Ông Tập răn đe ai khi quyết không cho phép chiến tranh ở Triều Tiên
Tuyên bố không cho phép chiến tranh nổ ra ở Triều Tiên của ông Tập là thông điệp răn đe mạnh mẽ tới cả đối thủ lẫn đồng minh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua phát biểu trước một nhóm ngoại trưởng châu Á, nhấn mạnh Bắc Kinh “nhất quyết không cho phép chiến tranh hay khủng hoảng” bùng phát trên bán đảo Triều Tiên. Ông đồng thời bày tỏ cam kết sẽ thực thi những biện pháp trừng phạt Triều Tiên, liên quan tới chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này, một cách “toàn diện và đầy đủ”, theo CSMonitor.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa, làm dấy lên làn sóng phản đối quyết liệt trên thế giới. So với những phát ngôn có phần kém trực diện và thẳng thắn trước đây, bình luận mới nhất mà ông Tập đưa ra cho thấy sự thay đổi rõ nét trong thái độ của Trung Quốc đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Dù vậy, giới quan sát vẫn hoài nghi liệu đây có thật sự là dấu hiệu cho thấy bước chuyển biến quan trọng trong chính sách của Bắc Kinh hay không.
Video đang HOT
Trả lời cho câu hỏi “Tuyên bố của ông Tập nhắm tới ai”, Michael Auslin, chuyên gia về quan hệ Mỹ – Nhật tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng Trung Quốc dường như muốn truyền thông điệp tới 4 nước, bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và cả Triều Tiên.
Đối với Seoul, thông điệp mà Bắc Kinh muốn đưa ra là đừng dồn ép láng giềng phương bắc của họ vào đường cùng bằng cách gia tăng áp lực hay những lời đe dọa.
Về phía Nhật Bản, điều mà Trung Quốc nhắm tới có lẽ là lời cảnh báo rằng Tokyo hãy tránh xa để Bắc Kinh tự giải quyết các vấn đề với đồng minh Bình Nhưỡng cũng như những mối lo ngại về an ninh khu vực, ông Auslin đánh giá.
Cuối cùng, mục tiêu dễ thấy nhất chắc chắn là Triều Tiên và Mỹ, ông David Firestein, lãnh đạo cấp cao tại Viện Đông – Tây, trụ sở ở New York, nhận định.
“Về cơ bản, Trung Quốc đang cố gắng khuếch đại lời nhắn mà họ gửi đến Triều Tiên suốt nhiều năm qua, ‘Này, chúng tôi thực sự không muốn chứng kiến một cuộc xung đột lớn nổ ra trên bán đảo Triều Tiên đâu’”, Firestein cho hay. Nhưng mặt khác, thông điệp đó cũng hướng tới Mỹ, như một lời nhắc nhở rằng Trung Quốc “rất nghiêm túc” trong việc gìn giữ hòa bình trên bán đảo và mọi hành động của Washington có thể phá vỡ thế cân bằng hiện tại, ví dụ như triển khai một Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD), đều “không được chào đón”.
THAAD là hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Mỹ và Hàn Quốc đang cân nhắc triển khai hệ thống này tới khu vực nhằm đối phó với những động thái khiêu khích ngày càng tăng từ Triều Tiên.
Nhưng một số nhà phân tích cho rằng, ngoài những thông điệp chính kể trên, tuyên bố của ông Tập còn chứa đựng nhiều thứ hơn thế. Vài người chú ý tới thời điểm mà nó được đưa ra, không lâu sau khi ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng thuộc đảng Cộng hòa Donald Trump thông báo sẽ áp dụng những “đòn bẩy cần thiết lên Trung Quốc để kiềm chế Triều Tiên” nếu ông trở thành tổng thống Mỹ.
Bắc Kinh được cho là bên có nhiều ảnh hưởng nhất đến Bình Nhưỡng. Dù vậy, hầu hết các nhà phân tích đều thống nhất rằng Trung Quốc vẫn không thể áp đặt, buộc ông Kim Jong-un cũng như giới lãnh đạo Triều Tiên phải tuân theo những quyết định của mình. Họ chỉ đơn giản là không nắm giữ “chìa khóa diệu kỳ” để mở cánh cửa Triều Tiên, ông Auslin nhấn mạnh.
Phát biểu trước hàng loạt quan chức ngoại giao hàng đầu khu vực, ông Tập có lẽ coi đây là cơ hội để “thể hiện uy quyền” và ngầm khẳng định rằng viễn cảnh chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên vẫn còn là một kịch bản tương đối xa vời.
“Lịch sử cho thấy lời nói của Triều Tiên thường nghiêm trọng hơn rất nhiều những gì họ làm”, ông Firestein bình luận. Vì thế, “khả năng ông Tập phải ‘ra tay’ là rất thấp”.
Nhưng “thấp” không đồng nghĩa với “không tồn tại”, và việc ông Tập sử dụng cụm từ “tuyệt đối không cho phép” khiến giới quan sát tiếp tục phải đặt câu hỏi Chủ tịch Trung Quốc sẽ hết lòng đến đâu trong việc thực hiện cam kết.
“Tuyên bố của ông Tập chủ yếu là về việc không để Triều Tiên phát động một cuộc tấn công”, ông Dwight Perkins, giáo sư kinh tế chính trị tại Trường Harvard Kennedy, nhận xét. “Nhưng nếu Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản quyết định tấn công phá hủy các cơ sở hạt nhân Triều Tiên, ông ấy sẽ làm gì?”
Vũ Hoàng
Theo VNE