Triều Tiên khi cả Washington và Bình Nhưỡng đồng ý tham gia hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5, động thái mang lại niềm hy vọng rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân dai dẳng trong khu vực có thể sắp đến hồi kết.
Tuy nhiên, ông Kazianis cho rằng còn một quãng đường rất xa để có thể đạt được đến mục tiêu đó. Ông cho rằng chỉ dựa vào việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đề nghị 2 bên cùng ngồi lại và bàn bạc về vấn đề phi hạt nhân hóa của Triều Tiên không có nghĩa là hòa bình sẽ được lập lại “một sớm, một chiều”.
Nhiều ý kiến đồn đoán cho rằng chính quyền ông Kim dường như chỉ đang cố “câu giờ” nhằm âm thầm tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân. Đó là chưa kể tới tình huống xấu nhất xảy ra khi cuộc hội đàm giữa 2 bên không thể đạt tới kết quả đồng thuận do sự thiếu tin tưởng từ nhiều thập niên đối đầu lẫn nhau. Trong kịch bản đó, Washington và Bình Nhưỡng có thể sẽ lại tiếp tục đổ lỗi cho phía còn lại và tệ hơn cả có thể lại tiếp tục đẩy bán đảo Triều Tiên tới “miệng hố chiến tranh”.
Video đang HOT
Với những rủi ro được dự tính, chuyên gia Kazianis cho rằng chính quyền Tổng thống Trump nên tỉnh táo và có sự chuẩn bị cẩn thận trước khi bước vào trận chiến “cân não” với đối thủ Triều Tiên.
Đội ngũ của ông Trump nên chắc chắn rằng họ hiểu rõ mong muốn của các đồng minh nằm gần Triều Tiên trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản. Kịch bản đàm phán được đưa ra nên có sự đồng thuận của cả 3 bên để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất cho cả Triều Tiên lẫn Mỹ cũng như các đồng minh.
Theo ông Kazianis, chỉ có một lựa chọn duy nhất cho địa điểm tổ chức cuộc đàm phán và đó là Hàn Quốc. Cụ thể, chuyên gia này cho rằng khu vực phi quân sự (DMZ) ở bên phía Hàn Quốc là nơi lý tưởng nhất và ông Trump nên từ chối nếu Bình Nhưỡng yêu cầu ông phải đến Triều Tiên để tham gia hội nghị thượng đỉnh.
Thêm vào đó, ông Trump nên kiên quyết lập trường về các cuộc tập trận quân sự chung. Ông Kazianis cho rằng việc các quốc gia có chủ quyền thực hiện các cuộc tập trận để củng cố và nâng cao năng lực tác chiến cho lực lượng của họ là chuyện bình thường, giống như việc Triều Tiên được cho là vẫn tổ chức các cuộc diễn tập vào mùa đông. Nếu Bình Nhưỡng kiên quyết đòi Mỹ hủy bỏ hoàn toàn việc tập trận chung với Hàn Quốc, ông Trump nên tìm giải pháp để có thể cân bằng giữa yêu cầu của 2 bên hơn là từ bỏ.
Khi bắt đầu bước vào đàm phán, Mỹ nên yêu cầu Triều Tiên đưa ra lộ trình sơ bộ về quy trình phi hạt nhân hóa. Nếu Bình Nhưỡng từ chối đưa ra lộ trình này và ông Kim dường như muốn “câu giờ”, ông Kazianis cho rằng Mỹ cần phải cứng rắn yêu cầu Bình Nhưỡng.
Cuối cùng, chuyên gia này nhận định Triều Tiên có thể sẽ đưa chiến lược “áp lực tối đa” của Mỹ vào chương trình nghị sự và tìm cách thương lượng để giảm bớt lệnh trừng phạt cô lập Triều Tiên. Vì vậy, để có thể gỡ bỏ các rào cản trừng phạt, ông Kazianis cho rằng đội ngũ của ông Trump nên tỉnh táo và đánh giá một cách toàn diện thiện chí của Bình Nhưỡng, cũng như bày tỏ rõ thiện chí của phía Mỹ trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào liên quan tới vấn đề kinh tế.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Quan chức Hàn Quốc mang thông điệp "chưa từng công bố" của Triều Tiên sang Mỹ
Cố vấn an ninh của Tổng thống Hàn Quốc sẽ mang thông điệp "chưa từng công bố" của Triều Tiên sang Mỹ sau chuyến thăm Bình Nhưỡng.
Ông Chung Eui-yong đích thân gửi bức thư của Tổng thống Moon Jae-in cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi tới thăm Triều Tiên ngày 5/3. (Ảnh: Reuters)
Yonhap dẫn lời các quan chức của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, ông Chung Eui-yong, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Hàn Quốc và là cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Hàn Quốc, sẽ bắt đầu chuyến thăm kéo dài hai ngày tới thủ đô Washington của Mỹ vào ngày mai 8/3.
Theo các quan chức trên, ông Chung sẽ thông báo với các quan chức Mỹ về kết quả của chuyến thăm Triều Tiên vừa kết thúc của ông, trong đó có một thông điệp "chưa từng được công bố" từ phía Bình Nhưỡng. Đi cùng ông Chung trong chuyến thăm Mỹ lần này còn có Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon.
Nhằm mục đích thúc đẩy triển vọng đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên, ông Chung cho biết ông sẽ mang thông điệp riêng của Triều Tiên cho Mỹ, song không thể tiết lộ nội dung thông điệp.
"Chúng tôi không thể tiết lộ mọi chuyện cho truyền thông nhưng chúng tôi đã có trong tay những thông điệp riêng của Triều Tiên mà chúng tôi dự kiến sẽ mang sang Mỹ khi tới thăm Mỹ", ông Chung phát biểu trong cuộc họp báo hôm 6/3.
Trước đó, ông Chung Eui-yong và các quan chức cấp cao Hàn Quốc đã có chuyến đi tới Bình Nhưỡng, gặp mặt và ăn tối cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Chuyến đi của phái đoàn Hàn Quốc được giới chuyên gia nhận định là "hiếm có" và là động thái chưa từng có tiền lệ kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền hồi năm 2011.
Ngay từ đầu, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Hàn Quốc đã khẳng định mục tiêu chính trong chuyến thăm tới Triều Tiên của ông là nhằm thuyết phục Triều Tiên đối thoại với Mỹ. Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Chung nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên đã bày tỏ sự sẵn lòng trong việc đối thoại với Washington. Ông cũng dẫn lời ông Kim Jong-un cho biết Bình Nhưỡng sẵn sàng đặt vấn đề hạt nhân lên bàn đàm phán với Mỹ.
Sau chuyến thăm tới Mỹ, ông Chung dự kiến sẽ tới thăm Trung Quốc, Nga và Nhật Bản để thông báo kết quả chuyến đi tới Triều Tiên. Ngoài Triều Tiên và Hàn Quốc, Mỹ, Trung, Nga và Nhật là 4 trong số 6 quốc gia từng tham gia cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên trước khi bị dừng lại từ cuối năm 2008.
Thành Đạt
Theo Dantri
Triều Tiên dọa trả đũa nếu Mỹ "mang mây đen chiến tranh" đến khu vực Triều Tiên tuyên bố sẽ trả đũa Mỹ nếu Washington tổ chức tập trận chung với Hàn Quốc trong khi vẫn giáng lệnh trừng phạt xuống Triều Tiên, hành động bị Bình Nhưỡng coi là "mang mây đen chiến tranh tới khu vực". Quân nhân Triều Tiên diễu hành trong một buổi lễ duyệt binh (Ảnh: KCNA) Hãng thông tấn Trung ương Triều...