Ông Joe Biden công bố đội đặc nhiệm phòng, chống COVID-19
Ngày 9/11, Tổng thống Mỹ vừa đắc cử Joe Biden đã công bố đội ngũ phụ trách cố vấn cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong chính quyền do ông lãnh đạo.
(Ảnh: washingtonnewsday.com)
Ngày 10/11, ông Joe Biden và bà Kamala Harris sẽ nghe báo cáo tổng hợp về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại văn phòng làm việc ở thành phố Wilmington, bang Delaware.
Theo đó, ban cố vấn này sẽ gồm 3 đồng chủ tịch và 10 thành viên là các chuyên gia y tế và các nhà khoa học. Theo thông báo từ đội ngũ phụ trách chuyển giao quyền lực của ông Biden, 3 người đồng chủ tịch bao gồm, chuyên gia dịch tễ học David Kessler, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA); cựu tổng y sĩ Mỹ Vivek Murthy và giáo sư y tế cộng đồng Marcella Nunez-Smith. 10 thành viên hội đồng gồm các nhà miễn dịch và dịch tễ học, cũng như chuyên gia phân hủy sinh học và các quan chức y tế cộng đồng hàng đầu Mỹ.
“Đại dịch COVID-19 vẫn là một trong những cuộc chiến quan trọng nhất mà chính quyền sẽ phải đối mặt, tôi sẽ được cố vấn bởi các chuyên gia và nền tảng khoa học”, nhóm chuyển tiếp quyền lực của Tổng thống đắc cử Joe Biden cho biết khi công bố danh sách.
Ban cố vấn sẽ giúp định hình cách chính quyền mới tiếp cận và xử lý tình trạng gia tăng số ca mắc trên cả nước hiện nay cũng như việc đảm bảo một loại vaccine an toàn và hiệu quả sẽ được phân bổ hợp lý nhằm bảo vệ các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương. Đây là cam kết mà ông Biden nêu ra trước đó nếu đắc cử Tổng thống.
Đội ngũ cố vấn đối phó khủng hoảng COVID-19 được công bố trong bối cảnh Mỹ hiện vẫn đang là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trên thế giới. Đại dịch tới nay đã khiến hơn 237.000 người Mỹ tử vong và vẫn đang tiếp tục lan rộng sau khi khiến hơn 10 triệu người tại quốc gia này mắc bệnh. Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới tại Mỹ liên tục ở mức hơn 100.000 ca/ngày.
Danh sách đội ngũ cố vấn y tế cho chính quyền mới được ông Biden công bố không lâu trước khi Pfizer và BioNTech công bố thông tin tích cực về vaccine phòng COVID-19 do 2 hãng này phối hợp phát triển. Theo CEO Pfizer Albert Bourla cho biết, kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 cho thấy vaccine có khả năng ngăn chặn COVID-19. “Chúng tôi đạt được cột mốc này trong thời điểm thế giới rất cần vaccine, số ca nhiễm tăng vọt, các bệnh viện quá tải và nhiều nền kinh tế chưa thể mở cửa trở lại”, ông Bourla nhấn mạnh.
Trong thông báo, ông Biden cũng đã hoan nghênh thông tin này và cho đây là một thông tin “tốt”. Tuy nhiên, ông cho biết đại dịch là một mối đe dọa “to lớn và đang gia tăng” và một “mùa đông đen tối” vẫn có khả năng xảy ra khi nước Mỹ vẫn đang chứng kiến số ca mắc và tử vong mới đạt đỉnh trong những ngày qua.
Cũng trong ngày 9/11, Tổng thống đắc cử Joe Biden kêu gọi người dân Mỹ phải tiếp tục đeo khẩu trang. Ông cho biết đây không phải là một thông báo mang tính chinh trị mà cho rằng đó là cách tốt nhất để bảo vệ mạng sống của người dân trước khi vaccine ngừa COVID-19 được phổ biến rộng rãi. “Chúng ta có thể cứu hàng chục nghìn mạng sống nếu mọi người chỉ cần đeo khẩu trang trong vài tháng tới. Đó không phải mạng sống của thành viên Dân chủ hay Cộng hòa, đó là mạng sống của người Mỹ”, ông Biden cho hay.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện và gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, trong quá trình vận động tranh cử, ông Biden đã nhiều lần cam kết rằng ông sẽ lắng nghe các nhà khoa học và các chuyên gia y tế cộng đồng về cách ứng phó với đại dịch nếu được bầu làm Tổng thống. Chính vì vậy, ngay hôm 8/111, trong bài phát biểu đầu tiên tại quê nhà, thành phố Wilmington, bang Delaware để tuyên bố chiến thắng, ông Biden nêu các nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu cần xử lý trong nhiệm kỳ sắp tới cũng đó chính là đại dịch COVID-19.
Ngay trong ngày 10/11, ông Biden và Phó Tổng thống vừa đắc cử là bà Kamala Harris sẽ nghe báo cáo tổng hợp về tình hình dịch bệnh tại văn phòng làm việc ở thành phố Wilmington, bang Delaware.
Quả ngọt từ 'ván cược' của Biden
Biden dường như đã đúng khi đặt cược rằng người Mỹ sẵn sàng quay về nền chính trị ôn hòa vì đã quá mệt mỏi với sự hỗn loạn dưới thời Trump.
Vào sáng 7/11, Joe Biden đã thắng cược. Ông không còn chỉ là cựu phó tổng thống, mà trở thành Tổng thống đắc cử thứ 46 của Mỹ, sau chiến thắng trước đối thủ Donald Trump.
Một năm rưỡi trước, Biden khởi động chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng với lời hứa "khôi phục linh hồn quốc gia", đồng thời thắp lên hy vọng cho những đảng viên Dân chủ đau đớn trước chiến thắng năm 2016 của Trump, rằng ông có thể tái xây dựng liên minh từng mang lại đa số phiếu phổ thông cho đảng trong 6/7 cuộc bầu cử tổng thống gần đây.
Bất chấp những hỗn loạn và bất ổn của chiến dịch tranh cử khiến Biden liên tục bị dồn vào thế khó, thông điệp của ông chưa bao giờ thay đổi. Tổng thống đắc cử theo đuổi một số giá trị tiến bộ hơn, tương tự các đối thủ cùng đảng trong vòng bầu cử sơ bộ, nhưng không quá đà đến mức đội ngũ của Trump có thể gán cho ông hình ảnh một người thiên tả đến mức sẽ tiến hành những thay đổi chóng mặt, bình luận viên Reid Wilson của Hill nhận xét.
Tổng thống đắc cử Joe Biden chào đón đám đông tại thành phố Wilmington, bang Delaware, hôm 7/11. Ảnh: AFP.
Bước vào chặng đường tái tranh cử, Trump dường như tiếp tục theo đuổi chiến thuật từng phát huy hiệu quả 4 năm trước. Ông thường xuyên nhắc tới đối thủ cũ Hillary Clinton, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ năm 2016, đồng thời hướng sự chú ý đến những cáo buộc tham nhũng nhắm vào con trai Hunter của Biden trong vài tuần cuối chiến dịch.
Ngược lại, Biden mở ra một "chiến địa" mới, với mục tiêu thu hút các cử tri mới, cùng những người từng đứng về phía những ứng viên Cộng hòa "truyền thống" hơn Trump. Ông dường như vững tin rằng đa số người Mỹ đã sẵn sàng trở về với một nền chính trị tao nhã, ôn hòa và thiện chí hơn.
Kết quả là Biden đã tái thiết lập một liên minh thậm chí hùng hậu hơn so với những người từng đưa các cựu tổng thống Dân chủ Bill Clinton và Barack Obama vào Nhà Trắng, bình luận viên Wilson đánh giá. Tổng thống đắc cử bổ sung được vào lực lượng ủng hộ mình rất nhiều cử tri trẻ tuổi, cử tri da trắng có bằng đại học, cùng cử tri thuộc các nhóm thiểu số đông hơn bất kỳ cuộc bầu cử nào trong lịch sử Mỹ.
Chiến dịch của Biden còn phải vượt qua những chỉ trích từ chính nội bộ đảng Dân chủ, bởi nhiều người muốn ông vận động tích cực hơn, đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào Texas cũng như một số bang khác. Tuy nhiên, đội ngũ của Biden và đồng minh quyết tập trung vào Wisconsin, Michigan và Pennsylvania, ba bang vùng Trung Tây từng là "bức tường xanh" giúp phe Dân chủ thu được đa số phiếu đại cử tri, nhưng quay sang bầu cho Trump năm 2016.
Bên cạnh đó, họ mở rộng phạm vi vận động sang các bang Arizona, Georgia, Bắc Carolina và Florida. Kết quả là Biden chiến thắng 5/7 bang này. Dù một số nơi chưa kiểm phiếu xong, Biden, người xuất thân từ tầng lớp lao động tại bang Pennsylvania và từng chịu đựng nhiều bi kịch cá nhân, đã giành số phiếu phổ thông nhiều hơn bất kỳ ứng viên tổng thống nào trong lịch sử Mỹ.
Biden sẽ nhậm chức cùng Kamala Harris, nữ phó tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ, đồng thời là đảng viên Dân chủ đầu tiên từ Bờ Tây đảm nhiệm vị trí này. Một loạt cuộc khủng hoảng ở mức độ được cho là chưa từng có trong lịch sử hiện đại, hơn cả thách thức mà Obama và Biden từng đối mặt năm 2009, đang chờ đợi hai lãnh đạo mới tại Nhà Trắng.
Biden và Harris sẽ phải xử lý Covid-19, đại dịch toàn cầu đã khiến hơn 10 triệu người Mỹ bị nhiễm và hơn 243.000 người thiệt mạng, vực dậy một nền kinh tế đang vật lộn để hồi phục sau thảm họa, cũng như xoa dịu những quốc gia đồng minh mà niềm tin của họ vào Mỹ đã lung lay tới tận gốc rễ.
Khó khăn đối với hai lãnh đạo mới của Mỹ thêm chồng chất trong bối cảnh đất nước được cho là chia rẽ sâu sắc nhất kể từ sau Nội chiến, cùng nguy cơ đối đầu khốc liệt giữa hai đảng tại quốc hội.
Tài hòa giải giúp định hình sự nghiệp của Biden. Video: Vox.
Rất ít ứng viên tổng thống từng trải qua những trở ngại mà chiến dịch của Biden phải đối mặt trên đường đến Nhà Trắng, từ số tiền ít ỏi huy động được trong giai đoạn đầu, đến thành tích kém xa các đối thủ trong vòng bầu cử sơ bộ. Tuy nhiên, chiến thắng tại bang Nam Carolina đã thay đổi cuộc chơi và đưa Biden lên vị trí đầu bảng.
Sau khi các đảng viên Dân chủ đoàn kết lại và sát cánh với chiến dịch của ông vì mục tiêu chung là đánh bại Trump, Biden đưa vào đội ngũ của mình thêm những gương mặt mới dày dạn kinh nghiệm, để hợp sức cùng dàn cố vấn đã gắn bó với ông trong nhiều thập kỷ.
Biden còn nhận được sự ủng hộ và hợp tác từ thượng nghị sĩ Bernie Sanders, người từng gây khó khăn cho ông trong vòng bầu cử sơ bộ, đồng thời "bắt tay" được với một loạt đảng viên Cộng hòa, cùng các thành viên kỳ cực trong những chính quyền Cộng hòa trước đây.
Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách Tổng thống đắc cử, Biden quay về chủ đề đã thúc đẩy ông "quá tam ba bận" tranh cử tổng thống một lần nữa, cũng là lời hứa với cử tri.
"Với việc chiến dịch đã trôi qua, đây là thời điểm để chúng ta rũ bỏ nỗi tức giận và những lời lẽ hằn học, xích lại gần nhau dưới một quốc gia. Đã đến lúc nước Mỹ đoàn kết lại và chữa lành. Chúng ta là Hợp chúng quốc Mỹ. Không có gì chúng ta không thể làm, miễn là làm cùng nhau", Biden nói trong diễn văn tuyên bố chiến thắng.
Biden công khai hồ sơ thuế trước thềm tranh luận Biden công bố hồ sơ thuế 4 năm qua vào ngày 29/9, vài giờ trước cuộc tranh luận đầu tiên với Trump, người bị cáo buộc trốn thuế 10 năm. Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden cùng vợ Jill Biden, một người hoạt động trong ngành giáo dục, đã trả 299.346 USD tiền thuế thu nhập liên bang trong năm...