‘Ông lớn’ xin kéo dài dự án nghìn tỷ thêm 15 năm
Tổng công ty HUD vừa đề xuất giảm quy mô Dự án cải tạo chỉnh trang tuyến phố Ngô Gia Tự và xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội), đồng thời xin kéo dài thời gian thực hiện thêm 15 năm.
Giảm quy mô, kéo dài thêm 15 năm
Dự án cải tạo chỉnh trang tuyến phố Ngô Gia Tự và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới (KĐTM) Việt Hưng có quy mô 302,5ha được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư năm 2004 và giao Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (Tổng công ty HUD) là chủ đầu tư Dự án.
Mới đây, Tổng công ty HUD đã có đề xuất điều chỉnh quy mô và ranh giới dự án này từ 302,5ha xuống 223,6ha. Trong đó, quy mô diện tích và ranh giới dự án cải tạo chỉnh trang tuyến phố Ngô Gia Tự điều chỉnh giảm từ 93,6 ha xuống 13,1 ha; quy mô diện tích và ranh giới dự án KĐTM Việt Hưng không thay đổi là 210,5 ha).
Cùng với đó, Tổng công ty HUD cũng đề xuất điều chỉnh tăng quy mô nguồn vốn đầu tư (từ 7.841,782 tỷ đồng lên 8.997,45 tỷ đồng).
Đồng thời xin điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án thêm 15 năm (từ giai đoạn 2004-2009 sang giai đoạn 2004-2024).
Phối cảnh tổng thể khu đô thị mới Việt Hưng do Tổng công ty HUD làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, thông tin về nhà đầu tư cũng có thay đổi từ Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị thành Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị – Công ty TNHH.
Lý giải về những đề xuất trên, Tổng công ty HUD cho rằng do các nguyên nhân khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ một số lô đất theo quy hoạch phân khu N10 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4099/QĐ-UBND ngày 05/7/2017 (viết tắt là Quy hoạch phân khu N10), dẫn đến việc thay đổi quy mô đầu tư của Dự án.
Video đang HOT
Bộ Xây dựng nói gì?
Trước những đề xuất của Tổng công ty HUD, vừa qua Bộ Xây dựng đã có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Hà Nội hướng dẫn trình tự, thủ tục điều chỉnh Dự án cải tạo chỉnh trang tuyến phố Ngô Gia Tự và xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐTM Việt Hưng.
Theo đó, đối với đề xuất điều chỉnh quy mô và ranh giới từ 302,5 ha xuống 223,6 ha của dự án, Bộ Xây dựng cơ bản thống nhất với nội dung đề nghị điều chỉnh.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Sở KH&ĐT TP Hà Nội xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền về đề xuất của Nhà đầu tư về việc điều chỉnh dựa trên nguyên tắc: Phù hợp với Quy hoạch và Làm rõ những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Dự án từ trước đến nay; hoàn thiện cơ sở pháp lý thực hiện Dự án đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản và các pháp luật có liên quan khác.
Về đề xuất điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án, Bộ Xây dựng đề nghị Sở này căn cứ tiến độ giải phóng mặt bằng tại các vị trí còn lại tại Dự án và tình hình thực tế phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương để thẩm định đề xuất của Nhà đầu tư, xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định chấp thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, kế hoạch tổ chức thực hiện và hiệu quả đầu tư.
Tổng công ty HUD đề xuất giảm quy mô, kéo dài thêm 15 năm Dự án cải tạo chỉnh trang tuyến phố Ngô Gia Tự và xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Việt Hưng.
Tổng vốn đầu tư của Dự án đề xuất điều chỉnh là 8.997,45 tỷ đồng. Theo Bộ Xây dựng, tổng vốn đầu tư này là dự kiến và chỉ xác định cụ thể trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư điều chỉnh. Vì vậy, Bộ đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ các quy định hướng dẫn chủ đầu tư có trách nhiệm trình đề xuất điều chỉnh Dự án để người quyết định đầu tư xem xét, quyết định.
Ngoài ra, Bộ cũng lưu ý khi thực hiện việc điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh Dự án, Bộ Xây dựng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND TP Hà Nội. Để thống nhất quản lý nhà nước về phát triển đô thị và nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội theo các quy hoạch đã được phê duyệt, đề nghị sớm tổ chức lập, phê duyệt Chương trình phát triển đô thị, Khu vực phát triển đô thị theo quy định của pháp luật hiện hành.
Về trách nhiệm của chủ đầu tư và các bên liên quan, Bộ Xây dựng nêu rõ: “Đối với những khu vực trong phạm vi Dự án thuộc trách nhiệm giải phóng mặt bằng của chủ đầu tư nhưng chưa hoàn thành thì cần chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư cấp 1 và các chủ đầu tư thứ cấp trong việc đầu tư xây dựng và quản lý các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở tại Dự án, đảm bảo kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội giữa các dự án thành phần với nhau trong phạm vi Dự án và giữa Dự án với khu vực xung quanh”.
Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh việc thực hiện đảm bảo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội tại dự án theo quy định.
Hồng Khanh
Theo www.phunuvagiadinh.vn
Chỉ đạo nổi bật: Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Chỉ thị đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chỉ đạo giải quyết vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Long An... là một số chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ tuần từ 01-05/1.
Ảnh minh họa.
Những giải pháp chủ yếu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Mục tiêu của Nghị quyết là nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của WB (Ngân hàng thế giới), WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), WIPO (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới), UN (Liên Hợp Quốc) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4.
Nghị quyết về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 160/NQ-CP về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao.
Cụ thể, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Hợp đồng BT) được ký kết theo quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán thì tiếp tục thực hiện thanh toán theo nội dung Hợp đồng BT đã ký kết, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan đang có hiệu lực tại thời điểm ký kết Hợp đồng BT.
Đối với các Hợp đồng BT được ký kết từ ngày 1/1/2018, trong đó có điều khoản sử dụng tài sản công để thanh toán, yêu cầu các Bộ, ngành địa phương rà soát lại nội dung của Hợp đồng đảm bảo tuân thủ Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, pháp luật về đất đai, pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan. Trường hợp nội dung Hợp đồng BT phù hợp với quy định của pháp luật thì tiếp tục thực hiện thanh toán theo quy định của Hợp đồng BT; trường hợp nếu có nội dung chưa phù hợp với các quy định của pháp luật thì phải đàm phán điều chỉnh lại nội dung Hợp đồng BT cho phù hợp với các quy định pháp luật nêu trên.
Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Chỉ đạo của Phó Thủ tướng về vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Long An
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Long An.
Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ trực tiếp đến hiện trường phối hợp với UBND tỉnh Long An xử lý, khắc phục hậu quả vụ tai nạn; thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân tử vong và nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn.
Để tránh xảy ra các vụ việc tương tự trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu đầu tư, nâng cấp hệ thống thiết bị giám sát hành trình, bảo đảm chức năng giám sát trực tuyến, phát hiện ngay các hành vi vi phạm (đi sai làn đường, quá tốc độ, ngắt thiết bị giám sát hành trình trong thời gian vận hành phương tiện...) để cảnh báo cho chủ xe và lái xe; đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm khắc phục triệt để các lỗi chủ quan của lái xe, chủ xe; hằng quý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ thực hiện.
Theo bizlive.vn
Đà Nẵng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xử lý Sân Vận động Chi Lăng UBND TP Đà Nẵng có Công văn số 9227/UBND-STP gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành bản án hình sự vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, phần liên quan đến quyền sử dụng đất tại khu phức hợp Sân vận động Chi Lăng....