Ông Biden sẽ nhậm chức trong buổi lễ phá vỡ mọi truyền thống
Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ chưa từng có tiền lệ, giữa mối nguy “kép” về an ninh và dịch bệnh.
Trước mỗi buổi lễ nhậm chức tổng thống, thành phố Washington, D.C. thường trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Đây là dịp hàng trăm nghìn người ủng hộ trên khắp cả nước đổ về thủ đô, chờ đợi tân tổng thống chính thức lên nắm quyền.
Năm nay, dưới ảnh hưởng của đại dịch và bất ổn chính trị, trung tâm quyền lực của Mỹ yên ắng một cách lạ thường. Ngày 6/1, đám đông ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã xông vào toà nhà quốc hội Mỹ để phản đối kết quả bầu cử bất lợi. Vụ bạo loạn khiến cả thế giới sững sờ, đồng thời đặt thêm nguy cơ với lễ nhậm chức của ông Biden.
Lễ nhậm chức của ông Joe Biden hứa hẹn là một sự kiện được truyền hình trực tiếp thay vì tràn ngập đám đông tụ tập như mọi năm, theo AFP .
Phong tỏa
Sau ngày 6/1, giới chức Mỹ quyết định thắt chặt an ninh trên toàn quốc. Riêng thủ đô Washington, D.C. phải trải qua một đợt phong tỏa lịch sử, vốn là biện pháp từng được áp dụng sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Trong thời gian chuẩn bị cho lễ nhậm chức, hầu hết mọi nẻo đường ở Washington đều trở nên vắng lặng. Tại khu vực gần toà nhà quốc hội, lực lượng Vệ binh Quốc gia đã triển khai nhiều chốt chặn ngụy trang để đề phòng bất ổn.
Theo AFP , các cây cầu chính dẫn vào nội thành bị phong tỏa trong hai ngày. Điện Capitol, Nhà Trắng và các trụ sở của chính phủ đều được tăng cường mức độ an ninh, với sự có mặt của khoảng 25.000 binh sĩ Vệ binh Quốc gia, gấp 2,5 lần những lễ nhậm chức trước.
Thông thường, lễ nhậm chức tổng thống thu hút khoảng một triệu người. Trước tình hình căng thẳng hiện tại, đội chuyên trách của Tổng thống đắc cử Joe Biden đã kêu gọi người ủng hộ nên ở nhà. Họ dự định tổ chức một buổi lễ được truyền hình trực tiếp từ Điện Capitol và không có khách tham dự.
Truyền thống
Trong ngày tân tổng thống nhậm chức, các nhà lập pháp, quan chức chính phủ và thẩm phán hàng đầu thường tập trung tại mặt tiền phía tây của Điện Capitol. Song đại dịch có thể phá vỡ truyền thống này, buộc các vị chức sắc phải hạn chế tham gia hoặc thực hiện giãn cách xã hội.
Theo chương trình ngày 20/1, các vị giám mục đứng đầu nhà thờ sẽ mở đầu với lời chúc phúc. Tiếp đó, ca sĩ Lady Gaga xuất hiện để hát bài quốc ca Mỹ. Nhà thơ 22 tuổi, Amanda Gorman, cùng ca sĩ Jennifer Lopez cũng biểu diễn trong buổi lễ.
Video đang HOT
Thủ đô Washington được tăng cường an ninh trước ngày ông Joe Biden nhậm chức. Ảnh: AP .
Đến khoảng giữa trưa, Thẩm phán Tòa Tối cao John Roberts sẽ hướng dẫn Tổng thống đắc cử Joe Biden đọc lời tuyên thệ nhậm chức. Phó tổng thống Kamala Harris cũng thực hiện nghi lễ tương tự cùng Thẩm phán Sonia Sotomayor.
Theo truyền thống, vị tổng thống sắp mãn nhiệm và các cựu tổng thống Mỹ đều tham dự buổi lễ nhậm chức. Hành động này thể hiện sự thống nhất, đồng lòng với quy trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
Trong lễ nhậm chức năm nay, các cựu tổng thống Bill Clinton, George Bush và Barack Obama sẽ góp mặt trong khi ông Jimmy Carter, 96 tuổi, không tham dự vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm virsus corona.
Tổng thống đương nhiệm Donald Trump tuyên bố sẽ vắng mặt, sau nhiều nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử nhưng bất thành. Ông Trump dự kiến rời thủ đô Washington, D.C. trong buổi sáng ngày 20/1, trở thành tổng thống thứ tư trong lịch sử không có mặt tại sự kiện nhậm chức của người kế nhiệm.
Như vậy, buổi lễ sẽ không có phần chào hỏi truyền thống giữa người đứng đầu Nhà Trắng và người sắp kế nhiệm.
Trực tuyến
Lễ nhậm chức tổng thống thường đi kèm lễ diễu hành, các buổi hòa nhạc hay tiệc tùng. Song ông Joe Biden và bà Kamala Harris luôn cảnh giác trước nguy cơ đại dịch. Họ quyết định phát trực tiếp các hoạt động ăn mừng, thay cho thông lệ hàng năm.
Theo kế hoạch, chuỗi hoạt động ăn mừng sẽ diễn ra trong 5 ngày. Trong ngày 19/1, ông Biden và bà Harris sẽ chủ trì một lễ tưởng niệm trực tuyến dành cho 400.000 bệnh nhân tử vong vì mắc Covid-19 tại Mỹ.
Đến ngày 20/1, họ cùng tổ chức một sự kiện trực tuyến mang tên “Cuộc diễu hành trên khắp nước Mỹ”. Thông qua màn ảnh nhỏ, người dân tại 50 tiểu bang, bao gồm các diễn giả, nghệ sĩ, sẽ lần lượt xuất hiện trên sóng truyền hình.
Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ảnh: AP .
Đây là chương trình nhằm tôn vinh những người hùng trong cuộc chiến chống dịch bệnh, đồng thời thể hiện sự đa dạng, di sản và sức mạnh của toàn nước Mỹ. Sự kiện trong tối 20/1 có sự tham gia của John Legend, Justin Timberlake và Demi Lovato.
Thị trưởng thành phố Washington, D.C., ông Muriel Bowser, khuyến cáo người dân nên theo dõi các sự kiện thông qua màn ảnh nhỏ.
Ông Maju Varghese, lãnh đạo Ủy ban Nhậm chức, cho biết: “Chương trình đã đổi mới hình thức để giữ an toàn cho mọi người. Cách làm này cũng giúp người dân trên toàn quốc, từ thành thị đến nông thôn, từ người già đến trẻ nhỏ, đều được tham dự sự kiện”.
Hạ nghị sĩ Cedric Richmond, đồng chủ tịch Ủy ban Nhậm chức, tái khẳng định niềm tin vào một buổi lễ an toàn, bất chấp cảnh báo từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về nguy cơ biểu tình vũ trang trên khắp cả nước.
Ông Richmond nói: “Cơ quan Mật vụ đã chuẩn bị suốt hơn một năm qua. Hiện có nhiều bên phối hợp tổ chức, bảo đảm sự an toàn cho buổi lễ, bao gồm lực lượng Vệ binh Quốc gia, An ninh Nội địa, Thị trưởng Washington và nhiều người khác”.
Sự cố trong các lễ nhậm chức tổng thống Mỹ
Tổng thống đọc không chuẩn lời tuyên thệ, gà bị sổng chuồng hay chim hoàng yến chết rét là những sự cố từng xảy ra tại một số lễ nhậm chức.
Ngày 7/1/1789, trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của Mỹ, George Washington chiến thắng tuyệt đối, giành được tất cả phiếu đại cử tri. Ông nhậm chức vào ngày 30/4/1979 tại ban công Hội trường Liên bang ở New York.
Ngay trước khi Washington tuyên thệ, ban tổ chức phát hiện ra họ chuẩn bị thiếu cuốn Kinh thánh và phải nhanh chóng mượn một cuốn từ chi nhánh của Hội Tam điểm ở gần đó.
Đám đông tập trung bên ngoài Nhà Trắng khi Andrew Jackson nhậm chức đầu tiên năm 1829. Ảnh: Library of Congress .
Khi Andrew Jackson nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên năm 1829, ông đã chào đón một đám đông ồn ào gồm 20.000 người ủng hộ đến ăn mừng tại Nhà Trắng. Nhưng bữa tiệc biến thành một cuộc ẩu đả, đồ đạc bị phá hỏng, đồ pha lê bị đập vỡ.
"Những người phụ nữ ngất xỉu, những người đàn ông đấm nhau hộc máu mũi, cảnh tượng hỗn loạn không thể nào diễn tả được", một vị khách kể. Jackson buộc phải thoát khỏi tình trạng lộn xộn bằng cách nhảy qua cửa sổ.
Bất chấp thời tiết rất lạnh giá vào ngày nhậm chức năm 1841, William Henry Harrison từ chối mặc áo khoác hay đội mũ và khăng khăng muốn đến Nhà Trắng trên lưng ngựa thay vì ngồi xe ngựa có mái che. Ông cũng có bài phát biểu dài nhất lịch sử với 8.445 từ và mất hơn hai giờ để đọc.
Nhưng điều trớ trêu là nhiệm kỳ tổng thống của Harrison là nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử nước này. Không lâu sau khi nhậm chức, Harrison bị cảm lạnh, biến thành viêm phổi. Ông qua đời ngày 4/4/1841, 31 ngày sau khi nhậm chức.
Trước lễ nhậm chức thứ hai của Abraham Lincoln vào đầu năm 1865, Phó Tổng thống đắc cử Andrew Johnson đã uống rượu whiskey để bớt hồi hộp và giảm triệu chứng vì ông bị sốt thương hàn gần thời điểm đó. Khi tuyên thệ, Johnson lộ rõ vẻ say xỉn, phát biểu không mạch lạc trong khoảng 20 phút.
Lincoln sau đó nói Johnson có sơ suất nhưng "không phải là một kẻ say xỉn". Chỉ một tháng sau, Johnson lại tuyên thệ nhậm chức, lần này để trở thành tổng thống, sau khi Lincoln bị ám sát tại Nhà hát Ford.
Ngày nhậm chức lần hai của Ulysses S. Grant vào tháng 3/1873 là một trong những ngày tháng ba lạnh nhất trong lịch sử thủ đô Washington. Nhiệt độ vào buổi trưa là -9 độ C, nhưng những cơn gió mạnh gây cảm giác trời lạnh -26 đến -34 độ C. Các lá cờ dọc theo Đại lộ Pennsylvania bị đóng băng, các xe cứu thương túc trực để đưa các học viên quân sự tham gia diễu hành bị cước tay chân đến bệnh viện.
Dạ hội vào tối hôm đó diễn ra trong một không gian được dựng lên tạm thời để phục vụ ngày nhậm chức. Nó không thể giữ ấm cho các vị khách trong thời tiết lạnh giá, khiến họ vẫn phải mặc áo khoác dày khi ăn tối và khiêu vũ. Đồ ăn nguội và rượu sâm banh đông đá không phải là điều tồi tệ nhất: Khoảng 100 con chim hoàng yến treo trên lồng tại trần nhà để điểm xuyết cho bữa tiệc đã chết cóng.
45 đời tổng thống Mỹ. Đồ họa: Việt Chung, Phương Vũ.
Trong lễ nhậm chức đầu tiên của Dwight D. Eisenhower năm 1953, ông phá vỡ truyền thống bằng cách đọc lời cầu nguyện do ông tự ứng biến ra sau khi tuyên thệ, thay vì hôn lên cuốn Kinh thánh.
Sau đó, ông chủ trì một cuộc diễu hành với khoảng 62 ban nhạc và 26.000 người tham gia. Một khoảnh khắc gần như không tưởng vào thời nay đã diễn ra: Với sự cho phép của Sở Mật vụ, cao bồi California Montie Montana quăng dây thòng lọng vào người tân tổng thống. Phó Tổng thống Richard Nixon và các quan chức khác tươi cười chứng kiến.
Cao bồi quăng dây vào người Tổng thống Dwight D. Eisenhower trong lễ nhậm chức năm 1953. Ảnh: AP .
Lễ nhậm chức của John F. Kennedy năm 1961 đầy những khoảnh khắc không nằm trong kịch bản. Lyndon B. Johnson đọc sai lời tuyên thệ của phó tổng thống. Bục phát biểu bốc cháy trong một thời gian ngắn do chập điện khi Hồng Y Richard Cushing cầu nguyện. Nhà thơ Robert Frost đã sáng tác một tác phẩm cho dịp này nhưng không thể đọc được do lóa mắt, vì tuyết rơi vào đêm hôm trước phản chiếu ánh sáng mặt trời. Thay vào đó, Frost đọc một bài thơ khác mà ông thuộc.
Tại dạ hội chào mừng lễ nhậm chức thứ hai của Richard Nixon năm 1973, được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử và Công nghệ Smithsonian (nay là Bảo tàng Lịch sử Mỹ), một con gà đã xổng chuồng từ một cuộc triển lãm nông trại ở bảo tàng và "nhập hội" cùng các vị khách. Sau khi một khách phàn nàn rằng con gà "tấn công" bà, Tổng thư ký bảo tàng Smithsonian S. Dillon Ripley bắt được nó và trả nó về nơi ban đầu.
Barack Obama tuyên thệ nhậm chức lần đầu tiên tại thủ đô Washington ngày 20/1/2009. Ảnh: Reuters .
Tại lễ nhậm chức đầu tiên của Barack Obama năm 2009, Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts là người đọc lời tuyên thệ để Obama nhắc lại theo. Roberts không dùng giấy nhớ và ông đã đọc không chuẩn một câu theo quy định của hiến pháp, khiến Obama cũng nhắc lại cách diễn đạt không chính xác.
Các học giả hiến pháp sau đó đặt câu hỏi liệu Obama đã tuyên thệ đúng chuẩn hay chưa. Obama và Roberts cuối cùng tuyên thệ lại tại Nhà Trắng vào ngày hôm sau, lần này không gặp sự cố nào.
Phó Tổng thống đắc cử Mỹ K.Harris chuẩn bị cho việc đảm nhiệm cương vị mới Phó Tổng thống đắc cử Mỹ Kamala Harris có kế hoạch từ chức Thượng nghị sĩ đại diện bang California vào ngày 18/1 để chuẩn bị cho việc đảm nhiệm cương vị mới trong chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Bà Kamala Harris (ảnh) đã trở thành nữ Phó Tổng thống đầu tiên trong lịch sử hơn 200 năm của...