‘Ông lớn’ Sông Đà ôm nợ 11.000 tỷ đồng: Cổ phiếu biến động ra sao?
Mã SJG của Tổng công ty Sông Đà đang giao dịch dưới mệnh giá và “đóng băng” thanh khoản, trong bối cảnh nợ phải trả vào cuối năm 2019 hơn 11.000 tỷ đồng.
Chốt phiên giao dịch ngày 3/1, mã SJG của Tổng Công ty Sông Đà (Sông Đà Corporation) đứng mức 5.800 đồng một cổ phiếu, giảm quá 50% so với mức giá chào sàn 11.100 đồng.
Từ mức giá chào sàn 11.100 đồng/cổ phiếu, đến nay SJG giảm gần một nửa, còn 6.300 đồng. (Ảnh: H.H)
Không chỉ giao dịch dưới mệnh giá, cổ phiếu Sông Đà cũng đang gặp vấn đề về thanh khoản khi không có giao dịch nào được thực hiện trong nhiều ngày liên tiếp. Giao dịch gần nhất của cổ phiếu SJG là ngày 26/11 với khối lượng 2.100 đơn vị. Tính chung cả năm 2019, cổ phiếu Sông Đà giảm 20,5% thị giá, tương đương mỗi cổ phiếu mất 1.500 đồng. Lượng cổ phiếu giao dịch trung bình mỗi phiên chỉ 463 đơn vị.
Việc thị trường không mặn mà với cổ phiếu SJG là điều dễ hiểu. Ngay từ đợt bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO), Sông Đà đã ế nặng với lượng đăng ký mua chỉ đạt hơn 0,3% tổng khối lượng cổ phần đăng ký chào bán, tương đương số tiền thu về chưa đến 9 tỷ đồng. Tổng Công ty Sông Đà sau đó đưa 669.300 cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HNX trên tổng số 450 triệu cổ phần của công ty theo vốn điều lệ. Từ mức giá chào sàn 11.100 đồng/cổ phiếu, đến nay SJG chỉ còn 5.800 đồng, thuộc nhóm “cổ phiếu trà đá”.
Nhà đầu tư e ngại cổ phiếu SJG chủ yếu do tình hình kinh doanh của Sông Đà ngày càng bết bát. Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, doanh thu 2018 của công ty mẹ đạt 1.814 tỷ đồng, giảm 860 tỷ đồng so với năm 2017, tức 32,2%. Lợi nhuận sau thuế đạt 22,4 tỷ đồng, giảm 145 tỷ đồng, tương đương 86,7%. Tương tự, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất đạt cũng giảm mạnh, lần lượt giảm 3.400 tỷ đồng và 221 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, Sông Đà hiện nợ phải trả lên đến hơn 11.000 tỷ đồng và nợ phải thu trên 8.000 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, nợ của Sông Đà chủ yếu liên quan đến các khoản phải thu và phải trả trong tổ hợp công ty mẹ con và công ty liên kết. Trong đó, nợ phải thu tại Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long khoảng 2.700 tỷ đồng, Công ty cổ phần Điện Việt Lào hơn 800 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thủy điện Nậm Chiến gần 700 tỷ đồng, Công ty TNHH Điện Xekaman 1 gần 300 tỷ đồng, Công ty TNHH Điện Xekaman 3 khoảng 560 tỷ đồng.
Video đang HOT
Sông Đà cũng đang đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng vào 38 công ty con, công ty liên kết. Nhiều khoản đầu tư bị lỗ, mất vốn, như các khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Sông Đà 3, Công ty cổ phần Phòng cháy chữa cháy và Đầu tư xây dựng Sông Đà, Công ty cổ phần Sông Đà 12, Công ty cổ phần Phú Riềng Kraitie…
Vốn là một trong những “ông lớn” thuộc Bộ Xây dựng, được cổ phần hóa từ tháng 4/2018, song SJG ngày càng gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2019, SJG đạt doanh thu thuần đạt 5.310 tỷ đồng, giảm gần 14% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 307,8 tỷ đồng, giảm 3,9%.
Sông Đà cho biết nguyên nhân kinh doanh ảm đạm gần đây do sản lượng không đạt kế hoạch và việc tổng công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần từ 4/2018, không được đánh giá lại các khoản đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp tại thời điểm bàn giao.
“Việc trích lập dự phòng tài chính và dự phòng phải thu khó đòi được trích lập tại thời điểm 31/12/2018, nên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của SJG thấp. Do chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần nên SJG phải thực hiện trích lập dự phòng tổng số tiền hơn 239 tỷ đồng”, báo cáo thường niên Tổng công ty Sông Đà nêu.
Dù kết quả kinh doanh suy giảm song theo báo cáo, năm 2019, SJG chi lương cho Chủ tịch Hội đồng quản trị Hồ Văn Dũng là 632 triệu đồng/năm. Mỗi thành viên hội đồng quản trị nhận lương 45,9 triệu đồng/tháng, tương đương với 550 triệu đồng một năm.
HÒA BÌNH
Theo vtc.vn
Bộ Tài chính "điểm tên" các Bộ, ngành thực hiện việc thoái vốn chậm
Bộ Tài chính cho biết, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn với giá trị lớn là: Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, TP Hà Nội.
Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2019 có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 phê duyệt Danh mục doanh nghiệp Nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.
Lũy kế giai đoạn 2016 - 2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng.
Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm không đạt kế hoạch đề ra, trong đó Bộ Xây dựng còn phải thoái vốn tại 8/11 Tổng công ty cổ phần...
Tuy nhiên trong 168 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/168 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục 128 doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.
Như vậy, theo Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, không đạt được kế hoạch đề ra.
Về tình hình thoái vốn, theo quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Trong năm 2019, có 13 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo quyết định số 1232 thực hiện thoái vốn với giá trị 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng.
Lũy kế từ năm 2017 - 2019, thoái vốn nhà nước tại 92 đơn vị, với giá trị 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đánh giá, việc triển khai thoái vốn nhà nước theo quyết định số 1232/QĐ-TTg còn chậm, chỉ đạt 7,8% kế hoạch, không đạt kế hoạch đề ra.
Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn với giá trị lớn là: Bộ Công Thương (thoái vốn tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam), Bộ Giao thông vận tải (thoái 30,4% vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - Công ty CP và 35,16% vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Công ty CP), Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 Tổng công ty cổ phần); TP Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp).
Theo Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, phê duyệt phương án cơ cấu lại chậm, không đạt được theo kế hoạch đã đề ra. Chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần. Chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC, chưa đảm bảo kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.
Bộ Tài chính cho rằng, nguyên nhân là do một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.
Nhất là vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước....
Theo Infonet.vn
HUD giữ lại hàng nghìn mét vuông đất khi cổ phần hoá Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bộ Xây dựng về phương án xử lý nhà đất do Tổng Cty Đầu tư và Phát triển nhà và đô thị (HUD) sử dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, đối với đất làm toà nhà Văn phòng HUD Tower, số 37 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân...