Ông Phan Văn Vĩnh sẽ kháng cáo
Luật sư nói trước khi nhập viện, ông Phan Văn Vĩnh cho biết sẽ kháng cáo nếu án sơ thẩm cao hơn mức đề nghị của viện kiểm sát (VKS).
Chiều 30.11, TAND tỉnh Phú Thọ đưa ra phán quyết đối với cựu Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phan Văn Vĩnh và 91 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ. Ông Vĩnh và cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa đều vắng mặt khi thẩm phán công bố hình phạt với các bị cáo.
Theo đó, trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam lần lượt lĩnh 10 và 5 năm tù về 2 tội Tổ chức đánh bạc và rửa tiền. Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa nhận mức án cao hơn đề nghị của VKSND tỉnh Phú Thọ, lần lượt là 9 năm và 10 năm tù.
‘Bản án với ông Vĩnh quá nghiêm khắc’
Trao đổi với PV sau khi tòa tuyên án, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (bào chữa cho ông Phan Văn Vĩnh) nói bản thân bà bất ngờ với bản án sơ thẩm tuyên cựu Tổng cục trưởng cảnh sát 9 năm tù, cao hơn mức án VKS đề nghị (7 đến 7,5 năm).
Theo luật sư, hồ sơ vụ án cho thấy ông Vĩnh được hưởng 4 tình tiết giảm nhẹ theo Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong đó, 2 tình tiết theo quy định được áp dụng làm căn cứ tuyên án dưới khung truy tố.
Mức án dành cho các bị cáo trong vụ đánh bạc nghìn tỉ
Tuy nhiên, HĐXX đánh giá ông Vĩnh phạm tội với vai trò chỉ huy, còn Nguyễn Thanh Hóa là người thực hành tích cực. Với vị trí Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, ông Vĩnh đáng lẽ phải kiên quyết đấu tranh với tội phạm thì lại tiếp tay nên cần cách ly một thời gian. Bị cáo là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra.
Do đó, người bào chữa nhận định HĐXX đã bác các tình tiết giảm nhẹ đó, tuyên bị cáo Phan Văn Vĩnh mức án cao hơn đề nghị của đại diện VKS. Quá trình tranh tụng, ngoài việc đề nghị được tạo điều kiện để chăm sóc sức khỏe, luật sư mong muốn tòa áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ một cách đầy đủ đối với ông Phan Văn Vĩnh.
“Tôi cho rằng bản án với ông Vĩnh quá nghiêm khắc”, luật sư Huyền Trang bày tỏ.
Chia sẻ thêm, bà Trang bày tỏ trước khi phải vào viện chăm sóc sức khỏe, ông Vĩnh đã trao đổi với người bào chữa. Theo lời cựu trung tướng, nếu tòa áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ, tuyên mức án thấp hơn VKS đề nghị có thể ông sẽ chấp nhận bản án sơ thẩm.
Video đang HOT
“Nếu án cao hơn, ông Vĩnh nêu tinh thần chắc chắn sẽ kháng cáo”, luật sư cho biết.
‘Đánh giá đúng vai trò’
Bào chữa cho bị cáo Phan Sào Nam, luật sư Hoàng Văn Hướng đánh giá mức án mà HĐXX đưa ra phù hợp với các nhóm tội phạm trong vụ án.
“Bản án đã phân rõ vị trí, trách nhiệm và đánh giá đúng vai trò chủ mưu của các bị cáo chính”, luật sư nhận định.
Ông Hướng dẫn chứng, đối với 2 bị cáo Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam là hiện thân của những chủ doanh nghiệp, khi phạm tội họ hoàn toàn thành khẩn khai báo và tích cực khắc phục hậu quả, ăn năn hối cải.
Luật sư đánh giá 2 người bị cáo buộc là trùm ổ bạc nghìn tỷ còn phối hợp với cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ vụ án, sớm đưa ra xét xử. Bản án sơ thẩm thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng đối với những bị cáo có tính hợp tác cao như vậy.
“Chính sách pháp luật cần nghiêm trị những người cầm đầu nhưng rõ ràng, khi họ nhận thức được hành vi phạm tội thì cũng nên nhân đạo với họ”, Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng chia sẻ.
Luật sư Hướng cũng khẳng định ngay từ những ngày đầu vụ án, cựu Chủ tịch VTC online đã thể hiện thái độ hợp tác tuyệt đối đối với cơ quan tố tụng. Lúc ra tòa, điều đó còn được ghi nhận làm tình tiết giảm nhẹ cho Phan Sào Nam.
“Nam cũng nhận trách nhiệm, không quanh co hay tranh công, đỗ lỗi cho ai”, ông Hướng đánh giá và cho biết, bản án tuyên Phan Sào Nam 5 năm tù dành cho 2 tội danh rất khách quan.
Băn khoăn về tội rửa tiền
Đề cập đến tội Rửa tiền, luật sư Hướng cho rằng việc truy tố tội danh này khiến bản thân ông băn khoăn. Cụ thể, luật quy định về tội Rửa tiền xét về mặt thực tiễn, vẫn còn một số khiếm khuyết cần được bổ sung.
Theo luật sư, phiên tòa xét xử 92 bị cáo bị truy tố 6 tội, trong đó tội Rửa tiền có thể được coi là một đóng góp về mặt thực tiễn và lý luận để hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Về mức án với bị cáo Phan Sào Nam, luật sư Hướng đánh giá đó là mức án có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, quyền kháng cáo thuộc về mỗi bị cáo và họ có 15 ngày để gửi đơn chống án.
“Trong thâm tâm Nam có định hướng không muốn kháng cáo”, ông Hướng chia sẻ và cho hay ông cũng đã có những tư vấn đối với bị cáo ngay sau khi tòa tuyên án để anh ta đưa ra quyết định của bản thân mình.
Nói về vụ án với nhiều “kỷ lục” trong lịch sử tố tụng, luật sư Hướng đánh giá phiên tòa xét xử vụ đánh bạc là một điều mới mẻ, khách quan.
“Đơn giản nhất như việc đối với các bị cáo có vấn đề sức khỏe, chủ tọa hỏi họ có cần ghế ngồi không trước khi xét hỏi”, luật sư Hướng nói và nhận định điều đó thể hiện sự quan tâm rất linh hoạt.
Đánh giá phiên tòa mang đậm tính nhân văn, nam luật sư còn nhấn mạnh những kiến nghị của bản án sơ thẩm về loại hình tội phạm mới – tội phạm sử dụng công nghệ cao, kiến nghị về các “lỗ hổng” của hệ thống pháp luật có thể được áp dụng để hoàn thiện luật pháp.
Theo P.V (Lao Động)
"Đại án" đánh bạc trực tuyến hàng ngàn tỷ đồng: Nhà mạng "moi tiền" bằng cách nào từ con bạc?
Dư luận xã hội đang rất quan tâm tới việc xử lý trách nhiệm đối với những nhà mạng đã thu lợi hàng ngàn tỷ đồng liên quan tới đường dây đánh bạc trực tuyến này.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc trực truyến hàng ngàn tỷ đồng. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Vào cuối tuần này, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ sẽ tuyên án đối với các bị cáo trong "đại án" đánh bạc trực tuyến hàng ngàn tỷ đồng. Cùng với bản án nghiêm minh cho các bị cáo thì dư luận xã hội đang rất quan tâm tới việc xử lý trách nhiệm đối với những nhà mạng đã thu lợi hàng ngàn tỷ đồng liên quan tới đường dây đánh bạc trực tuyến này.
Theo cáo trạng, trong vụ án này, "ông trùm" Phan Sào Nam (cựu Giám đốc Công ty VTC Online) đã "mở đường" cho hành vi phạm tội của mình là thực hiện việc ký Hợp đồng số 147/2015 ngày 11-6-2015 với Công ty cổ phần Truyền thông VMG (Công ty VMG) cung cấp dịch vụ tin nhắn thương hiệu "Rikvip" với các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone.
Cùng với đó, Công ty "bình phong" CNC của bị cáo Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CNC) cũng thực hiện kết nối khâu trung gian là Công ty Home Direct thuê máy chủ tại Công ty Viettel CHT.
Tiếp đó, Phan Sào Nam đã liên hệ mua mã thẻ điện tử (gồm thẻ viễn thông Viettel, VinaPhone, MobiFone và các loại mã thẻ game) của 12 công ty như: Tổng Công ty Viễn thông Viettel, Công ty TNHH MTV Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel, Công ty cổ phần Thanh toán điện tử VNPT, Trung tâm VNPT Hà Nội, Công ty cổ phần Lô Gích, Công ty cổ phần Công nghệ MobiFone toàn cầu, Công ty cổ phần Viễn thông - Tin học bưu điện, Công ty VTC Công nghệ và Nội dung số cùng một số doanh nghiệp viễn thông khác... để phục vụ việc tổ chức đánh bạc trực tuyến qua hệ thống Rikvip/Tip.Club.
Cáo trạng cũng làm rõ, từ năm 2016 đến tháng 8-2017, Công ty GTS của bị cáo Lê Thị Lan Thanh (chủ của 5 công ty viễn thông) bị truy tố về tội danh "Tổ chức đánh bạc" và "Mua bán trái phép hóa đơn" đã ký các hợp đồng thanh toán qua thẻ cào với 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone để các con bạc có "phương thức" thanh toán tiền và chơi bạc trực tuyến.
Bằng các hình thức hợp tác giữa Công ty CNC, VTC Online với các nhà mạng và một số doanh nghiệp trung gian mà tổng số tiền các nhà mạng thu được từ các khách hàng đánh bạc trực tuyến sử dụng các dịch vụ liên quan đến cổng thanh toán Công ty GTS của Lê Thị Lan Thanh là hơn 7.128 tỷ đồng.
Trong đó, 3 nhà mạng được phân chia lợi nhuận là: Viettel doanh thu từ khách hàng là 5.985 tỷ đồng, trong đó, hưởng hơn 883 tỷ đồng; MobiFone có doanh thu từ khách hàng là hơn 859 tỷ đồng, hưởng hơn 124 tỷ đồng; VinaPhone có doanh thu từ khách hàng là hơn 283 tỷ đồng, nhà mạng hưởng hơn 41 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính tổng số tiền mà các nhà mạng này được hưởng tính từ vụ đánh bạc này cụ thể là hơn 1.232 tỷ đồng (Viettel là 913 tỷ đồng; VinaPhone là gần 148 tỷ đồng; MobiFone là hơn 171 tỷ đồng).
Theo luật sư Trần Hồng Phúc, người đánh bạc sử dụng thẻ cào nhà mạng để làm phương tiện mua Rik và có thể đổi ra thành tiền mặt để chơi bạc, nếu như không có vai trò của nhà mạng trong việc "tiếp tay" cho các con bạc bằng cách nạp thẻ thì không bao giờ cổng thanh toán Rik có thể chạy được. Cái sai của nhà mạng là đã biến thẻ cào thành đồng tiền để thanh toán cho dịch vụ khác.
Trước đó, trong phần thủ tục khai mạc phiên tòa xét xử "đại án" đánh bạc này, luật sư Lê Văn Thiệp cũng đã đề nghị tòa triệu tập đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông để làm rõ việc cấp phép thẻ cào và đề nghị 3 nhà mạng là Viettel, MobiFone, VinaPhone phải có mặt thường xuyên tại tòa.
Trước việc thu lợi trên của các nhà mạng, cơ quan tố tụng đã xác định đây là số tiền thu lời bất chính, nguồn gốc tiền do đánh bạc mà có, nên việc hưởng lợi của các nhà mạng là không có căn cứ pháp lý, vi phạm khoản 1, Điều 10 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6-4-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, nên cần áp dụng điểm b khoản 1 Điều 41 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009 để truy nộp ngân sách nhà nước. Đối với cán bộ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông có sai phạm cho phép sử dụng thẻ viễn thông vào dịch vụ game sẽ được cơ quan điều tra làm rõ và xử lý trách nhiệm trong giai đoạn 2 của vụ án.
Cũng theo cơ quan tố tụng, tổng số tiền phải truy thu của 3 nhà mạng là hơn 372 tỷ đồng. Trong đó, Viettel bị truy thu hơn 274 tỷ đồng; VinaPhone bị truy thu hơn 60 tỷ đồng; MobiFone bị truy thu hơn 38 tỷ đồng.
Trong diễn biến mới nhất, cả 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đều xác nhận đã thông báo tới các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số và game online về việc tạm dừng hình thức thanh toán bằng thẻ cào mà không đưa ra lý do, mà chỉ cho biết: "đợi cơ quan quản lý cho phép mới tiếp tục triển khai".
ĐỖ TRUNG - MINH KHANG
Theo sggp
Bị cáo Phan Văn Vĩnh: "Tôi cho tổ ong vào tay áo" Nguyên Tổng cục trưởng Cảnh sát Phan Văn Vĩnh cho rằng, khi đặt bút ký quyết định cho phép công ty CNC thí điểm cổng game đánh bạc, ông đã tự cho cả đàn ong, tổ ong vào tay áo. Hối hận vì "nuôi ong tay áo"? Ngày 23/11, tại TAND tỉnh Phú Thọ, bị cáo Phan Văn Vĩnh - nguyên Trung tướng,...