Ông Tập Cận Bình ký thông qua luật an ninh, Hoàng Chi Phong tuyên bố ‘tiếp tục bảo vệ Hong Kong’
Chiều 30-6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký thông qua Luật an ninh quốc gia áp đặt lên Hong Kong. Số phận của các phong trào chính trị ở Hong Kong cùng các thủ lĩnh như Hoàng Chi Phong đang bị treo lơ lửng.
Từ trái qua: Agnes Chow, Nathan Law và Hoàng Chi Phong – ba thủ lĩnh của Demosisto – đồng loạt tuyên bố rời khỏi đảng ngày 30-6 – Ảnh chụp màn hình SCMP
Trong bản tin phát lúc 18h ngày 30-6, Tân Hoa xã cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký thông qua 6 chương, 66 điều của đạo Luật an ninh quốc gia.
Nội dung chi tiết vẫn không được công bố nhưng các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc sẽ bị nghiêm trị theo luật mới.
Demosisto, đảng có Hoàng Chi Phong đóng vai trò chủ chốt, đã giải tán chỉ vài tiếng sau khi Luật an ninh được thông qua bởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc.
Các lãnh đạo khác của phong trào như Nathan Law, Agnes Chow và Jeffrey Ngo cũng tuyên bố rời khỏi đảng được thành lập sau phong trào sinh viên năm 2016.
Hoàng Chi Phong và các nhà quan sát nước ngoài đều có cùng một nhận định: Demosisto sẽ trở thành mục tiêu chính của luật an ninh mới.
Tuy nhiên, cả Hoàng Chi Phong và Nathan Law đều tuyên bố sẽ không rời khỏi Hong Kong và tiếp tục ý định ra tranh cử nghị sĩ trong cuộc bầu cử tháng 9 tới.
Video đang HOT
“Tôi sẽ tiếp tục bảo vệ Hong Kong – quê hương của mình – cho tới khi họ buộc được tôi im lặng và loại bỏ được tôi ra khỏi vùng đất này”.
Một nhóm người Hong Kong ủng hộ chính quyền trung ương ăn mừng với champagne sau khi luật an ninh được thông qua – Ảnh: REUTERS
Tình thế có phần hơi khác cho các phong trào chủ trương đòi độc lập hoàn toàn cho Hong Kong, tức ly khai khỏi Trung Quốc.
Mặt trận Quốc gia Hong Kong thông báo sẽ chấm dứt các hoạt động tại thành phố nhưng sẽ tiếp tục đấu tranh từ Đài Loan và Anh. Studentlocalism, một phong trào khác, cũng tuyên bố khai trừ các thành viên đang ở Hong Kong và chuyển hoạt động ra nước ngoài.
Ông Baggio Sixtus, một cựu nghị sĩ Hong Kong, xác nhận đã rời khỏi vị trí người phát ngôn của mặt trận nhưng tuyên bố sẽ không rời khỏi Hong Kong.
Trước đó, một số người kêu gọi độc lập cho Hong Kong đã chạy ra nước ngoài nhưng nhắn nhủ những người ở lại đừng từ bỏ lý tưởng.
Một quan chức trong chính quyền Hong Kong từ chối cho biết liệu những người như ông Baggio có bị bắt nếu ở lại đặc khu hay không. Bắc Kinh cam kết đảm bảo các quyền tự do cơ bản cho người Hong Kong và nhấn mạnh luật mới chỉ nhắm vào một nhóm nhỏ ở Hong Kong.
Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc năm 1997 theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” với hệ thống hành pháp, lập pháp và tư pháp độc lập so với đại lục.
Theo Tuyên bố chung Trung – Anh, Bắc Kinh cam kết duy trì mô hình này đến năm 2047, tức 50 năm sau khi thu hồi Hong Kong.
Điều 23 trong Luật cơ bản Hong Kong – hiến pháp thu nhỏ của đặc khu – yêu cầu chính quyền thành phố “tự ban hành các đạo luật cấm mọi hành vi phản quốc, ly khai, chia rẽ và xúi giục lật đổ chính quyền nhân dân trung ương”, tức Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Luật an ninh quốc gia được thông qua ngày 30-6 lại do chính quyền đại lục tự soạn thảo. Theo SCMP, Bắc Kinh không tin tưởng giao cho cơ quan lập pháp Hong Kong vì sự phân cực chính trị tại đặc khu này.
Đây là điều khiến Mỹ và phương Tây lên tiếng chỉ trích, cho rằng việc Bắc Kinh thay chính quyền Hong Kong làm luật vào năm 2020 – năm thứ 23 trong thỏa thuận dài 50 năm – là một sự can thiệp và thất hứa mang tính hủy hoại nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”.
Anh mở đường cấp quyền công dân cho người Hong Kong
Anh mở đường cấp quyền công dân cho người Hong Kong sở hữu hộ chiếu quốc gia Anh ở nước ngoài, nếu Trung Quốc áp luật an ninh quốc gia lên đặc khu này.
Người Hong Kong sở hữu hộ chiếu quốc gia Anh ở nước ngoài (British National (Overseas) - BNO) sẽ có thể được cấp quyền công dân Anh nếu Trung Quốc áp luật an ninh quốc gia lên đặc khu này, chính phủ Anh thông báo ngày 28-5, theo thông tin từ báo South China Morning Post.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raad và Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Batel có tuyên bố này ngay trong ngày Quốc hội Trung Quốc thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh quốc gia dành riêng cho Hong Kong.
Hộ chiếu BNO được cấp cho những người Hong Kong sinh trước thời điểm Anh trao trả TP này lại cho chính phủ Trung Quốc (năm 1997). Theo quy định hiện tại, những người có hộ chiếu này có thể sang Anh trong sáu tháng, nhưng không thể làm việc hay xin được cấp quyền công dân. Tới thời điểm tháng 12-2019 có khoảng 300.000 người Hong Kong giữ hộ chiếu BNO.
Ngoại trưởng Raad nói Anh giờ sẵn sàng thay đổi quy định này.
"Nếu Trung Quốc tiếp tục đi con đường này và thực hiện luật an ninh quốc gia, chúng tôi sẽ thay đổi hiện trạng, và chúng tôi sẽ bỏ giới hạn sáu tháng, cho phép những ai có hộ chiếu BNO đến Anh và được phép làm việc, học hành với thời gian có thể kéo dài lên 12 tháng, và theo đó mở đường cho khả năng được cấp quyền công dân trong tương lai" - Ngoại trưởng Raad nói với các nhà báo.
"Trong lúc đó chúng tôi đề nghị Trung Quốc dừng lại và tôn trọng trách nhiệm của mình với tư cách là một thành viên dẫn đầu của cộng đồng quốc tế" - ông Raad nói thêm.
Dân Hong Kong kéo về biểu tình trước lãnh sự quán Anh ở đặc khu hồi tháng 9-2019, đề nghị chính phủ Anh cấp quyền công dân cho những người có hộ chiếu quốc gia Anh ở nước ngoài. Ảnh: SCMP
Đồng tình với Ngoại trưởng Raad, Bộ trưởng Nội vụ Patel tuyên bố: "Lo ngại sâu sắc với đề xuất của Trung Quốc về điều luật liên quan đến an ninh quốc gia ở Hong Kong. Nếu có chuyện ban hành, ông DominicRaab và tôi sẽ nghiên cứu các phương án cho con đường có được quyền công dân cho những người có hộ chiếu BNO".
Bộ trưởng Patel vốn được biết là người ủng hộ cho người Hong Kong có hộ chiếu BN(O) được cấp quyền công dân Anh.
Ông Johnny Patterson, Giám đốc tổ chức Quan sát Hong Kong (trụ sở tại London) cho rằng chính phủ Anh nên chuẩn bị có thêm hành động ủng hộ người Hong Kong.
"Nếu mọi việc tệ hơn, Anh sẽ cần cân nhắc kéo dài thời hạn lên trên 12 tháng và thêm quyền lưu trú, và khuyến khích các đối tác quốc tế khác lập một 'kế hoạch cứu sinh' để đảm bảo mọi người Hong Kong trong đó có cả những người sinh sau năm 1997 được hỗ trợ" - theo ông Patterson.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Raad và Bộ trưởng Nội vụ Batel nếu được thực hiện thì sẽ là một bước thay đổi quan trọng trong chính sách lâu nay của Anh về Hong Kong - thuộc địa cũ của Anh.
Chính phủ Anh có bước đi này một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo lên Quốc hội Mỹ rằng mức độ tự trị cao của Hong Kong không còn được duy trì. Tuyên bố này có thể mở đường cho Mỹ rút lại quy chế đặc biệt về kinh tế, thương mại dành cho Hong Kong.
Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố Hong Kong 'không còn tự chủ' Mike Pompeo nói rằng Hong Kong không còn được hưởng quyền tự chủ mà Bắc Kinh đã hứa hẹn, khi Trung Quốc sắp ra luật an ninh quốc gia. "Không ai suy nghĩ hợp lý có thể nói rằng Hong Kong duy trì mức độ tự chủ cao với Trung Quốc đại lục, với tình hình thực tế hiện nay", Pompeo ngày 27/5...