Ông Putin kể chuyện từng từ chối làm tổng thống
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, khi nhận được lời đề nghị cất nhắc lên làm tổng thống Nga từ người tiền nhiệm Boris Yeltsin vào cuối những năm 1990, ông đã từ chối vì khi đó ông cảm thấy mình chưa sẵn sàng để gánh vác trọng trách lớn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Sputnik)
Trong cuộc gặp mặt với các học sinh tại một trường ở Yaroslavl ngày 11/12, ông Putin chia sẻ rằng ông từng không nghĩ mình sẽ trở thành tổng thống Nga.
Khi được các học sinh hỏi ông đã lựa chọn định hướng nghề nghiệp là tổng thống như thế nào, ông Putin cho biết thực tế ông đã không lựa chọn.
“Tổng thống đầu tiên của Nga Boris Yeltsin, triệu tập tôi và và nói rằng ông ấy muốn đề cử tôi với Quốc hội để trở thành thủ tướng và sau đó ông ấy muốn tôi tranh cử tổng thống. Tôi đã trả lời là không. Ông Yeltsin rất ngạc nhiên và hỏi lý do tại sao. Tôi đã trả lời rằng mình chưa sẵn sàng”, Tổng thống Nga kể lại.
Ông Putin lý giải rằng vào thời điểm đó dù ông đã có nhiều kinh nghiệm chính trị và cũng có một vị trí nhất định, nhưng ông cảm thấy chưa sẵn sàng để có thể kế nhiệm ông Yeltsin. Ông Putin hy vọng rằng giới trẻ hiện tại có thể chuẩn bị tốt hơn để đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc đời mà không rơi vào tình trạng bất ngờ, chưa tự tin như ông từng trải qua.
Sự kiện ngày 11/12 là một diễn đàn về hướng nghiệp cho thanh thiếu niên, và ông Putin đã tham gia, chia sẻ lời khuyên với các bạn trẻ về việc lựa chọn định hướng sau khi tốt nghiệp.
Cũng trong sự kiện này, ông Putin nói rằng không có tiêu chí cụ thể cho những người có hoài bão trở thành người đứng đầu nước Nga , dù sự hiểu biết về luật pháp, kinh tế và trong nhiều lĩnh vực sẽ giúp họ hoàn thành công việc tốt hơn.
Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh rằng những người muốn đảm nhận vị trí này cần phải xác định sẽ cống hiến một phần lớn cuộc đời cho một công việc đòi hỏi rất cao. Ngoài ra, người này sẽ cần sự cảm thông khi đưa ra quyết định mỗi ngày và cân nhắc liệu quyết định này có khiến người khác bị tổn hại hay không. Ông Putin cũng khuyên thế hệ trẻ có ước mơ làm tổng thống hãy trở thành một người sống đàng hoàng, dù tiêu chí này thực chất đúng với mọi ngành nghề.
Video đang HOT
Cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin (bên trái) bắt tay Tổng thống Putin (Ảnh: Sputnik)
Ông Putin từng chia sẻ về quyết định kế nhiệm ông Yeltsin trong bộ phim tài liệu của đạo diễn Mỹ Oliver Stone hồi năm ngoái. Ông thừa nhận rằng vào thời điểm cuối những năm 1990, ông không có mạng lưới quan hệ cá nhân ủng hộ ở Moscow và ông quan ngại rằng nếu như ông thất bại trong việc kế nhiệm ông Yeltsin, ông sẽ khiến vợ và 2 con gái rơi vào tình thế nguy hiểm.
Ông Boris Yeltsin (1931-2007) là Tổng thống đầu tiên của Nga. Ông được coi là người đã hướng nước Nga đến nền kinh tế thị trường và theo giới quan sát, một trong những di sản tốt nhất mà ông đã để lại chính là việc tin tưởng và lựa chọn ông Putin làm người kế nhiệm.
Ông Yeltsin từng đánh giá ông Putin là một người có tư tưởng dân chủ, hiểu rất rõ phương Tây, cũng như là một người cứng rắn và sẽ theo đuổi đến cùng con đường đưa nước Nga tới dân chủ, phát triển kinh tế, và thiết lập các mối quan hệ ngoại giao mới.
Chính ông Yeltsin là người đã đề cử ông Putin làm Thủ tướng Nga. Vào giao thừa năm 1999-2000, ông Yetlsin đã từ chức và chuyển giao quyền lực tạm thời cho ông Putin trong 6 tháng. Ông Putin đã thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000. Từ đó tới nay, ông đã giữ những chức vụ cao trong chính phủ Nga như tổng thống và thủ tướng.
Đức Hoàng
Theo Dantri/ RT
Quy định khắt khe về quà tặng của tổng thống Nga
Tương tự tổng thống Mỹ, các món quà tặng nhà lãnh đạo Nga cũng phải trải qua quá trình kiểm tra an ninh khắt khe, bên cạnh những quy định về giá trị và nơi lưu giữ các món quà.
Tổng thống Putin tặng người đồng cấp Mỹ một quả bóng tại cuộc gặp ở Helsinki ngày 16/7 (Ảnh: Reuters)
Trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki, Phần Lan ngày 16/7, Tổng thống Putin đã khiến nhiều người có mặt tại cuộc họp báo bất ngờ khi tặng cho người đồng cấp Mỹ một quả bóng có chữ ký của nhà lãnh đạo Nga và nói rằng quả bóng bây giờ đã ở phía Mỹ. Đây được cho là món quà ý nghĩa khi Nga vừa tổ chức thành công một mùa World Cup và Mỹ sẽ đăng cai sự kiện thể thao này vào năm 2026.
Tổng thống Trump cho biết ông sẽ mang quả bóng này về cho con trai út Barron. Trong khi đó, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats khẳng định món quà của Tổng thống Putin "chắc chắn sẽ được xem xét rất cẩn thận". Cơ quan Mật vụ Mỹ xác định quá trình kiểm tra an ninh được áp dụng với mọi món quà của tổng thống Mỹ, bao gồm cả quả bóng World Cup.
Theo trang mạng RBTH (Nga), không có món quà tặng nào được cho là ngẫu nhiên trong quan hệ quốc tế.
"Một nhóm gồm ít nhất 10 người sẽ phụ trách vấn đề tặng quà. Đây là nghi thức ngoại giao và không khác nhau nhiều giữa các quốc gia", cây bút Yekaterina Sinelschikova bình luận trên RBTH.
Theo ông Vladimir Shevchenko, cựu lãnh đạo cục lễ tân dưới thời cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin, việc tặng quà sẽ do cả hai quốc gia bàn bạc trước khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau.
Những bức tượng bán thân từng được lãnh đạo Liên Xô chọn làm quà tặng (Ảnh: TASS)
Dưới thời nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khruschev, các món quà liên quan tới lãnh tụ Lenin rất thịnh hành. Mỗi khi các quan chức Liên Xô có dịp đi công tác nước ngoài hoặc phát biểu tại các hội nghị đảng cộng sản, họ thường mang theo các bức tượng nửa người của lãnh tụ Lenin. Tùy theo từng trường hợp mà kích cỡ của các bức tượng cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, theo ông Shevchenko, cách tặng quà thời nay khác ngày xưa.
"Trước khi tặng cho ai đó một món quà, bạn cần nghiên cứu về họ. Khi chúng tôi lần đầu đến Mỹ để gặp (Tổng thống) Ronald Reagan, chúng tôi biết ông ấy là người rất thích cưỡi ngựa. Chúng tôi đã chuẩn bị một yên ngựa do người Kirgiz làm. Họ là những người có thể làm ra những chiếc yên ngựa tốt nhất cho chúng tôi. Những chiếc yên ngựa như vậy thường rất đẹp. Tuy nhiên, phần quan trọng của chiếc yên này không nằm ở phần trang sức, mà nằm ở phần cốt. Để có thế đóng được một chiếc yên ngựa chuẩn, chúng tôi phải biết cân nặng chính xác của con ngựa của tổng thống Reagan", ông Khruschev.
Những món quà được đưa vào ngân khố liên bang Nga năm 1993 (Ảnh: Sputnik)
Đôi khi các món quà sẽ được chọn từ một bộ sưu tập, hay trong các cuộc triển lãm hoặc các cửa hàng đồ cổ. Tuy nhiên thông thường quà thường được làm theo đặt hàng. Nếu quà là một chiếc đồng hồ đeo tay thì chiếc đồng hồ đó phải được làm ở Nga. Đại diện của cục lễ tân Nga cho biết các mẫu quà tặng được chọn thường không được sản xuất đại trà và giá thường không vượt quá 6.000 rúp (khoảng 96 USD), song đây chỉ là mức quà dành cho cấp bộ trưởng, chứ không phải quà tặng tổng thống.
Các nghi thức ngoại giao không cho phép nhận các món quà như bất động sản, xe ô tô hay trang sức. Dưới thời nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev, tất cả các món quà được tặng có giá hơn 500 USD sẽ được chuyển vào ngân khố quốc gia và một phần trong số đó sẽ được đưa tới bảo tàng.
Ngày nay, các món quà sẽ được chuyển tới một căn phòng đặc biệt gần thư viện tổng thống tại một trong số các cánh của Điện Kremlin. Nếu món quà nào có giá trị vượt quá 40.000 rúp (khoảng 640 USD), chúng sẽ trở thành tài sản của quốc gia. Tuy nhiên nếu cần thiết, chúng vẫn có thể được bán đi.
Ngoài ra, tổng thống có thể giữ lại những món quà rẻ hơn nếu muốn. Chẳng hạn, Tổng thống Putin từng giữ lại một số món quà như các con vật, biểu tượng của tổng giám mục, một quả trứng Phục sinh, một bức tranh vẽ tay từ một phụ nữ ở Latvia, đôi găng tay từ một phụ nữ ở Cheboksary và bộ sưu tập nước hoa từ ban nhạc rock Nga Lyube.
Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdimuhamedow (trái) tặng Tổng thống Putin một con chó nhân dịp sinh nhật lần thứ 65 của nhà lãnh đạo Nga. (Ảnh: Sputnik)
Tuy nhiên, dù cho các món quà về tay tổng thống hay được đưa tới Điện Kremlin, chúng đều phải trải qua các bước kiểm tra an ninh nghiêm ngặt. Thông thường sẽ có khoảng vài chục người tham gia vào khâu kiểm tra này. Đầu tiên, các món quà sẽ được đưa về cục lễ tân và sau đó sẽ do Cơ quan Bảo vệ Liên bang (FSO), một cơ quan cực kỳ bí mật tại Nga, kiểm tra.
"Chúng tôi từng tìm thấy những con bọ, những thiết bị nghe lén được giấu bên trong các món quà", Andrey Kolyadin, người từng làm việc trong chính quyền tổng thống Nga, cho biết, song không tiết lộ đó là món quà của tổng thống nào.
Chuyện gắn thiết bị nghe lén vào quà tặng từng xảy ra trong quan hệ Nga - Mỹ. Vào năm 1946, một nhóm các em nhỏ thuộc đội thiếu niên tiền phong Liên Xô đã tặng cho Đại sứ Mỹ tại Liên Xô Averell Harriman một bức điêu khắc bằng gỗ lấy nguyên mẫu từ quốc huy của Mỹ. Món quà này được treo tại nơi ở của đại sứ Mỹ ở Moscow trong vòng 7 năm trước khi Bộ Ngoại giao Mỹ phát hiện ra rằng đây không chỉ đơn thuần là một món đồ trang trí, mà trong đó có gắn cả thiết bị nghe lén.
Do vậy, khi Tổng thống Putin tặng quả bóng cho ông Trump hồi tuần trước, một số người Mỹ đã nghi ngờ Nga có thể gắn thiết bị nghe lén vào trong món quà này.
"Nếu là tôi, tôi sẽ kiểm tra thiết bị nghe lén giấu trong quả bóng và không bao giờ cho phép mang nó vào Nhà Trắng", thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham viết trên Twitter.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Nga, Mỹ thổi bùng nguy cơ thế chiến 3 ở Syria giữa căng thẳng Lính Mỹ và Nga đang đe dọa sơ xuất kích động một chiến tranh ở Trung Đông trong bối cảnh Moscow và Washington liên tục cảnh báo, tập trận dằn mặt nhau ở Syria, một cựu cố vấn chính phủ Nga cho biết. Lính Nga, Mỹ được cho là có nguy cơ đụng độ ở Syria. Ông Alexander Nekrassov, cựu cố vấn chính...