“Ôn cố” ở làng cổ Thổ Hà
Nằm bên con sông Cầu êm ả, cách Hà Nội chừng 50km, làng cổ Thổ Hà thuộc xã Vân Hà (huyện Việt Yên, Bắc Giang), xưa kia nức tiếng miền Bắc với nghề làm gốm và quần thể kiến trúc cổ mang đậm dấu ấn của văn hóa đồng bằng Bắc bộ.
Một góc làng cổ
Xưa kia, từ thế kỷ 14 nghề làm gốm ở Thổ Hà đã phát triển rực rỡ và được xếp vào nhóm một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, cùng với gốm Phù Lãng và gốm Bát Tràng. Gốm Thổ Hà mang nét đặc sắc riêng như: độ sành cao, men nâu đỏ mịn hoặc da lươn độc đáo. Và đặc biệt, làng chỉ làm đồ gốm gia dụng như chum vại, tiểu sành… Cho tới nay, tuy nghề gốm đã gần như lụi tàn trên đất Thổ Hà nhưng những dư âm của thời xưa cũ vẫn còn vương lại trên các bức tường xưa kia được dựng lên từ mảnh sành, mảnh vại vỡ. Cũng chính bởi sự hưng thịnh của nghề gốm mà Thổ Hà đã gây dựng được cho mình một lối kiến trúc độc đáo, lấy màu nâu đỏ của những mảnh sành làm nền.
Thổ Hà nổi tiếng khắp cả nước bởi lối kiến trúc cổ được xây dựng từ gạch nung và gốm thô. Trải suốt hàng trăm năm, cho tới nay người dân Thổ Hà vẫn còn bảo tồn được gần như nguyên vẹn cổng làng, một công trình kiến trúc vô cùng quen thuộc tại các làng quê Bắc bộ. Cổng nằm ở ngay đầu làng, bên cạnh là Đình, bên một hồ nước rộng.
Video đang HOT
Làng Thổ Hà nằm bên con sông Cầu
Ngày nay ở Thổ Hà chỉ còn lại duy nhất một nhà làm nghề gốm, do cơn lốc hàng nhựa gia dụng của những thập niên trước mà cả làng đều đã chuyển qua nghề làm bánh đa. Ẩn mình trong những con ngõ nhỏ sâu hút là những phên bánh đa chạy dài, in màu của nắng lên những bờ tường sành đang rêu phong cùng thời gian.
Cuộc sống của người dân Thổ Hà đều dựa vào khúc sông Cầu chảy qua, ngày này qua tháng khác thật yên ả. Đã không còn cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập của một làng phi nông sống chủ yếu bằng nghề buôn bán xưa cũ, giờ đây chỉ còn lại nhịp sống chầm chậm ở lại nơi bến thuyền vắng người qua. Lác đác ven sông vào những buổi trưa, những bà nội trợ mang chiếu ra giặt, tới chiều khi nắng đã tắt, quãng sông bỗng chợt ồn ào bởi tiếng trẻ con đập nước nô đùa dưới bến.
Khách phương xa tìm đến Thổ Hà để tìm lại dấu tích của những làng quê đã cũ, lắng mình trong những buổi trưa êm ả, ôn lại những ký ức tuổi thơ trốn nhà đi bêu nắng … Bên cạnh đó, người ta đến Thổ Hà cũng bởi để phác lại những tác phẩm kiến trúc đặc sắc còn sót lại của thời Lý-Trần.
Nhịp sống ồn ã của thế kỷ 21 dường như vẫn còn đang bị giữ lại ở ngoài cổng làng, sự chậm rãi giữ cho Thổ Hà nét thuần phác, chân chất của làng quê. Ở Thổ Hà, thời gian dường như đang đứng lại để ta nuông chiều từng cung bậc cảm xúc “cố hương”.
Theo ANTD
Đón đầu xu hướng du lịch trải nghiệm
Người dân thiếu kỹ năng làm du lịch, dịch vụ nghèo nàn, thiếu liên kết, môi trường ô nhiễm trầm trọng... đang đẩy lùi bước phát triển của du lịch làng nghề. Trong khi, đây là ngành mang lại lợi ích không nhỏ về kinh tế, xã hội, góp phần bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa tại chính địa phương.
Du khách phải được xem và trực tiếp làm ra sản phẩm
Chưa tận dụng hết tiềm năng
Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất trong cả nước với nhiều nghề truyền thống phong phú, độc đáo, tuy nhiên, các tour du lịch làng nghề ở Hà Nội hiện nay chưa được khai thác triệt để, nhiều nơi mới chỉ dừng ở hình thức tham quan. Ngay tại làng gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc là hai làng nghề nổi tiếng bậc nhất của Hà Nội, người dân vẫn chủ yếu tập trung tìm đầu ra cho sản phẩm, chứ ít quan tâm đến việc giới thiệu cho du khách về lịch sử, văn hóa, giá trị nghề truyền thống của làng. Ông Đào Xuân Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội thừa nhận, hiện nay, khách đến Bát Tràng vẫn chủ yếu là tham quan, mua hàng tại chợ gốm. Thực tế, người dân vừa đi vào Bát Tràng là có ngay một "lực lượng" ứng trực để chào bán đủ loại đồ ăn, thức uống rồi "lôi xềnh xệch" vào chợ gốm. Trong khi đó, du khách hầu như không biết đến việc Bát Tràng là xã có bề dày văn hóa với nhiều di tích lịch sử như Đình Giang Cao, Văn Chỉ Bát Tràng, Đền Mẫu...
TS Nguyễn Văn Lưu - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VH-TT&DL cho rằng, việc thiếu đầu tư yếu tố con người đang kìm hãm sự phát triển du lịch làng nghề. Rất nhiều địa phương dù đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thậm chí với kinh phí đáng kể, ví dụ như làng mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội) từ năm 2001 đã được đầu tư 1 tỷ đồng để làm đường, xây nhà triển lãm... Nhưng cho tới nay vẫn rơi vào cảnh vắng khách như "chùa Bà Đanh". Nguyên nhân do đầu tư chưa đúng mức, hạ tầng phát triển nhưng nhân lực thì bỏ ngỏ, không có cơ chế triển khai rõ ràng. Dân làng không được tập huấn các kỹ năng làm du lịch cơ bản, phải tự mày mò, loay hoay, không thu hút được du khách.
Cần quản lý "điểm đến"
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch, khi du lịch trải nghiệm đang trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, việc phát triển du lịch làng nghề đang tạo ra những cơ hội lớn cho Hà Nội và các tỉnh lân cận, nếu biết triển khai đúng hướng. Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Tuấn, với số lượng lớn như hiện nay, không thể kỳ vọng đưa khách đến tất cả các làng nghề. Do đó, cần tập trung xây dựng làng nghề nổi bật để làm mẫu, trong đó phải đáp ứng được tiêu chí: hoạt động làng nghề tiêu biểu và đặc sắc, hạ tầng được đầu tư, dịch vụ được tổ chức bài bản và quan trọng nhất là làm tốt công tác quản lý điểm đến. Trong đó, toàn bộ các quy trình kết nối du lịch, kiểm soát an ninh, vệ sinh môi trường cần đặc biệt được chú trọng.
Du lịch làng nghề, không chỉ là đến mua sắm, tham quan, hay đến xem các nghệ nhân làm ra sản phẩm, du khách còn có nhu cầu được tìm hiểu những giá trị nhân văn - trong đó có tập quán, nếp sống của người dân bản địa. Trên thế giới, hình thức du lịch "3 cùng" trong đó du khách được "ăn cùng, ở cùng và làm cùng" với người dân làng nghề đang lôi kéo lượng lớn khách du lịch, và bước đầu đã được một số công ty lữ hành ở Việt Nam đưa vào tour du lịch. Bên cạnh phương pháp này, việc phát triển sản phẩm du lịch dựa trên những bản sắc truyền thống cũng đã được nhiều địa phương ở Việt Nam thực hiện. Điển hình như việc xây dựng mô hình "Mỗi làng một nghề" ở làng gốm Đông Triều (Quảng Ninh), làng mộc Đồng Kỵ (Bắc Ninh), mì Chũ (Minh Anh, Bắc Giang)... Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích cho người dân, nhưng việc triển khai mô hình vẫn chưa mang tính hệ thống, lâu dài, bởi tư duy làm du lịch ở một số địa phương vẫn còn chậm thay đổi, chưa thích nghi với cái mới.
MAI ANH
Theo ANTD
Du lịch làng nghề: Có bản sắc nhưng chậm phát huy Du lịch làng nghề là một trong những chiến lược quan trọng trong phát triển du lịch ở nước ta. Tuy nhiên, ngay tại nhiều làng nghề có lịch sử lâu đời ở Hà Nội, người dân chủ yếu vẫn chỉ làm nghề mà chưa khai thác những tiềm năng phục vụ du lịch. Thể hiện những họa tiết trên thân gốm trước...