“Ông lớn” bất động sản đặt mục tiêu kinh doanh cho năm 2020 như thế nào?
Nhiều ông lớn bất động sản tiếp tục đặt mục tiêu kinh doanh tăng trưởng cao cho năm 2020 mặc dù năm nay thị trường BĐS đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường bất động sản lại rục rịch sôi động trở lại. Các dự án liên tục được chào bán ra thị trường trong tháng 5 này với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn. Sự kìm nén về nhu cầu mua BĐS suốt những tháng dịch bệnh đã khiến những dự án có hàng chào bán trong tháng 5 thu hút được người mua. Trong đó có nhiều dự án BĐS lớn từ các ông lớn BĐS, tỷ lệ hấp thụ khá tốt. Đơn cử như tòa chung cư cao cấp trung tâm Vinhomes Ocean Park có tới 50% được bán ra trong 6 tiếng; Aqua City của Novaland cũng hút giới đầu tư…
Với bức tranh tươi sáng hơn của thị trường địa ốc, nhiều doanh nghiệp BĐS lớn tự tin đặt kế hoạch kinh doanh khả quan trong năm nay. Trong đó, đáng chú ý là các ông lớn BĐS đều đặt mục tiêu kinh doanh 2020 đầy tham vọng.
Theo tài liệu của Vinhomes trình ĐHCĐ thường niên 2020, công ty đặt mục tiêu đạt 97.000 tỷ đồng doanh thu tăng trưởng 87,9% và lợi nhuận sau thuế 31.000 tỷ đồng tăng trưởng 27,5% so với năm ngoái. Dù thị trường BĐS quý 1 năm nay trầm lắng do dịch bệnh Covid-19, thế nhưng Vinhomes vẫn ghi nhận khoản lãi cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước lên hơn 10.100 tỷ đồng. Khoản lãi cao của Vinhomes là nhờ hoạt động chuyển nhượng BĐS tại các dự án lớn gồm Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Marina, đồng thời ghi nhận khoản lợi nhuận 7.509 tỷ đồng từ chuyển nhượng khoản đầu tư vào công ty con.
Trong năm nay, kế hoạch kinh doanh của Vinhomes tiếp tục tập trung ở các dự án đại đô thị Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park. Đồng thời, tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm từ trung cấp đến cao cấp và dự kiến mở bán 3 dự án mới tại Hà Nội và Hưng Yên. Trong đó, dự kiến cuối năm Vinhomes sẽ mở bán dự án Vinhomes Wonder Park tại Đan Phượng.
Điểm đáng chú ý khác trong kế hoạch kinh doanh 2020 và những năm tới của Vinhomes, đó là nhảy sang lĩnh vực phát triển phát triển bất động sản khu công nghiệp tại các thành phố lớn, có hạ tầng tốt như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh và phát triển hạng mục văn phòng nằm trong các khu đô thị Vinhomes.
Bên cạnh Vinhomes, tập đoàn Novaland cũng vừa công bố tài liệu họp ĐHCĐ thường niên 2020. Sau những bước chuẩn bị từ những năm trước trong chiến lược phát triển giai đoạn 2 của tập đoàn này, Novaland đang đẩy mạnh phát triển loại hình BĐS đô thị sinh thái và BĐS nghỉ dưỡng với quỹ đất lớn. Trong đó, 3 đại dự án đang được Novaland triển khai gồm Aqua City (Đồng Nai), NovaWorld Phan Thiết và NovaWorld Hồ Tràm…
Video đang HOT
Theo kế hoạch kinh doanh 2020 tập đoàn Novaland trình các cổ đông thông qua, năm nay công ty đặt mục tiêu đạt hơn 14.877 tỷ đồng doanh thu thuần tăng trưởng 36%, lợi nhuận trước thuế khoảng 4.520 tỷ đồng (tăng trưởng 6%) và lợi nhuận sau thuế đạt 3.650 tỷ (tăng 8%) so với năm ngoái.
Doanh thu và lợi nhuận năm 2020 chủ yếu đến từ 10 dự án BĐS mà Novaland có kế hoạch bàn giao nhà trong năm nay. Các dự án bàn giao chủ yếu là chung cư cao cấp ở quận 2, quận 7, Phú Nhuận,…và một phần dự án Aqua City, NovaHills Mũi Né, NovaWorld Hồ Tràm.
Năm 2020, Novaland dự kiến phát triển tối thiểu 22 dự án hiện có. Trong đó tới 16 dự án ở TP. HCM, một dự án Đồng Nai, hai dự án Bình Thuận, một dự án Khánh Hoà và hai dự án ở Bà Rịa Vũng Tàu.
Nhiều doanh nghiệp BĐS lớn khác cũng không dấu tham vọng khi đặt mục tiêu lãi nghìn tỷ trong năm 2020. Đơn cử như Công ty CP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền đặt kế hoạch doanh thu 3.500 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.100 tỉ đồng, tăng 20% so với năm ngoái. Khang Điền chủ yếu phát triển những khu nhà ở vừa và nhỏ, có tính thanh khoản cao như khu nhà thấp tầng 5,7ha tại Bình Trưng Đông với 159 căn và một dự án khác 4,3ha ở Phú Hữu (Quận 9) với 122 căn. Đồng thời, công ty tiếp tục công tác giải phóng mặt bằng và từng bước hoàn chỉnh thủ tục pháp lý cho các dự án ở Quận 2, Quận 9, Bình Chánh và Bình Tân.
Hay như Phát Đạt cũng đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay với 3.789 tỷ đồng doanh thu và 1,200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng tăng 11% về doanh thu và tăng hơn 37% về lợi nhuận so với kết quả đạt được năm ngoái.
Trong khi đó, nhiều đại gia BĐS khác lại đang gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và có mục tiêu kinh doanh thận trọng trong năm nay. Đơn cử như Tập đoàn Đất Xanh, doanh thu quý 1 chỉ đạt 602 tỷ giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận công ty mẹ cũng chỉ đạt 67,5 tỷ giảm gần 240 tỷ so với Q1/2019.
Hàng tồn kho của Đất Xanh đã tăng lên 8.552 tỷ, chủ yếu từ những dự án dở dang như Gem Riverside (Quận 2, TP. HCM), Opal Boulevard, ST Moritz (quận Thủ Đức), Khu dân cư Long Thành (tỉnh Đồng Nai), La Maison. Mục tiêu 2020 của doanh nghiệp này là đạt 4.900 tỷ doanh thu và 1.034 tỷ lợi nhuận giảm 15% so với năm 2019.
Một doanh nghiệp khác cũng có kết quả kinh doanh bi đát trong quý 1 là Công ty CP Đầu tư LDG với doanh thu chỉ đạt 66 tỷ trong khi con số cùng kỳ năm ngoái là 313 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuê đạt hơn 1,3 tỉ bằng 1,1% so với số lãi 120 tỷ đồng của quý I/2019 và thấp nhất trong 13 quý trở lại đây…
Với những kế hoạch trên, có thể thấy bức tranh rõ nét về lĩnh vực BĐS đang thanh lọc khốc liệt trong thời kỳ khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp có cơ hội để bứt phá nhưng cũng không ít doanh nghiệp phải “thắt lưng buộc bụng” để vượt qua khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc "khó giải" bài toán dòng tiền
Ghi nhận của Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, so với những năm trước, dòng tiền kinh doanh của nhiều doanh nghiệp địa ốc niêm yết năm 2019 đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường khi lượng hàng tồn kho, các khoản phải thu, nợ phải trả ngắn hạn tăng mạnh, trong khi tiền và tương đương tiền của một số doanh nghiệp đang có dấu hiệu suy giảm dù vẫn báo lãi.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) là một trong những doanh nghiệp có các khoản phải thu và hàng tồn kho tăng vọt trong năm vừa qua. Ghi nhận từ báo cáo tài chính hợp nhất mới nhất cho thấy, tính tới hết ngày 31/12/2019, các khoản phải thu của Đất Xanh lên tới 9.023 tỷ đồng, tăng tới hơn 3.456 tỷ đồng.
Trong đó, chủ yếu là do tăng mạnh các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, các khoản phải thu về cho vay một số bên liên quan và các khoản vốn góp, tạm ứng đầu tư ở một số đơn vị. Cùng với các khoản phải thu tăng mạnh, hàng tồn kho của tập đoàn địa ốc này cũng tăng lên hơn 2.186 tỷ đồng từ việc triển khai một số dự án mới.
Đồng thời, lượng hàng tồn kho quá lớn cũng phần nào gây ảnh hưởng khiến dòng tiền hoạt động kinh doanh trong năm vừa qua của Đất Xanh tăng mạnh từ mức âm 931,7 tỷ đồng lên tới âm gần 1.800 tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền và các khoản tương đương tiền của Tập đoàn trong năm vừa qua cũng có chiều hướng suy giảm khi chỉ ghi nhận hơn 793,2 tỷ đồng vào cuối tháng 12/2019, giảm tới hơn 365,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước đó. Mặc dù đây vẫn là một con số tương đối lớn, tuy nhiên, trong bối cảnh các khoản nợ ngắn hạn phải trả cũng tăng lên tới hơn 2.100 tỷ đồng, áp lực gia tăng về khả năng thanh toán trong ngắn hạn sẽ là bài toán mà Địa ốc Đất Xanh sẽ phải giải trong năm nay.
Cũng chịu cùng nỗi lo đối diện với áp lực gia tăng về khả năng thanh toán ngắn hạn trong năm 2020 như Đất Xanh phải kể đến Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (Mã chứng khoán: TCH). Trong năm vừa qua, Hoàng Huy có nhiều biến động lớn trong dòng tiền hoạt động kinh doanh.
Ghi nhận báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019, trong khi các khoản phải thu của công ty này tăng thêm gần 156 tỷ đồng thì hàng tồn kho thậm chí còn tăng hơn 1.803 tỷ đồng. Cùng với hàng tồn kho và khoản phải thu tăng lên, nợ phải trả của Công ty cũng tăng hơn 1.907 tỷ đồng, trong đó tăng mạnh nhất là khoản phải trả ngắn hạn khác. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các khoản tiền và các khoản tương đương tiền của Hoàng Huy vốn chưa thực sự dư dả nhưng cũng đã giảm hơn 223,5 tỷ đồng trong năm vừa qua.
Trong khi đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 của Tổng công ty IDICO-CTCP (Mã chứng khoán: IDC) cho thấy, lượng tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp này cũng suy giảm khá lớn trong năm 2019 vừa qua khi giảm tới hơn 221,6 tỷ đồng. Tuy các khoản phải thu, hàng tồn kho cũng như nợ phải trả không tăng quá nhiều so với cùng kỳ năm 2018, nhưng xu hướng áp lực về việc xoay chuyển vốn để trả nợ ngắn hạn của đơn vị này cũng liên tục tăng trong vài năm trở lại đây.
Trong số các đại gia bất động sản ghi nhận biến động dòng tiền kinh doanh nhiều nhất năm 2019, phải kể đến LDG Group (Mã chứng khoán: LDG) khi ghi nhận tới thời điểm cuối 31/12/2019, tiền và các khoản tương đương tiền của LDG chỉ vỏn vẹn còn hơn 40 tỷ đồng, giảm tới gần 550 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019.
Trong khi dòng tiền suy giảm mạnh, LDG lại liên tục ghi nhận sự gia tăng về các khoản phải thu ngắn hạn lên 1.833,9 tỷ đồng (tăng 683,9 tỷ đồng so với cùng kỳ), nợ ngắn hạn lên 2.725 tỷ đồng (tăng 427 tỷ đồng so với cùng kỳ). Điều này cũng góp phần đẩy lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh của LDG âm thêm gần 624 tỷ đồng, lên mức âm 1.496 tỷ đồng.
Năm 2019 tiếp tục là một năm nhiều khó khăn với Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) khi không chỉ tiếp tục không hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh mà cũng là năm doanh nghiệp này đối diện với nhiều khó khăn về bài toán dòng tiền.
Kết thúc năm 2019, mặc dù các khoản phải thu ngắn hạn sụt giảm tương đối lớn khoảng 665,5 tỷ đồng xuống về còn 454,5 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản trả trước cho người bán, tuy nhiên, hàng tồn kho lại tăng thêm tới gần 1.000 tỷ đồng, đưa lượng hàng tồn kho của Quốc Cường Gia Lai lên tới hơn 8.500 tỷ đồng, chiếm gần 93% tổng tài sản ngắn hạn. Với khoản nợ phải trả lên tới hơn 6.710 tỷ đồng, năm 2020 dự đoán tiếp tục sẽ là năm tương đối vất vả của Công ty khi lượng tiền và tương đương tiền của đơn vị này chỉ còn vỏn vẹn hơn 16 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (Mã chứng khoán: NDN) cũng nằm trong số doanh nghiệp có lượng tiền mặt hiện hữu tương đối nhỏ so với quy mô tài sản và các khoản nợ phải trả. Tính tới cuối năm 2019, lượng tiền và các khoản tương đương tiền của Nhà Đà Nẵng ghi nhận được vỏn vẹn hơn 11,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ phải trả ngắn hạn lên tới hơn 1.491,3 tỷ đồng. Chiếm trọng yếu tài sản ngắn hạn cùa công ty này là các khoản đầu tư tài chính chiếm hơn 1.063 tỷ đồng và hàng tồn kho lên tới hơn 745,6 tỷ đồng.
Trên thực tế, trong báo cáo kết quả kinh doanh, còn nhiều chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp địa ốc, tuy nhiên, theo phân tích của Giám đốc đầu tư cổ phiếu, bất động sản và các tài sản khác tại một công ty quản lý quỹ thì cạn tiền mặt là chỉ báo đầu tiên cho thấy sự bất ổn khi nó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngắn hạn.
Đặc thù hàng tồn kho của mỗi đơn vị khác nhau dẫn tới tính thanh khoản khác nhau. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, trong tình hình thị trường nói chung không thực sự ủng hộ, nhiều doanh nghiệp bất động sản và các thành viên thị trường khác có tâm lý phòng thủ thì việc cạn dòng tiền là nguy cơ hiển hiện ngay trước mắt.
"Phân khúc đang được kỳ vọng nhiều nhất là nhà ở giá rẻ nhưng chỉ phù hợp với những doanh nghiệp đã có kế hoạch từ nhiều năm trước, thu gom xong quỹ đất và hoàn thiện sản phẩm, đưa vào hoạt động. Đồng thời, mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng cũng phải giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có kế hoạch điều chỉnh dự án chuyển sang phân khúc này, song số lượng có khả năng chuyển đổi cũng không nhiều. Còn những công ty khác bây giờ mới tham gia phân khúc này thì lại phải xin dự án từ đầu, mất 2-3 năm nữa mới có sản phẩm. Do đó, việc không có dòng tiền đủ lớn để tiếp tục... nằm gai nếm mật là một nguy cơ", vị giám đốc phân tích.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Thu phí bảo hiểm gốc tăng gần 30% giúp PJICO đạt lợi nhuận 52,5 tỷ đồng quý I Đóng góp phần lớn vào lợi nhuận trước thuế của PJICO chủ yếu từ mảng bảo hiểm, đạt 52,5 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh minh họa. Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 với doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng mạnh 29% so với cùng...