Ông Trần Hùng bị phạt 9 năm tù tội nhận hối lộ
TAND TP Hà Nội kết tội bị cáo Trần Hùng lợi dụng chức vụ quyền hạn nhận hối lộ 300 triệu đồng và tuyên phạt 9 năm tù.
Video: Ông Trần Hùng bị phạt 9 năm tù tội nhận hối lộ
11 giờ trưa nay 27-7, TAND Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm vụ án sản xuất, mua bán hàng giả là sách giáo khoa giả có quy mô lớn, trong đó mấu chốt là hành vi nhận hối lộ mà cựu Cục phó Quản lý Thị trường Trần Hùng luôn bác bỏ.
Bản án tuyên đánh giá có đủ căn cứ bị cáo Trần Hùng, Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT) đã lợi dụng chức vụ quyền hạn nhận hối lộ 300 triệu để giúp đỡ Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát giảm nhẹ trách nhiệm trong vụ việc sách giả mà Đội QLTT số 17 thuộc Cục QLTT Hà Nội thụ lý giải quyết, tháng 7-2020.
Cựu Cục phó QLTT Trần Hùng tuyên án sơ thẩm. Ảnh: Phi Hùng
Về quan điểm của luật sư, cũng như các lập luận, chứng cứ đưa ra cho rằng không thể có việc bị cáo Hùng gặp và nhận tiền như lời khai của người môi giới hối lộ Nguyễn Duy Hải, thẩm phán chủ tọa cho rằng không đủ để coi là chứng cứ ngoại phạm.
Bản án sơ thẩm lập luận:
Mặc dù lời khai của Nguyễn Duy Hải có khác nhau về thời gian đưa tiền, nhưng xuyên suốt nội dung lời khai của bị cáo này đều thể hiện việc đưa tiền cho Hùng để giúp đỡ Thuận.
Mặt khác, lời khai của hai nhân chứng quan trọng là Kiều Nghiệp và Nguyễn Văn Kim là cán bộ quản lý thị trường, đồng nghiệp của Trần Hùng, đều cho thấy Hải có mang theo một túi bóng đen tới phòng làm việc của Hùng.
Ngoài ra, lời khai của Hải về việc đưa nhận tiền cho Hùng vào đầu giờ chiều ngày 15-7-2020 phù hợp với lời khai các nhân chứng và quá trình thực nghiệm điều tra của cơ quan công an.
Với lập luận như vậy, bản án sơ thẩm đánh giá hành vi của bị cáo Trần Hùng đã làm ảnh hưởng tới uy tín của các cơ quan công quyền, gây mất niềm tin của nhân dân.
Đối với nhóm bị cáo bị xét xử về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, HĐXX đánh giá hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới trật tự xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra và tại tòa, các bị cáo đều thành khẩn khai báo và có nhân thân tốt. Một số bị cáo đã chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả, vì vậy được coi là tình tiết giảm nhẹ khi nghị án.
Thẩm phán chủ tọa đọc bản án sơ thẩm. Ảnh: Phi Hùng
Người môi giới Nguyễn Duy Hải bị phạt cao hơn mức VKS đề nghị
Bị cáo Cao Thị Minh Thuận, dù có hành vi đưa hối lộ, nhưng do đã tích cực hợp tác, chủ động khai báo trước khi bị phát giác nên được miễn trách nhiệm hình sự, không bị truy tố ra tòa. Tuy nhiên, Thuận đã phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả, nên tuyên án 10 năm tù.
Bị cáo Trần Hùng bị tuyên phạt sơ thẩm 9 năm tù về tội nhận hối lộ, so với mức 9-10 năm tù mà VKSND Hà Nội đề nghị.
Bị cáo Nguyễn Duy Hải 27 tháng tù về tội môi giới hối lộ.
Bị cáo Lê Việt Phương 30 tháng tù, Thành Thị Đông Phương 18 tháng (hưởng án treo), Phạm Ngọc Hải 20 tháng tù (hưởng án treo) – cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ở nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả, ngoài Thuận thì bị cáo nhận hình phạt nặng nhất là Nguyễn Mạnh Hà, 6 năm tù giam. Các bị cáo còn lại chịu mức án sơ thẩm từ 5 năm tù đến nhẹ nhất là 24 tháng tù, cho hưởng án treo.
Ngoài ra, các bị cáo phải nộp lại tiền nhận hối lộ, các khoản thu lợi bất chính, và các nghĩa vụ dân sự khác.
Như PLO đã đưa, xuất phát điểm của vụ án này là tin báo nghi vẫn có hoạt động sản xuất, kinh doanh sách giáo khoa giả mà ông Trần Hùng nhận được đầu tháng 7-2020 khi đang là Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục QLTT. Ông Hùng đã bút phê chuyển đơn vị nghiệp vụ và Đội QLTT số 17 của Cục QLTT Hà Nội thụ lý.
Quá trình kiểm tra sau đó phát hiện Công ty Phú Hưng Phát của Cao Thị Minh Thuận có hoạt động liên quan đến lô sách giả hơn 27.000 cuốn. Tuy nhiên, quá trình giải quyết sau đó không đến nơi đến chốn.
36 bị cáo nghe tuyên án. Ảnh: Phi Hùng
Nghi vấn tập trung vào Trần Hùng, người bị truy tố tội nhận hối lộ, Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) về tội môi giới hối lộ. Lê Việt Phương – Phó Đội trưởng Đội QLTT số 17; Phạm Ngọc Hải cùng Thành Thị Đông Phương – đều là kiểm soát viên Đội QLTT 17 bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cáo trạng và quá trình xét xử cho thấy, nhóm bị cáo về các tội sản xuất, buôn bán sách giả đều nhận tội.
Ở nhóm các bị cáo về tội danh tham nhũng, chỉ duy nhất Trần Hùng từ khi bị khởi tố, bắt tạm giam, cho đến ngày cuối cùng ở phiên sơ thẩm, đều một mực kêu oan.
Trong lời nói sau cùng, ông Trần Hùng còn nhắc đến Nghị quyết 27 về Nhà nước pháp quyền XHCN và đề nghị HĐXX thể hiện tinh thần cải cách tư pháp, tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, tôn trọng kết quả tranh tụng công khai tại tòa, để ra phán quyết nghiêm minh, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội.
Phần chứng cứ gỡ tội mạnh nhất mà nhóm luật sư của bị cáo Trần Hùng đưa ra là định vị điện thoại của Trần Hùng, Nguyễn Duy Hải. Theo đó, ở khoảng thời gian đưa, nhận hối lộ “đầu giờ chiều” ngày 15-7-2020 mà Hải khai thì điện thoại của bị cáo này cũng như Trần Hùng không thể ở phòng làm việc của Hùng, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tuy nhiên, VKS đối đáp rằng định vị này chỉ có ý nghĩa với điện thoại, trong khi không thể khẳng định Hùng, Hải ở ngay sát điện thoại ấy.
Luật sư đề nghị trả tự do cho bị cáo Trần Hùng ngay tại tòa
Ngày 22/7, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Hùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương) về tội "Nhận hối lộ".
Ngoài bị cáo Trần Hùng, 35 bị cáo khác bị xét xử về các tội: "Môi giới hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Sản xuất, buôn bán hàng giả".
Quá trình luận tội, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, bị cáo Hùng đã có hành vi nhận hối lộ 300 triệu đồng để bao che cho hành vi sản xuất sách giả của bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát), nên đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Hùng từ 9 - 10 năm tù.
Suốt ba ngày xét xử, bị cáo Hùng đều kêu oan, không nhận tội. Bào chữa cho bị cáo Hùng, luật sư cho rằng, Viện kiểm sát chỉ dựa vào lời khai của bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do, bị truy tố về tội môi giới hối lộ) để buộc tội bị cáo Trần Hùng, mà không đưa ra các "chứng cứ vật chất" khác là chưa khách quan...
Bị cáo Trần Hùng (áo màu bã trầu) và các bị cáo tại phiên tòa.
Sau khi đưa ra quan điểm gỡ tội cho bị cáo Hùng, luật sư bào chữa đề nghị đại diện Viện kiểm sát đánh giá nhân chứng, vật chứng, xem xét lại toàn bộ vụ việc, đồng thời đề nghị xem xét, trả tự do cho bị cáo Hùng ngay tại tòa.
Đối đáp với luật sư, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, có đủ căn cứ kết luận, bị cáo Hùng đã nhận hối lộ 300 triệu đồng của bị cáo Thuận thông qua người môi giới là bị cáo Hải. Đại diện Viện kiểm sát phản bác lập luận của luật sư khi cho rằng, chỉ dựa vào lời khai duy nhất của Hải mà không có nhân chứng, vật chứng.
Theo đại diện Viện kiểm sát, các luật sư yêu cầu phải đưa ra "chứng cứ vật chất" để chứng minh, nhưng các luật sư phải hiểu rõ về "nguồn chứng cứ" theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. "Nguồn chứng cứ có nghĩa là từ nhiều nguồn khác nhau, không phải lúc nào cũng là chứng cứ vật chất. Nguồn chứng cứ ở đây có thể là lời khai của bị cáo, là vật chứng, biên bản đối chất, biên bản giám định. Hơn nữa, để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo có thể căn cứ vào lời kể lại, nghe lại của những người khác, trong khi những lời này là khách quan, logic", đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh.
Đại diện Viện kiểm đối đáp với luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Hùng.
Đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm, lời khai của bị cáo Hải về việc đưa hối lộ cho bị cáo Hùng rất logic, có đầy đủ trật tự về thời gian, địa điểm và phù hợp với các chứng cứ khác nên không thể nói là "Viện kiểm sát buộc tội bị cáo Hùng về tội nhận hối lộ là không khách quan".
Ngoài bị cáo Hùng bị đề nghị từ 9 - 10 năm tù về tội "Nhận hối lộ", đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với bị cáo Lê Việt Phương (cựu Phó Độ trưởng Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội) từ 30 - 36 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Cùng tội danh này, hai cán bộ cấp dưới của bị cáo Phương là bị cáo Phạm Ngọc Hải (cựu Kiểm sát viên Đội Quản lý thị trường số 17) bị đề nghị mức án từ 24 - 30 tháng tù, cho hưởng án treo và bị cáo Thành Thị Đông Phương (cựu Kiểm sát viên Đội Quản lý thị trường số 17) từ 18 - 24 tháng tù, cho hưởng án treo.
Bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do, trú tại phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị đề nghị 1 năm 11 tháng tù về tội "Môi giới hối lộ". Mức án đề nghị bằng thời hạn tạm giam nên đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử trả tự do cho bị cáo Hải ngay sau khi tuyên án.
Bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát)bị đề nghị mức án từ 11 - 12 năm tù về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả". 30 bị cáo còn lại bị truy tố về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" tùy theo mức độ phạm tội mà bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 24 - 30 tháng tù, cho hưởng án treo đến 7 - 8 năm tù.
Ông Trần Hùng kêu oan, nói '10 năm không một ai mua chuộc được tôi' Cựu tổ trưởng quản lý thị trường (QLTT) Trần Hùng kêu oan, khẳng định không nhận hối lộ và nói "suốt 10 năm công tác, không một ai buôn bán hàng giả có thể mua chuộc được tôi". Chiều 19.7, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử ông Trần Hùng, cựu Tổ trưởng Tổ 304, nay là Tổ 1444 (Tổng cục QLTT, Bộ...