Ông Đinh La Thăng: ‘Tôi không chịu trách nhiệm hình sự’
Ông Đinh La Thăng cho rằng không sai, không tác động để Đinh Ngọc Hệ mua được quyền thu phí cao tốc Trung Lương nên không có trách nhiệm hình sự.
Ngày 17/12, TAND TP HCM tiếp tục xét hỏi cựu bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng về các cáo buộc sai phạm trong quá trình bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương, dẫn đến việc Đinh Ngọc Hệ (tức Út “Trọc”, 49 tuổi, nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) chiếm đoạt 725 tỷ đồng của nhà nước.
Tham gia thẩm vấn, luật sư Trương Trọng Nghĩa (bào chữa cho ông Thăng) đề cập cáo trạng quy buộc thân chủ phải chịu trách nhiệm chính về đề án bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương. Cựu bộ trưởng GTVT giọng to, rõ ràng: “Tôi đã nói đi nói lại rồi. Tôi không có trách nhiệm hình sự vì dự án đã được phân công cụ thể. Tôi chỉ ký một văn bản trình Thủ tướng, một văn bản trình hội đồng bán đấu giá và một bút phê. Những ai trực tiếp thực hiện thì chịu trách nhiệm. Tôi chỉ chịu trách nhiệm người đứng đầu”.
Ông Đinh La Thăng tại tòa. Ảnh: Hữu Khoa.
Theo bị cáo, là người đứng đầu Bộ GTVT ông phải chịu trách nhiệm với những vấn đề xảy ra ở bộ, song chỉ là trách nhiệm về mặt hành chính – chính trị. “Việc quy trách nhiệm cho tôi về mặt hình sự là rất chủ quan và áp đặt. Ví dụ, xảy ra tai nạn giao thông do rất nhiều nguyên nhân như uống rượu bia, sử dụng ma tuý… thì làm sao có thể quy trách nhiệm cho tôi”, ông Thăng nói.
Liên quan cáo buộc có hành vi sai phạm – tạo tiền đề cho Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt tiền, ông Thăng gay gắt: “Tôi hoàn toàn không thừa nhận nội dung này. Cáo trạng nêu không có căn cứ, không phù hợp, quy kết, quy chụp tôi. Hồ sơ của toà án, lời khai của bị cáo trước toà cho thấy tôi không tác động bất kỳ cá nhân nào trong quá trình triển khai thực hiện dự án”.
Trước đó, trong phiên xử chiều hôm qua , luật sư Hoàng Văn Hướng đặt các câu hỏi với thân chủ Đinh La Thăng về việc ký văn bản gửi Thủ tướng cho tiếp nhận lại quyền thu phí từ BIDV – BEDC. Đây là doanh nghiệp do Ngân hàng BIBV và các nhà đầu tư thành lập, được Thủ tướng chỉ đạo mua quyền thu phí nhưng họ xin rút vì khó duy động vốn.
Cựu bộ trưởng GTVT nói: “Lúc đó tôi vừa về Bộ được 3 tháng, đang họp Quốc hội thì anh em trình văn bản, hỏi thì anh em nói dự án này Thủ tướng giao bán quyền thu phí nhưng rất lâu rồi không bán được, hiện họ làm công văn xin trả lại”.
Ông Thăng giải thích thêm, trách nhiệm của Bộ GTVT là phát triển hạ tầng giao thông cả nước, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, song chỉ đầu tư được 54 km đường cao tốc là quá ít nên “thấy rất có lỗi với đồng bào ở đây”. “Dự án này được đầu tư từ TP HCM về đến Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Do đó, anh em chuẩn bị cho tôi báo cáo Thủ tướng là đồng ý tiếp nhận lại dự án này để tiếp tục đầu tư hoàn thành dự án chứ không có động cơ nào khác”, ông Thăng nêu quan điểm.
Video đang HOT
Đại diện VKS thẩm vấn các bị cáo. Ảnh: Hữu Khoa.
Trả lời đại diện VKS về cáo buộc tháng 2/2012 chỉ đạo Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Công ty Cửu Long) “tạo điều kiện” cho công ty của Hệ mua được quyền thu phí, ông Thăng khẳng định thời điểm đó không biết đã được Thủ tướng chấp thuận cho Bộ GTVT (Văn bản 217) thực hiện đề án bán quyền thu phí, thì không thể can thiệp.
VKS đặt câu hỏi: “Là bộ trưởng khi phát công văn trình Thủ tướng thì khi có công văn gửi ngược lại bị cáo phải người tiếp nhận đầu tiên chứ?”.
Ông Thăng gay gắt: “Tôi xin lỗi đó là suy nghĩ của anh, còn hoạt động của Bộ GTVT hay bộ khác làm sao anh biết. Nếu văn bản nào tôi cũng phải biết và chịu trách nhiệm pháp luật thì tất cả cấp trưởng ở đất nước này đều đi theo tôi hết”.
Để làm rõ vấn đề liên quan đến Đinh Ngọc Hệ, đại diện VKS hỏi cựu bộ trưởng về 22 cuộc gọi và cho rằng “gọi như vậy là nhiều”. Ông Thăng tiếp tục nói lớn: “Thế nào gọi là nhiều, thế nào gọi là ít, có người tôi gọi hàng trăm cuộc”. Đồng thời, một lần nữa bị cáo khẳng định không có quan hệ với Đinh Ngọc Hệ.
Cáo trạng xác định, ông Thăng ký quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí và Tổ thường trực giúp việc, giao thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm Chủ tịch. Toàn bộ hoạt động xây dựng hoàn thiện đề án và kết quả bán đấu giá được ông Trường báo cáo Bộ trưởng. Thông qua các tài liệu này, ông Thăng biết việc bán đấu giá không thực hiện đúng quy định của pháp luật, để cho Công ty Yên Khánh trúng thầu theo ý định ban đầu của mình.
Năm 2018, ông Thăng bị phạt 30 năm tù trong hai vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đại Dương. Hồi đầu năm, ông tiếp tục bị đề nghị truy tố trong vụ án chỉ định nhà thầu thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ, gây thiệt hại hơn 600 tỷ đồng.
Đinh Ngọc Hệ: 'Bị cáo không nhờ vả ông Thăng'
Cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ phản đối cáo trạng, cho biết "hoàn toàn không nhờ Đinh La Thăng giới thiệu đấu giá thu phí cao tốc Trung Lương".
Chiều 15/12, TAND TP HCM tiếp tục phiên xử Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc", 49 tuổi, nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng); cựu bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng và các bị cáo về sai phạm khi bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương, "ăn chặn" 725 tỷ đồng của nhà nước.
Trong đó, ông Hệ bị cáo buộc đã chỉ đạo cấp dưới làm giả báo cáo tài chính hai Công ty Yên Khánh và Khánh An (do Hệ thành lập, từ lỗ thành lãi) và nhiều tài liệu khác để đủ điều kiện tham gia đấu giá mua quyền thu phí cao tốc.
Ông Đinh Ngọc Hệ được dẫn vào phòng xử chiều 15/12. Ảnh: Hữu Khoa.
Được tòa gọi tên, ông Hệ không chờ chủ tọa đặt câu hỏi, xin được trình bày "trong một phút". Cựu thượng tá quân đội cho rằng, cáo trạng truy tố mình không đúng; một số lời khai của các bị cáo Vũ Thị Hoan (cháu gọi Hệ là cậu ruột), Phạm Văn Diệt (Tổng giám đốc điều hành Công ty Yên Khánh, do Hệ thành lập)... cũng không đúng.
"Bị cáo hoàn toàn không nhờ Đinh La Thăng giới thiệu với Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Công ty Cửu Long - đơn vị quản lý cao tốc, thuộc Bộ GTVT) để đấu giá thu phí cao tốc...", Hệ nói.
Chủ tọa ngắt lời, đề nghị bị cáo trả lời vào các vấn đề HĐXX đặt ra.
Liên quan việc lập hồ sơ mua quyền thu phí cao tốc Trung Lương, Hệ khai, bản thân nói Diệt tìm hiểu công ty Cửu Long để tham gia đấu giá, yêu cầu trả đúng giá Công ty Cửu Long đăng báo là 2.004 tỷ đồng. "Bị cáo không biết Diệt làm hồ sơ giả của Công ty Yên Khánh và Khánh An", Hệ nói. Ông này cũng cho rằng đã giao hết hai công ty này cho Diệt nên không biết "lỗ hay lãi".
Chủ toạ gay gắt: "Bị cáo khai vậy mọi người nghe được không? Mục đích bị cáo thành lập công ty để làm gì mà để người khác quản lý hết, lợi nhuận không biết?".
Cựu thượng tá quân đội nhiều lần đề nghị "cho bị cáo một phút trình bày" nhưng chủ toạ tiếp tục đặt câu hỏi. Hệ thừa nhận, sau khi trúng đấu giá Diệt báo lại nhưng khi Công ty Yên Khánh thu phí bị cáo không chỉ đạo thực hiện hành vi gian dối, mua phần mềm của Công ty Xuân Phi nhằm giấu doanh thu, hay cả việc báo cáo số liệu, thu phí hằng năm...
Trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Dương Tuấn Minh khai Công ty Cửu Long được Bộ GTVT giao lập đề án bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương. Tổ thường trực giúp việc cho Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí, do bà Dương Thị Trâm Anh đứng đầu, thông báo bán đấu giá cho các đơn vị tiếp cận, nộp hồ sơ... Do đó, khi Công ty Yên Khánh nộp hồ sơ đấu giá Minh không biết. "Ông Đinh La Thăng gọi điện giới thiệu với tôi là có anh Hệ ở Công ty Thái Sơn của Bộ Quốc Phòng muốn tìm hiểu một số công việc liên quan việc mua đấu giá bán quyền thu phí", Minh khai.
Bị cáo Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Công ty Cửu Long. Ảnh: Hữu Khoa.
Trong cáo trạng, Hệ bị cho là nhờ ông Đinh La Thăng gọi điện cho Dương Tuấn Minh đề nghị sắp xếp thời gian cho mình làm việc. Hai ngày sau, Hệ gọi Minh, xưng là "Út ở Công ty Thái Sơn" đã được Bộ trưởng giới thiệu. Minh hẹn một tuần sau sẽ sắp xếp làm việc. Tuy nhiên, ông Thăng tiếp tục gọi Minh, yêu cầu bố trí lịch làm việc cụ thể rồi chuyển điện thoại cho Hệ trực tiếp nói chuyện.
Đinh Ngọc Hệ biết rõ quy định tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc là doanh nghiệp phải có tài chính lành mạnh, kinh doanh hai năm liên tiếp không lỗ... trong khi Công ty Yên Khánh và Khánh An của Hệ năm 2011-2012 kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính để thanh toán tiền trúng đấu giá. Theo đó, Hệ và Diệt hai lần đến phòng Minh đề nghị hỗ trợ Công ty Yên Khánh.
Cơ quan điều tra xác định, quá trình thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương, ông Hệ cũng chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều hành vi gian dối để che giấu doanh thu, chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng của nhà nước .
Năm 2014, Công ty Yên Khánh chỉ sử dụng phần mềm của Bộ GTVT cài đặt sẵn và cho nhân viên nhặt vé do các tài xế qua trạm vứt lại, để tập hợp xóa số seri, in lại vé mới có cùng số seri với các vé nhặt được. Việc này được làm thủ công.
Đến năm 2015, sau khi được báo cáo số liệu thu phí thực tế lớn hơn nhiều, việc giảm doanh thu bằng phương pháp nhặt vé thủ công không hiệu quả, Hệ chỉ đạo mua phần mềm của Công ty Xuân Phi để thay thế phần mềm của Bộ GTVT tại 4 trạm trên tuyến cao tốc, nhằm che giấu doanh thu, chiếm đoạt tiền thu phí. Đồng thời, sau khi hết thời hạn thu phí 5 năm, Công ty Yên Khánh báo cáo việc thu phí thua lỗ để tiếp tục xin gia hạn thu phí và số tiền phải nộp để mua quyền thu phí thấp hơn giá đã mua.
Kết quả điều tra xác định, doanh thu thực tế từ năm 2014 đến 2018 tại 4 trạm cao tốc là hơn 3.266 tỷ đồng, song bị Hệ và đồng phạm điều chỉnh còn hơn 2.541 tỷ, chiếm đoạt số tiền chênh lệch.
'Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo ém tiền thu phí cao tốc Trung Lương' Các bị cáo khai cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo gắn phần mềm nhằm che giấu doanh thu, chiếm đoạt 725 tỷ đồng thu phí cao tốc Trung Lương. Ngày 15/12, TAND TP HCM tiếp tục xét xử Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc", nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng); cựu bộ trưởng...