“Ông lớn” Mai Linh nợ BHXH triền miên thế nào?
Từ năm 2012 đến nay, nhiều công ty của Tập đoàn Mai Linh có tổng số nợ BHXH lên con số kỷ lục hơn trăm tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến khoản nợ này kéo dài nhiều năm qua là khó khăn trong kinh doanh.
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP HCM vừa công bố danh sách 830 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội tính đến ngày 31/8/2018 và có mức nợ trên 300 triệu đồng.
Trong đó, Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Nam (Quận 1, TP HCM) đứng đầu danh sách với số tiền nợ hơn 53,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong danh sách doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội này còn có các công ty con của Mai Linh như: Công ty TNHH Chợ Lớn taxi (Quận 1, TP.HCM nợ hơn 16,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Vận tải tốc hành Mai Linh nợ hơn 6,4 tỷ đồng… Tính đến thời điểm hiện tại, các Công ty con của Tập đoàn Mai Linh có số nợ bảo hiểm xã hội lên đến 100 tỷ đồng.
Các khoản nợ BHXH của các công ty con Tập đoàn Mai Linh.
Điều đáng nói, số nợ này của Tập đoàn Mai Linh đã tồn đọng trong một thời gian dài.
Mai Linh từng xin giãn nợ”khủng”
Trước đó, tính đến 31/10/2017, số nợ đọng nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN trên toàn hệ thống Công ty Mai Linh là hơn 180 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là trên 150 tỷ đồng, lãi chậm nộp gần 77 tỷ đồng.
Video đang HOT
Với số nợ này, đầu năm 2018, CTCP Tập đoàn Mai Linh có văn cầu cứu Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam về những khó khăn của mình đồng thời kiến nghị được miễn tính lãi phát sinh trên số cũ, gia hạn nợ của Tập đoàn.
Theo Mai Linh, việc chậm trả nợ BHXH của Tập đoàn xuất phát từ nguyên nhân kinh doanh khó khăn của các công ty con trước đây. Ảnh: Zing.
Theo Tập đoàn Mai Linh, doanh nghiệp đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ. Doanh thu của Mai Linh thời điểm này giảm hơn 30% so với trước khi có các hãng gọi xe công nghệ và nhiều khả năng mất khả năng thanh toán, do nguồn thu không thể trả kịp cho các khoản nợ đến hạn. Mai Linh đã tìm giải pháp huy động mọi nguồn lực để chi trả các khoản nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và vốn vay cá nhân. Tuy nhiên, công ty chưa đảm bảo được tài chính để có thể duy trì hoạt động kinh doanh hàng ngày.
Mai Linh nợ BHXH triền miên từ năm 2012
Nợ BHXH đầm đìa từ năm 2012, tính đến năm 2016, tổng số nợ của Tập đoàn Mai Linh lên hơn trăm tỷ đồng.
Đầu năm 2013, tòa án đã tuyên xử 8 công ty “con” của Mai Linh buộc đóng số tiền nợ BHXH hơn 60 tỉ đồng. Tại TP HCM, sau khi bị tòa xử và BHXH Thành phố có Đơn đề nghị thi hành án, Mai Linh đã rất nhiều lần di chuyển, rồi tách nhập các công ty “con” qua lại giữa các quận. Dù vậy, tính đến hết tháng 3/2016, thống kê của BHXH TP HCM cho thấy, Tập đoàn Mai Linh nợ BHXH lên tới 132,6 tỷ đồng. Cơ quan BHXH đã làm đủ mọi cách nhưng hầu như khắc phục của Mai Linh là không đáng kể.
Hoàng Minh (tổng hợp)
Theo Trí Thức trẻ
Khởi kiện nợ đọng bảo hiểm xã hội còn nhiều khó khăn
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã và đang hoàn tất thủ tục nhằm khởi kiện các nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động. Để hiểu hơn về công việc này, Báo NTNN đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Đình Quảng (ảnh) - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).
Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)
Thưa ông, hiện nay tình hình nợ đọng BHXH trong các doanh nghiệp (DN) như thế nào?
- Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các DN trốn đóng, nợ BHXH, BHTN, BHYT với số tiền ước tính khoảng gần 15.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn khoảng gần 2.000 tỷ đồng nợ BHXH từ các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ DN bỏ trốn, không thể thu hồi. Số tiền này ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 193.000 người lao động. Tuy vậy, con số này đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là thành quả lớn trong sự phối hợp của các cấp các ngành từ việc tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát và nâng cao ý thức tuyên truyền của cơ quan có liên quan.
Hàng nghìn người lao động chịu thiệt do DN nợ BHXH. Ảnh: Minh Nguyệt
Là cơ quan bảo vệ quyền lợi của người lao động, Tổng liên đoàn đã có những giải pháp nào để giảm nợ BHXH?
- Hiện nay, Tổng Liên đoàn cùng nhiều cấp ngành có liên quan rất quan tâm tới vấn đề giải quyết nợ đọng BHXH. Đặc biệt, Luật hình sự mới có hiệu lực đã đưa nội dung hình sự hóa tội trốn đóng BHXH. Điều này đã tạo sự răn đe rất tốt, góp phần cảnh tỉnh DN nợ đóng, chậm đóng BHXH. Rất nhiều DN trước đó có thông tin khó khăn, từng chây ỳ đóng BHXH nhưng giờ đã chủ động nộp đóng.
Mới đây Luật hình sự đã quy định hình sự hoá tội danh trốn đóng, chậm đóng BXHH, điều này sẽ tác động thế nào tới việc khởi kiện của công đoàn?
- Theo quy định, Điều 216 quy định muốn xử lý một người chủ sử dụng lao động (DN) về tội trốn đóng BHXH, thứ nhất người đó phải có trách nhiệm đóng nhưng phải có hành vi hoặc thủ đoạn trốn đóng. Nhưng điều kiện là khoản nợ này phải từ 6 tháng trở lên. Thứ hai là người đó, DN đó phải được xử lý vi phạm hành chính. Nếu có đủ hai điều kiện trên thì DN mới bị mang ra quy trách nhiệm hình sự. Khung phạt tù nhiều khung, cao nhất lên tới 7 năm. Vướng mắc ở đây là DN nợ đọng rất nhiều, nhưng số lượng từ 6 tháng trở lên không nhiều. Thêm vào đó, dù thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng số lượng bị xử phạt hành chính lại rất ít. Đội ngũ thanh tra viên, có thẩm quyền xử phạt cũng rất mỏng. Thực tế này khiến việc truy tố sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thực tế hoạt động khởi kiện được tổ chức công đoàn thực hiện thế nào, kết quả ra sao thưa ông?
- Điều 14 theo Luật BHXH cho công đoàn được quyền khởi kiện những DN có hành vi, vi phạm gây thiệt hại quyền lợi cho người lao động, đặc biệt trong đó có hành vi chậm, trốn, nợ đóng BHXH... Trước đây, việc khởi kiện do hệ thống BHXH Việt Nam khởi kiện, nhưng từ năm 2014 BHXH Việt Nam được giao chức năng thanh tra, xử phạt. Như vậy, nếu khi cho BHXH quyền thanh tra, rõ ràng không thể giao cho họ quyền khởi kiện. Quyền này được trao cho công đoàn. Tuy vậy, khi các tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa thì gặp nhiều khó khăn. Tổng Liên đoàn dù rất quyết liệt triển khai nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở việc tập hợp số liệu, chứng cứ gửi đến tòa.
Về việc khởi kiện nợ BHXH ra tòa án, các cấp công đoàn đã tiếp nhận 2.352 bộ hồ sơ DN nợ BHXH do cơ quan BHXH chuyển sang. 20 Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố đã khởi kiện đến các cấp tòa án với tổng số 187 vụ DN nợ BHXH. Trong 187 vụ do công đoàn khởi kiện, tòa án nhân dân các cấp đã hòa giải thành 28 vụ, trả lại 48 hồ sơ khởi kiện. Số còn lại không thụ lý hồ sơ với các lý do nhiều lý do.
Trước thực trạng này, ông có kiến nghị gì với các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, thể chế để việc khởi kiện được thuận lợi hơn?
- Trước thực tế trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị, bên cạnh điều kiện thanh kiểm tra, cơ quan thanh tra cũng phải lập biên bản xử phạt, chứ không chỉ dừng lại ở thanh tra không để tạo hành lang cho việc khởi tố, truy tố hình sự các DN sau này. Thêm vào đó, Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có nhiều phiên làm việc, ký kết hợp tác với BHXH Việt Nam nhằm hỗ trợ cung cấp tài liệu, kinh nghiệm khởi kiện... Tổng Liên đoàn cũng làm việc với Toà án tối cao, Viện Kiểm sát, Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội để tháo gỡ các vướng mắc.
Theo Danviet
TP.HCM công bố 830 công ty nợ bảo hiểm xã hội TP.HCM vừa công bố 830 công ty nợ BHXH trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp vận tải đứng đầu danh sách này với số nợ lên đến hàng chục tỷ đồng. Sau khi Cục thuế TP.HCM công bố các doanh nghiệp nợ thuế, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM cũng vừa công bố danh sách 830 doanh nghiệp còn nợ BHXH...