Ơn bác sĩ quá à, không có bác sĩ bữa trước tôi chết rồi…
Dịch COVID-19 đang giảm nhiệt dần, dù chậm, ngay ở những địa phương dịch nóng nhất. Câu chuyện của bác sĩ từ Bình Dương mà Tuổi Trẻ Online giới thiệu dưới đây, như một tia hy vọng: cuộc sống sẽ trở lại bình thường, sớm thôi.
Y bác sĩ chuẩn bị vào bệnh viện, một ngày mới ở nơi tâm dịch và đã có những hy vọng từ nơi này – Ảnh: QUAN THẾ DÂN
Ngày làm việc của chúng tôi kéo dài 12 giờ, từ 7h sáng đến 7h tối. Thỉnh thoảng quá mệt, tôi xin phép khoa về sớm chút. Hồi chưa có xe đưa rước, tôi đi bộ đường tắt về khách sạn. Đường về đầu tiên đi qua một con đường nhỏ, cây rất xanh.
Video đang HOT
Cả ngày quay cuồng với đủ tiếng máy thở kêu inh ỏi, xung quanh toàn những cảnh tượng đau lòng, những lúc thoáng dừng tay nhìn qua cửa số thấy bầu trời xanh ngắt mong một chút bình yên, thì “hành trình” ấy đối với tôi nó như là cảnh bồng lai.
Tôi ngồi nghỉ chân uống nước, ngắm những bông hoa dại màu tím nhỏ xíu mà thấy cuộc này sao đáng quý thế. Rồi lại đi tiếp qua một cái ngõ nhỏ. Người dân đứng lô nhô dọc ngõ kêu khẽ: bác sĩ, bác sĩ.
Ở đây người dân phát âm chuẩn hơn ngoài Bắc, phân biệt rõ s và x, chữ “bác sĩ” với chữ “sĩ” nhấn mạnh và hơi kéo dài chút, giọng Nam rất đáng yêu. Tôi kêu to: tôi khử trùng toàn thân rồi nhé, bà con yên tâm.
Mấy người dân mỉm cười: Dạ. Tôi vẫy chào mọi người rồi đi tiếp ra đường lớn nghe loáng thoáng phía sau mấy bà bàn tán: bác sĩ như người Hàn Quốc ấy nhỉ. Hì, với mấy bà mê phim Hàn thì ví ai với người Hàn quốc là một lời khen ngợi cao rồi đấy.
Đường phố vắng tanh, chiều dần buông xuống. Một đám trẻ em đang đánh cầu lông dưới lòng đường thấy tôi đi qua thì dừng tay nhìn với nụ cười rụt rè. Mấy cô bé cùng một chú chó đang đứng trên vỉa hè xem đánh cầu lông, thấy tôi cùng kêu lên: bác sĩ, bác sĩ.
Chú chó nhìn tôi sủa dồn dập. Cô bé đứng cạnh vỗ vào đầu nó mà nó vẫn không chịu im. Rất nhanh và dứt khoát cô bé nắm vào cổ chú chó. Tiếng sủa im bặt ngay. Tôi phì cười rảo bước nhanh đi qua để cho cô bé thả chú chó ra.
Đi qua một đoạn tôi ngoái cổ nhìn lại thấy đôi bạn đã làm lành với nhau, chú chó ngước nhìn cô bé, đuôi quẫy tít mù, kiểu như muốn nói: Em giỡn bác sĩ có chút xíu à, Hai làm gì dữ vậy Hai.
Bác sĩ, bác sĩ, tiếng kêu trân trọng mà tôi nghe thấy ở mọi nơi. Chiều qua, khi sang khu A52, khu vực bệnh nhân hồi phục đang chuẩn bị xuất viện, thăm bệnh nhân cũ, tôi nghe thấy tiếng kêu: bác sĩ, bác sĩ, không nhận ra em à.
Tôi quay lại, à, chị Phương, bệnh nhân giường số 16 cũ buồng tôi phụ trách. Tôi nhớ khoảng tuần trước chị nằm bẹp thở oxy dòng cao, người bê bết nhễ nhại mồi hôi, buồn bã lo âu, luôn nói nhát gừng: Đói bụng, khát, uống nước. Đến độ tôi tưởng chị là người nước ngoài.
Ở đây có một số người nước ngoài nằm viện, cũng biết một chút tiếng Việt. Tôi phải dỗ dành chị ăn uống để lấy sức. Thế mà hôm nay chị đã hồi phục, chuẩn bị xuất viện. Chị gọn gàng, mặt hồng hào tươi tỉnh, chị nói liền một hơi: Ơn bác sĩ quá à, không có bác sĩ bữa trước tôi chết rồi.
Tôi biết rồi đây những người may mắn thoát qua đại dịch, trong ký ức của họ sẽ là những bóng áo xanh, áo trắng không rõ mặt người, những giọng nói Bắc, Trung, Nam, ân cần bên họ lúc khó khăn nhất.
Hết dịch thì chúng tôi sẽ lại về nhà, mang theo một chút tình. Đó là tình đồng bào.
Bác sĩ Quan Thế Dân, tác giả bài viết này, là bác sĩ đã nghỉ hưu và tình nguyện tham gia chống dịch tại tâm dịch phía Nam cùng đoàn Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Bác sĩ Dân đã ghi lại một số câu chuyện trong hành trình chống dịch và nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.