Ông Nguyễn Trần Nam: Doanh nghiệp lo ‘lỗ chồng lỗ’ vì quy định khống chế lãi vay 20%
Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 liên quan đến khống chế lãi vay 20%, theo ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, có 4 điểm bất cập.
Tại hội thảo bàn về một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ Nghị định 20 năm 2017 diễn ra sáng 14/12, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Xây dựng, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết Nghị định 20 nảy sinh một số bất cập trong triển khai. Theo ông Nam, mục tiêu của Nghị định là để chống chuyển giá với doanh nghiệp (DN) FDI nhưng khi thực hiện thực tiễn lại gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong nước.
Khoản 3, Điều 8 quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của DN.
Luật Doanh nghiệp quy định DN được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. DN có quyền tự do vay vốn, huy động các nguồn tài chính không trái với quy định pháp luật để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Trần Nam chỉ ra nhiều bất cập của quy định khống chế lãi vay 20%. Ảnh: Reatimes.
Thứ hai, vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của DN nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản, khởi nghiệp, các công ty trong giai đoạn đầu tư mới sẽ càng gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế.
Nếu áp theo điều khoản này, chi phí lãi vay của các DN có giao dịch liên kết sẽ bị tính thành 2 lần, nguy cơ “lỗ chồng lỗ”. Đặc biệt, ông Nguyễn Trần Nam cho biết từ khảo sát, thống kê cộng đồng DN cho thấy quy định về áp trần lãi vay đang quy định không rõ ràng về đối tượng áp dụng, đồng thời đang có nhiều cách hiểu dẫn đến việc áp dụng có thể sai lệch và gây hoang mang cho các DN.
Video đang HOT
Thứ ba, quy định của Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ – con đang phát triển mạnh ở nước ta. Nếu các doanh nghiệp không có động cơ chuyển giá, chẳng hạn họ có quan hệ giao dịch vay vốn giữa công ty mẹ và công ty con, thuế suất của họ là bằng nhau, đều áp dụng một mức thuế suất phổ thông, không có ưu đãi thuế thì họ phải thuộc trường hợp không bị khống chế lãi vay theo Nghị định 20.
Còn nếu không phân định rõ mà khống chế lãi vay cả những trường hợp này, tất yếu sẽ tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.
Có ý kiến cho rằng Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 này nhằm lành mạnh hoá tài chính DN, để các DN không đi vay nợ quá nhiều mà cần phải có vốn tự có. Cách giải thích này cũng không thực sự thuyết phục.
Theo quan điểm của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cơ quan quản lý Thuế cần đánh giá đầy đủ các hiệu ứng từ quy định này gây ra như hạn chế khả năng liên kết, cản trở sự hình thành các tập đoàn tư nhân trong nước lớn, đủ sức cạnh tranh quốc tế như chính sách của chúng ta.
Thứ tư, đây là Nghị định áp dụng chung cho cả DN của nước ngoài và Việt Nam với 2 chuẩn mực kế toán khác nhau và điều kiện hoạt động khác nhau, nếu áp dụng cùng công thức với tỷ lệ tính toán giống nhau sẽ gây khó khăn rất lớn cho các DN trong nước.
Từ đó, ông Nam khẳng định chắc chắn phải điều chỉnh quy định khống chế lãi vay của Nghị định 20 bằng cách huỷ bỏ hoặc tăng tỷ lệ lãi vay.
Trong thời gian chờ điều chỉnh, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết cần tạm dừng áp dụng hoặc diễn đạt lại Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 cho rõ ràng hơn.
Theo Lâm Tùng
NDH
Doanh nghiệp lao đao vì quy định lãi vay, chuyên gia 'hiến kế' gỡ vướng
Các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) đã cùng nhau "hiến kế" các giải pháp để Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam tổng hợp, kiến nghị Chính phủ và các cơ quan hữu trách xem xét chỉnh sửa những bất cập liên quan đến chi phí lãi vay quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
Phiên tọa đàm đề xuất những giải pháp tháo gỡ bất cập tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP
Quy định lãi vay ảnh hưởng quyền tự chủ của DN
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin trong bài "Quy định khống chế chi phí lãi vay: DN mất chủ động trong sản xuất?" số 344 ra ngày 10/12/2018, tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP (quy định về quản lý thuế đối với các DN có giao dịch liên kết) nêu rõ: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của DN được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, công với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của DN".
Quy định này dẫn đến những bất cập khiến DN nhiều lĩnh vực nói chung, DN lĩnh vực BĐS nói riêng "kêu cứu" vì ảnh hưởng đến quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của DN, nhất là DN tổ chức hoạt động theo mô hình Tập đoàn công ty mẹ - công ty con.
Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Cty TVTMDV Địa ốc Hoàng Quân cho hay, những bất cập của Nghị định 20/2017/NĐ-CP ảnh hưởng đến rất nhiều DN trong nước. "Trên thị trường BĐS, các DN làm nhà ở xã hội (NOXH) thì ảnh hưởng còn lớn hơn nhiều DN làm nhà ở thương mại. Đối với các DN NOXH, sau khi gói 30.000 tỷ đồng hết, các DN phải vay với lãi suất thương mại nhưng lại bị khống chế trần lãi vay 20%, khống chế mức lợi nhuận 10% vô tình sẽ làm hạn chế sự phát triển đầu tư dự án NOXH" - ông Trương Anh Tuấn cho hay - "Ở góc độ ngân hàng, họ sẽ hạn chế các DN làm NOXH. Với các cổ đông, họ bị hạn chế do vốn liên kết. Vậy, có nên chăng cần sửa đổi là đối với DN làm NOXH nên có những quy định riêng".
Hơn nữa, hầu hết các tập đoàn về BĐS đều có công ty liên kết. Việc liên kết này còn diễn ra ở cá nhân, ở một dự án hay một sản phẩm. Vì vậy, các cá nhân cũng bị ảnh hưởng bởi Nghị định này. Chưa kể, một dự án cũng được tính vào quy định này. Khi hợp tác, DN bỏ vốn vào dự án cũng sẽ bị ảnh hưởng, điều đó khiến không ai dám bỏ vốn vào đầu tư dự án. "Chúng ta rất mừng là Chính phủ đã khuyến khích các startup. Nhiều hộ gia đình, cá thể đã chuyển sang mô hình startup. Nhưng việc áp dụng Nghị định 20/2017/NĐ-CP sẽ khiến việc kêu gọi vốn gặp khó khăn vì các nhà đầu tư phải đặt cược rất lớn" - ông Tuấn nhận định.
Ông Tuấn và nhiều DN mong quy định này nhanh chóng được sửa đổi và có thể áp dụng sửa đổi ngay trong kỳ quyết toán thuế 2018, để các DN thật sự sống được, tồn tại được và hợp tác được với các DN FDI, đặc biệt có quy định, chính sách riêng cho những dự án NOXH.
Sửa hay bỏ?
Trong một hội thảo chuyên sâu về vấn đề này diễn ra sáng 14/12 tại Hà Nội, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, đã đưa ra các giải pháp sửa đổi quy định giới hạn chi phí lãi vay, như xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với DN có giao dịch liên kết đặc thù, làm rõ chi phí lãi chỉ áp dụng đối với giao dịch liên kết hay tất cả các khoản vay; Nâng tỷ lệ chi phí lãi từ 20% lên ngưỡng 30% có xem xét đặc thù một số ngành sử dụng vốn vay lớn như BĐS, điện lực, cơ sở hạ tầng...
Khẳng định quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết là cần thiết nhưng Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Luật Basico - cho rằng, cơ sở pháp lý và nội dung đang được quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP còn những điểm chưa hợp lý.
"Thứ nhất, trường hợp DN thật sự phải chi trả chi phí lãi vay cao hơn tỷ lệ khống chế nói trên, thì quy định của Nghị định là trái luật, vi phạm quyền huy động vốn từ mọi nguồn một cách hợp pháp để phục vụ nhu cầu kinh doanh. Thứ hai, quy định "tổng chi phí lãi vay" "không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần..." không phù hợp với một số DN, chưa tính đến yếu tố có hay không có "giao dịch liên kết". Vì nhìn chung, DN Việt Nam rất thiếu vốn nên phải đi vay, nếu "tổng chi phí lãi vay" trên 20%, thậm chí 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng cần phải được chấp nhận" - Luật sư Đức nói.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam - cho rằng, việc sửa Nghị định là khả thi: "Chúng tôi cũng cố gắng nỗ lực để kiến nghị lên trên để vừa chống chuyển giá, vừa để các DN thuận lợi hơn trong hoạt động". Còn TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế - khẳng định, Nghị định 20/2017/NĐ-CP chỉ nên áp dụng cho DN xuyên biên giới, không nên phân biệt đối xử theo ngành nghề, quy mô, càng gây rắc rối.
"Đây là một bài học đắt giá với Bộ Tài chính, các cơ quan của Chính phủ, là bất cập rất lớn trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập, minh bạch hơn. Cần có những nội dung sửa đổi căn cơ, căn bản" - TS Võ Trí Thành, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói.
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - cho hay, Hiệp hội sẽ tổng hợp các ý kiến để tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét. "Kiến nghị đầu tiên là bỏ khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Thứ hai là kiến nghị hoãn, lùi thời hạn thực hiện, hoặc kiến nghị quy định giao dịch liên kết là chỉ tính cho giao dịch xuyên biên giới" - ông Nam cho biết.
Bách Nguyễn
Theo baophapluat.vn
Hiệp hội BĐS Việt Nam kiến nghị xem xét quy định khống chế chi phí lãi vay trong Nghị định 20 Hiệp hội BĐS Việt Nam vừa có văn bản đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về NĐ 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Văn bản nêu rõ, ngày 24/02/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch...