Ông Phùng Xuân Nhạ: Xóa biên chế mới tạo được đột phá trong giáo dục
“Nếu cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được đột phá cho quá trình đổi mới giáo dục”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích về việc thí điểm xóa bỏ biên chế giáo viên.
Liên quan đến chủ trương thí điểm bỏ biên chế giáo viên, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua việc tự chủ chỉ được bàn đến nhiều ở giáo dục đại học, chưa đề cập ở giáo dục phổ thông. Đây là băn khoăn của ngành. Vì vậy, khi xây dựng nghị định tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục, Bộ Giáo dục đã phải tách thành hai, một nghị định cho giáo dục đại học và một nghị định dành cho giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng Nhạ thông tin, giáo dục phổ thông chưa đề cập tới vấn đề tự chủ tài chính, mà là phân cấp, phân quyền cho các cơ sở giáo dục, bao gồm tự chủ về nhiệm vụ và tự chủ về nhân sự.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Từ trước đến nay, các trường đã được phân quyền nhưng thực tế sự chủ động vẫn chưa nhiều. Nếu như không phân cấp cho các trường mạnh hơn nữa thì vai trò chủ động của các nhà trường và tính linh hoạt của thầy cô giáo chắc chắn sẽ mờ nhạt. Đồng thời, khó tránh khỏi việc các cấp quản lý như sở, phòng sẽ can thiệp vào nhiệm vụ chuyên môn cũng như nhiều hoạt động khác của trường.
Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh, vấn đề thiếu tự chủ nhất hiện nay ở các nhà trường là tổ chức bộ máy và nhân sự. Thực tế các trường mới có nhu cầu tuyển dụng, biết rõ số lượng giáo viên thừa thiếu ra sao, nhưng lại bị động trong khâu tuyển dụng giáo viên. Việc tuyển dụng thường do UBND huyện hay các sở đảm nhiệm theo kế hoạch biên chế chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho các trường, dẫn đến hiện tượng vênh về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ, gây khó khăn cho các trường.
Ông Nhạ cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn. Nếu cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được đột phá cho quá trình đổi mới giáo dục. Vì vậy, đã tới lúc phải đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ, và tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên.
“Mọi thay đổi của ngành đều phải hướng tới mục đích tốt hơn hiện tại. Vấn đề sâu xa chúng ta đang giải quyết là thu nhập, môi trường làm việc, tạo động lực tinh thần cho giáo viên để họ thấy lao động của mình được coi trọng xứng đáng”, Bộ trưởng Giáo dục nói và khẳng định lâu nay xã hội vẫn đề cập tới vấn đề thu nhập của giáo viên thấp, đời sống khó khăn.
“Đó là sự thật và cũng là món nợ mà người đứng đầu ngành như tôi cảm thấy day dứt khi chưa trả được. Nhưng sẽ rất khó có thể tạo ra sự thay đổi nếu cứ mãi bó buộc trong đồng lương công chức, viên chức đã được quy định chung”, Bộ trưởng trăn trở.
Video đang HOT
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng để xóa bỏ được quan niệm về biên chế với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên không thể làm ngay. Nhưng tạo ra một lối suy nghĩ khác, coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất, tự tin vào năng lực làm việc để khẳng định dù không dạy ở trường này có thể dạy ở trường khác, tạo ra một thị trường lao động thực sự, trong đó chất lượng là thước đo hàng đầu, năng lực của người giáo viên được thể hiện qua thu nhập – là việc cần phải làm.
Đây là vấn đề có thể tác động đến hơn một triệu giáo viên nên Bộ sẽ nghiên cứu kỹ, từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng một lúc toàn ngành giáo dục chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng. Những nơi nào có điều kiện thì thí điểm. Chẳng hạn một số trường phổ thông có thương hiệu, điều kiện thì cho thí điểm từng bước một, sau đó rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng ra. Việc này vẫn đang trong giai đoạn xem xét, tính toán của ngành giáo dục.
“Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành hữu quan và các địa phương để cụ thể hóa chủ trương này trong thời gian tới. Ban đầu sự thay đổi này sẽ có tác động nhiều chiều đến đội ngũ giáo viên, sẽ có người đồng thuận, sẽ có người băn khoăn, thậm chí là phản đối, nhưng về lâu dài việc chuyển sang chế độ hợp đồng đối với giáo viên là cần thiết để từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn liền với quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Theo Hoàng Thùy (VNE)
Muốn hay không cũng cần bỏ biên chế giáo dục
Biên chế trong ngành giáo dục đã hạn chế rất lớn sự phấn đấu vươn lên và triệt tiêu những thầy cô giỏi thật sự ngoài xã hội.
Trong buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ GD ĐT, Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay: Từng bước giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, tiến tới xóa bỏ biên chế trong các đơn vị công lập nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của người lao động để thuận lợi cho việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp.
Theo tôi, đây là việc lẽ ra phải làm từ lâu và ai công tác trong ngành giáo dục cũng thừa hiểu như vậy nhưng quyết sách này khi được nói ra từ vị tư lệnh ngành đã tạo nên cơn đại địa chấn trong ngành giáo dục.
Định biên trong ngành giáo dục cũng có khoảng thời gian để thầy cô tái tạo năng lượng và đây là giờ vàng để làm thêm công việc khác để tăng thu nhập hoặc nhanh gọn hơn là dạy thêm.Vì sao vậy? Vì biên chế như là một cam kết xã hội mang tính pháp lý không nói ra nhưng ai cũng hiểu là tuy lương không cao song "vững" gần như đến lúc nghỉ hưu.
Cảm giác này không thể sai vì chính tôi cũng từng nằm trong số đó.
Năm 1984, tôi tốt nghiệp đại học sư phạm và may mắn có biên chế tại một trường học ở TP.HCM. Từ đây đã có thể yên tâm về cả quãng đời còn lại với một công việc không thể bị mất.
Sự định biên "như sơn như núi này" đã hạn chế rất lớn sự phấn đấu vươn lên và triệt tiêu những thầy cô giỏi thật sự ngoài xã hội.
Thời gian gần đây có nhiều đồn đoán rằng phải "chạy" bộn tiền mới được một biên chế trong ngành giáo dục. Xóa biên chế như ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng là bước đầu xóa tiêu cực vì hợp đồng lao động là có thay đổi, tùy thuộc vào năng lực và căn cứ vào ý kiến của phụ huynh.
Thiết chế hội đồng giáo dục trong nhà trường sẽ là cơ sở để tuyển chọn với hình thức thi tuyển để lấy được thầy cô phù hợp với công việc nhất.
Hiện nay, số lượng giáo viên tốt nghiệp từ các trường đại học rất nhiều, đây là những giáo viên trẻ, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của ngành và xã hội nhưng đều không có việc làm do quy định về thi tuyển công chức của ngành giáo dục.
Theo đó, yêu cầu đòi hỏi là ngoài chuyên môn thì giáo viên phải có hộ khẩu thành phố, hộ khẩu tại địa phương nơi mong muốn được thi tuyển.
Bỏ biên chế được kỳ vọng sẽ hạn chế tiêu cực trong ngành giáo dục. Ảnh: Ngọc Thọ
Do vậy, khi bỏ biên chế trong ngành giáo dục sẽ xóa bỏ các "rào cản" trong quy trình tuyển dụng và tạo cơ hội cho những giáo viên đủ năng lực, có trình độ chuyên môn cao được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Hơn nữa, việc bỏ biên chế trong ngành giáo dục sẽ tạo động lực cho những giáo viên hiện đang công tác phải thay đổi cách làm việc, thay đổi cách suy nghĩ "hết ngày, hết giờ là về". Giáo viên phải tự học tập để nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu công việc.
Tuy nhiên, trong cuộc đối thoại vào tháng 8 năm ngoái với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Giáo sư Ngô Bảo Châu bày tỏ sự tán đồng nhưng cũng lưu ý đặc thù của bậc đại học:
"Tôi đồng ý với Bộ trưởng Nhạ.
Nhưng tôi nghĩ việc này cần một sự thận trọng nhất định. Bởi, xét trên bình diện thế giới thì hầu hết giảng viên đại học cỡ giáo sư là được biên chế. Đối tượng nhắc đến là "sau tiến sĩ", được tuyển dụng xong thì đều có biên chế cả.
Điều này với mỗi cá nhân họ, có một phần là sự đánh đổi. Thường thì những người làm giảng dạy có thu nhập thấp hơn những người đi làm kinh tế. Đổi lại, họ có một sự an toàn về công việc.
Vấn đề thứ nữa là khi có biên chế, giáo sư đại học cảm thấy mình là người chủ của trường đại học.
Ở những trường đại học top đầu của Mỹ, ông hiệu trưởng không "dạy" được những ông giáo sư đâu. Hiệu trưởng không thể nói: "Ngày mai ông giáo sư nào đó làm gì cho tôi".
Bởi đơn giản ông giáo sư có biên chế. Chỉ trừ trường hợp ông ấy có vấn đề gì đó, hiệu trưởng mới có quyền đuổi việc giáo sư.
Thế nên, có lẽ việc thay đổi viên chức rộng rãi cho cả giáo viên đại học và phổ thông, cá nhân tôi cho rằng nên hết sức thận trọng.
Tất nhiên, chúng ta muốn một môi trường năng động hơn. Nhưng không lẽ, một giáo viên phổ thông đã 40 - 45 tuổi mà lại có thể bị ngừng hợp đồng làm việc một cách dễ dàng chỉ đơn thuần họ không đáp ứng được nhu cầu hay sao?
Về mặt logic, hoàn toàn có thể làm thế. Nhưng đó cũng là vấn đề không hề đơn giản, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục".
Vâng, cho dù còn có ý kiến lo lắng, dè chừng nhưng xu hướng xã hội và trong ngành giáo dục là ủng hộ việc xóa biên chế nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, tạo sự công bằng.
Việc sắp xếp không phải giảm biên chế hay tiết kiệm tiền mà mục đích là nâng cao chất lượng giáo dục, trên cơ sở cơ cấu lại, tổ chức lại những gì bất hợp lý; tháo gỡ những tắc nghẽn, thậm chí có nhiều việc không cần đến tiền. Vậy sao chúng ta không làm?
Theo Danviet
Bỏ biên chế giáo viên: Thầy cô miền núi, hải đảo hết mặn mà "gánh" chữ Thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ thí điểm xóa bỏ chế độ công chức, viên chức ngành giáo dục để tuyển dụng theo cơ chế..."có ra, có vào". Thông tin từ chính lãnh đạo cao nhất của ngành giáo dục đã gây ra nhiều lo âu và tranh cãi. Bỏ biên chế có lộ trình Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ,...