Omicron có thể là biến thể lây nhiễm chính tại châu Âu trong một tháng tới
Ngày 15/12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo Omicron, biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2, có thể trở thành biến thể chủ đạo tại châu Âu vào tháng tới.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, miền đông nước Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phát biểu tại Nghị viện châu Âu (EP), Chủ tịch von der Leyen nhấn mạnh các số liệu cho thấy cứ sau 2-3 ngày, số ca mắc mới COVID-19 lại tăng gấp đôi và với tốc độ này, đến trung tuần tháng 1/2022, Omicron có thể trở thành biến thể thống trị tại châu Âu. Tuy nhiên, bà cũng nhắc lại những thành công trong chống dịch hồi năm ngoái mà châu Âu đã đạt được và nhấn mạnh các nước đang được trang bị tốt hơn để đối phó với làn sóng dịch bệnh mới.
Chủ tịch EC cũng khẳng định Liên minh châu Âu (EU) có đủ vaccine phòng COVID-19 cho mỗi quốc gia thành viên trong bối cảnh nhiều nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm mũi tăng cường. Theo bà, châu Âu có năng lực sản xuất 300 triệu liều vaccine/tháng và các nước thành viên sẽ được nhận vaccine khi chế phẩm này được điều chỉnh để phát huy hiệu quả tối đa với biến thể Omicron. Bà nhấn mạnh các hãng dược phẩm chỉ mất 100 ngày để điều chỉnh vaccine hiện có phù hợp với biến thể mới.
Video đang HOT
Cho đến nay, 66,6% dân số EU đã được tiêm hai mũi vaccine phòng COVID-19 và 62 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường. Chủ tịch EC nhấn mạnh đến nhiệm vụ quan trọng nhất trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đó là tăng tỷ lệ bao phủ vaccine trong dân số, bao gồm cả trẻ em, và thúc đẩy hơn nữa cuộc chiến chống tâm lý hoài nghi vaccine.
Kể từ khi Nam Phi báo cáo về trường hợp đầu tiên mắc biến thể Omicron vào ngày 25/11, cho đến nay biến thể này đã xuất hiện tại 77 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong báo cáo mới đây nhất của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu, các nước châu Âu đã ghi nhận 2.127 ca mắc biến thể Omicron, trong đó Đan Mạch, Na Uy, Pháp, Đức và Bỉ là những nước có số ca nhiễm biến thể này nhiều nhất.
Thông điệp liên minh của Chủ tịch EC đề cập một loạt vấn đề nóng
Ngày 15/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đọc Thông điệp liên minh, trong đó đề cập đến một loạt vấn đề nóng, từ vấn đề tiêm vaccine ngừa COVID-19, chống biến đổi khí hậu cho tới kinh tế và quốc phòng.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels (Bỉ), trong thông điệp đọc tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp), Chủ tịch von der Leyen cho biết tính tới cuối tháng trước, đã có hơn 70% dân số trưởng thành tại 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm đủ liều vaccine. Điều này đánh dấu một cột mốc quan trọng sau khi chiến dịch tiêm chủng có sự khởi đầu chậm chạp, nhưng cũng cho thấy sự khác biệt lớn ngay trong liên minh khi có sự chênh lệch về tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước thành viên.
Theo bà, 19 nước thành viên sẽ phục hồi kinh tế trở lại mức trước khi đại dịch bùng phát ngay trong năm nay, trong khi những nước còn lại có thể phải đợi đến năm sau.
Chủ tịch EC cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng thiếu hụt vaccine cho người dân toàn cầu, cũng như cam kết tài trợ thêm 200 triệu liều vaccine cho thế giới, nâng tổng số vaccine viện trợ của EU lên 450 triệu liều. Bà nhấn mạnh "đó là một khoản đầu tư cho sự đoàn kết và đó cũng là một khoản đầu tư cho sức khỏe toàn cầu", lưu ý rằng cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu để có thể ngăn chặn bùng phát một đại dịch ở những người chưa được tiêm chủng.
Cũng trong Thông điệp liên minh, Chủ tịch EC kêu gọi các nước trên thế giới tham gia vào kế hoạch tham vọng của EU về chống biến đổi khí hậu và đáp ứng các mục tiêu được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. EU đã cam kết cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức năm 1990, một mục tiêu đã trở thành ràng buộc về mặt pháp lý.
Bà von der Leyen cam kết sẽ bổ sung 4 tỷ euro (4,7 tỷ USD) để hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện quá trình chuyển đổi xanh, đồng thời kêu gọi các nước khác có trách nhiệm với cam kết của mình. Một thập kỷ trước, các quốc gia giàu có cam kết sẽ huy động 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 để giúp các quốc gia nghèo hơn đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu song mục tiêu này vẫn chưa được đáp ứng.
Bên cạnh những vấn đề trên, Chủ tịch von der Leyen cũng tận dụng bài phát biểu để đề cập đến các vấn đề trọng tâm khác của EU như quốc phòng và kinh tế. Về những thách thức kinh tế, bà cho rằng EU cần tăng cường đầu tư để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn nhằm khắc phục những yếu kém trong chuỗi cung ứng sản xuất. Bà cho biết trong những tuần tới, EC sẽ trình một đạo luật mới về nguồn cung chip điện tử ở châu Âu nhằm mục đích liên kết các năng lực nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm và sản xuất đẳng cấp thế giới. Bà gọi đó là "vấn đề chủ quyền công nghệ" và rằng các quốc gia EU cần "cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái chip hiện đại", qua đó giúp EU "dẫn đầu thế giới" trong lĩnh vực này.
Về lĩnh vực quốc phòng, bà von der Leyen nhấn mạnh EU cần tăng quyền tự chủ của mình và thành lập Liên minh Quốc phòng châu Âu. Bà cho biết vào đầu năm tới khi Pháp giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, bà và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh về quốc phòng châu Âu. Cũng theo người đứng đầu EC, một tuyên bố chung mới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - EU sẽ được trình bày vào cuối năm nay. Bà cũng bày tỏ tin tưởng các nhóm tác chiến của EU hay các lực lượng tiên phong phản ứng nhanh với các cuộc khủng hoảng ở nước ngoài "sẽ là một phần giải pháp".
Về tình hình tại Afghanistan, Chủ tịch Ursula von der Leyen đã cam kết tăng cường viện trợ nhân đạo cho Afghanistan, đồng thời nêu rõ EU sẽ sát cánh với người dân Afghanistan. Bà nói: "Chúng ta phải làm mọi thứ để ngăn chặn nguy cơ thực sự về nạn đói và thảm họa nhân đạo nghiêm trọng ở ngoài kia (Afghanistan). Chúng tôi sẽ làm phần việc của mình, chúng tôi sẽ lại tăng viện trợ nhân đạo cho Afghanistan thêm 100 triệu euro (118 triệu USD)".
Liên quan đến việc bảo vệ phụ nữ, quan chức EC cho biết cơ quan này sẽ sớm đề xuất một đạo luật chống bạo hành nữ giới. Bà nhấn mạnh trong đại dịch COVID-19, "có quá nhiều phụ nữ phải sống trong sợ hãi" và những kẻ phạm tội cần phải bị trừng trị.
Đây là bản Thông điệp liên minh thứ hai của bà von der Leyen kể từ khi đảm nhiệm chức Chủ tịch EC. Hiện EU đang đối mặt với diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19, kinh tế sụt giảm và những tác động của việc Anh rời khỏi liên minh này.
EU sẽ không vội siết chặt trở lại ngân sách Ngày 15/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ không lặp lại sai lầm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 khi áp đặt siết chặt ngân sách bất ngờ trong đối phó với cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC)...