‘Ông trùm’ Tasco chìm trong ‘vũng lầy’ BOT
Hiện cổ phiếu Công ty CP Tasco (HUT) được cho là “chạm đáy” chỉ còn dưới 5.000 đồng/cổ phiếu (mức giá này chỉ ngang tiền một cốc trà đá). Vậy tại sao có thảm cảnh như vậy?
Tasco đang bị sa lầy tại nhiều dự án BOT
“Phú quý giật lùi…”
Còn nhớ, thời đỉnh điểm cao nhất của HUT đạt được vào năm 2016 với mức cổ phiếu từng giao dịch là 12.000 đồng/cổ phiếu (CP).
Tuy nhiên, bước sang năm 2017, 2018, HUT lao dốc khá nhanh mất tới gần 60% giá trị trên thị trường chứng khoán.
Mức giảm bắt đầu từ năm 2017 khi tổng doanh thu chỉ đạt 2.195 tỷ đồng, sụt giảm 26% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế thu về 297,5 tỷ, giảm gần 27%.
Tiếp đà “giật lùi” đó, kết quả doanh thu và lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2018 của Tasco giảm sâu so với cùng kỳ.
Cụ thể, quý 3/2018, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản của HUT chỉ ghi nhận 42 tỷ, chưa bằng một phần năm của cùng kỳ 2017.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Tasco đạt 764,7 tỷ đồng tổng doanh thu và 80,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 47% và 64% so với cùng kỳ năm trước.
Với hơn 268 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường HUT theo đó chỉ còn khoảng 1.477 tỷ đồng.
BOT – “chưa lối thoát”?
Hoà chung “bức tranh” ảm đảm trong doanh thu của Tasco phải kể đến sự thất bại nặng nề trong việc triển khai đầu tư các dự án BOT. Trừ tuyến BOT Quảng Bình, Tasco báo lãi 41 tỷ trong năm 2017, còn lại hàng loạt các dự án khác đang bị đình trệ, không lối thoát.
Điển hình nhất phải kể đến “làn sóng” phản đối BOT Tân Đệ đặt trên quốc lộ 10, thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Tại dự án này, người dân cho rằng trạm BOT Tân Đệ đã hết hạn thu phí, việc Công ty Tasco vẫn duy trì hoạt động của trạm thu phí này để hoàn trả vốn quốc lộ 10, đoạn tránh thị trấn Đông Hưng (huyện Đông Hưng, Thái Bình) là vô lý, bởi người dân không đi qua tuyến đường này nên họ sẽ không đóng phí.
Chỉ 2 tuần sau đó, tiếp tục “làn sóng” phản đối đó lây lan sang BOT Mỹ Lộc (Nam Định) trên tuyến QL21B, cũng là đường tránh thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định).
Video đang HOT
Người dân cho rằng, làn đường rộng 5m trên QL21B, đoạn từ vòng tròn Big C Nam Định đến trạm thu phí Mỹ Lộc dài 3,9 km là BT, không phải là BOT.
Chính vì sự vô lý của 2 BOT này, nhiều lái xe đã lập chốt để phản đối việc thu phí. Vậy là suốt 3-4 tháng nay, các trạm BOT này buộc phải xả trạm, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của Tasco.
Không chỉ dừng lại ở đó, theo tìm hiểu của VietnamFinance tại hàng loạt các dự án BOT khác của Tasco cũng đang gặp vướng mắc.
Ví dụ như dự án BOT Quốc lộ 10 Hải Phòng đã thi công xong cơ bản toàn bộ tuyến vào cuối năm 2017 nhưng chưa hoàn toàn giải phóng mặt bằng nên chưa thể thực hiện thu phí.
Dự án BOT Đông Hưng, công ty chưa thực hiện thi công xong vì vướng mặt bằng, do đó dự án kéo dài thêm 3 tháng…
Chuyển hướng đầu tư
Hiện tại, Tasco được mệnh danh là “ôm trùm BOT” với số lượng đầu tư các dự án BOT giao thông hàng đầu khu vực phía Bắc, nhưng cũng cần nhắc lại rằng Công ty này đang đầu tư dàn trải trên nhiều lĩnh vực.
Ngay sau khi BOT không còn là “miếng bánh” màu mỡ và “chúng tôi không ăn dày”, như lời ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tasco từng chia sẻ, thì trong một động thái gần nhất, tháng 1/2018, Tasco dường như đã “ngán” cầu đường khi quyết định thoái vốn nhanh tại Tổng công ty Thăng Long (nơi đơn vị này là một trong những cổ đông lớn nhất).
Cùng đó, đến tháng 6/2018, Tasco công bố quyết định của Hội đồng Quản trị về tăng vốn điều lệ Công ty TNHH T’ HOSPITAL lên 158,6 tỷ đồng. Mục đích để thực hiện dự án Bệnh viện tại khu đất nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH Tập đoàn Hải Châu Việt Nam.
Dự án bệnh viện này có tổng mức đầu tư dự kiến là 765 tỷ đồng. T’ HOSPITAL cần tăng vốn để thực hiện đầu tư 20% dự án, tương đương 153 tỷ đồng.
Theo kế hoạch phát triển của công ty, lĩnh vực y tế được định hướng là 1 trong 3 lĩnh vực chủ đạo của Tasco trong tương lai bên cạnh bất động sản, hạ tầng giao thông. Hoạt động đầu tư y tế được Tasco nghiên cứu từ cuối năm 2012 và quản lý thông qua công ty con T’ HOSPITAL thuộc sở hữu 100% của công ty.
Nhà đầu tư tháo chạy, ông trùm “mua vào”…
Dù có bước chuyển hướng trong rất nhiều lĩnh vực như rác thải, y tế, môi trường…. tuy nhiên, niềm tin vào Tasco đã “nguội” lạnh đối với các nhà đầu tư chiến lược.
Cụ thể, Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth vừa bán ra 450.000 cổ phiếu HUT giảm số lượng cổ phần nắm giữ xuống 3.004.526 cổ phần, tương đương 1,2% vốn điều lệ. Tiếp đó, Công ty CP Quản lý Quỹ VinaCapital cũng bán 500.000 cp HUT giảm tỷ lệ sở hữu xuống 1,03%.
Tuy nhiên, có một điều ngoài dự đoán đó là khi các nhà đầu tư “nhanh chân” rút khỏi “con tàu đắm” thì ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tasco lại vừa thông báo đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu HUT.
Theo thông tin từ Sở chứng giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), dự kiến giao dịch trên sẽ thực hiện từ ngày 5/11 đến 29/11 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Nếu mua đủ số lượng đăng ký, ông Dũng sẽ nâng sở hữu tại HUT lên hơn 21,68 triệu cổ phiếu, tương đương 8,74% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Dưỡng, Tổng giám đốc cũng liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu HUT. Sau 2 lần đăng ký mua, vị này đã sở hữu 393 nghìn cổ phiếu HUT, tương ứng 0,16% vốn.
Vậy phải chăng, ông Dũng quá đắm đuối với “con tàu” Tasco,…. hoặc đang trông chờ vào Dự án thu phí không dừng (VETC) đang được Chính phủ, Bộ giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo triển khai trong năm 2019.
Nên nhớ, tại Dự án VETC, nhiều đơn vị, chủ đầu tư dự án BOT đã “tố” mức giá của VETC đưa ra khá cao. Họ yêu cầu thuê đơn vị khác đấu thầu cạnh tranh, giá rẻ hơn và chất lượng, dịch vụ vẫn như vậy.
Hay ông Phạm Quang Dũng, đang trông chờ hàng loạt trạm thu phí BOT của Tasco sẽ được thu phí trong năm tới?
Dù chưa rõ hồi kết, nhưng giá cổ phiếu của Tasco giờ chỉ còn 5.000 đồng/CP tương đương một cốc trà đá. Thật đáng tiếc cho một trong những “ông trùm” BOT tại Việt Nam.
Đinh Tịnh
Theo vietnamfinance.vn
BOT và Tasco: Duyên "bạc" - Nợ "vàng"
Tasco (mã: HUT) được biết đến là một "đại gia có tiếng" trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông và quản lý các dự án BOT. Nhưng đến nay, "con gà đẻ trứng vàng" này lại trở thành gánh nặng kéo doanh thu và lợi nhuận của ông trùm Tasco tụt dốc.
"Thu phí tự động như miếng xương, làm mới thấy sai lầm"...
Nhiều chỉ tiêu kinh doanh "đảo chiều"
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất Quý III/2018 của Tasco, doanh thu thuần đạt hơn 164 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 54 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ gần 3,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lợi nhuận gộp giảm gần 58% so với cùng kỳ năm trước, từ gần 106 tỷ xuống còn 44,6 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính tăng gần 5,7 lần từ 14,6 tỷ lên 80,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính chiếm đến gần 36 tỷ đồng. Điều đáng nói là chi phí lãi vay của HUT chiếm 100% tỷ trọng của chi phí tài chính.
Điều đáng nói, chi phí tài chính của HUT luôn ở mức cao, có khi vượt hơn doanh thu tài chính và chi phí lãi vay luôn chiếm gần như tuyệt đối trong cân đối chi phí tài chính của HUT.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của HUT cũng tăng mạnh, lần lượt là 6,5 tỷ và 30 tỷ (tăng xấp xỉ 4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước).
"Mặc dù, năm 2018, HUT đã đặt kế hoạch lãi sau thuế là 207 tỷ đồng, giảm hơn 31% so với năm trước nhưng trong 9 tháng qua, công ty của ông Phạm Quang Dũng chưa thực hiện được 50% mục tiêu đề ra với con số không mấy ấn tượng: 39 tỷ đồng cho một doanh nghiệp có bề dày trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng dự án lớn.
Cuối Quý III/2018, tổng tài sản của HUT đạt hơn 10.776 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu năm. Nợ phải trả vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu nguồn vốn của HUT.
Đáng chú ý, vay và nợ thuê tài chính dài hạn của công ty tại thời điểm này lên tới gần 5.343 tỷ đồng. Các khoản phải thu dài hạn rơi vào khoảng 1.202 tỷ (tăng 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó, khoản phải thu khách hàng của Tasco là 1.142 tỷ đồng, chiếm 95 % tỷ trọng.
Khi gà không còn đẻ "trứng vàng"
Tasco được biết là một doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án BOT, BT "vàng" như: dự án nâng cấp và cải tạo đường 39B; dự án nâng cấp Quốc lộ 1 - Quảng Bình; Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn qua tỉnh Thái Bình; dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc... Nhưng ngay từ giữa năm 2017, ông Phạm Quang Dũng đã "gây bão" trong lĩnh vực đầu tư BOT khi khi khẳng định, định hướng phát triển trong 5 năm tới của công ty này không còn là BOT, BT mà tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm: đầu tư bất động sản, y tế, công nghệ.
Hiện, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này là gần 7.500 tỷ. Trong đó, nợ ngắn hạn là 912 tỷ, nợ dài hạn là 6.560 tỷ đồng.
Nhìn từ thuyết minh báo cáo tài chính, trong tổng vay dài hạn, HUT đang vay cho các dự án BOT, BT tại các ngân hàng BIDV chi nhánh Nam Định, VDB chi nhánh Nam Định Nam Định, VCB chi nhánh Hà Nội và BIDV chi nhánh Sở giao dịch 3.
Lần lượt, tại ngân hàng BIDV chi nhánh Nam Định, HUT vay gần 2.000 tỷ đồng, dành 1.768 tỷ đồng cho dự án BOT, gần 180 tỷ cho dự án BT; tại VDB chi nhánh Nam Định Nam Định, HUT vay 361 tỷ cho dự án BOT; tại VCB chi nhánh Hà Nội là 2.149 tỷ đồng cho dự án BOT; tại BIDV chi nhánh Sở giao dịch 3 là hơn 725 tỷ đồng cho dự án thu phí tự động không dừng. Như vậy, vay BOT và BT của HUT rơi vào khoảng 5235 tỷ đồng, chiếm đến gần 70% tổng nợ.
Mặc dù, đã khẳng định sẽ đầu tư mạnh vào lĩnh vực y tế, tuy nhiên, tỷ trọng vay của HUT dành cho các dự án lĩnh vực này khá thấp, chỉ gần 131 tỷ đồng tại các ngân hàng VCB chi nhánh Hà Nội và TP Bank chi nhánh Tây Hà Nội.
Là một "trùm BOT" với thâm niên 10 năm nhưng gần đây Tasco liên tục gặp "vận đen" với các dự án này. Tiêu biểu, BOT Đông Hưng, Quốc lộ 10 Hải Phòng gặp vấn đề về giải phóng mặt bằng, dự án đường 39B hiện chưa quyết toán xong và dự án thu phí không dừng VETC gặp khó khăn lắp đặt thiết bị, chi phí tăng cao.
Bản thân ông Dũng cũng không ngần ngại thừa nhận, đầu tư vào dự án thu phí không dừng VETC là một sai lầm. "Thu phí tự động như miếng xương, làm mới thấy sai lầm", ông Dũng khẳng định tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017.
Từ tháng 3 năm ngoái, ông Dũng đã tuyên bố dừng đầu tư vào lĩnh vực BOT vì cho rằng, tỷ suất sinh lời của các dự án BOT, BT dù ổn định khoảng 11,5%/năm nhưng mức lợi nhuận này không quá cao bởi nguồn vốn chủ sở hữu bị "giam" quá lâu.
Và theo quan điểm của ông Dũng, BOT và BT đã không còn là "tâm điểm" kinh doanh của Tasco nhưng các dự án này vẫn "nghiễm nhiên" chiếm tỷ trọng lớn cơ cấu nợ bởi thời hạn vay kéo dài của những hợp đồng lên đến 19,5 năm. Và duyên phận của Tasco và BOT vẫn chưa thể dừng lại, theo ý muốn.
Mới đây, Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth và Công ty CP Quản lý quỹ VinaCapital đã bán ra 950.000 cổ phiếu HUT.
Hiện, phiếu HUT hiện đang giao dịch dưới mức 5.000 đồng/cổ phiếu. Trong phiên giao dịch sáng nay (8/11), cổ phiếu HUT giao dịch quanh ngưỡng 4.600đ/cổ phiếu.
Theo thuonggiaonline.vn
'Đại gia' Tasco thời khó: Doanh thu tiếp tục lao dốc, kinh doanh bất động sản ảm đạm Ban lãnh đạo Tasco cho biết, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là vì công ty chưa bàn giao hết căn hộ cho người mua nhà tại dự án Xuân Phương Residence. Một dự án bất động sản của Tasco. Công ty CP Tasco (mã CK: HUT) vừa công bố báo cáo...