Ông Andy Ho: Cơ hội trên thế giới không có nhiều nên Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn
Khá thận trọng về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và tác động của đồng USD, song ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận đầu tư Tập đoàn VinaCapital cho rằng so sánh với các nước Đông Nam Á, cơ hội đầu tư ở Việt Nam vẫn hấp dẫn.
Bên lề hành lang Diễn đàn kinh tế Việt Nam (VIEF 2018) chuyên đề thị trường vốn – tài chính, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận đầu tư Tập đoàn VinaCapital đã trả lời phỏng vấn NDH về góc nhìn thị trường chứng khoán thời gian tới và giải pháp để doanh nghiệp có thể huy động vốn.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam nửa cuối năm 2018?
Ông Andy Ho: Thị trường nửa đầu năm biến động mạnh. 3 tháng đầu chứng khoán tăng nhiều nhưng 3 tháng tiếp theo xóa sạch khoản lợi nhuận đó. Hiện tại, thị trường vẫn dưới mức 1.000 điểm.
Thị trường quốc tế có nhiều thách thức: lãi suất tăng, đồng USD mạnh lên, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và nhiều nước đặc biệt là Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela khiến nhà đầu tư thoái vốn từ nhóm phát triển.
Tất cả những điều này gây ảnh hưởng đến Việt Nam. Vì USD mạnh, giá trị của tiền đồng giảm, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút tiền và chuyển sang Mỹ. Lãi suất Mỹ tăng khiến lãi suất Việt Nam tăng. Tối qua, trái phiếu 2 năm lên 4,4%/năm. Nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang các tài sản an toàn này thay vì cổ phiếu.
Trong khi đó, chiến tranh thương mại không mang lại lợi ích cho ai khi khiến các nước nâng rào cản, gây khó khăn cho xuất khẩu. Từ nay đến cuối năm, những vấn đề này vẫn chưa thể kết thúc. Tháng 11, Mỹ cũng tổ chức bầu cử giữa nhiệm kỳ, tạo ra thay đổi khiến kinh tế chậm lại và USD yếu đi. Khi đó, Việt Nam sẽ có lợi.
Lạm phát cũng cao, nếu lên 4-6%, thúc đẩy Chính phủ tăng lãi suất và tăng khả năng nợ xấu vì người vay không đủ tiền để trả.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy một số dấu hiệu tích cực. Lợi nhuận mạnh, trung bình 20%, sẽ đẩy thị trường lên.
Ông Andy Ho
Góc nhìn của ông về năm 2019 như thế nào? Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài còn thấy Việt Nam hấp dẫn không?
- Tôi hy vọng thị trường sẽ tăng trưởng 15-20%. Việt Nam vẫn hấp dẫn vì kinh tế tăng trưởng tốt, tiền tệ ổn định, dự trữ USD tương đối lớn. Quan trọng là nhà nước muốn làm gì, còn yếu tố kinh tế không ảnh hưởng. Cơ hội như vậy trên thế giới không nhiều nên Việt Nam vẫn là nơi nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia. So sánh với các nước Đông Nam Á, cơ hội đầu tư ở đây vẫn mạnh.
Ông có lo ngại về việc tiền đồng giảm giá ảnh hưởng đến lợi nhuận của các quỹ, vậy ông đánh giá thế nào về tỷ giá USD/VND từ nay đến cuối năm?
- Tôi không rõ vì Việt Nam có một số điểm mạnh. NHNN Việt Nam có dự trữ ngoại hối lớn, hơn 60 tỷ USD, để bảo vệ giá trị của tiền đồng. Câu hỏi đặt ra là VND có nên mất giá không? Những nước láng giềng như Philippines, Indonesia hay Thái Lan làm mất giá đồng nội tệ để làm hàng hóa xuất khẩu rẻ hơn. Vì vậy, nếu không giảm giá trị, chúng ta sẽ mất lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, nếu giảm giá tiền đồng, những người vay bằng ngoại tệ sẽ khó trả nợ và thúc đẩy lạm phát. Việc này có cả lợi và hại nên Chính phủ phải cân bằng và đưa ra quyết định. Là nhà đầu tư, chúng tôi muốn tiền đồng ổn định, có thể giảm một chút nhưng phải ổn định.
- “Khẩu vị” của VinaCapital có thay đổi trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang diễn ra?
- Có thể chúng tôi sẽ thay đổi một ít. Hiện tại trong danh mục chúng tôi đầu tư nhiều vào ngành vật liệu xây dựng, bất động sản, chúng tôi phần lớn tập trung vào mảng tiêu dùng của nền kinh tế như trường học, ngân hàng, F&B, bệnh viện. Và các doanh nghiệp có ban lãnh đạo có thể tin tưởng được để đầu tư.
Video đang HOT
Ông Andy Ho. (Nguồn: Deal Street Asia)
- Nhiều doanh nghiệp “than” gặp khó khăn để tiếp cận vốn. Ông nghĩ nguyên nhân ở đây là gì?
- Kinh tế Việt Nam đang phát triển rất mạnh, 6-7%/năm. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp thấy cơ hội để đầu tư cũng như bán sản phẩm và dịch vụ. Nhu cầu về vốn để phát triển rất cao trong khi cung lại hạn chế, dẫn đến nhận xét huy động vốn khó.
Tuy nhiên, tôi nghĩ cái gì cũng có giá của nó. Khi doanh nghiệp có thể trình bày rủi ro thấp, họ có thể đến ngân hàng để vay với một mức lãi suất hợp lý.
Đối với quỹ đầu tư, nhu cầu đầu tư vào doanh nghiệp rất cao. Mặc dù vậy, chúng tôi tìm doanh nghiệp có cơ hội tốt, ban điều hành có thể tin tưởng được thì sẽ đầu tư. Chúng tôi cũng mong thu được lợi nhuận từ khoản đầu tư vì chúng tôi cũng quản lý tiền của người khác, những người muốn lợi nhuận xứng đáng với rủi ro.
- Theo ông, điểm yếu khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn là gì?
- Tôi không nhận xét đây là điểm yếu hay điểm mạnh. Mỗi doanh nghiệp có rủi ro riêng. Ví dụ ban điều hành yếu, doanh nghiệp cần nâng cấp ban điều hành. Báo cáo tài chính không mình bạch, doanh nghiệp cần làm rõ. Mọi doanh nghiệp đều đi qua giai đoạn này và phải biết cách làm, thuê nhà tư vấn giúp công ty để có thể huy động vốn dễ dàng.
- Các quỹ đầu tư như VinaCapital có gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm hợp tác với các doanh nghiệp không?
- Theo kinh nghiệm của tôi từ 2004 đến bây giờ, cơ hội rất nhiều. Ví dụ năm 2017, chúng tôi ngiên cứu hơn 100 công ty tư nhân nhưng cuối cùng chỉ đầu tư dưới 5. Tôi không thấy khó khi tìm cơ hội đầu tư, quan trọng là chất lượng doanh nghiệp có đáp ứng tiêu chuẩn hay không.
VinaCapital cũng không có chiến lược thâu tóm mà chỉ định đầu tư vốn. Vì vậy, chúng tôi muốn dựa vào ban điều hành để phát triển công ty do đó ban điều hành phải bày tỏ họ có khả năng phát triển công ty đó, và chúng tôi mong muốn doanh nghiệp niêm yết để quỹ có cơ hội bán cổ phần lấy lại vốn trả cho nhà đầu tư.
Ông nói là không khó để tìm cơ hội. Tuy nhiên vừa qua, VinaCapital rất nổi tiếng với thương vụ “chia tay” Ba Huân sau một thời gian ngắn ngủi. Bài học quỹ rút ra là gì và chiến lược đầu tư vào doanh nghiệp có thay đổi không?
- Thứ nhất, chiến lược đầu tư không thay đổi, vẫn rót khoảng 20-50 triệu USD vào doanh nghiệp tư nhân giúp họ phát triển. Như đã nói, chúng tôi muốn tìm doanh nghiệp trong ngành phát triển tốt và ban điều hành có thể tin tưởng được giống như An Cường, Vinamilk, Hòa Phát…
Chúng tôi đầu tư vào gần 200 công ty và lần nào cũng rút ra kinh nghiệm. Thương vụ nào cũng có khó khăn, đầu tư không dễ nên quỹ mong có lợi nhuận tương đương rủi ro. Chúng tôi tiếp tục đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân. Trong trường hợp này, tôi hy vọng nhà đầu tư khác, khi nhìn vào kinh tế Việt Nam, sẽ không đánh giá rủi ro cao quá.
Ông có lời khuyên nào cho doanh nghiệp Việt muốn gọi vốn bền vững?
- Tôi có rất nhiều lời khuyên. Tóm lại, doanh nghiệp nên thuê nhà tư vấn kinh nghiệm, thuê luật sư để làm việc với nhà đầu tư nước ngoài. Làm việc với nhà đầu tư quốc tế, doanh nghiệp cần đáp ứng được tiêu chuẩn của họ. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị tinh thần thay đổi nhiều về cơ cấu hoạt động, ban điều hành vì mình huy động vốn bên ngoài họ có yêu cầu của họ.
Hội thảo hôm nay nói nhiều về huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp. Theo ông, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là gì?
- Quan trọng nhất là sản phẩm phải có thanh khoản. Nhà đầu tư mua trái phiếu hay cổ phiếu đều mong muốn 5-15 năm sau có thể thoái vốn. Luật pháp liên quan đến sản phẩm phải rõ ràng, áp dụng cho tất cả. Báo cáo tài chính phải minh bạch và nên có bản tiếng Anh cho nhà đầu tư nước ngoài.
- VinaCapital đầu tư vào Zone Startups Việt Nam (chương trình hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp). Ông nghĩ thế nào về các công ty khởi nghiệp?
- Chúng tôi rất thích nhóm này. Chúng tôi thu lợi nhuận lớn từ nhiều công ty khởi nghiệp thành công. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư.
Yếu tố quan trọng để khởi nghiệp thành công là công nghệ, giải pháp, phần mềm hay ứng dụng do công ty phát triển phải giải quyết được một vấn đề nào đó. Nhiều dự án tạo ra một công nghệ không để giải bài toán nào nên không thể phát triển. Điều thứ 2 là tìm được những người muốn cống hiến, làm việc 100h/tuần vì đó là đứa con tinh thần của họ.
Đây là những gì chúng tôi đang tìm kiếm – những người có khát khao và ý tưởng tốt.
Xin cảm ơn ông.
Theo Trí thức trẻ/Lâm Ngọc
Có nhu cầu nhưng người tiêu dùng vẫn lo ngại căn hộ thông minh
CEO DKRA Việt Nam đã chỉ ra 6 lo ngại lớn nhất của người tiêu dùng Việt Nam khi tiếp cận với các căn hộ thông minh...
Không thể phủ nhận sự tiện lợi của những căn hộ thông minh (smarthome), tuy nhiên ông Phạm Lâm, CEO DKRA Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam vẫn có tâm lý e ngại về mô hình căn hộ này, trong đó lo ngại hàng đầu là vấn đề bảo mật.
Ngày 11/8, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã tổ chức hội thảo: Phát triển Bất động sản Việt Nam, Tầm nhìn và triển vọng. Một trong hai chủ đề được các chuyên gia thảo luận sôi nổi trong hội thảo này là kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.
Sáu lo ngại của người dùng về căn hộ thông minh
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó giám đốc bộ phận tiếp thị dự án nhà ở, CBRE Việt Nam cho biết, dựa trên kinh nghiệm tư vấn cho nhiều dự án bất động sản ở nước ngoài và ở Việt Nam, ông nhận thấy tại Việt Nam khái niệm về đô thị thông minh hiện nay là khá phổ biến.
Ông Kiệt đánh giá các chủ đầu tư trong nước hay sử dụng khái niệm này để thu hút khách hàng cho dự án của mình.
"Căn hộ thông minh, tiến tới tòa nhà thông minh, khu dân cư thông minh, khu đô thị thông minh... là những cụm từ đang được đặt ra và ngày càng được các chủ đầu tư cũng như khách hàng hướng đến. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, các chủ đầu tư mới chỉ tiến tới xây dựng smarthome, có nghĩa là các căn hộ thông minh có thể tắt, mở hệ thống điện, rèm cửa, quạt... thông qua các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, còn tòa nhà thông minh thì có nhưng vẫn ít. Đối với khu dân cư thông minh thì ở Việt Nam còn hiếm nữa", ông nói.
Xét về yếu tố tiềm năng của giải pháp thông minh ứng dụng trong bất động sản tương lai, ông Kiệt cho rằng, với đặc điểm dân số trẻ, tỷ lệ tiếp cận internet của Việt Nam hiện nay là 60% dân số, nên nhu cầu tiếp cận công nghệ và học hỏi cái mới rất cao, nhu cầu về chủng loại sản phẩm thông minh trong tương lai 5-10 năm tới là rất lớn.
"Những người trẻ hiện nay trong thời gian tới sẽ chính là những người có nhu cầu mua nhà, cho nên chắc chắn họ sẽ yêu thích các căn hộ thông minh. Đây chính là tiềm năng phát triển của lĩnh vực bất động sản", ông Kiệt nhận định.
Trong khi đó, ông Phạm Lâm, CEO DKRA Việt Nam cũng cho rằng, đối tượng chính trong việc xây dựng các đề án công nghệ hóa, thành phố thông minh hay căn hộ thông minh vẫn là con người. Cho nên mọi sự tiện lợi được đặt ra đều để phục vụ cho con người.
Dưới góc nhìn của một người "bán căn hộ", ông Lâm cho biết, có nhiều dự án bất động sản hiện nay đã ứng dụng rất tốt yếu tố công nghệ để xây dựng tòa nhà thông minh, chẳng hạn như bãi đỗ xe thông minh. Theo đó, thay vì phải hỏi, phải dừng lại tìm chỗ đỗ xe thì ngay khi xuống hầm, người dân sẽ được thông tin về số lượng chỗ trống, và vị trí những nơi có thể đỗ xe. Còn ứng dụng trong căn hộ cụ thể thì nhiều chủ đầu tư đã làm.
Ông Lâm không phủ nhận những thuận lợi của mô hình này và khẳng định tiềm năng phát triển là rất lớn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm từng bán hàng trực tiếp cho người dùng, ông Lâm chỉ rõ, khách hàng vẫn có nhiều lo lắng.
"Thứ nhất là bảo mật thông tin, phần lớn người dân hiện nay sử dụng smartphone và vấn đề bảo mật là rất đáng lo ngại. Các hệ thống công cộng như wifi sẽ khiến mức độ bảo mật bị đe dọa, vậy là phải làm thế nào?", ông Lâm đặt câu hỏi.
Vấn đề lo ngại thứ hai, theo ông Lâm là sự thích nghi của khách hàng và mức độ nhu cầu sử dụng. Ông lấy ví dụ, xu hướng trước đây là sử dụng khóa và chìa để mở cửa nhưng sau đó xuất hiện thẻ từ, và hiện nay là vân tay. Trong khi đó, để xây dựng một khu căn hộ thường mất thời gian 2-3 năm. Nếu chủ đầu tư xác định sẽ đầu tư thẻ từ cho dự án của mình, nhưng sau khi dự án hoàn thiện thì xu hướng thị trường đã chuyển sang sử dụng vân tay và giọng nói.
"Từ đó, căn hộ của họ sẽ trở nên lỗi thời và khá cạnh tranh. Mặt khác, đầu tư cho các thiết bị thông minh thì sẽ phải tăng giá bán, cũng là điều đáng lo, ảnh hưởng đến cả chủ đầu tư và khách hàng", ông Lâm nói.
Điều mà người tiêu dùng lo ngại thứ năm là hiện chưa có một mô hình cụ thể về smarthome, chủ yếu vẫn do chủ đầu tư tự tìm hiểu đầu tư để cạnh tranh, nên người tiêu dùng rất khó đánh giá.
Thứ sáu là sự tương tác giữa người tiêu dùng và căn hộ, cũng tức là người thụ hưởng về sự thông minh. Bên cạnh những người am hiểu về công nghệ thì không phải ai cũng quen, cũng biết để sử dụng thành thạo các chứng năng trong căn hộ của mình.
"Việt Nam đã tham gia xây dựng 3 thành phố thông minh trong chiến lược phát triển của ASEAN. Sự cởi mở trong đầu tư sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam, mở ra những tiềm năng và cơ hội mới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến tâm lý và nhu cầu của người dùng", ông Lâm đúc kết.
Sáu tiêu chí về tòa nhà thông minh trong khu vực
Đánh giá ý kiến của ông Lâm mang lại rất nhiều thông tin mới và hữu ích, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định, sự tương tác của các smarthome hay smart City không đơn thuần là sự tương tác công nghệ mà còn là lối sống, lối sống thông minh và tiện lợi.
Tuy nhiên, như những gì ông Lâm đã đề cập đến, tiêu chí nào để đánh giá một tòa nhà là thông minh? Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết, tiêu chuẩn chưa có, nhưng với kinh nghiệm tư vấn cho một số dự án nước ngoài của CBRE thì tòa nhà thông minh phải đạt được 6 tiêu chí.
Thứ nhất, phải có hệ thống quản lý năng lượng, thứ hai, phải sử dụng các nguồn năng lượng bền vững, tái tạo được; thứ ba, đảm bảo an ninh tập trung, đảm bảo an toàn tòa nhà và an ninh thông tin; thứ tư, phải chia sẻ nguồn tài nguyên, phải có hệ thống ghi nhận lại thông tin, chỉ số, như phải đánh gía được chỉ số ô nhiễm không khí; thứ năm, các khu vực nội khu, nội bộ phải có hệ thống thông minh như hệ thống xe điện, và thứ sáu là phải có giải pháp quản lý tòa nhà thông minh thực sự.
"Sáu yếu tố trên được các nước châu Á - Thái Bình Dương tập trung phát triển, tuy nhiên vẫn phải khẳng định, con người vẫn là chủ thể cuối cùng đánh giá về các yếu tố thông minh này", ông Kiệt cho biết.
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, tiêu chí đánh giá tòa nhà thông minh hay căn hộ thông minh là vấn đề của thị trường. Ngay cả khái niệm thông minh cũng được hiểu ở nhiều góc độ, nhiều cấp bậc khác nhau. Các cơ quan nhà nước có thể ban hành những tiêu chuẩn nhất định cho việc này, nhưng khó đưa ra một khuôn khổ cứng, nên để cho thị trường và người dân lựa chọn.
"Nếu có thể thì cơ quan quản lý chỉ nên đưa ra những tiêu chuẩn có vấn đề tham khảo, còn lại là chủ đầu tư phải thuyết phục người tiêu dùng lựa chọn", ông Lộc nói.
Ông Lộc cũng khuyến khích các hiệp hội, các liên minh ngành nghề như Hiệp hội bất động sản đưa ra các chỉ số để giúp nhà đầu tư tham khảo và thực hiện, còn người tiêu dùng có thể tìm đến và lựa chọn.
Theo Trí Thức trẻ
Duyên Duyên
Vneconomy
VNM cùng nhóm dầu khí bứt phá, Vn-Index tăng gần 5 điểm VNM dừng rơi sau 8 phiên giảm liên tiếp, và cùng với GAS, VHM giúp thị trường lấy lại sắc xanh. Chứng khoán thế giới tiếp tục có một phiên tăng đồng loạt. Thị trường mở cửa với diễn biến tích cực từ đầu phiên. Trong đêm qua, cổ phiếu công nghệ kéo chỉ số S&P 500 gần với đỉnh lịch sử. Sáng...