Ông bà ơi, con đã lớn rồi
Tôi là con một và càng được cưng chiều hơn khi sống với ông bà từ nhỏ vì bố mẹ tôi đi làm ăn xa. Có lẽ vì sợ tôi thiếu thốn tình cảm nên ông bà nội càng chăm tôi kĩ hơn bao giờ hết.
Tôi sống trong lồng kính với đầy đủ tiện nghi, vật chất, chưa biết khổ là gì. Tôi chỉ biết có mỗi việc học với sự bao bọc của bố mẹ và ông bà. Chính bản thân, tôi cũng chưa phục vụ được cho mình nữa là giúp đỡ người khác. Cơm tôi có người nấu cho ăn, áo quần tôi có người giặt ủi, phòng của tôi cũng có người dọn dẹp. Nên những việc cỏn con như đi chợ, nấu ăn mà những đứa con gái khác làm được nhưng đối với tôi thì quá xa vời.
Ông bà luôn nghĩ con cháu mình còn bé nhỏ
Trong con mắt mọi người, tôi luôn là đứa bé cần được mẹ chăm bẵm, khi tôi học đến lớp 10 rồi, bà vẫn nằm ngủ bên cạnh tiện chăm sóc nhỡ khi tôi khát nước, đói bụng hay thức học bài quá khuya. Quan điểm của bà tôi là: “Cháu gái chỉ được cái lớn to xác chứ không có khôn, làm chuyện gì cũng không ra hồn, xổng ra một chút là hư ngay… “.
Hôm nào ông bà phải sang nhà cô chú thì sẽ chỉ đạo tôi từ xa, điệp khúc bà hay dùng nhất là: “Cháu nên thế này, phải làm thế kia… Trong bữa cơm, hết ông lại đến bà không quên nhắc nhở tôi cần ăn món này và bớt ăn món kia. Hàng ngày bà bắt tôi phải đi ngủ đúng giờ để đảm bảo sức khỏe, kể cả ngủ trưa cũng vậy. Tối đi ngủ phải như thế này, sáng sớm thức dậy phải như thế kia. Nguyên tắc của ông bà tôi là: ăn phải có khoa học, ngủ phải đủ giấc. Hôm nào tôi đi sinh nhật với bạn là bà lo lắm, mẹ phải gọi đến chục cuộc điện thoại để nhắc nhở.
Mỗi khi tôi đi hoạt động ngoại khóa của trường ở xa thì ông bà mất ngủ cả đêm, chuẩn bị cơ man nào là đồ, từ thuốc tới kim chỉ, từ đôi dép lê đi trong nhà đến khăn rửa mặt. Nếu tôi có lỡ miệng bảo không cần đâu bà thì thể nào ông bà tôi cũng dỗi và sau đó là một bài giảng về vệ sinh cá nhân.
Ở trường, tôi là đứa con gái không đến nổi tồi trong tất cả mọi việc, vậy mà khi bước chân về đến cửa nhà mình là lập tức tôi mất hết những điểm mạnh đó. Không cần biết tôi đang nghĩ gì nhưng mọi việc đều hết bà rồi ông lại làm, mọi lời ông bà nói ra và mọi yêu cầu của ông bà đều bắt buộc tôi phải nhất cử nhất động tuân theo. Dần dần tôi trở thành một người thụ động trong mọi công việc gia đình.
Video đang HOT
Làm một việc gì tôi đều phải chờ ý kiến của ông bà hoặc điện thoại cho bố mẹ, ngay cả việc chọn bạn chơi tôi đều không có quyền tự quyết. Ai đời, mỗi khi tôi rời khỏi nhà là bà lại tất tả chạy ra, buộc tôi phải quàng khăn và đeo khẩu trang cho kín gió đề phòng viêm họng vì sợ tôi ho hen khiến tôi thấy mình như học sinh tiểu học. Nhưng khổ một nổi, mỗi khi tôi có muốn góp ý hay muốn vùng lên để đòi quyền lợi cho mình, ông bà tôi lại giận và khóc rồi bỏ ăn, nằm khóc. Tất cả những phản kháng đó khiến tôi đầu hàng và chấp nhận làm theo mọi yêu cầu của ông bà vô điều kiện.
Tôi kính yêu ông bà và cha mẹ, cũng không muốn làm đảo lộn khoảng bình yên của gia đình mà mọi người đã hết lòng chăm sóc và lo lắng. Nhưng quả thật kiểu chăm sóc cũng như đối xử không tâm lý với con gái đã lớn khiến tôi cảm thấy ngột ngạt.
Trả lời
Rất may là khi bạn được sống trong môi trường bao bọc đó bạn đã không bướng bỉnh và khó bảo, bạn đã nhìn ra được điểm mạnh điểm yếu của bản thân mình đó là một điều tốt cho lứa tuổi của bạn. Vì ông bà và bố mẹ đều là rất yêu thương bạn và mong muốn mọi điều tốt đến với con cháu mình, mọi hành động đều xuất phát từ tình yêu thương đó. Bạn hãy từ từ giải thích và dần đưa ra quan điểm của riêng mình.
Hãy làm việc đó một cách chậm rãi để tránh làm tổn thương những người đang yêu thương mình nhất. Bạn có thể chỉ ra điểm yếu của mình khi sống trong tập thể mà không thể tự lo cho bản thân vì lâu nay bị phụ thuộc quá nhiều vào gia đình, chính những điều đó khiến bạn bị thiếu tự tin và kém cỏi. Bên cạnh việc nói chuyện riêng với ông bà, phân tích cho ông bà thấy nếu ông bà nuông chiều chăm sóc quá sẽ khiến bạn có thể hư hỏng là điều có thể xảy ra. Ông bà nào cũng vì con cháu, nếu cha mẹ nói hợp tình hợp lý, không có ý chê trách thì ông bà sẽ chấp nhận dễ dàng hơn.
Nhà tư vấn tâm lý Tạ Minh Hiền
Theo GĐVN
Ngày ba chưa có gì, ba có mẹ, nhưng sao ngày ba có tất cả, ba lại chọn người đàn bà khác?
Đêm nay mẹ lại khóc. Từ ngày chuyển về nhà mới, khang trang hơn, đầy đủ tiện nghi hơn, mẹ lại càng hay khóc thầm hơn. 18 tuổi, con đủ hiểu vì sao mẹ buồn như vậy, vì sao mẹ ngày càng hao gầy và vì sao...ba hờ hững với tất cả...
Ngày ba chưa có gì, ba có mẹ, nhưng sao ngày ba có tất cả, ba lại chọn người đàn bà khác? (Ảnh minh họa).
Con nhớ cuộc sống nghèo mà hạnh phúc.
Con nhớ căn nhà nhỏ nơi ngõ phố dài hun hút, tuy ẩm thấp và chật chội nhưng lại luôn ngập tiếng cười. Bữa cơm gia đình cũng luôn đủ đầy cả ba và mẹ. Ba ngày đó vẫn phải đi bán hàng bằng chiếc xe máy cà tàng, mẹ thì oằn nặng trên vai gánh quà sáng. Cuộc sống khi đó khó khăn mà khuôn mặt mẹ luôn rạng ngời hạnh phúc.
Con nhớ mỗi buổi tối ba kiên trì cùng con giải từng bài toán khó, rồi cả nhà chen chúc trên chiếc giường ọp ẹp, ba nói về những dự định tương lai, còn mẹ chỉ nhìn ba âu yếm rồi cười.
Con còn nhớ, thuở đó con mới 10 tuổi, ba đi lấy hàng ở biên giới có khi cả tháng mới về nhà. Mỗi lần ba về mẹ đều nói nhà chẳng thiếu gì, bữa cơm gia đình đều có thịt cá. Ba nào biết khi ba đi rồi, chén cơm con và mẹ ăn chỉ có rau và mấy quả cà muối mặn. Ba không hay những lần mẹ chạy vạy mượn tiền để ba không nặng lo nặng nghĩ. Ba cũng chẳng hay mẹ làm thêm bao công việc để có thêm tiền nuôi con. Ba không biết, suốt đời cũng không được biết.
Rồi khi con 13 tuổi, ba làm ăn thất bát, vỡ nợ phải đi trốn, mình mẹ ở nhà chống chọi với các chủ nợ, chiếc xe đạp con đi học cũng đành bán, mẹ đi làm ô sin theo giờ, làm phụ hồ trong các công trình để có tiền nuôi con và trả nợ cho ba. Bao đắng cay tủi hờn mẹ nuốt ngược vào trong, chưa bao giờ con thấy mẹ khóc hay than vãn điều gì. Mẹ bảo với con, ba vì gia đình, vì muốn con được cơm no áo ấm nên mới phải buôn bán xa, chuyện nợ nần cũng là không may, con đừng trách ba.
Ba trốn nợ 2 năm, mẹ từng ấy thời gian vất vả, ki cóp rồi cũng trả hết nợ. Ngày ba về, nhìn mẹ da bọc xương, ba đã khóc, ba ôm mẹ rồi bảo, ba sẽ dùng cả đời để bù đắp cho mẹ.
"Không ai khó ba đời", qua bao nhiêu khó khăn, rồi công việc làm ăn của ba cũng có ngày tấn tới. Căn nhà nhỏ bắt đầu xuất hiện thêm những vật dụng đắt tiền, rồi ba mua căn nhà lớn hơn nhưng cũng đồng nghĩa với việc thời gian ba vắng nhà ngày càng nhiều hơn.
Mẹ thôi bán đồ ăn sáng để có thêm thời gian chăm lo cho gia đình. Bát cơn mẹ ăn cũng không còn chỉ là rau với cà, mẹ cũng không cần chạy vạy khắp nơi lo tiền cho ba trả nợ. Thế nhưng sao vết chân chim trên mắt mẹ thì ngày một nhiều? Những buổi tối mình mẹ lặng lẽ lau nước mắt cũng thường xuyên hơn.
Con không còn nhớ đã bao lần nhìn thấy mẹ khóc. Từ những lần ba về muộn, những khi ba quên cả ngày sinh nhật mẹ, những đêm mùi nước hoa người đàn bà khác trên người ba quẩn quanh khắp nhà, đến một ngày ba ra đi, tuyệt tình ra đi...
Ngày trước ba từng hứa sẽ không bao giờ để mẹ phải khóc. Thế nhưng sao lời hứa của ba nhanh phôi phai thế ba ơi?
Con đủ trưởng thành để hiểu rằng, ba ngoại tình, ba đã có người đàn bà khác. Những đêm thấy mẹ lặng lẽ rơi nước mắt, con chỉ dám lặng im nghe tiếng nức nở khe khẽ của mẹ, chẳng làm được gì khác hơn. Vì con biết, mẹ không muốn con nhìn thấy, mẹ gắng gượng cam chịu chỉ vì con...
Ba ơi, lúc nghèo khó, mẹ chọn ba, mẹ không sợ nghèo, không ngại vất vả. Mẹ bên ba ngay cả khi ba chưa có gì trong tay, mẹ chỉ cần ba làm chồng làm cha, thủy chung duy nhất với mình mẹ. Vậy mà đến ngày sang giàu, ba có mọi thứ, nhà cửa bạc tiền, ba lại chọn người đàn bà khác. Mẹ là người bên ba khi giông gió, nhưng sao không thể đứng cạnh ba ngày mưa tan. Ngày ba chưa có gì, ba có mẹ, nhưng sao ngày ba có tất cả, mẹ lại mất ba? Mẹ xứng đáng được hạnh phúc, sao bất hạnh lại phải nhận từ ba?
Con biết, người đàn bà đó đẹp hơn mẹ con, son trẻ hơn mẹ. Nhưng ba ơi, người đó liệu chắc sẽ nghĩa tình như mẹ đã từng, liệu có chịu thương ba khi ba trắng tay, có chắc sẽ bên ba hết cuộc đời này? Con không biết, câu trả lời rồi sau này ba sẽ tự có. Nhưng con chắc chắn một điều rằng mẹ rồi sẽ hạnh phúc hơn ba. Mẹ có con, mẹ có ông bà, mẹ có những người yêu thương mẹ ở bên. Con cũng không biết rồi ba sẽ thế nào bên người mới, nhưng con sẽ luôn bên mẹ, bảo vệ và yêu thương mẹ.
Và dù con là con của ba, nhưng với những gì ba làm, dù sau này ba có quay trở lại, con cũng khuyên mẹ chẳng nên tha thứ cho ba. Vì mẹ của con xứng đáng có được hạnh phúc lớn hơn sau những tổn thương đã từng.
Theo Người Đưa Tin
Phận làm con Mong muốn lớn nhất của tôi là sớm tìm được mẹ để có thể gọi một tiếng "Mẹ", được như vậy là tôi vui lắm rồi. Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, từ nhỏ đã thiếu thốn tình cảm của mẹ. Cuộc sống của tôi luôn tràn ngập bởi những trận đòn và tiếng la mắng của bố. Mẹ bỏ tôi...