Ông Donald Trump nói sẽ đưa quân tới biên giới Mỹ – Mexico nếu đắc cử
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nếu đắc cử lần nữa, ông sẽ gửi hàng nghìn binh sĩ tới biên giới Mỹ – Mexico để ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp.
Phát biểu trước những người ủng hộ ở Iowa, ông Trump cũng hứa sẽ mở rộng lệnh cấm du lịch nhằm cấm người dân đến từ một số quốc gia đa phần theo đạo Hồi. Không rõ liệu ông Trump có gặp phải bất kỳ rào cản pháp lý nào khi thực hiện các biện pháp như vậy hay không.
Ảnh: Reuters
Ông cũng gọi các cuộc vượt biên bất hợp pháp giữa Mỹ và Mexico dưới thời Tổng thống Joe Biden là một “cuộc xâm lăng”. Ông Biden, một đảng viên Dân chủ, hiện cũng đang tái tranh cử và có thể sẽ có một cuộc tái chiến giữa ông và ông Trump vào năm sau.
“Sau khi nhậm chức, tôi sẽ ngay lập tức chấm dứt mọi chính sách biên giới mở của chính quyền Biden”, ôngTrump nói tại một cuộc vận động tranh cử ở Dubuque. “Chúng ta phải sử dụng mọi nguồn lực cần thiết để ngăn chặn cuộc xâm lược, bao gồm cả việc di chuyển hàng nghìn binh sĩ hiện đang đóng quân ở nước ngoài tới khu vực này”.
Video đang HOT
Chính quyền Tổng thống Biden đã bảo vệ các chính sách biên giới của mình, cho biết họ đang sử dụng các công cụ sẵn có.
Các đối thủ của ông Trump cũng đã liên tục lên tiếng về vấn đề nhập cư trong những tuần gần đây, hứa hẹn các hành động cứng rắn đối với việc vượt biên giữa Mỹ và Mexico, một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này đối với các cử tri của Đảng Cộng hòa.
Khoảng 1/6 đảng viên Đảng Cộng hòa coi nhập cư là vấn đề cấp bách nhất mà đất nước phải đối mặt, và trở thành vấn đề quan trọng thứ ba đối với họ sau kinh tế và tội phạm, theo cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos trong tháng này.
Nỗ lực mới nhằm ngăn ông Trump tái tranh cử
Một tổ chức giám sát chính phủ vừa khởi kiện nhằm ngăn ông Donald Trump tái tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024.
Tờ The New York Times ngày 7.9 đưa tin tổ chức Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức (CREW - trụ sở tại Washington D.C, Mỹ) vừa nộp đơn kiện với nội dung cho rằng cựu Tổng thống Donald Trump không có tư cách tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024.
Ông Trump vận động tranh cử tại bang New Hampshire. Ảnh Reuters
Tu chính án số 14
Cụ thể, đơn kiện nộp tại bang Colorado đề nghị không in tên ông Trump trên lá phiếu trong bầu cử sơ bộ tại bang này để xác định người đại diện đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Ngoài ra, đơn kiện còn đề nghị tòa án ra phán quyết nêu rõ ông Trump không có tư cách tranh cử, nhằm chấm dứt "bất cứ tình trạng khó lường nào".
Đơn kiện viện dẫn Tu chính án số 14, được phê chuẩn năm 1868, trong đó khoản 3 có đoạn: "Những người với tư cách thành viên quốc hội, quan chức, thành viên một cơ quan lập pháp của bang hoặc quan chức hành chính, tư pháp của bất kỳ tiểu bang nào đã tuyên thệ ủng hộ hiến pháp Mỹ, nhưng sau đó lại tham gia các cuộc nổi dậy hay bạo loạn chống lại hiến pháp" sẽ bị cấm giữ các vị trí trong chính quyền.
Ông Trump tuyên thệ trước hiến pháp Mỹ trong lễ nhậm chức ngày 20.1.2017. CREW cho rằng cựu tổng thống không thể quay lại Nhà Trắng vì vai trò của ông trong vụ bạo loạn tại Điện Capitol hôm 6.1.2021.
"Ông Trump đã tìm cách lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020", theo đơn kiện do CREW nộp, đại diện cho 6 cử tri. CREW cho biết 6 cử tri này là người độc lập hoặc theo đảng Cộng hòa, trong đó có cựu hạ nghị sĩ Claudine Schneider và cựu thành viên nghị viện bang Colorado Norma Anderson đều là thành viên đảng Cộng hòa.
Nhiều tháng hầu tòa
Trang US News dẫn các nguồn thạo tin cho biết nỗ lực pháp lý tương tự nhằm loại bỏ tên ông Trump khỏi lá phiếu năm 2024 đang được triển khai ở một số tiểu bang và có khả năng vụ việc sau cùng sẽ lên đến tòa án tối cao. Theo CREW, kể từ năm 1868, tổng cộng 8 quan chức đã bị tước quyền tham gia bộ máy chính quyền theo khoản 3 của Tu chính án số 14, trong đó có một quan chức bang New Mexico liên quan vụ bạo loạn ở Điện Capitol.
Theo CNN, ông Trump bác bỏ mọi cáo buộc sai phạm liên quan vụ bạo loạn và nói rằng "không có căn cứ pháp lý nào" để vận dụng Tu chính án số 14 nhằm tước quyền tranh cử của mình. Ông Steven Cheung, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Trump, chỉ trích rằng những ai thúc đẩy việc vận dụng văn bản trên "đang kéo luật vượt mức nhận thức, cũng giống như những công tố viên chính trị tại New York, Georgia và Washington D.C", đề cập những nơi ông Trump đang đối diện các vụ án hình sự.
Tại Georgia, ông Trump và 18 bị cáo khác đối diện cáo buộc âm mưu đảo ngược kết quả bầu cử. Tờ The Washington Post ngày 7.9 dẫn lời các công tố viên cho hay việc xét xử có thể kéo dài đến 4 tháng, với lời khai của hơn 150 nhân chứng. Điều này có nghĩa là cựu tổng thống phải mất nhiều tháng ngồi trong phòng tòa án ở thành phố Atlanta với các bị cáo khác, chưa kể thời gian hầu tòa trong những vụ án khác. Thời gian ước tính được đưa ra sau khi có 2 bị cáo là cựu luật sư Kenneth J.Chesebro và Sidney Powell đề nghị xét xử nhanh.
Tuy nhiên, Văn phòng công tố viên Fani Willis tại hạt Fulton (bang Georgia) hiện đang phụ trách vụ án cho rằng 19 người phải được xét xử cùng lúc, bắt đầu từ ngày 23.10. Theo tờ Politico, hôm 6.9, ông Trump cho biết mình sẽ đáp ứng mọi yêu cầu cung cấp lời khai trong các vụ án liên quan.
Liên hợp quốc gia hạn nhiệm vụ của phái bộ quan sát viên tại Cao nguyên Golan Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 29/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua Nghị quyết 2689 về việc kéo dài nhiệm vụ của Lực lượng Quan sát viên LHQ tại Cao nguyên Golan (UNDOF) thêm 6 tháng, tức là đến ngày 31/12 tới. Binh sĩ thuộc lực lượng UNDOF tuần tra tại khu vực Cao...