Ông lão làm bé 14 tuổi mang thai rồi “đào tẩu”
Sau khi làm cho bé gái 14 tuổi nhà kế bên có thai, ông lão Nguyễn An Cư (69 tuổi, ngụ ấp 9, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) khi bị phát hiện đã “thành thật nhận tội” để xin được tại ngoại. Cứ tưởng ông lão ở tuổi “gần đất xa trời” này phục thiện, ai ngờ đó là “chiêu bài” để đối tượng “đánh bài chuồn”, trốn chạy tội ác và bỏ lại bé gái với cái thai hơn nửa năm tuổi.
Căn chòi nơi xảy ra vụ án
Ý đồ đen tối sau những lời dụ dỗ trẻ thơ
Mẹ của cháu bé Lê Hồng Liên (cùng ngụ địa chỉ nêu trên) nhớ lại, trong bữa cơm trưa một ngày đầu tháng 4/2012, thấy con gái có nhiều “biểu hiện lạ” như nôn ói khi ăn. Bằng kinh nghiệm từng 3 lần mang thai, chị nghi có chuyện chẳng lành nên tức tốc chở con đi khám.
Kết quả khám bệnh bất ngờ như sét đánh ngang tai: Bé gái đã có bầu đã 5 tháng tuổi, không thể phá bỏ vì có nguy cơ ảnh hưởng đến cả thai phụ và đứa trẻ. Gặng hỏi cô bé về “tác giả” vụ việc, gia đình thêm một lần bất ngờ khi bé gái cất lên tên ông lão Cư, người mà cô bé thường gọi là cố. Nhận tin báo về sự việc, chính quyền đã xuống tận nơi lấy lời khai, lập biên bản.
Theo lời khai của nạn nhân, sự việc bắt đầu diễn ra từ cách đó gần nửa năm, quãng đầu tháng 11/2011. Ngày hôm đó khi bố mẹ bé gái đi ra sông chài lưới bắt tôm bắt tép để kiếm tiền mua gạo, ở nhà chỉ còn 3 chị em gái trông nhà. Cách nhà cô bé khoảng 70m là chòi canh vuông tôm của ông Cư. Lâu nay ông ít sống với con cái mà chủ yếu ra vuông tôm ở một mình, chỉ những bữa ăn mới mò về nhà. Sống một mình nên nhiều lúc ông gọi mấy đứa trẻ trong ấp đến chơi tá lả.
Chiều hôm đó, ông lão cũng gọi bé Liên và một bé trai khác trong ấp vào chòi canh chơi bài. Một hồi sau, ông Cư đuổi bé trai về nhà, đóng sập cửa chòi, sấn tới bé gái giở trò đồi bại. “Lúc ấy con đẩy cố ra, nhưng cố bóp cổ con, dọa nếu kêu lên sẽ bóp chết. Con sợ quá nên im lặng. Sau đó cố dọa không được kể chuyện này với ai nên con không dám kể”, nạn nhân nhớ lại.
Cô bé khai thêm sau lần đó “cụ râu xanh” còn 3 lần nữa giở trò tương tự cùng với “chiêu” cũ là gọi sang đánh bài. Mọi người thắc mắc là nếu sợ thì vì sao vẫn sang khi ông lão gọi, bé gái cho biết: “Ở nhà chơi với các em chán lắm, con thích được chơi bài nên sang chơi với cố”.
Cháu L.
Ông lão không gương mẫu
Video đang HOT
Cha của nạn nhân cho biết có nằm mơ cũng không nghĩ ông lão hàng xóm “thân thiện” lại làm hại con gái mình. Bình thường ông Cư hay sang nhà anh chơi, trò chuyện hoặc cùng xem phim cùng gia đình vào buổi tối. Đầu năm ngoái, chòi canh vuông tôm của ông bị cháy trụi, anh là người đầu tiên đến dập lửa giúp, cũng chính anh đã giúp dựng lại căn chòi. “Ai ngờ ông lão lại bạc ác như thế”, cha nạn nhân nói.
Cha của bé gái cho biết thêm, vợ chồng anh sinh được 3 đứa con gái, bé Liên là chị cả trong gia đình. Do sức học yếu nên bé chỉ học đến lớp 4 rồi nghỉ học, cả ngày ở nhà trông em. Từ nhỏ cô bé đã là người ít nói, ít giao tiếp với bên ngoài nên không được thông minh, lanh lợi như nhiều chúng bạn cùng trang lứa. Trong khi đó hoàn cảnh gia đình anh thuộc dạng nghèo nhất xã, do làm ăn thất bát nên có 3 công ruộng đã phải mang đi cầm cố trả nợ. Ruộng vườn không, vuông tôm cũng không nên ngày ngày vợ chồng anh đi ra sông gần đó quăng chài thả lưới bắt tôm cá, mang đi bán lấy tiền mua gạo nuôi con cái. “Cũng vì bận bịu đi kiếm miếng cơm manh áo mà chúng tôi để con cái ở nhà không có người lớn trông nom”, người cha than thở.
Ông Cao Văn Chiến (SN 1951), Trưởng ấp 9 cho biết, ban đầu khi bị nạn nhân tố cáo, ông Cư đã khăng khăng chối cãi, mãi khoảng gần một tuần sau biết mình không thể “cãi chày cãi cối” mới nhận lỗi trước chính quyền và công an. Sau khi sự việc xảy ra, Chi bộ ấp đã họp bàn và quyết định đình chỉ việc sinh hoạt Đảng đối với ông Cư trong thời gian 3 tháng, chờ kết luận của công an sẽ đưa ra hình thức xử lí cụ thể.
Ông trưởng ấp cho biết thêm, trước đây ông nhiều năm cùng làm việc với ông Cư nên ông biết rõ tính “cụ râu xanh” này. “Ông ấy là một người rất ham vui, ham rượu chè nhậu nhẹt. Nhiều khi công việc chưa xong mà cứ ai mời rượu là ổng bỏ bê tất cả, lao vào nhậu nhẹt. Sau này khi nghỉ công tác thì ông lão càng sa đà hơn, cứ thấy tiệc nhậu là lao vào rồi uống say, cười nói nhảm nhí”, vị trưởng ấp kể về lối sống của thủ phạm trước đây.
Vụ “đào tẩu” bất ngờ
Gia đình nạn nhân cho biết, từ khi sự việc xảy ra, mặc dù thủ phạm đã cúi đầu nhận tội trước chính quyền địa phương và công an nhưng người vợ ông thường xuyên “giở trò”, la mắng gia đình anh, cho rằng “con bé đã vu oan cho ông lão”, rằng “ông lão già như thế rồi thì còn “làm ăn” được gì”.
Ấm ức vì con gái đã bị hại lại phải nghe những lời mắng chửi, gia đình anh vẫn nín nhịn chờ công an giải quyết. Nhưng không hiểu vì lí do gì, vụ việc được phát hiện từ tháng đầu tháng 4 đến nay nhưng kẻ đồi bại vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật mà không bị công an tạm giam. Nóng lòng chờ đợi cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà không thấy đâu, gia đình nạn nhân đã làm đơn đề nghị cơ quan chức năng giải quyết và nhận được câu trả lời “sự việc đang được điều tra”.
“Cái thai trong bụng con tôi mỗi ngày một lớn hơn. Tôi chỉ mong sự việc sớm được xử lý để chúng tôi ổn định tinh thần, có thời gian lo chuyện sinh nở cho đứa bé”, cha của nạn nhân nói.
Trưởng ấp Cao Văn Chiến cho biết cuối tháng 4/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thới Bình đã ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn An Cư về tội Giao cấu với trẻ em và cho bị can tại ngoại. Bất ngờ xảy ra khi một tháng trở lại đây, ông lão “mất tích” khỏi địa phương, không biết ông đã đi đâu. “Tôi đi đâu dân làng cũng xúm xít lại hỏi là tại sao ông Cư phạm tội tày đình như vậy mà công an không bắt, rồi giờ ông ấy trốn biệt? Tôi không biết trả lời như thế nào cho ổn, đành nói ậm ừ cho qua”, trưởng ấp nói.
Khổ nhất vẫn là cô bé nạn nhân, từ khi sự việc bị phát lộ, cả ngày em chỉ lủi thủi trong nhà, không dám đi ra ngoài vì xấu hổ. “Nó chỉ là một đứa bé, nhưng nghe người làng nói nhiều nên cháu nó cũng hiểu ra được vấn đề, nay nhiều lúc ngồi khóc một mình. Tôi thương con mà không biết phải làm gì?”, mẹ nạn nhân bộc bạch. Nhìn bé gái mặt non chị ôm cái bụng bầu đã sắp vượt mặt, nhiều người không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về tương lai của hai mẹ con cô bé.
(Tên nạn nhân trong bài đã được thay đổi)
Theo Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự, tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo khi: 1.Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng 2. Phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm, và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Bình luận về vụ việc, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Tp Hà Nội cho biết đối chiếu với quy định nêu trên, cảnh sát đã không sai khi cho ông lão 69 tuổi (là người già yếu) được tại ngoại, nhưng “đây cũng là bài học để cơ quan chức năng cân nhắc trong những vụ việc tương tự. Ông lão đã nhiều lần làm nhục cháu bé dẫn đến hậu quả mang thai, thì cũng vẫn có nguy cơ bỏ trốn khi được tại ngoại, dẫn đến nhiều khó khăn cho công tác điều tra, truy bắt”.
Theo PLVN
Vị cứu tinh già ở 'ngã tư tử thần'
Gắn bó với công việc cứu người tại "ngã tư tử thần" bao nhiêu năm nay, ông Đang luôn coi công việc cứu người làm phúc là niềm vui sống của mình. Ông giúp đỡ người ta mà không cần họ phải nhớ mình, phải trả ơn.
Như một "y tá đường phố"
Ở "ngã tư tử thần" - một điểm đen về tai nạn giao thông ở Yên Dũng (Bắc Giang) ấy, ngày nắng cũng như ngày mưa, luôn có một người đàn ông hi sinh thầm lặng, coi nỗi đau của người khác là nỗi đau của chính mình để rồi dấn thân giúp đỡ, sơ cứu bông băng vết thương cho những ai lỡ không may gặp nạn.
Người đàn ông ấy là Đào Ngọc Đang, 54 tuổi, ở thôn Nam, xã Song Khê, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Cái tên "vị cứu tinh ở ngã tư tử thần" cũng chính do những người dân ở nơi đây đặt cho ông.
Đặt chân vào quán nhỏ bên ngã tư đường quốc lộ, tôi thấy ông Đang đang miệt mài cặm cụi vá xăm cho một chiếc xe đạp hỏng của vị khách qua đường. Khách lạ mới đầu đến đây ai cũng nghĩ rằng ông chỉ là người thợ sửa xe đơn thuần với công việc hàng ngày như thế, chứ chỉ người dân ở trong vùng này mới biết rằng ông còn là y tá sơ cứu cho những người không may rủi ro gặp tai nạn ở đoạn đường này. "Gọi là y tá chứ cũng chỉ làm phúc cho người qua đường thôi, thôi thì giúp họ những lúc không may gặp hoạn nạn giữa đường" - ông Đang tâm sự.
Ông Đang được coi là một vị "cứu tinh" ở "ngã tư tử thần"
Ông cụ thân sinh ra ông là thầy thuốc Nam, y đức nổi tiếng trong vùng. Kế thừa đức tính làm phúc cứu người từ cha, lại có thêm chút hiểu biết sơ qua về cách băng bó vết thương, sát trùng... mặc dù công việc chính là vá săm, sửa xe nhưng ông kiêm luôn cả thầy thuốc sơ cứu. Ông gắn bó với công việc này từ năm 2007, khi Hội chữ thập đỏ Bắc Giang mở lớp tập huấn cho các tình nguyện viên về băng bó vết thương cơ bản và đặt điểm sơ cứu ở tại ngã tư Song Khê - Yên Dũng. Chốt sơ cứu được đặt tại hiệu sửa xe của ông Đang, có tên biển rõ ràng, được trang bị tủ thuốc, bông băng, gạc, trang thiết bị y tế, bình lọc nước vô trùng. Có hôm, một mình ông băng bó cho 3 người bị thương, người bị nặng thì sơ cứu trước, người bị nhẹ thì làm sau.
Hội chữ thập đỏ Bắc Giang giao cho ông cuốn sổ theo dõi sơ cấp cứu tai nạn thương tích ở ngã tư này. Tất cả những vụ tai nạn dù lớn hay nhỏ đều được ông thống kê, ghi lại rành mạch rõ ràng cả tên tuổi người bị nạn, rồi chuyện sơ cấp ra sao... Những con số về các vụ tai nạn, số nạn nhân bị thương vong trong cuốn sổ ấy... khiến tôi ám ảnh. "Tính từ năm 2000 đến nay, từ khi quốc lộ 1A mới được đưa vào sử dụng, tại điểm đen này phải có đến hàng chục người bỏ mạng" - ông ngậm ngùi day dứt. Từng có một vụ tai nạn kinh hoàng giữa một xe ô tô 30 chỗ đưa người đi chùa Yên Tử về đến đoạn này đã va chạm với chiếc xe tải 15 tấn khiến 25 người bị thương, 1 đứa trẻ con chết tại chỗ, 4 người khác lên đến viện cũng tử nạn. Ông ngậm ngùi kể lại ngày kinh hoàng ấy - ngày 15 tháng Giêng âm lịch năm 2000 khiến ông không thể nào quên được. Còn nhiều vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong cùng một ngày như thời điểm năm 2007, trong một buổi tối từ 7h đến 10h xảy ra 2 vụ tai nạn làm 4 người tử vong tại chỗ.
Ông Đang vẫn còn nhớ rất rõ lần đầu tiên sơ cấp cứu rồi chở người bị nạn vào Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang cứu chữa. Đó vào một đêm tháng Chạp buốt giá, cửa hàng sửa xe máy của ông bỗng xuất hiện một vị khách lạ ghé vào hỏi mua mấy chai nước. Thấy một bên cánh tay của vị khách này đờ ra và có một vệt máu dầm dề, ông liền hỏi thăm.
Thì ra, một mình phóng xe máy từ Lạng Sơn về quê vợ ở tận Thanh Hóa trong đêm tối, khi vừa qua cầu Xương Giang do buồn ngủ nên anh này đã lao vào dải phân cách ven đường, gãy tay.
Biết chuyện, ông Đang liền kiếm ngay hai thanh gỗ, rồi xé cái áo mỏng làm dây bó nẹp cánh tay cho anh này. Ngay trong đêm đó, ông chở vị khách lạ vào bệnh viện và báo tin cho thân nhân anh ta. "Lúc đó, người thanh niên này chỉ có 40.000 đồng, tôi phải đưa thêm cho 150.000 đồng để làm thủ tục nhập viện..." - ông Đang nhớ lại.
Cứu người là niềm vui
Gắn bó với công việc này bao nhiêu năm, ông luôn coi công việc cứu người làm phúc là niềm vui sống của mình. Ông giúp đỡ người ta mà không cần họ phải nhớ mình, phải trả ơn. Ông bảo, nhiều người sau khi được ông băng bó vết thương xong còn đưa cho ông vài trăm ngàn tiền bông băng, gọi là tiền công cứu chữa, nhưng ông nhất định không cầm, bảo họ dùng số tiền đó để mua thuốc thang điều trị cho chóng khỏi.
"Người ta gặp hoạn nạn mình giúp người ta làm phúc chứ cần gì đồng tiền đâu. Nhưng nhiều khi họ gặp tai nạn, mình vội vàng chạy ra đỡ họ dậy để bông băng cầm máu có người lại hiểu lầm mình làm để lấy tiền nên đã xua tay không cần"- ông Đang chia sẻ.
Cuốn sổ ghi chép cơ cấp cứu do ông Đang ghi lại từ các vụ tai nạn ở "ngã tư tử thần"
Những lúc như thế, ông Đang lại nhẹ nhàng giải thích để cho người ta hiểu công việc ông làm chỉ để làm phúc, bông băng để cầm máu, giúp đỡ ai gặp nạn chứ không vì mục đích lợi danh nào. Khi được ông sát trùng, băng bó vết thương xong họ mới hiểu ra tấm lòng đầy nhân hậu của "vị cứu tinh" ở "ngã tư tử thần" này.
Tại điểm đen này, ông không thể nhớ chính xác được bao nhiêu người đã được ông sơ cứu vì ở đây thường xuyên xảy ra các vụ va chạm. "Nhẹ thì trầy xước ngoài da, nặng thì gãy chân, gãy tay, bất tỉnh. Ai tôi cũng sơ cứu bông băng vết thương, sát trùng để cầm máu rồi chuyển họ đi bệnh viện Đa khoa Bắc Giang hay lên Hà Nội cấp cứu, điều trị"- ông Đang cho biết.
Anh Hoàng Văn Nghĩa - lái xe ôm ở khu vực này chia sẻ: "Nhắc đến ông Đang, không ai không biết biết ông là một người hiền lành, phúc hậu nổi tiếng trong vùng. Ông thường xuyên giúp đỡ cho những người không may gặp tai nạn rủi ro ở ngã tư này, bất kể là người già hay trẻ em, là trai hay gái... đều tận tình giúp đỡ".
Bà Lê Thị Minh Khánh - Hội trưởng Hội chữ thập đỏ thành phố Bắc Giang cho biết: "Ông Đang là thành viên của Đội tình nguyên viên sơ cấp cứu tai nạn giao thông từ tháng 5 năm 2009 đến nay. Bề ngoài hiền lành ít nói nhưng mỗi khi cứu giúp người ông rất tận tình, tâm huyết và hết lòng vì nạn nhân. Mỗi năm có hàng chục người được ông sơ cứu, giúp đỡ ở ngã tư này".
Nguyễn Tuấn
Theo Infonet.vn
Ông lão lặng lẽ 10 năm đi bóc, xóa quảng cáo, rao vặt Lặng lẽ giữa đường phố ồn ào, chiều nào ông Minh cũng tranh thủ lúc đi tập thể dục để bóc những tờ quảng cáo, rao vặt... dán bừa bãi trên bờ tường và cây cột điện để làm đẹp phố phường. Ngày nào cũng vậy, cứ vào khoảng 5h chiều, người ta lại bắt gặp hình ảnh một ông lão tóc đã...