Ông nội đến thăm cháu, bật khóc trước hành động của con dâu cũ
Ly hôn 3 năm, chồng cũ không đến thăm và chu cấp cho con gái. Thỉnh thoảng, ông nội của con tôi đến thăm, mang cho cháu ít bánh trái.
Chắc mọi người cũng hiểu được phần nào nỗi khổ của người vợ có chồng nghiện cờ bạc. Riêng tôi, cả đời này không thể tha thứ cho kẻ đã đẩy mẹ con tôi vào bước đường cùng.
Vì nghiện đỏ đen, chồng cũ lén cầm giấy tờ nhà cho tín dụng đen. Ngày họ đến xiết nợ, mẹ con tôi ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Con gái tôi khóc nấc, ôm con gấu bông bị người lạ quăng ra đường. Lúc đó, tôi tự trách bản thân ngu dại, hết lần này đến lần khác tha thứ cho chồng.
Tìm được chỗ trọ, tôi nộp ngay đơn ly hôn cho tòa. Ngày ra tòa, chồng tôi thản nhiên đòi chia đều số tiền tiết kiệm mà tôi cất giữ.
Tôi không bất ngờ, cười mỉa mai, đồng ý với đề nghị của anh ta. Tôi chỉ muốn thoát khỏi “địa ngục” ấy càng nhanh càng tốt.
Không biết sau ly hôn, chồng cũ của các chị em đối xử với con cái như thế nào, chứ người cũ của tôi nhắc đến chỉ biết thở dài.
Ly hôn 3 năm, chồng cũ không đến thăm, gọi điện hoặc chu cấp cho con gái. Dù dự đoán được việc đó trước khi đường ai nấy đi nhưng cách anh ta đối xử bạc bẽo với núm ruột khiến tôi căm phẫn.
Dường như kết cục gia đình tan vỡ vẫn chưa đủ để anh ta tỉnh ngộ. Chắc bây giờ, anh ta đang phải trốn chui trốn nhủi ở đâu đó. Bởi 1 năm sau ly hôn, chủ nợ của chồng cũ vẫn tìm đến tôi.
Video đang HOT
Tôi hận thù chồng cũ bao nhiêu thì lại thương bố của anh ta bấy nhiêu. Năm nay, ông đã 68 tuổi nhưng vẫn tảo tần mưu sinh. Ông bạc phước khi có con cái không ra gì, chỉ làm khổ bố mẹ.
Dù bữa đói bữa no nhưng mỗi tháng, ông đều đến thăm con gái tôi. Lần nào đến, ông cũng xách theo chiếc túi đựng đầy bánh trái.
Ban đầu, tôi còn đay nghiến, bóng gió trách cứ ông không biết dạy con. Đáp lại, ông nhìn tôi với ánh mắt xấu hổ, miệng lí nhí lời xin lỗi.
Sau này, tôi thấy mình quá đáng nên mở lòng, hỏi han cuộc sống của ông nhiều hơn. Nhờ vậy, tôi biết mỗi ngày, ông phải dãi nắng dầm mưa bán hàng rong, kiếm tiền trả góp món nợ của con trai.
Năm nay, công việc của tôi thuận lợi, thu nhập ổn định hơn. Mỗi lần ông đến thăm cháu, tôi thường biếu ông ít tiền tiêu vặt.
Cầm tiền tôi biếu, ông lại khóc. Ông buồn khi con cái ruột thịt lại đối xử với ông thua con dâu cũ. Ông trách mình không biết dạy con, làm khổ con dâu và cháu nội.
Tôi khuyên ông giữ gìn sức khỏe, đừng tự trách mình. Tôi hỏi ông chỗ ở hiện tại để mẹ con tôi thỉnh thoảng đến thăm. Ông cảm ơn tôi nhưng không tiết lộ địa chỉ nhà trọ. Ông sợ làm phiền chúng tôi.
Tôi chỉ ước mình có thể gọi một tiếng “bố” để ông thấy thoải mái hơn. Nhưng tôi không làm được, chuyện cũ vẫn hằn sâu, thù hận chưa thể xóa nhòa.
"Kho báu" dưới ao của ông nội
25 năm trôi qua tôi mới gặp lại "kho báu" ấy, và tôi đã khóc suốt đêm khi hiểu vì sao ông gìn giữ cái ao như thế.
Tôi sinh ra ở lứa đầu 9X nên có vô số kỷ niệm tuổi thơ đẹp đẽ. Hồi đó bạn bè tôi nhà đứa nào cũng nghèo như nhau, sống ở quê nên thiếu thốn đủ bề, quanh năm chỉ biết làm nông cấy lúa.
Năm tôi 7 tuổi thì bố mẹ đi làm kinh tế mới ở xa. Tôi ở lại quê sống cùng ông bà nội, được ông bà chăm sóc đến tận lúc trưởng thành.
Ông bà nuôi lớn tôi bằng tình yêu thương và những bữa ngô khoai sắn, lạc đậu rau dưa. Món ngon nhất tuổi thơ tôi chính là cháo loãng đậu cà ăn với muối vừng. Bà hay để cháo trong cái âu da lươn, đậy bằng miếng phên liếp cất trong chạn. Đi học về tôi sẽ háo hức bỏ cháo ra húp một hơi, cắn miếng cà mặn giòn rộp một cái, quyện cùng vị lạc bùi bùi tan trong miệng. Ăn xong lấy ấm tích rót cốc nước vối uống cho mát rồi nằm chõng tre ngủ đợi ông bà về.
Có một đợt bố tôi về nghỉ lâu chừng 1 tháng, ông nội với bố hì hục đào cái ao to đùng cạnh cổng để nuôi cá. Ao rộng bằng cả sân bóng đá, sâu chưa quá đầu bố tôi. Đợt ấy đào vất vả vô cùng vì mới được nửa ao đã gặp mưa to. Bố tôi phải nghỉ thêm mấy hôm mới xong xuôi cho ông nội kịp nuôi cá.
Năm đó nhờ vụ cá to bội thu của ông nội mà tôi được bà sắm cho chiếc áo bông rét mới. Bà mua cho tôi cả chiếc vòng tay bạc chạm trổ rất xinh, bảo là quà sau này cho cháu gái đi lấy chồng.
Lần đầu có trang sức riêng nên tôi thích lắm. Chiếc vòng bạc quý đến nỗi tôi không dám đeo, sợ nó méo hỏng, sợ xỉn màu. Mấy đứa hàng xóm mượn đeo thử tôi cũng không cho.
Nâng niu đến mức ấy nhưng cuối cùng tôi lại chính là đứa làm rớt cái vòng bạc xuống ao cá của ông nội. Hôm ấy tôi ngồi ở bờ ao xem ông vớt cá, tự dưng mấy con chó nhà cắn nhau làm tôi giật mình. Thế là chiếc vòng đang ôm trong lòng văng tuột xuống ao!
Nhìn "của quý" chìm nghỉm dưới nước mà tôi hoảng đến độ khóc toáng lên. Ông nội cũng nhảy xuống mò cái vòng cho cháu gái, nhưng đáy ao toàn bùn nên càng sờ soạng càng đục. Kết cục là tôi biết rõ cái vòng ở đâu nhưng xác định không bao giờ được trông thấy nó thêm lần nào nữa.
Tôi tiếc cái vòng đến độ cả tháng sau vẫn khóc tu tu khi đứng trên bờ ao nhìn xuống. Ông bà an ủi mãi không được, cuối cùng chú tôi phải mua cho mấy chiếc vòng nhựa trong suốt đẹp đẹp ở chợ làng thì tôi mới thôi không khóc lóc nữa.
Bẵng đi bao năm tôi chẳng còn nhớ gì đến sự tồn tại của cái vòng bạc nữa. Bà nội cũng mất từ lâu, chỉ còn ông nội ốm yếu nằm một chỗ trong căn nhà cũ. Bố mẹ đã trở về quê lập nghiệp, xây nhà mới cạnh nhà ông bà nội. Tôi tốt nghiệp đại học xong cũng xin về làm ở bệnh viện tỉnh để được gần gũi gia đình.
Cuộc sống giờ đủ đầy sung túc hơn trước, con cháu cũng lớn khôn thành đạt cả rồi nhưng ông bà nội chưa bao giờ có ý định xây nhà mới. Cả làng còn mỗi vài ngôi nhà 3 gian cũ, trong đó cái cũ nhất, lâu đời nhất chắc là nhà ông bà tôi. Ao cá cũng còn nguyên, giờ thả thêm cả vịt và trồng sen nữa.
Chống chọi với bệnh tật mãi cuối cùng cũng chịu thua tuổi già, ông nội tôi qua đời vào một ngày mưa gió đầu tháng trước. Ông để lại nhà cho bố tôi và chú út, bảo bán đi chia đôi cũng không sao.
Bố tôi với chú rất hoà thuận nên họ không muốn bán đất chia tiền. Vợ chồng chú với bố mẹ tôi đồng ý góp thêm tiền sửa lại nhà ông bà nội, để đó làm gian thờ tổ tiên.
Việc đầu tiên trong quá trình sửa chữa nhà ông bà nội là lấp cái ao đi. Giờ gia đình tôi không ai có thời gian chăm sóc ao cá nên mọi người quyết định lấp đi, chuyển thành vườn trồng rau với cây ăn quả.
Hôm qua sau khi hút hết nước ao đổ đi, bỗng dưng thợ của bố nhặt được một thứ gì đó trong lúc vét bùn. May sao tôi cũng đang đứng gần đó hóng chuyện nên nhận ra đó chính là chiếc vòng bạc quý giá tuổi thơ. Nó dính đầy bùn rêu, cũ xỉn đổi cả màu nhưng hoạ tiết chạm khắc vẫn còn nguyên như trong ký ức.
Tôi vừa rửa cái vòng đi vừa rơi nước mắt. Thảo nào trước lúc mất, ông nội cứ liên tục nhắc tôi là "Dưới ao có kho báu của cháu đấy". Vì ông già rồi nói không rõ ràng, giọng lại yếu ớt nên tôi nghe không rõ lắm. Bố tôi còn tặc lưỡi bảo ông lẫn nên nói linh tinh.
Bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào ấu thơ ùa về theo chiếc vòng. Tôi nhớ nụ cười hiền từ của bà nội quá, nhớ cả bóng lưng ông cặm cụi chong đèn ngồi gõ chữ L - chữ cái đầu tiên trong tên tôi vào mặt trong chiếc vòng nữa. Vật còn đây mà người đã xa lắm rồi...
Ly hôn tròn 8 năm, tôi bật khóc khi mẹ chồng cũ gọi tới nhà rồi đưa ra lời đề nghị Tôi xúc động trước tình cảm của mẹ chồng cũ, bà đã làm một việc mà ít người đó là lo cho con dâu cũ. Tôi ly hôn cách đây vừa tròn 8 năm, từ đó đến nay tôi sống cảnh làm mẹ đơn thân, một cuộc sống giản dị nhưng rất đỗi bình an. Nguyên nhân của đổ vỡ thì nhiều lắm,...