Ông Nguyễn Đức Chung bị khai trừ khỏi Đảng
Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND Hà Nội.
Ngày 17/12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp về công tác cán bộ dưới sự điều hành của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương được Bộ Chính trị ủy quyền đọc Tờ trình của Bộ Chính trị đề nghị thi hành kỷ luật ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021.
Ông Nguyễn Đức Chung bị khai trừ ra khỏi Đảng. Ảnh: Hoàng Hà.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ông Nguyễn Đức Chung ra khỏi Đảng.
Trước đó, đầu tháng 12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 50 để xem xét, kết luận các hành vi sai phạm của ông Nguyễn Đức Chung.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy ông Nguyễn Đức Chung đã vi phạm rất nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân. Trên cơ sở sai phạm đó, cơ quan này đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét khai trừ ông Nguyễn Đức Chung ra khỏi Đảng.
Video đang HOT
Ngày 11/12, sau phiên xét xử kín, TAND Hà Nội tuyên ông Nguyễn Đức Chung 5 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.
Cùng tội danh này, bị cáo Phạm Quang Dũng (cựu cán bộ Cục Cảnh sát Kinh tế thuộc Bộ Công an) nhận mức án 4 năm 6 tháng tù.
Hai bị cáo còn lại là Nguyễn Hoàng Trung ( lái xe của ông Chung) và Nguyễn Anh Ngọc (thư ký riêng của ông Chung) lần lượt nhận mức án 24 tháng tù và 18 tháng tù.
Ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố, bắt tạm giam hôm 28/8 để điều tra về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.
Ngoài ra, ông Chung còn bị điều tra trong 2 vụ án khác là vụ Nhật Cường và vụ quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cơ quan điều tra đã chứng minh ông Chung có hành vi chiếm đoạt một số tài liệu bí mật, trong đó có tài liệu mật liên quan vụ Nhật Cường.
Ông Chung cũng có một phần trách nhiệm trong vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây thiệt hại 19,8 tỷ đồng, thuộc gói thầu số hóa của Sở KH&ĐT Hà Nội.
Trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Hà Nội, thành phố đã ký hợp đồng mua chế phẩm Redoxy 3C qua một đại lý trung gian, gây thất thoát cho Nhà nước khoảng 41 tỷ đồng. Với vai trò là Chủ tịch UBND Hà Nội, ông Chung có một phần trách nhiệm ở đây.
Ngày 25/9, ông Nguyễn Đức Chung bị bãi nhiệm chức Chủ tịch UBND Hà Nội. Hôm 11/8, Bộ Chính trị quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung.
Sức khỏe ông Nguyễn Đức Chung 'vẫn bình thường' trước phiên tòa ngày 11/12
Mới đây, ông Nguyễn Đức Chung đã đi khám tại một bệnh viện của Hà Nội, sức khỏe bình thường, không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, ông vẫn phải dùng thuốc do bác sỹ kê đơn và do gia đình chuyển vào.
Trao đổi với báo chí sau họp báo Chính phủ thường kỳ vào tối nay (2/12), Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin thêm về vụ án liên quan đến cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Ông Nguyễn Đức Chung liên quan đến 3 vụ án, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam. Trong quá trình điều tra, xử lý, ngày 11/12 tới đây sẽ xử vụ án chiếm loạt tài liệu bí mật, ông Nguyễn Đức Chung là 1 trong 4 bị cáo.
Còn 2 vụ án là vụ Nhật Cường và vụ mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C, có liên quan như thế nào với ông Chung, hiện cơ quan điều tra tiếp tục thu thập thông tin, chứng cứ. Thiếu tướng Tô Ân Xô giải thích có thể phần trách nhiệm của ông Chung đơn giản chỉ là "trách nhiệm người đứng đầu" nhưng như vậy cũng vẫn xác định là liên quan tới vụ án.
Thiếu tướng Tô Ân Xô.
"Nếu ra quyết định nào không phù hợp cũng là liên quan, hoặc là tạo điều kiện cho những hành vi không đủ điều kiện được thực hiện. Đến thời điểm này, cơ quan điều tra mới khẳng định là ông Chung có liên quan tới 2 vụ án trên, còn liên quan đến mức nào cần phải tiếp tục làm rõ", ông Xô nêu.
Cũng liên quan đến vụ án "chiếm đoạt tài sản bí mật nhà nước", kết luận điều tra, các trạng xác định, một số điện thoại di động được ông Chung sử dụng để liên lạc với bị can Dũng là thuê bao di động của nước Nga do người quen (đã mất) tặng cho cựu Chủ tịch Hà Nội cùng Iphone. Sau khi bị can Trung và Ngọc bị bắt, bị can Chung đã vứt bỏ vào tối ngày 14/7.
Thiếu tướng Tô Ân Xô cho rằng, việc sử dụng sim điện thoại của Nga là quyền cá nhân của ông Chung. "Người bình thường cũng có thể sử dụng nhiều sim khác nhau. Có sim rác, có sim đăng ký, cũng có khi sim bạn cho, cũng có khi mục đích tốt", Chánh văn phòng Bộ Công an nói.
Về tình hình sức khỏe ông Chung trong trại giam, trước khi diễn ra phiên tòa xét xử vào tuần sau, ông Tô Ân Xô cho biết "vẫn bình thường".
Theo thông tin mới nhất từ lãnh đạo Cơ quan an ninh điều tra, trong lần kiểm tra sức khỏe mới đây nhất tại một bệnh viện của Hà Nội, sức khỏe của ông Chung không có gì đặc biệt hay có bệnh gì nghiêm trọng.
Về thông tin luật sư, gia đình của ông Chung nêu việc ông này bị ung thư và phải điều trị căn bệnh này, Chánh văn phòng Bộ Công an giải thích, bệnh ung thư của ông Chung là tiền sử từ năm 2013. Thời điểm đó, các bác sĩ nói về nguy cơ mắc ung thư của ông này nhưng khi được chữa trị kịp thời, bệnh không phát triển thêm, cho đến nay không có diễn tiến mới.
Theo người phát ngôn Bộ Công an, hiện ông Chung vẫn dùng thuốc hàng ngày do bác sĩ kê đơn, do gia đình chuyển vào, ông Chung vẫn sử dụng theo quy định nhưng "điều kiện chăm sóc đặc biệt khác thì không có".
Bốn bị cáo hầu tòa ngày 11/12 gồm: Nguyễn Đức Chung; Phạm Quang Dũng, nguyên cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an); Nguyễn Hoàng Trung (lái xe của ông Chung) và Nguyễn Anh Ngọc (nguyên phó trưởng Phòng Thư ký biên tập, UBND TP Hà Nội) cùng bị truy tố về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.
Ông Nguyễn Đức Chung và Phạm Quang Dũng bị đề nghị khung hình phạt 10-15 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc bị đề nghị khung hình phạt 2-7 năm tù.
Trong vụ án, ông Chung bị xác định vai trò chủ mưu, Dũng là người thực hành, Trung và Ngọc là người giúp sức. Ông Chung có 4 luật sư bảo vệ.
Ông Nguyễn Đức Chung không được tại ngoại: Tội chiếm đoạt bí mật Nhà nước nghiêm trọng mức nào? Theo luật sư, Cơ quan Điều tra xác định hành vi vi phạm pháp luật của bị can Nguyễn Đức Chung là nghiêm trọng, nên không cho thay đổi biện pháp ngăn chặn là đúng pháp luật. Còn việc xác định tội danh gì, như thế nào thì còn phải chờ kết luận điều tra và truy tố của Cơ quan tiến hành...