Ông Bùi Kiến Thành: Doanh nghiệp khổ vì cuộc đua lãi suất
Nếu muốn nền kinh tế hóa rồng, bay cao trên bầu trời quốc tế, lựa chọn đối với Việt Nam đã rất rõ ràng.
Không bất ngờ, câu chuyện tiếp tục với chủ đề tài chính – ngân hàng. Nói như chuyên gia Bùi Kiến Thành, nếu coi cả nền kinh tế như một cơ thể sống, tín dụng được xem như dòng máu, vận chuyển ô xi và dinh dưỡng tới từng tế bào. Đã có những điểm nghẽn trong quá trình lưu chuyển thiết yếu này và nguyên nhân không chỉ nằm ở “cục máu đông nợ xấu”.
PV: – Thưa ông, trong phần trò chuyện ở trên, vấn đề tín dụng chưa được ông đề cập. Nhiều năm nay, khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đều xác định, tiếp cận tín dụng là một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, so với bạn bè trong khu vực FDI hay doanh nghiệp tư nhân lớn, các thực thể kinh doanh này bị lép vế hoàn toàn, vì vậy, cơ hội cạnh tranh đã bị bóp nghẹt ngay từ trong trứng nước. Ông nghĩ sao về thực trạng nói trên và chúng ta cần khơi thông vướng mắc như thế nào?
Ông Bùi Kiến Thành: – Trước tiên, cần làm rõ, lãi suất là gì? Đối với ngân hàng, đó là lợi nhuận nhưng đối với nền kinh tế, đó là chi phí. Hiện tại, cả nền kinh tế Việt Nam đang gánh một chi phí về tài chính ngân hàng lên tới 10 %, đã vậy 1 đồng lợi nhuận thì mất 0.7 đồng “chi phí không chính thức” như nhiều chuyên gia từng đề cập. Tréo ngoe hơn, dù chấp nhận mức lãi suất hiện tại, thực tế là doanh nghiệp vẫn đang khó khăn trong việc tiếp cận vốn.
Ở đây, vướng mắc đến từ nhiều phía. Từ phía ngân hàng thương mại, thứ nhất, cách thức cho vay chủ yếu là dựa trên tài sản thế chấp. Doanh nghiệp có dự án tốt mà không có tài sản thế chấp thì rất khó tiếp cận vốn vay vì cán bộ tín dụng của ngân hàng chưa có đủ trình độ để thẩm định tính khả thi của dự án. Trong quá trình cho vay, còn có những loại chi phí gầm bàn khác khiến lãi suất thật doanh nghiệp phải trả cao hơn con số niêm yết.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Thứ ba, vấn đề nợ xấu đã giải quyết được chưa? Theo quy định xếp hạng nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước, “cục máu đông nợ xấu’ thuộc nhóm thứ 5, nợ khó có khả năng thu hồi. Sau khi bán cho VAMC và trích lập đủ dự phòng rủi ro, báo cáo cho biết, tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017. Thế nhưng, các món nợ xấu này đã được xử lý chưa?, hay vẫn đang xếp ở đó, đặc biệt là khoản nợ liên quan tới các đại dự án tham nhũng đang vẫn trong quá trình xét xử? Thứ hai, hiện nay chúng ta chưa có ngân hàng thương mại hay tổ chức tín dụng thực hiện chức năng của một ngân hàng đầu tư (Investment bank). Đây là tổ chức trung gian, huy động những số tiền lớn đầu tư cho những dự án dài hơi của doanh nghiệp. Ở bên Mỹ, với những dự án khả thi, các tổ chức đầu tư này có thể huy động cả tỷ hay chục tỷ USD trong vòng môt tuần. Nguồn huy động của các quỹ đầu tư dạng này là nguồn tiền dài hạn (long – term money) như tiền dự trữ của các quỷ hưu trí, các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, dù đã có một số công ty tài chính, vẫn chưa thể vận hành các quỹ tương tự bởi các nguồn tiền dài hạn từ quỹ bảo hiểm xã hội thường lại được dùng vào việc mua trái phiếu chính phủ.
Mặt khác, các nhóm còn lại có gọi là nợ xấu hay không và phải làm gì để nó không trở thành nhóm nợ khó đòi? Còn nhớ, Thông tư số 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được ban hành trong đó yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro bắt đầu từ các khoản nợ thuộc nhóm 2. Tuy nhiên, các ngân hàng đều phản đối bởi nếu làm đúng như vậy, họ không còn đủ vốn để hoạt động nữa và Ngân hàng Nhà nước đã bỏ qua việc áp dụng Thông tư này.
Từ phía chính sách quản lý vĩ mô, lại phải nhắc đến vai trò của Ngân hàng Nhà nước với tư cách một Ngân hàng Trung ương. Sứ mệnh của Ngân hàng Trung ương là đảm bảo lưu lượng tiền tệ cần thiết cho nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững, không nhiều quá để gây ra lạm phát nhưng cũng không ít quá mà gây ra thiểu phát. Đồng thời, phải duy trì một mức lãi suất hợp lý trong ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn, để nền kinh tế phát triển ổn định. Trong khi doanh nghiệp Việt đang phải gánh một mức lãi suất quá cao, các nền kinh tế phát triển hoạt động với lãi suất từ 1-4%, tùy từng nước. Vậy thì làm sao doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh với họ?
Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu kinh nghiệm của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Với chức năng và quyền lực của mình, Ngân hàng Trung ương có quyền phát hành tiền tệ, có nguồn tín dụng không phải trả lãi suất nên có thể cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất 1-2%, để ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay với lãi suất 3-4%. Thậm chí, trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất 0% hay 0,5%. Có nhiều người phản biện rằng, nếu làm như vậy, dòng tiền ồ ạt đổ vào nền kinh tế và sẽ gây ra lạm phát không thể kiểm soát, nhưng việc đó đã không xảy ra, do sự quản lý chặt chẽ hoạt động của hệ thống tài chính. Nền kinh tế thế giới đã phục hồi, và đi vào một chu kỳ phát triển ổn định mới.
Một cách làm khác là của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee, nhà nước quyết tâm không để một dự án nào khả thi mà không thu xếp được vốn. Tổng thống Park cam kết với cộng đồng doanh nghiệp: “Việc quản lý doanh nghiệp có hiệu quả là trách nhiệm cuả doanh nghiệp, việc thu xếp vốn cần thiết là trách nhiệm của nhà nước”. Điều này đồng nghĩa phía cơ quan quản lý phải có năng lực xem xét, thẩm định dự án, đảm bảo dòng tiền đầu tư vào dự án sẽ tạo ra sản phẩm tương ứng, loại trừ mối lo lạm phát. Chúng ta đã thấy nền kinh tế Hàn Quốc phát triển như thế nào dưới thời đại Park.
PV: – Trên thực tế, một trong những mục tiêu của việc Việt Nam tiến hành tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng là đạt được mức lãi suất phù hợp để doanh nghiệp phát triển. Ông có những khuyến nghị gì để hỗ trợ cho mục tiêu nói trên? Xin ông phân tích cụ thể.
Video đang HOT
Ông Bùi Kiến Thành: – Quả thật, căn nguyên của tình trạng mặt bằng lãi suất Việt Nam rất cao so với khu vực và trên thế giới không nằm ở việc Ngân hàng Trung ương chưa sử dụng hết quyền lực của mình. Theo tôi, có hai vấn đề cần lưu ý.
Một là, khác với thông lệ thế giới, Việt Nam duy trì một chính sách lãi suất tiền gửi rất cao. Có lẽ, sự thiếu rõ ràng trong tư duy quản lý khi chuyển đổi nền kinh tế tập trung sang thị trường có định hướng đã làm nảy sinh một mặc định, phải duy trì được cho người dân một mức thu nhập ổn định nhờ khoản tiền tiết kiệm trong ngân hàng. Khi đó, lựa chọn của người dân là gửi tiền để sinh lời thay vì đầu tư kinh doanh. Chúng ta phải suy nghĩ về tình trạng này bởi thu nhập đó không sinh ra lợi nhuận gì cho nền kinh tế cả, mà còn gây hại cho nền kinh tế vì đẩy lãi suất nóng hơn, đặt thêm đặt gánh nặng lên nền kinh tế Việt Nam.
Vậy nhưng, ngân hàng có dùng hết lượng tín dụng huy động trong dân cho doanh nghiệp vay? Theo các số liệu đã công bố, năm 2015, các ngân hàng thương mại nắm giữ khoảng 80% tổng dư nợ trái phiếu Chính phủ. Tới năm 2017, tỷ lệ này giảm còn 52% và đến 2018 là 47,8%. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, một lượng lớn trái phiếu Chính phủ đã chuyển dịch từ ngân hàng sang các nhà đầu tư khác, và đó là quỹ đầu tư chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Có thể thấy, suy luận logic trong trường hợp này là, chúng ta duy trì chính sách lãi suất cao thu hút tiền gửi của dân và một phần lớn trong số đó lại trở về kênh đầu tư trái phiếu chính phủ, phục vụ cho đầu tư công, vốn chưa đạt hiệu quả cao và chi tiêu công. Kênh trái phiếu chính phủ còn hút thêm nguồn tiền dài hạn (long – term money), vốn có thể dùng cho các dự án đầu tư dài hạn như đã phân tích ở trên. Rõ ràng, những điều này cần phải thay đổi.
Có nên giảm bớt số ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam?
Chúng ta luôn nói tới vấn đề thượng tôn pháp luật nhưng lại không nghĩ tới việc áp dụng nguyên tắc này trong mối quan hệ khách hàng – ngân hàng. Luật Bảo hiểm Tiền gửi đã nói rõ, mỗi tài khoản được bảo đảm 75 triệu đồng. Nếu ngân hàng phá sản, người gửi tiền sẽ được nhận bảo hiểm tiền gửi như cam kết. Phần còn lại là phần người gửi tiền phải chịu trách nhiệm cho quyết định ‘chọn mặt gửi tiền’ của họ. Vấn đề thứ hai là cách xử lý những tổ chức tín dụng yếu kém. Tình trạng ‘trăm hoa đua nở’ cùng với năng lực quản lý yếu kém đã khiến Việt Nam có tới gần bốn chục ngân hàng thương mại mà rất nhiều trong số đó mắc phải vấn đề sở hữu chéo, cho vay sân sau, sinh ra nợ xấu gấp nhiều lần vốn điều lệ, trở thành ngân hàng 0 đồng. Tính nhân văn với người gửi tiền thể hiện ở chỗ không một ngân hàng nào bị cho phá sản vô tình lại dẫn tới việc người dân không cân nhắc, lựa chọn các ngân hàng tốt để gửi tiền mà chỉ chạy theo lãi suất. Hệ lụy tiếp theo là các ngân hàng đua nhau hút khách bằng mức lãi suất huy động, lại càng đẩy cao mức lãi suất cho vay.
Tôi muốn đặt câu hỏi, trong số những người dân sẽ bị thiệt hại nếu cho ngân hàng phá sản, bao nhiêu người trong đó là dân thường, bao nhiêu người trong đó là những người giàu có nhờ hoạt động trong khu vực nhà nước hay có mối quan hệ thân hữu với khu vực này? Cuối cùng, chúng ta đang bảo vệ quyền lợi của ai mà chấp nhận doanh nghiệp phải còng lưng vì lãi suất cao, nền kinh tế mất thế cạnh tranh, hội nhập khó, con rồng kinh tế Việt Nam không cất cánh lên dược? Xét tới cùng, nếu doanh nghiệp không phát triển được, người dân thiếu việc làm, … Cái giá phải trả sẽ là rất đắt.
PV: – Gần đây, đã có những dấu hiệu rõ ràng về việc các tổ chức tín dụng nước ngoài muốn tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng của Việt Nam. Ông có cho rằng, đây là động thái tích cực, giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng của chúng ta? Chúng ta nên ứng xử như thế nào trước những lời đề nghị này?
Ông Bùi Kiến Thành: – Bản chất của ngân hàng 0 đồng là ngân hàng có số nợ xấu vượt quá số vốn điều lệ. Đối với những ngân hàng như thế, theo pháp luật Việt Nam, hoàn toàn có thể đóng cửa, cho phá sản ngân hàng. Vậy thì tại sao chúng ta cần mời chào các tổ chức tín dụng mua chúng? Nếu thông qua việc này, chúng ta lại giao cho tổ chức tín dụng nước ngoài cơ hội để cạnh tranh với ngân hàng Việt Nam thì có lợi ích gì cho nền kinh tế?
Phải thẳng thắn rằng, ngân hàng hay tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia vào thị trường tiền tệ Việt Nam không nhằm mục tiêu phát triển ngành ngân hàng của chúng ta. Họ đi tìm kiếm lợi nhuận và như vậy, họ sẽ tìm cách cạnh tranh khốc liệt với ngân hàng Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường tốt hơn. Nếu chúng ta không vững, họ sẽ nắm được quyền chi phối trên thị trường tiền tệ.
Một trong những ngân hàng thương mại được nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu để tham gia tái cơ cấu
Về phía Việt Nam, đây là cơ hội để cải tổ. Chúng ta có cần tới gần 40 ngân hàng thương mại, cùng lao vào cuộc đua lãi suất huy động, chạy đua về marketing, điểm giao dịch… Tất cả đều là chi phí được tính vào lãi suất doanh nghiệp phải chịu. Rõ ràng, phải giới hạn lại số lượng ngân hàng thương mại ở mức vừa đủ cho quy mô và tốc độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam, có thể giảm xuống còn 10 ngân hàng thương mại.Tất nhiên, nếu họ cam kết đưa tới kỹ thuật cao về quản lý, vận hành ngân hàng, có thể cho họ mua 1-2 ngân hàng. Cam kết sẽ giống như cam kết với doanh nghiệp FDI, nếu họ làm tốt, đúng theo các điều kiện đặt ra, họ được chào mời. Bằng không, chúng ta có quyền thu hồi giấy phép. Theo tôi, đó là giới hạn hợp lý cho sự tham gia của tổ chức tín dụng nước ngoài vào hệ thống tín dụng Việt Nam.
Đối với nhóm 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, có nên duy trì số lượng này khi đã xóa nhòa những phân nhóm nhiệm vụ, chức năng như đầu tư, thương mại, ngoại thương, nông nghiêp… trước đó. Phải tính tới hiệu quả tối đa mà khi 4 ông lớn giẫm chân lên nhau thì không thể đạt được mục đích này.
Một vấn đề khác là mỗi năm lợi nhuận của nhóm ngân hàng này đều đưa về ngân sách, vì thế, nhóm ngân hàng này không có nguồn để tăng vốn điều lệ. Cân đối ngân sách và chiến lược phát triển của ngành ngân hàng nên hài hòa hơn, nếu Việt Nam muốn có những ngân hàng thương mại ngang tầm với các ngân hàng lớn trong khu vực.
PV: – Từ lâu, nghi vấn về lợi ích nhóm ngáng trở sự lành mạnh hóa hoạt động của thị trường tín dụng đã được đặt ra. Theo ông, nghi vấn này cần được ‘bạch hóa’ thế nào nếu chúng ta muốn hướng đến một nền tài chính lành mạnh và bền vững?
Ông Bùi Kiến Thành: – Để việc tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng đạt được kết quả như kỳ vọng, chúng ta sẽ phải hành động rất quyết liệt. Chính trong quá trình này, sẽ hé lộ những nút thắt gây ra những nghi vấn lợi ích nhóm nêu trên. Ví dụ, ma trận sở hữu chéo ngân hàng thương mại mang lại lợi ích cho ai; quan điểm không phá sản ngân hàng thương mại có mang lại động động cơ thiếu trong sáng cho ai hay không; các quyết định cho vay vào các dự án thua lỗ, phá sản có bị tác động và có yếu tố tiêu cực không…? Tôi cho rằng, trong việc chấn chỉnh ngành ngân hàng, đầu tiên cần phải giải quyết vấn nạn tham nhũng.
Ngoài gánh nặng lãi suất đã nêu trên, gánh nặng tham nhũng (chi phí không chính thức!) đang đè nặng lên vai doanh nghiệp. Theo khảo sát mới nhất của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), 54.8% doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí này. Thậm chí, đã có những ước tính, toàn nền kinh tế phải gánh chịu từ 5% đến 10% chi phí tham nhũng không hạch toán được. Lại là một tảng đá đeo vào cổ nền kinh tế của chúng ta.
Nếu muốn nền kinh tế hóa rồng, bay cao trên bầu trời quốc tế, lựa chọn đối với Việt Nam đã rất rõ ràng. Chúng ta chờ đợi càng ngày càng có thêm nhiều nhân sự trong sạch, đủ tâm, đủ tài gánh vác sứ mệnh tối quan trọng này.Từ góc nhìn bao quát hơn, ghi nhận của các tổ chức tài chính uy tín thế giới cho thấy, những nước không hoặc ít gặp phải vấn nạn tham nhũng như Singapore, Nhật Bản… luôn đứng trong nhóm các nền kinh tế phát triển và nền kinh tế tăng tốc đều đặn. Ngược lại, các quốc gia có tình trạng tham nhũng phổ biến thường xếp cuối bảng.
Hoàng Hạnh
Theo baodatviet.vn
Khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nghị định số 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chính thức được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, đang được các DN, hiệp hội ngành hàng phía Nam đánh giá cao và kỳ vọng trở thành trợ lực cho doanh nghiệp tiếp cận vốn phát triển.
Loay hoay với bài toán vốn
Theo đánh giá Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2018, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV - đây là luật đầu tiên về hỗ trợ DNNVV. Song thực tế phát triển các DNNVV vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất là vấn đề tiếp cận vốn. Cũng từ một khảo sát của VCCI cho thấy, có đến 70% DNVVN chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
Tăng cơ hội tiếp cận tín dụng cho DNVVN
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến 31/5/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,74% so với cuối năm 2018. Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá, tuy nhiên thực tế tiếp cận vốn của khu vực DNVVN vẫn còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân được chỉ ra là do DNVVN không có tài sản thế chấp, hệ thống kế toán, tài chính chưa chuẩn mực, phương án kinh doanh chưa phù hợp với thị trường, chưa phù hợp với năng lực kinh doanh nên chưa thể thuyết phục được ngân hàng rót vốn... Thêm vào đó, việc nhiều nhà băng chưa mặn mà với phân khúc khách hàng DNNVV bởi khả năng thu hồi vốn còn mang tính rủi ro cao. Để tìm kiếm vốn đầu tư, các DN này buộc phải tìm tới dòng vốn tín dụng đen.
Quỹ phát triển DNVVN - trợ lực cho DN
Trước những khó khăn về vốn của nhiều DNVVN đang gặp phải, Nghị định số 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNVVN và vừa chính thức được ban hành và có hiệu lực từ 1/7/2019 được đánh giá là tăng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực DN này. Bởi đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Quỹ hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, với số vốn tối thiểu là 2.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh đánh giá chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNVVN vay vốn tổ chức tín dụng, hỗ trợ vốn thông qua Quỹ phát triển DNVVN đã tạo thêm lực đẩy cho khu vực DNVVN giải tỏa bớt khó khăn về vốn, thêm lực đẩy cho DN thực hiện các mục tiêu sản xuất kinh doanh dài hạn.
Theo ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh một trong những cản trở lớn nhất của DNNVV hiện nay là không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp; hoặc không có phương án sản xuất kinh doanh hay không có các dự án khả thi để các NHTM xem xét cho vay... Vì thế để tháo gỡ khó khăn về vốn cho DNVVN thông qua Quỹ Phát triển DNVVN sẽ tạo trợ lực cho DN phát triển.
Theo nghị định, quỹ thực hiện cho vay dưới hai hình thức là trực tiếp và gián tiếp. Cho vay trưc tiêp là việc quỹ trực tiếp thực hiện cho vay đối với DNNVV. Cho vay gián tiếp là việc quỹ thực hiện cho vay đối với DNNVV thông qua giao vốn cho ngân hàng thương mại được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Lãi suất cho vay trực tiếp bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại. Mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại được xác định trên cơ sở so sánh lãi suất cho vay của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và có tổng tài sản lớn nhất tại thời điểm xác định lãi suất cho vay của quỹ.
Ngoài ra, mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án. Tổng mức cho vay của quỹ đối với một DNVVN không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của quỹ...
Cũng với mục tiêu giải quyết những khó khăn về vốn cho DNVVN, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.
Thanh Thanh
Theo congthuong.vn
Room ngoại 30% "bó chân" Fintech? Lần đầu tiên khối doanh nghiệp nước ngoài nêu quan ngại về các chính sách trong lĩnh vực Fintech tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2019. Theo nhiều chuyên gia, việc hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại sẽ làm hạn chế nghiêm trọng khả năng phát triển của ngành Fintech Việt Nam. Các...