Ông Lụm Cụm và cái cân gãy kim
Ông bảo rằng, không biết ăn sầu riêng, nghe cái mùi thôi là đã dị ứng, nhưng không hiểu sao ông lại thường đến ngồi ở sạp sầu riêng của tôi.
Thỉnh thoảng, tôi còn nghe ông nuốt nước miếng ừng ực. Nhà ông ở hẻm đối diện sạp tôi bán. Ông đã 88 tuổi, già lắm rồi. Tôi quên cả hỏi ông thứ mấy, tên gì, tự đặt tên ông là Lụm Cụm.
Một hôm, ông nhờ tôi mua cái cân năm ký lô vì ông không còn sức đi xe để tìm mua. Ông dặn: “Con lựa cái nào chính xác giùm bác. Nếu có cái nào vừa chính xác vừa rẻ nhất thì con lấy cái đó nghen. Cũ cũng được”.
Mấy ngày sau, ông ra lấy cân. Cái cân bị gãy kim nhưng ông rất ưng ý vì giá chỉ bằng 75% cái cân mới. “Ủa mà ông mua cân để làm gì?”, vừa giúp ông vặn con ốc gắn mâm cân tôi vừa hỏi. Tự dưng, ông ứa nước mắt thú thật: “ông mua cân để cân thức ăn gửi thăm tù”. Người ta quy định gửi không quá ba ký lô. Mấy lần trước, ông gửi lố, phải bỏ thức ăn. Con gái đầu của ông 62 tuổi bị bắt tạm giam mấy tháng nay vì tội lừa đảo. Ông suy sụp. Ông ước phải chi từ đầu năm rồi mình được theo bà về bên kia thế giới để không phải nhìn thấy cảnh này.
Có xe hơi, có hai căn nhà trong đó một căn ở, một căn cho thuê, có lương hưu, những tưởng tuổi già của ông sẽ an nhàn. Nào ngờ, khi có bồ là gã cho vay nặng lãi, con gái ông bỏ chồng, quay về nhà ông xin ở nhờ, đã đục khoét ông đến bay xe hơi, nhà cửa. Khi thì cô dựng chuyện xe hư, khi thì cô thua đề đến cùng quẫn, đòi nhảy cầu tự tử, khi thì cô lạy lục xin tiền để chạy một chỗ làm, hứa từ nay chí thú làm ăn, trả hiếu cho cha… Rồi vẫn ngựa quen đường cũ và ông lại bao dung. Ông đã chăm chỉ làm việc, tích cóp để về già có thể chủ động cuộc sống, không làm phiền con cái. Thế mà giờ đây, ông Lụm Cụm phải chia năm xẻ bảy đồng lương hưu hằng tháng ít ỏi của mình để trả tiền thuê nhà, điện nước, chi phí ăn uống, thuốc men, lại còn phải chuẩn bị thức ăn để thăm tù.
Video đang HOT
Ông một tay cầm cái cân gãy kim tôi vừa giúp ông quấn lại, một tay ghé vai người trẻ nào đó để quá giang băng qua đường. Mái tóc bạc trắng, đôi chân rệu rã, chắc ông không còn kịp để rút kinh nghiệm về sự hy sinh vô điều kiện cho con và chắc ông không chờ nổi ngày con gái ra tù, làm cho ông món xôi sầu riêng mà ông rất thích.
Tô Châu
Theo phunuonline.com.vn
Chiều con là 'chắp cánh' cho tài sản
Tuổi già trông vào may rủi phúc phần hay ngay từ khi chưa già, cha mẹ phải có những ứng xử cương quyết, phù hợp để vẫn nâng đỡ, trợ giúp con nhưng không biến con thành "thợ mỏ" đào... nhà mình?
Cha mẹ nào sinh con cũng mong con mình dễ nuôi, thông minh, thành đạt và hiếu đạo, nhưng cuộc sống vẫn rất nhiều hoàn cảnh éo le. Vấn đề đặt ra là tuổi già trông vào may rủi phúc phần hay ngay từ khi chưa già, cha mẹ phải có những ứng xử cương quyết, phù hợp để vẫn nâng đỡ, trợ giúp con nhưng không biến con thành "thợ mỏ" đào... nhà mình?
"Cướp" tại gia
Nhiều cha mẹ khấm khá nhưng giấu, không cho con biết nhằm tránh con đua đòi, phá của. Có những trường hợp, người con biết được cha mẹ mình cho người ngoài của cải đã lần dò đến đòi trả. Họ mặc định tài sản của cha mẹ là của mình. Nhưng phải chi con được hưởng, đằng này chúng toàn hiến cho... xã hội đen.
Bà Tư Kiến buôn bán ở Q.5, TP.HCM, góa chồng năm 36 tuổi, nuôi bốn đứa con thì ba đứa đều ngon lành về học thức, sự nghiệp, chỉ thằng út là... nhức đầu. Út nghỉ học sớm, ăn chơi lêu lổng, được bạn bè phong "chuyên gia banh bóng". Mỗi năm, ông "chuyên gia" này nướng không dưới 200 triệu đồng cho cá độ bóng đá nên sau sáu năm thì bị vợ bỏ, để lại hai thằng nhóc. Ôm nợ, gia đình bà Tư Kiến dần khánh kiệt. Nhà cứ bị giang hồ canh cửa, tạt sơn. Út bao phen không tởn vẫn lao vào đỏ đen, về nhà thì nhè mẹ mà mắng nhiếc, vòi tiền.
Các anh chị không thể trả nợ mãi cho út nên đề nghị mẹ có phương án tài sản để bảo toàn căn nhà cuối cùng (của ông nội để lại). Bà Tư lặng người chưa dám nói với các con, bởi mới tháng rồi, bà ra văn phòng công chứng lập di chúc cho út căn nhà. Sáng nay, ngồi trầm ngâm nhìn ra sân, bà Tư giật thót khi thấy hai thằng cháu nội đứa lên ba, đứa lên năm đang xào bộ bài Tây thuần thục. Bà tự hỏi: "Chẳng lẽ mình sai? Giờ phải làm sao?".
Vợ chồng ông Phạm Phong ở Q.1, TP.HCM sau 30 năm kết hôn, cuộc sống hạnh phúc, cơ ngơi hoành tráng, kinh doanh nhà hàng phát đạt, ngặt nỗi có độc nhất đứa con gái. Cô được bảo bọc từ nhỏ nên tính tình yếu đuối và luôn mộng mơ mẫu người yêu đẹp trai, lãng mạn giống như phim Hàn... Cuối cùng, con gái ông cưới được anh chàng tốt mã. Con yên bề gia thất, vì muốn nghỉ ngơi, ông Phong trao dần cho con gái và con rể quyền quản lý nhà hàng.
Nhưng không hiểu sao từ ngày chuyển giao, việc kinh doanh xuống dốc, mất khách, thâm vốn, đổ nợ. Chàng rể tốt mã dần lộ nguyên hình một tay lười nhác, ham chơi, chuyên cặp bồ với kiều nữ và nghe đâu mua nhà, kim cương tặng bồ. Còn con gái ông lụy tình, cứ dùng tiền của cha mẹ để níu kéo chồng đẹp trai. May mà ông phát hiện kịp sau một năm rưỡi, đã không sang tên cho vợ chồng căn biệt thự như dự định và dũng cảm đóng cửa nhà hàng để "cắt lỗ". Trên thương trường, ông rất tinh tường, còn trong nhà, ông lại u tối khi tạo cơ hội cho con và rể thành... kẻ cướp.
Giải pháp phòng thủ tài sản
Bậc cha mẹ, khi cưới gả con cần cân nhắc việc cho con nhiều tài sản hoặc cho tài sản giá trị lớn, bởi không phải đứa con nào cũng có khả năng quản trị tốt. Nếu chưa an tâm về dâu hoặc rể thì cha mẹ có thể chọn "giải pháp phòng thủ" bằng cách cho tài sản trước hôn nhân, bởi: "tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân..." (khoản 1, điều 43, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014). Tuy nhiên, đây là giải pháp mang tính đối phó, bởi trong thời kỳ hôn nhân vợ hoặc chồng hoàn toàn có thể nhập tài sản riêng thành tài sản chung theo thỏa thuận (điều 46).
Sợ con tiêu tán tài sản, thay vì sớm trao quyền sở hữu cho con, cha mẹ có thể chọn phương án lập di chúc phòng hờ gặp phải đứa con bất hiếu hoặc khả năng quản trị tài sản kém. Theo quy định tại điều 624, 640 Bộ luật Dân sự 2015 thì: di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ bình tĩnh đưa ra giải pháp ứng phó. Thường giải pháp bị che mờ bởi tâm lý bảo bọc con: "Đời mình quá khổ rồi, tiếc gì mà không dồn sức lo cho con sung sướng tấm thân? Chết có mang theo được đâu? Không hy sinh cho con thì hy sinh cho ai?". Rất dễ xảy ra xung đột khi con mượn vốn làm ăn nhưng mẹ bảo cho, cha lại bảo đừng. Không phải chỉ vì thiếu tiền hoặc ngại vay mượn, sợ rủi ro... mà cha không tin con sử dụng đúng mục đích. Mặt khác, cha muốn chính con tự tạo đồng tiền mới biết quý mà giữ và làm cho nó gia tăng. Đồng tiền sẵn có luôn mang mệnh giá thấp.
Cha mẹ cần lưu ý rằng, không có giải pháp phòng thủ nào tối ưu bằng giáo dục con có nền tảng tốt. Bởi đứa trẻ được nuông chiều thái quá sẽ ỷ lại, nếu luôn nghe lời sẽ mất tư duy độc lập và nếu được chăm sóc quá kỹ sẽ thiếu bản lĩnh. Do vậy, việc nền tảng giáo dục tốt sẽ trang bị cho người trẻ tư duy độc lập, kiến thức, vốn sống để đủ tự tin lựa chọn bạn đời phù hợp và đủ bản lĩnh để giữ gìn hạnh phúc. Đây mới là phương án phòng thủ tốt nhất.
Luật sư Trần Hoài Nhân
Theo phunuonline.com.vn
Chồng ích kỷ, chỉ lo cho mình và nhà nội Trong gia đình, hầu như tôi phải làm hết mọi việc, anh ít khi phụ giúp, nhiều lần cãi nhau cũng từ việc này. Hình ảnh minh họa Tôi và chồng cưới nhau được 13 năm, có đủ nếp đủ tẻ. Cả hai đều là giáo viên, kinh tế bình thường, đi lên từ bàn tay trắng, hai bên nội ngoại không giúp...