Ông Phạm Công Danh phủ nhận chỉ đạo rút 5.490 tỷ đồng
Liên quan đến khoản tiền 5.490 tỷ đồng bị rút khỏi Ngân hàng Xây dựng, ông Phạm Công Danh khẳng định “hoàn toàn không chỉ đạo cấp dưới”.
Ngày 1/8, phiên xử ông Phạm Công Danh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm bước sang tuần làm việc thứ 3. HĐXX tập trung hỏi ông Danh về khoản tiền 5.490 tỷ đồng liên quan đến nhóm Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát).
Bị cáo Danh không thừa nhận chỉ đạo cấp dưới chuyển 5.490 tỷ đồng vào tài khoản của mình. Ảnh: X.D.
Ông Danh cho biết, những giao dịch vay mượn liên quan đến nhóm Trần Ngọc Bích tính đến ngày 21/6/2013 khoảng 17.000 tỷ đồng. Số tiền này đã được tất toán trên sổ sách trước khi vụ án được khởi tố nên được cáo trạng nhận định là giao dịch dân sự. Nhưng thực chất cũng giống như khoản tiền 5.490 tỷ giải ngân cho nhóm Trần Ngọc Bích vào ngày 21/8 và 26/8/2013 thông qua các hợp đồng vay bằng hình thức thế chấp hơn 124 sổ tiết kiệm.
“Bà Bích khai tôi chỉ đạo ông Hoàng Đình Quyết (nguyên phó giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) và ông Mai về việc chuyển tiền vào tài khoản của tôi không được sự đồng ý của bà Bích. Khi đọc cáo trạng tôi rất bàng hoàng. Tại sao có thể dựng khống lên như vậy được”, ông Danh nói và cho biết không trực tiếp chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền này ra khỏi tài khoản bà Bích.
Được gọi lên thẩm vấn sau đó, bị cáo Quyết một mực khẳng định chuyển từ tài khoản của bà Bích sang tải khoản ông Danh “là theo chỉ đạo của ông Danh”. Việc bà Bích trước đó khai không biết số tiền 5.490 tỷ đồng chuyển ra khỏi tài khoản của mình là không đúng sự thật.
“Đây là sự lợi dụng bối cảnh ngân hàng khó khăn, không chịu chuyển chứng từ. Tôi đề nghị HĐXX làm rõ hết cả quá trình trước đó”, ông Danh bức xúc và nói rằng số tiền này cũng không phải bà Bích vay để tập trung vào việc sử dụng vốn.
Chủ tọa cho biết sẽ ghi nhận những ý kiến của bị cáo.
Video đang HOT
Trong các buổi thẩm vấn trước đó, bà Bích cho rằng không quen biết ông Danh. Các quan hệ gửi tiền tại VNCB đều thông qua người tên Trang (gọi là Trang Phố Núi) là đối tác của ông Danh. Trả lời HĐXX về vấn đề này, ông Danh cho rằng bà Bích khai không đúng. “Sáng gặp, trưa gặp, có khi tối gặp sao lại không biết nhau”, cựu Chủ tịch Danh nói.
Ông Danh cho hay quen bà Bích không phải một năm mà nhiều năm từ khi bà này còn đang gửi tiền vào Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank – tiền thân của VNCB). Quá trình tái cơ cấu Trustbank ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn nên rất chú ý đến việc chăm sóc khách hàng lớn, trong đó có nhóm bà Bích. Ông không chỉ gặp bà Bích mà còn gặp trực tiếp ông Trần Quí Thanh (bố bà Bích), lúc gặp tại Công ty Tân Hiệp Phát, lúc gặp tại Thiên Thanh.
Những khoản gửi của nhóm bà Bích tại ngân hàng VNCB khoảng gần 6.000 tỷ đồng thông qua 124 sổ tiết kiệm. Nhóm bà Bích gửi tiền và sau đó vay ra lúc nào để sử dụng vào mục đích gì thì bị cáo không nắm rõ. “Việc điều hành tổ chức quản lý thì tôi thừa nhận bản thân mình không có kinh nghiệm, chỉ biết làm mọi việc để có nguồn tiền duy trì cho ngân hàng VNCB”, ông Danh khai.
Áp lực lớn nhất của ông trong thời gian tái cơ cấu VNCB chính là khoản tiền gửi của nhóm bà Bích. “Nếu một ngày trả không đủ lãi cho nhóm bà Bích thì họ gọi điện tới tấp, mọi hoạt động của ngân hàng bị ngưng trệ”, ông này nói.
Trả lời HĐXX về việc có gì chứng minh việc chi vượt trần lãi suất, bị cáo Danh cho hay không trực tiếp trả lãi. Ông chỉ là người đi huy động vốn về cho ngân hàng, việc trả lãi ngoài được giao cho một tổ của ngân hàng thực hiện. Tuy không có giấy tờ về việc chi trả lãi ngoài nhưng vấn đề này cũng được đưa ra các cuộc họp hội đồng thường xuyên.
Theo cáo buộc, trong quá trình tham gia tái cơ cấu VNCB, ông Danh và đồng phạm bị cáo buộc thực hiện hàng loạt sai phạm gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Danh chỉ đạo làm thủ tục cho nhóm của bà Bích vay 3 khoản tổng cộng 5.490 tỷ đồng thông qua hình thức thế chấp 124 số tiết kiệm. Số tiền này sau đó được chuyển từ tài khoản của bà Bích sang tài khoản của ông Danh mà không có chữ ký của chủ tài khoản và hồ sơ vay.
Chiều nay tòa tiếp tục làm việc.
Hải Duyên
Theo VNE
Ông Phạm Công Danh xin cơ chế riêng để khắc phục thiệt hại 9.000 tỷ
Khẳng định tài sản hiện nay của mình có giá trị rất lớn, cựu Chủ tịch Ngân hàng xây dựng xin được bán các bất động sản đang bị kê biên với giá cao nhất và gặp gỡ người thân bàn cách khắc phục thiệt hại trong vụ đại án.
Trình bày trong phiên xử chiều 29/7, ông Phạm Công Danh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) cho biết, từ ngày bị bắt giam ông không có cơ hội được trình bày nguyện vọng xin khắc phục hậu quả vụ án. Nay ông xin HĐXX cho ông có cơ hội được nói.
Ông Danh bảo rằng đang có nhiều tài sản giá trị lớn "không ai khác ngoài bị cáo biết việc này", ngay cả các đồng nghiệp, cộng sự. Riêng 13 lô đất thuộc sân vận động Chi Lăng và lô đất 209 Trường Trinh (TP Đà Nẵng) có giá trị đặc biệt lớn do Tập đoàn Thiên Thanh đứng tên. Trước khi ông làm thủ tục ra chủ quyền sử dụng đất, khu này đã là dự án phức hợp cao ốc, văn phòng, trung tâm thương mại và đã được một đối tác muốn mua giá 250 triệu USD...
"Nhưng giờ còn ai đang muốn mua lô đất này không?", chủ tọa ngắt lời. Ông Danh nói do bị bắt nên không có cơ hội tiếp tục thực hiện các thỏa thuận với đối tác.
Chủ tọa đề nghị bị cáo cung cấp tên, địa chỉ đối tác này, nếu được tòa sẽ mời họ đến để xem xét. Tuy nhiên, sau khi nghỉ giải lao và trao đổi với luật sư, ông Danh nói rằng "thông tin về đối tác phải giữ bí mật, không thể công bố".
Ông Danh xin cơ chế riêng bán lô đất tại TP Đà Nẵng đang bị kê biên với giá cao nhất để khắc phục hậu quả. Ảnh: H. D.
Theo HĐXX, hiện những bất động sản thuộc sân vận động Chi Lăng của bị cáo đang được Hội đồng định giá Công ty cổ phần định giá TP Đà Nẵng cho là 2.600 tỷ đồng, còn Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự là 1.200 tỷ đồng. Để áp dụng có lợi cho bị cáo nên các cơ quan tố tụng đã áp dụng mức giá cao hơn.
Ông Danh cho biết, nếu có thể, ông sẽ không lựa chọn cả hai mức giá trên "vì lý do rất chính đáng của bất kỳ doanh nghiệp nào và người chủ sở hữu nào".
"Hơn ai hết tôi hiểu giá trị tài sản mình đang sở hữu. Tôi chỉ đánh giá trên cơ sở pháp lý hồ sơ mà tôi đã làm. Đất này là đất sử dụng ổn định lâu dài chứ không phải là 50 năm hay bao nhiêu năm. Tôi xin HĐXX tạo cơ hội cho tôi được cơ chế riêng trong khuôn khổ của pháp luât để bán đấu giá với giá cao nhất, để đảm bảo được giá trị, khắc phục thiệt hại", cựu chủ tịch VNCB nói.
Luật sư Phan Trung Hoài sau đó thay mặt thân chủ Phạm Công Danh trình bày ngắn gọn nguyện vọng này. Theo luật sư, khu phức hợp sân vận động Chi Lăng từng được đối tác đề nghị mua nhưng đến này chưa thể tiếp tục. Nếu có một cơ chế riêng cho phép Tập đoàn Thiên Thanh được bán với giá tốt nhất thì việc thi hành án sẽ được đảm bảo. Đồng thời, luật sư đề nghị đưa mức thẩm định giá hơn 6.000 tỷ đồng theo chứng thư thẩm định của VNCB vào làm mức giá mới để xem xét.
HĐXX không chấp nhận vì đây là mức giá của dự án hình thành trong tương lai khi Thiên Thanh hoàn thành các chỉ tiêu của dự án do Công ty thẩm định giá của VNCB thực hiện.
"Trong trường hợp nếu ngày mai, ngày mốt có người chuyển vào tài khoản của Thiên Thanh nói mua khu này với khoản tiền đó hay với mức giá cao hơn thì HĐXX chấp nhận. Chứ HĐXX không có cơ chế riêng cho phép xử lý trách nhiệm dân sự trong hình sự như thế. Mức giá luật sư đưa ra không phù hợp với quy định của pháp luật", chủ tọa nêu ý kiến.
HĐXX sau đó đồng ý ra ngay quyết định thành lập Hội đồng định giá Bộ tài chính xem xét lại toàn bộ khu đất ở Đà Nẵng một cách độc lập. Hội đồng này sẽ làm việc song song trong quá trình xét xử để đảm bảo phiên tòa vẫn diễn ra bình thường. Song, chủ tọa cũng lưu ý, khi có kết quả của Hội đồng định giá mới thì kết quả dù cao hơn hay thấp hơn tòa sẽ xem xét theo quy định của pháp luật để áp dụng cho bị cáo mà không còn được có ý kiến gì khác.
Ngoài việc xin cơ chế định giá lại tài sản, ông Danh cũng xin HĐXX cho phép được gặp gỡ người thân, anh chị em trong gia đình bàn bạc việc bán các tài sản của gia đình hiện có để khắc phục hậu quả...
Trước đó, ông cho HĐXX biết, bản chất của việc ký các hợp đồng khống để rút tiền từ VNCB ra phục vụ cho việc chăm sóc khách hàng chỉ là biện pháp ứng trước tạm thời. Sau đó, ông sẽ thế chấp, bán các tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh bù vào. Tuy nhiên, ông chưa thực hiện được thì bị bắt giam. Ông cũng cho biết, đã phải sử dụng cả các tài sản của Tập đoàn thừa kế từ người cha để phục vụ cho việc đảm bảo hoạt đoạng bình thường của VNCB.
Theo cáo trạng, trong quá trình tham gia tái cơ cấu Ngân hàng xây dựng, ông Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hợp đồng kinh tế khống để rút tiền khỏi VNCB chi chăm sóc khách hàng, nợ cá nhân... dẫn đến thất thoát 9.000 tỷ đồng. Còn sai phạm của ông trong việc giải ngân trái phép hơn 6.600 tỷ đồng được tách ra để xử lý trong một vụ án khác.
Dự kiến, trong tuần sau, phiên xử sẽ tiếp tục xét hỏi ông Danh để làm rõ một số nội dung còn lại trong vụ án.
Hải Duyên
Theo VNE
Tài sản bị tịch thu trong đại án thất thoát 9.000 tỷ đồng Nhà chức trách kê biên tài sản giá trị hàng trăm tỷ đồng của ông Phạm Công Danh, Tập đoàn Thiên Thanh nhưng hầu hết chúng đã được đảm bảo cho các khoản vay khác có giá trị cao hơn. Cáo trạng của VKSND Tối cao thể hiện, khi thực hiện lệnh bắt và khám xét đối với ông Phạm Công Danh (51...