Ông Biden chọn ‘kiến trúc sư’ chiến lược ‘Xoay trục’ làm đại diện đặc trách châu Á
Tổng thống đắc cử Joe Biden đã chọn cựu trợ lý ngoại trưởng Kurt Campell làm quan chức cấp cao đặc trách chính sách của Mỹ tại châu Á.
Cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Campell. Ảnh: AFP/TTXVN
Nữ phát ngôn viên nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden ngày 13/1 khẳng định, ông Campell sẽ là điều phối viên cao cấp đặc trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC).
Diễn biến này phù hợp với thông tin tờ “Thời báo Tài chính” (Financial Times/Anh) đăng hồi tháng trước, đề cập việc Tổng thống đắc cử Joe Biden muốn bổ nhiệm nhân sự phụ trách khu vực châu Á, với biên chế trực thuộc NSC.
Bổ nhiệm nhân sự cấp cao vào cương vị mới này cho thấy chính sách đối ngoại của chính quyền Joe Biden dành ưu tiên cho châu Á. Ông Biden từng nhiều lần tuyên bố châu Á-Thái Bình Dương là khu vực mở ra cơ hội lớn, nhưng cũng là nơi lợi ích và giá trị của Mỹ đang bị thách thức mạnh.
Video đang HOT
Kurt Campell, nhà ngoại giao kì cựu dưới thời Tổng thống Barack Obama, được xem là “kiến trúc sư” của chiến lược “Xoay trục” sang châu Á. Sau khi rời nhiệm sở, ông Campell đã chuyển sang làm lãnh đạo tại hãng tư vấn Asia Group, đồng thời đảm nhiệm cương vị cố vấn cho chiến dịch tranh cử của ông Biden.
Năm 2016, ông Campell đã công bố cách tiếp cận của mình với châu Á thông qua cuốn sách có tiêu đề “Xoay trục” (The Pivot), mà trong đó ông nhiệt thành cổ vũ cho ý tưởng củng cố các liên minh hiện hữu, xây dựng quan hệ gắn chặt giữa Mỹ với các nước như Ấn Độ hay Indonesia.
Chính ông Compell cũng là người ủng hộ một số biện pháp cứng rắn đối với Bắc Kinh của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, ông cũng chỉ trích Nhà Trắng đã không can dự hiệu quả toàn cục tại khu vực, làm hủy hoại quan hệ với một số đồng minh chủ chốt như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Sau khi nhậm chức vào ngày 20/1, ông Biden sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức trong quan hệ với Trung Quốc, từ việc xử lý vấn đề Hong Kong cho tới thương mại song phương. Tân Tổng thống Mỹ cũng sẽ phải ra quyết định đâu là những chính sách cứng rắn của chính quyền tiền nhiệm cần phải giữ lại.
Trong bối cảnh đó, ông Compell được cho là một lựa chọn phù hợp. Ông Campell có quan hệ thân thiết với Antony Blinken và Jake Sullivan – những người tới đây sẽ đảm nhận cương vị Ngoại trưởng Mỹ và Cố vấn An ninh Quốc gia.
Cùng với Jake Sullivan, Kurt Campell thuộc nhóm giới chức có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong đảng Dân chủ. Trong bài viết đăng chung với Ely Ratner trên tạp chí “Chính sách Đối ngoại” (Foreign Affairs) năm 2018, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ cho rằng Washington cần có tầm nhìn rõ ràng trong cách tiếp cận với Trung Quốc sau nhiều năm mà chính sách đối ngoại của Mỹ đã đoán sai đường đi, nước bước của Bắc Kinh.
Thách thức lớn nhất mà ông Campell phải đối diện trên cương vị mới là tìm ra cách thức để chỉnh sửa lại quan hệ đứt gãy Mỹ-Trung dưới thời ông Trump, chuyển sang một ngưỡng nhất định nào đó cho phép Mỹ hợp tác được với Trung Quốc trong nhiều vấn đề như chống biến đổi khí hậu, nhưng vẫn theo đuổi các chính sách nhằm thay đổi hành xử của Bắc Kinh.
Phát biểu hồi tháng trước tại Washington, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ cho biết lựa chọn tốt nhất của Mỹ trong cuộc chơi lớn ở châu Á là hiện diện quân sự và khả năng ngăn chặn những thách thức đến từ Trung Quốc. Ông cũng nhìn nhận, Mỹ phải tạo ra tầm nhìn về hệ thống thương mại lạc quan, rộng mở, hợp tác với đồng minh, ngăn chặn Bắc Kinh đánh chiếm những lĩnh vực công nghệ then chốt mà Mỹ cần phải giữ ưu thế như trí tuệ nhân tạo, robot hay mạng 5G.
Theo quan điểm của ông Compell, cả đảng Dân chủ và Cộng hòa cần hợp tác cùng nhau trong hoạch định chính sách về Trung Quốc, khi Washington đang phải đối diện với “giai đoạn cạnh tranh chiến lược sâu sắc” với Bắc Kinh, phải loại trừ bằng được quan điểm cho rằng quyền lực Mỹ đang suy yếu. “Không có hợp tác giữa hai đảng trong vấn đề Trung Quốc và châu Á, Mỹ chắc chắn sẽ thất bại”, ông Campell nêu quan điểm.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden lựa chọn người đứng đầu USAID
Ngày 13/1, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã lựa chọn bà Samantha Power, người từng giữ chức Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) vào vị trí người đứng đầu Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), căn cứ vào kinh nghiệm của bà trong việc giải quyết những cuộc khủng hoảng trên thế giới.
Bà Samantha Power phát biểu tại một hội nghị của LHQ ở New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong một tuyên bố, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden cho biết bà Power có thể tập hợp được cộng đồng quốc tế và hợp tác với các đối tác của Mỹ trong ứng phó với những thách thức lớn nhất trên thế giới hiện nay, trong đó có đại dịch COVID-19, vấn đề biến đổi khí hậu, nạn nghèo đói toàn cầu.
Bà Power, 50 tuổi, từng giữ chức Đại sứ Mỹ tại LHQ trong giai đoạn 2013-2017, khi ông Biden làm Phó Tổng thống trong chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama.
Trước đó, bà Power đã làm nhân viên an ninh quốc gia của Nhà Trắng từ năm 2009-2013, cũng dưới thời cựu Tổng thống Obama.
Nữ cựu nhà báo này còn từng được nhận giải thưởng Pulitzer với cuốn sách có tựa đề "A Problem from Hell" viết về sự thất bại của Mỹ trong việc ngăn chặn nạn diệt chủng.
Ông Biden thay đổi câu chuyện về cuộc đột kích tiêu diệt Osama bin Laden Tuyên bố của ông Biden trong tài liệu mới với CNN dường như trái ngược với những gì ông từng nói về cuộc đột kích trùm khủng bố Osama bin Laden cách đây 8 năm. Ông Biden có tuyên bố mâu thuẫn về cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. Ảnh minh họa: NYM Hồi đầu năm nay, ông...