Ông Dương Trung Quốc xin lỗi người ông nói là ‘ngu’
Nhà sử học, đại biểu QH Dương Trung Quốc ngày 5/6 đã thêm một lần gửi lời xin lỗi ông Bùi Danh Liên, người bị ông nói là “ngu”.
Ông Dương Trung Quốc một lần nữa nói lời xin lỗi ông Bùi Danh Liên
Lời xin lỗi trên được Nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc gửi tới ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, khi 2 ông cùng hiện diện tại Hội nghị lấy ý kiến thiết kế nút giao thông Ô Chợ Dừa được UBND TP Hà Nội tổ chức chiều nay 5-6.
Ông Dương Trung Quốc nói trong thiện chí: “Tôi xin lỗi anh Liên. Nhưng mong các nhà kỹ thuật nghiên cứu kỹ hơn về lịch sử”.
Nhà sử học này cho rằng việc xây dựng cầu vượt ở khu vực Đàn Xã Tắc tưởng như không có lối thoát vì bất đồng quan điểm, song tại hội nghị này các bên đã tìm được nhiều tiếng nói đồng thuận. “Mỗi lĩnh vực chuyên môn có “lợi ích” khác nhau, vì thế cần có sự hài hòa giữa các bên. Nếu có hội nghị sớm hơn, đã không có tình trạng này” – ông Quốc nói.
Trước đó, ngày 22-4, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã gửi công văn số 10/2013/HH-CV do chủ tịch Hiệp Hội, ông Bùi Danh Liên ký, gửi tới UBND TP Hà Nội đề nghị sớm khởi công cầu vượt qua Đàn Xã Tắc và cho rằng việc xóa đi Đàn Xã Tắc là hợp lý vì đó là biểu tượng của chế độ phong kiến mục nát.
Văn bản này cho rằng “Đàn Xã Tắc có thể là phế tích của một triều đại phong kiến đã bị phá hủy, nhưng cho rằng đây là khu tâm linh trời và đất của đất nước ta là ngộ nhận. Tâm linh là ở trong tâm thức của con người, khu vực Đàn Xã Tắc không thể coi là văn hóa tâm linh của người Việt. Bởi lẽ khu vực này đã biến mất mà không ai đoái hoài, ghi nhớ. Tượng đài Nguyễn Huệ và khu di tích gò Đống Đa ghi nhận chiến công hiển hách của “người anh hùng áo vải” đã đuổi sạch bóng quân thù và đập nát triều đại phong kiến “cõng rắn cắn gà nhà “. Xóa đi Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân. Khôi phục, tôn thờ Đàn Xã Tắc quá mức là phản cảm với khu di tích gò Đống Đa cách đó chưa đầy 1 km.
Video đang HOT
Sau đó, khi trả lời một phóng viên qua điện thoại về thông tin rằng có người nói “xóa đi Đàn Xã Tắc là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân”, ông Dương Trung Quốc đã nói, “nói như vậy là ngu”.
Ông Dương Trung Quốc dù khi đó không biết người ký văn bản gửi UBND TP Hà Nội là ông Bùi Danh Liên song khi biết đã gửi lời xin lỗi với ông Liên. Ông Quốc sau đó cho hay đó chỉ là ngôn ngữ giao tiếp giữa ông với phóng viên đặt câu hỏi chứ không hề có ý định nói xấu một cá nhân nào.
Tại hội nghị chiều 5-6, UBND TP Hà Nội đưa ra 6 phương án thiết kế cho nút giao thông Ô Chợ dừa, tập trung làm 2 nhóm: cầu vượt đi trên cao và hầm chui đi ngầm theo hướng Vành đai 1.
Đại đa số các chuyên gia về khảo cổ, di sản cũng như các nhà khoa học đều chọn phương án 4, theo đó sẽ xây dựng cầu vượt lưu thông theo hướng vành đại 1, đi lệch về phía Nam (phố Nguyễn Lương Bằng), có thiết kế bổ sung cầu nhánh đi 1 chiều từ phố Khâm Thiên qua nút Ô Chợ Dừa, nhập vào cầu chính trên đường Vành đai 1.
Với phương án này, vấn đề tổ chức giao thông tuy có khó khăn (do cầu cong) nhưng vẫn khắc phục được để ưu tiên giải quyết yêu cầu bảo vệ di tích.
Theo vietbao
Vụ Đàn Xã Tắc: Ông Dương Trung Quốc gửi thư lên Thủ tướng
Đại diện cho Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó chủ tịch Hội - nhà sử học Dương Trung Quốc vừa có thư gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bí thư Thành uỷ và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội về dự án cầu vượt tại khu vực có di tích Đàn Xã Tắc...
Nhà Sử học Dương Trung Quốc
Theo đó, với chức năng của mình, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã bày tỏ quan điểm và đưa ra những kiến nghị cụ thể về dự án xây dựng cầu vượt tại khu vực có di tích Đàn Xã Tắc (Ô Chợ Dừa, Hà Nội), một dự án đang gây nhiều quan ngại đối với công tác bảo tồn di tích lịch sử và tạo nên những dư luận trái chiều trong xã hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Trước hết, ông Dương Trung Quốc khẳng định, di tích Đàn Xã Tắc có một giá trị đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội. Nó vừa xác định những dấu tích của một thành phần kiến trúc truyền thống trong quần thể các kinh đô của các triều đại Việt Nam gắn với tín ngưỡng quốc gia thờ đất và lúa của tổ tiên và các triều đại phong kiến. Dưới lớp di tích đàn Xã Tắc, còn di tích sớm nhất của con người trên vùng đất trung tâm Hà Nội cách ngày nay khoảng 3.500 năm và di tích cư trú hồi đầu công nguyên. "Nó phải là đối tượng được điều chỉnh của Luật Di sản để bảo vệ và phát huy những giá trị của di sản quốc gia" - ông Dương Trung Quốc khẳng định.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, việc giải quyết hài hoà giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển là một nguyên tắc mà mọi ngành phải tuân thủ trên cơ sở luật pháp hiện hành. Việc phát hiện dấu tích của Đàn Xã Tắc trong quá trình cải tạo và xây dựng hệ thống giao thông của thành phố Hà Nội, sau đó là việc thực hiện đúng những nguyên tắc trên dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch cũng như lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã tạo nên một không gian di tích định vị di tích Đàn Xã Tắc là một thành công. Giải pháp chấp nhận hạn chế việc mở rộng không gian khai quật, xử lý nghiệp vụ để lấp lại các hố khai quật sau khi làm hồ sơ và thu thập hiện vật, tiếp tục điều chỉnh thiết kế con đường để dành một không gian hợp lý cho cả khu di tích và mặt đường là một bằng chứng tốt đẹp về sự phối kết giữa nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan tạo nên sự đồng thuận của xã hội.
Nhận định về nguyên nhân khiến dự án xây cầu vượt tại khu vực này gây dư luận, tạo ra những dư luận trái chiều, ông Dương Trung Quốc cho rằng, trước hết là do công tác chỉ đạo của thành phố chưa quan tâm đến ý kiến tư vấn của những cơ quan và tổ chức có liên quan.
"Lẽ ra, những thông tin trực tiếp liên quan đến dự án phải được chủ động công bố với dư luận và tới các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong đó có Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và nếu biết thông qua các cơ quan thông tin đại chúng để hướng dẫn và thu thập ý kiến thì chắc chắn chúng ta vẫn có thể tìm ra được những phương án khả thi và tối ưu thoả mãn các nhu cầu của thực tiễn, trong đó có việc giải toả ách tắc giao thông tại khu vực này, điều mà toàn xã hội trong đó có Hội chúng tôi luôn ủng hộ" - ông Dương Trung Quốc khẳng định.
Lo "hội chứng cầu vượt"
Cũng nhân sự kiện xây cầu vượt này, ông Dương Trung Quốc thẳng thắn góp ý: "Nhìn vào lịch sử xây dựng và phát tiển của Thủ đô, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng xin lưu ý tới lãnh đạo Hà Nội về sự cần thiết phải có có một quy hoạch tổng thể và giải pháp lâu dài đối với viêc phát triển một đô thị có quy mô ngày càng lớn và có bề dày lịch sử vẫn tự hào là ngàn năm tuổi. Thực trạng giao thông của Hà Nội hiện tại là sự tích tụ quá lâu của tầm nhìn còn manh mún và ứng phó tình huống kéo dài trong thời gian qua. Làm cầu vượt trước mắt có hiệu quả nhưng nếu lạm dụng sẽ thành "hội chứng cầu vượt" không bảo đảm cho sự phát triển lâu dài.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững, tránh những xung đột giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển, ông Dương Trung Quốc cho biết, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng đề nghị Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội nghiêm chỉnh thực thi Luật Di sản trong việc phải sớm tiến hành Quy hoạch Khảo cổ học như luật định.
"Đây là trách nhiệm của Thành phố, nhất là với một Thủ đô có bề dày lịch sử như Hà Nội. Tình trạng phải ứng phó tình huống như dự án cầu vượt Đàn Xã Tắc, hay gần đây là việc phá thành mở đường tại khu vực đường Hoàng Hoa Thám cần được khắc phục" - Đại biểu Quốc hội, Nhà Sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Bằng công văn này, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề nghị Lãnh đạo Thành phố sớm có một cuộc họp giữa các chuyên gia của các lĩnh vực có liên quan (trong đó có Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, một số hội nghề nghiệp về khảo cổ học, di sản...) cùng với cơ quan lập dự án trao đổi để tìm được sự đồng thuận về nhận thức và các giải pháp tối ưu cho mục tiêu giải quyết ách tắc giao thông tại khu vực Đàn Xã Tắc để sớm đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô và của nhân dân Hà Nội.
Ông Dương Trung Quốc khẳng định, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam luôn hợp tác và thực hiện trách nhiệm của mình trong sự việc này.
Liên quan đến sự kiện này, cũng trong sáng nay, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã phát đi kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo. Theo đó, ông Thảo khẳng định việc xây cầu vượt này là cần thiết và phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, người đứng đầu Thành phố cũng đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu để có được phương án tối ưu nhất, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt, vừa có thể đảm bảo bảo tồn di tích Đàn Xã tắc lâu dài.
Ông Nguyễn Thế Thảo cũng yêu cầu chủ đầu tư phải tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham gia của các hiệp hội, các nhà khoa học, các nhà sử học, văn hóa và ý kiến cộng đồng. Cùng với đó, chủ đầu tư cũng phải xin ý kiến thỏa thuận của các Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng để sớm trình UBND Thành phố phê duyệt ngay trong tháng 5/2013, đồng thời công bố công khai quy hoạch trước khi triển khai xây dựng.
Theo vietbao
"Người NGU mới nói phá Đàn Xã Tắc để xóa đi tàn dư phong kiến" Nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói như vậy khi hay tin Hiệp hội Vận tải đề xuất nên phá Đàn Xã Tắc để... xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát. Đề xuất xây cầu vượt "trên đầu" Đàn Xã Tắc gây nhiều ý kiến tranh cãi Hiệp hội Vận tải Hà Nội phát đi một tờ trình, trong...