Ông Tập Cận Bình “mắc kẹt” với Triều Tiên
Chủ tịch Tập Cận Bình là người quyền lực nhất Trung Quốc, có thể ra quyết định về mọi lĩnh vực từ kinh tế, quân sự, chính sách đối ngoại, nhân quyền… nhưng ông lại “mắc kẹt” trong vấn đề Triều Tiên.
Cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên của Triều Tiên hôm 4-7 đặt ra câu hỏi về lằn ranh đỏ của Trung Quốc đối với đồng minh này.
Liệu vụ thử mới sẽ buộc ông Tập hành động cương quyết chống Bình Nhưỡng như lời yêu cầu từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump? Theo báo New York Times, câu trả lời là ông Tập sẽ làm rất ít nếu phải hành động.
Ông Tập không ủng hộ chương trình hạt nhân của Triều Tiên nhưng ông lo ngại việc phải chấm dứt chính quyền Bình Nhưỡng hơn nhiều. Điều này có thể dẫn đến việc hai miền Triều Tiên thống nhất và Trung Quốc phải chứng kiến cảnh quân đội Mỹ áp sát biên giới trong khi dòng người tị nạn từ Triều Tiên chạy sang.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) do dự về việc đối phó với Triều Tiên. Ảnh: New York Times
Ông Wu Riqiang, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Trường ĐH Renmin (Trung Quốc), cho biết khả năng tên lửa tầm xa của Triều Tiên đe dọa Mỹ nhiều hơn Trung Quốc. Trung Quốc sẽ lo ngại nếu Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc tầm trung.
“Đối với Trung Quốc, vụ thử hạt nhân lần thứ 6 là mối đe dọa nghiêm trọng hơn ICBM. Vũ khí hạt nhân và các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng gần biên giới Trung Quốc lại là mối đe dọa về chiến lược và môi trường đối với Bắc Kinh” – ông Feng Zhang, chuyên gia về khoa học chính trị tại Trường ĐH Quốc gia Úc, nhận định.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Trung Quốc lại lo ngại các biện pháp đối phó Triều Tiên của Mỹ, như việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc.
Theo ông Cheng Xiaohe, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Renmin, bất kể hành động của Triều Tiên là gì, ông Tập cũng sẽ rất khó khăn để vạch ra lằn ranh đỏ với Bình Nhưỡng dù là chính thức hoặc không chính thức. “ICBM không phải là lằn ranh đỏ của Trung Quốc, thậm chí Mỹ cũng không vạch ra được giới hạn rõ ràng” – ông Cheng nói.
Chuyên gia này cho rằng nếu Trung Quốc vạch ra lằn ranh đỏ, Bắc Kinh và Washington đều phải tự hành động đáp trả, chẳng hạn như việc Trung Quốc cắt nguồn cung cấp dầu cho Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh không thể gây sức ép lớn lên Bình Nhưỡng bởi điều này có thể khiến Triều Tiên bất ổn và người dân nước này tràn qua biên giới Trung Quốc.
Ông Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Renmin và từng là cố vấn chính phủ, cho rằng ngoài hạn chế thương mại song phương, ông Tập không còn nhiều “quân bài” đối phó Triều Tiên. “Là một chiến lược gia, ông Tập đang đối mặt với lựa chọn khó khăn: Cho dù sử dụng hết các biện pháp có thể với lãnh đạo Kim Jong-un thì cũng chưa chắc có hiệu quả. Chiến lược gia này có thể làm gì? Câu giờ là điều không thể tránh khỏi” – ông Shi nhận xét.
Chuyên gia này cho rằng ông Tập đang đối mặt đồng thời với một lãnh đạo Triều Tiên “ngày càng quyết tâm và quyết đoán” cùng một tổng thống Mỹ khó đoán. “Ông Tập và ông Donald Trump không phải lúc nào cũng đồng thuận. Ngay cả khi điều đó xảy ra, họ cũng rất khó đối phó với ông Kim” – chuyên gia này nói.
Xuân Mai (Theo New York Times)
Khả năng hủy diệt của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công phủ đầu hàng loạt quốc gia, đồng thời ngăn chặn nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Với vụ phóng thử thành công tên lửa Hwasong-14 hôm 4/7, Triều Tiên trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), một trong những loại vũ khí uy lực và khó đánh chặn nhất thế giới, theo Quartz.
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho biết thiết kế cơ bản của ICBM là hai đến ba quả tên lửa xếp chồng lên nhau, được gọi là các "tầng đẩy", cho phép đầu đạn bay xa hơn so với tên lửa chỉ có một tầng đẩy. Bất kỳ tên lửa đạn đạo nào có tầm bắn trên 5.500 km đều được xếp vào nhóm ICBM.
Đến nay, mới chỉ có 7 quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ, Liên Xô/Nga, Trung Quốc, Pháp, Israel, Ấn Độ và Triều Tiên từng phát triển thành công ICBM. Lý do ICBM không phổ biến là việc chế tạo chúng rất khó khăn, phức tạp, trong khi chúng chỉ cần thiết trong những điều kiện chiến lược và chính trị nhất định.
Một quốc gia chỉ cần tới ICBM khi đã sở hữu công nghệ sản xuất vũ khí hạt nhân, cũng như có lý do chiến lược để sử dụng nó. Việc trang bị đầu đạn thông thường cho ICBM sẽ không mang lại hiệu quả trong tác chiến.
ICBM là một trong những vũ khí khó chế tạo nhất trong lịch sử. Tên lửa cần có lực đẩy rất lớn để thắng trọng lực, từ đó phóng vật thể nặng như đầu đạn hạt nhân vào quỹ đạo và tới mục tiêu cách hàng nghìn km. Quá trình kiểm soát lực đẩy này cũng rất tinh vi, nếu không nó sẽ khiến tên lửa phát nổ.
Khối lượng lớn của đầu đạn hạt nhân và khoảng cách bay xa của ICBM gây ra nhiều vấn đề hơn so với các hệ thống tên lửa tầm ngắn. David Wright, đồng giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Có quan tâm (UCS) ở Mỹ, cho rằng điều này buộc các nước phải chế tạo tên lửa lớn và đắt đỏ hơn nhiều lần. "Một tên lửa ba tầng có khả năng mang một tấn chất nổ đi xa 10.000 km thường có khối lượng khoảng 80-90 tấn", ông Wright nói.
ICBM được phát triển trong Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và Liên Xô chạy đua vũ trang. Sự phổ biến của loại vũ khí đáng sợ này đã tạo nên cách tiếp cận hoàn toàn mới về xung đột giữa các siêu cường.
Việc sở hữu ICBM mang đầu đạn hạt nhân sẽ duy trì học thuyết "đảm bảo hủy diệt lẫn nhau" (MAD) cho mỗi quốc gia. Theo đó, chỉ cần một nước phóng ICBM, những nước còn lại sẽ phóng toàn bộ kho tên lửa hạt nhân vào các mục tiêu của đối phương. Khi đó, ICBM sẽ trở thành vũ khí hủy diệt thế giới. Điều này khiến không một quốc gia nào dám khơi mào chiến tranh hạt nhân, góp phần tạo ra sự ổn định chiến lược trên toàn thế giới.
Số ICBM sẽ được phóng trên toàn thế giới theo học thuyết MAD. Đồ họa: Mod DB.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các quốc gia vẫn duy trì học thuyết MAD bằng ICBM. Năm 2011, Mỹ và Nga ký kết hiệp ước nhằm hạn chế kho ICBM của mình. Nhưng cũng có những nước như Israel, Ấn Độ hay Triều Tiên, luôn sử dụng khả năng răn đe hạt nhân để ngăn chặn xung đột với các đối thủ trong khu vực.
Khả năng phát triển và sản xuất ICBM của Bình Nhưỡng không hề kém cỏi, dù vẫn còn sơ khai và thường gặp thất bại trong các thử nghiệm. Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình Đông Á tại Trung tâm nghiên cứu chống phổ biến vũ khí James Martin (JMCNS), cho biết mẫu tên lửa đạn đạo đầu tiên của Mỹ mang tên Redstone từng thất bại 9 trong 10 lần thử nghiệm đầu tiên.
Ông Lewis khẳng định chương trình tên lửa Triều Tiên đã chứng kiến cả thành công và thất bại, nhưng thành tựu của họ là đáng tôn trọng. Hồi năm 2000, tình báo Mỹ dự đoán Triều Tiên có thể sở hữu ICBM trước năm 2015, nhưng nước này đã hoãn tổ chức bắn thử tên lửa trong nhiều năm để giành lợi thế ngoại giao. "Mọi người thường nghĩ công nghệ Triều Tiên rất kém cỏi, nhưng thống kê cho thấy họ có tỷ lệ phóng thử thành công tới 50%", ông Lewis cho biết.
Một thách thức lớn với ICBM là đảm bảo đầu đạn không bị hư hại trong quá trình hồi quyển, vốn tạo ra ma sát rất lớn với nhiệt độ hơn 1.000 độ C, trước khi được kích nổ bên trên mục tiêu. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo cho rằng những lần phóng thử gần đây chưa chứng minh việc Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ vận hành ICBM.
Tuy nhiên, với vụ phóng thử thành công tên lửa Hwasong-14, Triều Tiên đã bước đầu sở hữu khả năng đe dọa trực tiếp tới lãnh thổ Mỹ. Nó sẽ gây nhiều khó khăn cho chính sách duy trì ảnh hưởng tại châu Á của Washington, đồng thời mang lại cho Bình Nhưỡng lợi thế ngoại giao không nhỏ, đúng với mục đích ra đời ban đầu của ICBM, chuyên gia Mizokami kết luận.
Việt Hòa
Theo VNE
Trung - Hàn nhất trí tăng cường trừng phạt Triều Tiên Lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc hôm nay thống nhất tăng cường trừng phạt nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên. Ảnh: Reuters. Tại cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị...