Ông Obama yêu cầu quốc hội loại Cuba khỏi danh sách bảo trợ khủng bố
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 14/4 đã chính thức đề nghị quốc hội nước này đưa Cuba khỏi danh sách bảo trợ khủng bố, Nhà Trắng cho biết. Đây là một bước đi quan trọng trong kế hoạch của ông Obama nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Lãnh đạo Cuba, Mỹ gặp nhau tại Panama hồi tuần trước (Ảnh: Getty)
Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng hôm qua cho biết, Tổng thống Obama đã trình báo cáo lên quốc hội để chính thức yêu cầu loại bỏ Cuba khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố.
Ông Obama cho hay chính phủ Cuba “không có bất kỳ hỗ trợ nào cho khủng bố quốc tế” trong 6 tháng qua và đã “đảm bảo rằng nước này sẽ không hỗ trợ các hành động khủng bố quốc tế trong tương lai”.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest nói thêm rằng Mỹ vẫn còn những khác biệt với Cuba về chính sách và hành động, nhưng chúng không liên quan tới danh sách khủng bố.
Video đang HOT
Theo hãng tin AP, quyết định của ông Obama diễn ra sau khi Bộ ngoại giao Mỹ xem xét sự có mặt của Cuba trong danh sách. Mỹ đã không mạnh mẽ cáo buộc Cuba hỗ trợ khủng bố trong những năm qua.
Động thái trên của ông Obama diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Mỹ có cuộc gặp lịch sử với Chủ tịch Cuba Raul Castro bên lề hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ tại Panama. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo 2 nước trong hơn 50 năm qua.
Cuba bị Mỹ đưa vào danh sách các nước bảo trợ khủng bố vào năm 1982, với lý do “thúc đẩy cách mạng vũ trang của các tổ chức sử dụng chủ nghĩa khủng bố”.
Cuba luôn phản đối việc nước này bị đưa vào danh sách, miêu tả điều đó là không có cơ sở. Havana nói rằng đây là một trong những nguyên nhân chính cản trở quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba.
Các nghị sĩ Mỹ sẽ có 45 ngày để xem xét đề xuất trên của Tổng thống Obama. Nếu quốc hội phê chuẩn, điều đó sẽ mở đường để Mỹ mở đại sứ quán tại Havana và Cuba mở đại sứ quán tại Washington, DC.
An Bình
Theo Dantri/BBC
Động thái tăng hy vọng về cái bắt tay hòa giải Mỹ - Cuba
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang tiến gần đến việc quyết định đưa ra khuyến nghị dỡ bỏ Cuba ra khỏi danh sách bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố.
Những diễn biến tích cực này được đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các nước châu Mỹ diễn ra tại Panama vào ngày 10 và 11/4 tới.
Vốn là rào cản chính trong quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba, nếu Mỹ dỡ bỏ Cuba ra khỏi danh sách bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố sẽ là một bước đột phá ngoại giao, hướng đến việc chấm dứt bất đồng hơn 5 thập kỉ qua với Cuba.
Tổng thống Mỹ Obama bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro trong cuộc gặp tại Lễ tang Cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. (Ảnh: Getty)
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm qua, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ sớm đưa ra khuyến nghị rằng Cuba nên được đưa ra khỏi danh sách bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Ông cũng không bác bỏ khả năng có thể đưa ra thông báo trong tuần này. Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua cam kết sẽ nhanh chóng có quyết định về việc đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố ngay sau khi nhận được bản đánh giá từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ông Obama bày tỏ tin tưởng, hai nước đang đứng trước một cơ hội thực sự để giải quyết vấn đề, đồng thời cho biết Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy nội dung này.
Mỹ liệt Cuba vào danh sách các nước bảo trợ khủng bố từ năm 1982. Việc chưa có đột phá trong vấn đề này đang là một yếu tố cản trở đối với tiến trình khôi phục các mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba. Dỡ bỏ Cuba ra khỏi danh sách sẽ giúp nới lỏng một số các giới hạn tài chính chống lại quốc đảo này. Tuy nhiên, một lệnh cấm vận lớn hơn của Mỹ nhằm vào Cuba chỉ có thể được dỡ bỏ, với sự chấp thuận của quốc hội. Những thông tin tích cực trong mối quan hệ song phương đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ diễn ra tại Panama vào ngày 10 và 11/4 tới.
Theo kế hoạch, Tổng thống Obama sẽ có một cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Cuba Raul Castro bên lề hội nghị. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez Parrilla cũng để ngỏ khả năng có cuộc gặp tại hội nghị. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết: "Chúng tôi hy vọng sẽ diễn ra cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Chưa có lịch trình chính thức nhưng hiện chúng tôi thấy hội đủ các điều kiện để có thể tổ chức một cuộc gặp như vậy".
Phía Mỹ trước đó bày tỏ hy vọng, hành trang của các nhà lãnh đạo Mỹ đến hội nghị thượng đỉnh lần này đó là một thỏa thuận giúp mở cửa trở lại Đại sứ quán tại hai nước. Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy các hoạt động ngoại giao này sẽ không diễn ra nhanh như mong đợi, khi ông Ben Rốt cho biết Mỹ không hy vọng có thể tiến tới một thỏa thuận về việc mở cửa trở lại Đại sứ quán đúng thời điểm diễn ra hội nghị. Các nhà đàm phán của cả hai bên đều bày tỏ tin tưởng có thể đạt được thỏa thuận về việc mở cửa trở lại các đại sứ quán trong những tuần sắp tới, nhưng không nhất thiết phải trước Hội nghị thượng đỉnh.
Tổng thống Obama mặc dù bày tỏ hy vọng có thể sớm mở Đại sứ quán Mỹ tại Cuba, khởi động các liên lạc và trao đổi thường xuyên giữa hai nước về các vấn đề cùng quan tâm. Tuy nhiên, ông Obama hiện vẫn chưa đưa ra dấu hiệu nào về hướng quyết định cũng như khung thời gian cho quyết định này. Các quan chức Mỹ cũng khẳng định những nỗ lực dỡ Cuba ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố sẽ là giai đoạn cuối cùng.
Đúng như một quan chức Mỹ nhận định, đối với một quá trình 50 năm bất đồng giữa Mỹ và Cuba thì 3 tháng không phải là dài. Mặc dù còn nhiều rào cản trên con đường thực hiện hóa thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Cuba vào tháng 12/2014, nhưng việc các bên đều thể hiện thành ý hướng đến các cuộc đàm phán cho thấy triển vọng có thể chấm dứt những bất đồng kéo dài hàng thập kỉ qua. Dư luận đang hi vọng những cái bắt tay tại hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần này giữa nhà lãnh đạo hai nước sẽ tượng trưng cho sự hòa giải bắt đầu giữa hai nước./.
Theo Phạm Hà/VOV- Trung tâm Tin
Hillary Clinton và 4 lần tới Việt Nam Bà Hillary Clinton lần đầu tới Việt Nam vào năm 2000 trên cương vị đệ nhất phu nhân nước Mỹ và sau đó còn trở lại Việt Nam 3 lần nữa vào các năm 2010 và 2012. Bà Hillary Clinton và con gái Chelsea đội nón lá trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam vào năm vào tháng 11/2000. Chồng bà, Bill...