Ớn lạnh người đàn ông nuôi đàn rắn độc hơn 1.000 con, dài cả mét
Triển khai từ năm 2008, nhờ kiên trì, cần cù, chịu khó, đến nay gia đình anh Lê Thanh Tuấn ở khu phố 2 ( thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đã gây dựng thành công mô hình nuôi rắn hổ mang và rắn ráo trâu thương phẩm (bán thịt và trứng), mỗi năm cho thu nhập hơn 400 triệu đồng.
Theo chân cán bộ Hội Nông dân, chúng tôi tìm đến trang trại nuôi rắn của vợ chồng anh Lê Thanh Tuấn để tận mắt thấy mô hình phát triển kinh tế của gia đình.
Vui vẻ rót nước mời khách, anh Tuấn không ngần ngại kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đến với nghề nguy hiểm và có phần đặc biệt này. Vợ chồng anh vốn làm nghề buôn bán rắn thương phẩm nên thường xuyên vào Nam ra Bắc.
Mô hình nuôi rắn của gia đình anh Lê Thanh Tuấn (thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đã mang lại lợi nhuận cao cho gia đình. Ảnh: NGỌC HÂN.
Năm 2008, qua một số bạn hàng, anh được tham quan các mô hình nuôi rắn hổ mang ở tỉnh Vĩnh Phúc, thấy hiệu quả, thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng mỗi năm.
Anh Tuấn quyết tâm học hỏi và trút hết vốn liếng tích lũy có được mua 200 con rắn hổ mang và ráo trâu về nuôi thử nghiệm. Sau thời gian nuôi, đàn rắn của gia đình bắt đầu sinh sản và cho xuất bán lứa đầu tiên. Nhận thấy lợi nhuận cao từ việc nuôi rắn nên vợ chồng anh tiếp tục lấy vốn quay vòng mở rộng mô hình. Đến năm 2016, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại nuôi rắn rộng 300m2 với hơn 1.400 ô chuồng nuôi.
Dẫn khách vào tham quan các chuồng nuôi rắn, mặc dù có sự chuẩn bị trước, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi giật mình, rợn tóc gáy khi thấy anh Tuấn rọi đèn pin mở cửa chuồng bắt ra một con rắn hổ mang.
Bị làm phiền, con rắn dựng đầu, bành mang đe dọa nhưng anh làm việc này rất thành thạo, một tay nắm đuôi, một tay cầm móc ngoắc con rắn đưa ra xa, đề phòng nó quay đầu tấn công. Con rắn to bằng bắp tay người lớn, dài ngoằng, thở phì phì nên chúng tôi chỉ dám đứng từ xa quan sát và chụp ảnh.
Video đang HOT
Thông thường, rắn thịt nuôi khoảng 15 tháng, sẽ đạt trọng lượng 1,8-2,5kg và dài hơn 2m/con. Nuôi rắn lãi nhất là lúc vào vụ mùa đẻ trứng, mỗi một con rắn cái đến mùa đẻ trứng cho từ 15-20 quả và đẻ liên tục trong vòng 1 tháng, có giá bán 70.000 đồng/quả, thu về hơn 1 triệu đồng tiền trứng/con rắn cái.
Còn rắn bán thịt, với giá 650.000 đồng/kg rắn hổ mang và 450.000 đồng/kg rắn ráo trâu, bình quân mỗi năm xuất bán gần 1.500 quả trứng rắn và từ 2-3 tạ rắn thịt, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lợi nhuận gần 500 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi rắn, anh Tuấn cho biết: “Rắn thường hay bị bệnh phổi, ướp xác khiến chậm lớn và bị chết. Vì vậy, để đảm bảo cho rắn sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài việc xây dựng hệ thống chuồng trại đảm bảo ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè, cứ 10 ngày gia đình tôi dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ và cho ăn thêm thuốc kháng sinh phòng bệnh.
Thức ăn chính của rắn là cóc, vịt con thải loại. Nuôi rắn tốn ít thức ăn, nhân công lao động vì từ 3 ngày mới phải cho ăn 1 lần nhưng giá thành bán ra thị trường rất cao. Tuy nhiên, nuôi rắn hổ mang là loại rắn cực độc, vì vậy, trong quá trình nuôi phải thật sự cẩn thận, nhất là vào mùa giao phối, rắn hổ mang thường rất dữ tợn và hay tấn công người”.
Ông Nguyễn Văn Tín, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hòa Vinh cho rằng: “Nuôi động vật hoang dã được xem là xu thế phát triển kinh tế mới, không chỉ giúp nông dân làm giàu, làm phong phú thêm động vật nuôi ở địa phương mà còn góp phần giảm lượng người vào rừng săn bắt trái phép, bảo tồn các loài động vật hoang dã trong tự nhiên”.
Anh Lê Thanh Tuấn là hộ duy nhất ở địa phương đầu tư nuôi rắn hổ mang và rắn ráo trâu thương phẩm. Đây là vật nuôi ít tốn thời gian, công sức, tiền bạc để đầu tư chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ phong phú. Ông Nguyễn Văn Tín, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hòa Vinh.
Theo Ngọc Hân (Báo Phú Yên)
LẠ: Làng nuôi toàn rắn độc dài ngoẵng mà vẫn hút khách du lịch
Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 50km về phía Tây Bắc, được tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng thành "Làng nghề chăn nuôi rắn - du lịch - dịch vụ" đầu tiên, đó là làng nghề rắn Vĩnh Sơn thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Sống chung với rắn
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết, người dân Vĩnh Sơn trước đây vẫn quen nuôi rắn ngoài đồng và để chúng sinh sản trong điều kiện tự nhiên, nhưng thực tế cho thấy cách nuôi này đã không đem lại nhiều hiệu quả, dễ bị mất và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi rắn sổng chuồng. Trong chừng mươi năm trở lại đây, người Vĩnh Sơn đã biết nuôi nhốt theo phương pháp tiên tiến cho chất lượng rắn tốt hơn, vừa dễ kiểm soát và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn giới thiệu hệ thống hang, chuồng nuôi rắn.
Việc đầu tư cho hang rắn không quá nhiêu khê đòi hỏi nhiều vốn liếng, lại chỉ cần bỏ kinh phí một lần... Nuôi rắn hổ mang nhàn mà hiệu quả kinh tế lại cao ngất nên nhiều người thi nhau xây hang, đua nhau nuôi rắn - hầu như hộ nào trong làng cũng biết làm hang nuôi rắn.
"Hang rắn là một cái hầm hình hộp được ốp bằng mấy hàng gạch chỉ (cao chừng 30 - 40cm) và không cần phải tô trát hay sơn vôi gì cả, mỗi cạnh chừng 40cm đủ cho một con rắn cuộn tròn bên trong. Phía dưới có máng hốt, bên trên cửa hang được làm bằng gỗ có ghép lưới sắt và khóa chốt cẩn thận.
Do rắn là loài vật ưa bóng tối, nhiệt độ thích hợp nhất từ 25 - 30C nên hang chỉ cần hệ thống thông hơi mà không cần đến ánh sáng. Đó là hang dành nuôi rắn lớn, chứ để nuôi rắn mới nở còn đơn giản hơn - người ta xây những cái chuồng nhỏ trên mặt đất rộng chừng 4m, cao độ 1m và không phải lợp mái. Chỉ cần đổ vào chuồng một ít đất và thêm vào đó một cái chăn bông cũ là đã thành chuồng nuôi hàng trăm rắn con", ông Dũng chia sẻ.
Do phải tận dụng triệt để những vị trí trống để làm hang nên đất ở của con người đôi lúc còn ít hơn diện tích dành cho nuôi rắn. Hang rắn mọc lên dày đặc ở ngoài vườn, trong nhà, thậm chí ngay bên cạnh... giường ngủ. Vì thế không phải vô căn cứ khi có người nói đùa "ăn cùng rắn, ngủ cùng rắn, buồn vui cùng... rắn", bởi thực tế khi rắn bệnh chủ nhà cũng bệnh theo vì "lo"...
Du khách tham quan khu sản phẩm chế biến từ rắn.
Theo thống kê, hiện nay toàn xã Vĩnh Sơn có hơn 800 hộ nuôi rắn, chiếm gần 60% số hộ trong xã. Sản phẩm chính của làng nghề rắn Vĩnh Sơn là rắn thương phẩm và rắn sinh sản. Ngoài ra, các thương lái còn thu mua rắn hổ mang về chế biến rượu rắn, cao rắn, xác rắn lột được thu mua làm thuốc chữa bệnh, nọc độc rắn hổ mang được dùng trong dược phẩm, da rắn làm các đồ mỹ nghệ dây lưng, ví da, mật rắn dùng chữa các bệnh hen, tiêu hóa...
Kỳ vọng làng nghề
"Những năm gần đây, việc phát triển nghề nuôi rắn truyền thống của địa phương có nhiều đổi mới. Số hộ chăn nuôi rắn với quy mô nhỏ giảm, số hộ chăn nuôi quy mô lớn ngày càng tăng. Người dân đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, chăn nuôi, chú trọng đầu tư kho lạnh, nhà ấm, phòng chữa bệnh cho rắn... Do vậy hiệu quả chăn nuôi ngày càng được nâng lên", ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, sản phẩm chế biến từ rắn hổ mang còn nghèo nàn, với hai sản phẩm chủ lực là thịt rắn thương phẩm và trứng rắn, chưa thu hút người tiêu dùng. Một số hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ chuyên cung cấp các sản phẩm từ rắn hổ mang ra đời nhưng mặt hàng còn rất đơn giản về mẫu mã, việc quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm rất hạn chế, công đoạn chế biến thủ công, do đó hiệu quả kinh tế chưa cao.
Để phát triển làng nghề theo hướng bền vững, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Vĩnh Tường đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó, xã Vĩnh Sơn nằm trong vùng quy hoạch xây dựng thành điểm "Làng nghề chăn nuôi rắn - du lịch - dịch vụ".
Dự án làng nghề chăn nuôi chế biến rắn tập trung bao gồm: Khu chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ rắn, khu dịch vụ du lịch (chợ tham quan, thưởng thức và mua sắm những sản phẩm chế biến từ rắn)...
Hiện nay, du khách đến với làng nghề rắn Vĩnh Sơn sẽ được thụ hưởng nhiều dịch vụ như: tham quan khu chăn nuôi, trực tiếp quan sát loài động vật đang dần hiếm gặp trong môi trường tự nhiên, cảm nhận những khó khăn của nghề chăn nuôi rắn; thưởng thức món ăn ngon, lạ chế biến từ rắn và ra về với niềm hân hoan được sở hữu sản phẩm thịt, cao, rượu... từ rắn.
Theo Quang Vinh (Báo Du lịch)
Cắt cabin cứu tài xế xe đông lạnh lao xuống ruộng Sau khi đâm vào đuôi xe tải chở đá, xe đông lạnh mất tay lái lao xuống ruộng lúa ven đường. Tài xế bị gãy chân, mắc kẹt trong cabin. Vào trưa ngày 11/5, xe đông lạnh mang BKS 78K - 6489 do anh Phạm Quốc Hùng (ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát, Bình Định) điều khiển đang lưu thông trên Quốc...