“Ôm” nợ hơn 38.000 tỷ, Vinachem vẫn “rót” hàng trăm tỷ cho Đạm Ninh Bình
Nợ phải trả của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam ( Vinachem) tính tới cuối năm 2017 là hơn 38.000 tỷ đồng trong đó nợ vay và nợ thuê tài chính là hơn 28.800 tỷ đồng, nợ vay lớn dẫn đến áp lực trả lãi lớn. Song Vinachem vẫn rót thêm hàng trăm tỷ đồng cho dự án Đạm Ninh Bình hiện vẫn đang nằm trong danh sách 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ.
Nợ phải trả hơn 38.000 tỷ đồng
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa công bố cho hay, đến 31.12.2017, nợ phải trả của Tập đoàn đã lên tới 38.061,1 tỷ đồng, tăng gần 492 tỷ đồng so với cuối năm 2016.
Trong đó, nợ ngắn hạn lên tới 20.112,8 tỷ đồng, tăng gần 1.750 tỷ đồng (9,53%) so với cùng kỳ năm 2017. Tính tới cuối năm 2017, nợ ngắn hạn của Vinachem đã tương đương 92% tài sản ngắn hạn là 21.756 tỷ đồng.
Đạm Ninh Bình vẫn nằm trong nhóm 12 đại dự án thua lỗ ngàn tỉ (Ảnh minh họa)
Trong số nợ ngắn hạn của Vinachem, đáng lo ngại là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã tăng thêm gần 400 tỷ đồng lên 11.437,7 tỷ đồng. Khoản phải trả người bán ngắn hạn cũng tăng thêm gần 700 tỷ đồng, từ 3.989,11 tỷ đồng lên 4.638,95 tỷ đồng. Đồng thời, hai khoản chi phí phải trả ngắn hạn và phải trả ngắn hạn khác của Vinachem cũng tăng gấp 1,5 lần, lên lần lượt 971,57 tỷ đồng và 1.059,01 tỷ đồng.
Về các khoản vay và nợ thuế tài chính ngắn hạn của Vinachem và các công ty con lên tới 11.437,7 tỷ đồng, không thể không nhắc tới những khoản vay với số tiền khá lớn của một số công ty con được ghi nhận tại ngày 31.12.2017 như khoản vay tín chấp số tiền hơn 1.173 tỷ đồng với lãi suất thả nổi của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình. Hay khoản vay ngắn hạn với tổng số tiền 593,04 tỷ đồng với Viettinbank và Viecombank theo hình thức thế chấp tài sản.
Hai công ty kể trên đều là những doanh nghiệp có kết quả làm ăn khá bết bát. Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, đại dự án thua lỗ nghìn tỷ Đạm Ninh Bình đến 31.12.2016 có số lỗ luỹ kế 3.197 tỷ đồng, kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 lỗ 386,94 tỷ đồng. Còn Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc đến hết tháng 6.2017, số lỗ lũy kế của đơn vị 2.035 tỷ đồng.
Theo tính toán, nợ vay và nợ thuê tài chính đã lên đến hơn 28.800 tỷ đồng,gồm nợ vay ngắn hạn hơn 11.437 tỷ đồng và nợ vay dài hạn hơn 17.395 tỷ đồng. Nợ vay lớn dẫn tới áp lực trả lãi lớn, năm 2017, Vinachem phải trả chi phí lãi tiền vay lên đến hơn 2.105 tỷ đồng.
Kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 của Đạm Ninh Bình lỗ 386,94 tỷ đồng
Mặc dù vậy, Vinachem vẫn đánh giá, mức độ tập trung rủi ro đối với việc trả nợ của tập đoàn này là có thể kiểm soát được.
“Công ty có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn từ dòng tiền hoạt động kinh doanh và tiền thu từ các tài sản tài chính đáo hạn”, Vinachem đưa ra đánh giá trong Báo cáo tài chính.
Quay trở lại với các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh của Vinachem. Một điều khá buồn là phần lớn trong số chúng đều đi xuống.
Doanh thu hợp nhất năm 2017 của Vinachem tăng từ 40.264 tỷ đồng năm 2016 lên 42.564 tỷ đồng năm 2017. Còn lợi nhuận sau thuế đã đạt 14,7 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ hơn 789 tỷ đồng .
Video đang HOT
Tuy nhiên, doanh thu của công ty mẹ lại giảm 6% so với năm 2016, chỉ còn 5,6 tỷ đồng. Trong khi đó giá vốn hàng bán đã là 5,9 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp bị âm.
Doanh thu tài chính là mảng mang về nguồn thu lớn nhất cho Vinachem, nhưng đã sụt giảm rất mạnh hơn 60% so với cùng kỳ, còn 983 tỷ đồng. Tuy nhiên, chừng đó cũng không đủ bù chi phí tài chính 967,5 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp 305 tỷ đồng (tăng gấp đôi năm 2016), dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm 289,8 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ âm gần 423 tỷ đồng theo BCTC hợp nhất năm 2017 và âm 287,6 tỷ đồng theo BCTC công ty mẹ năm 2017. Tổng lỗ lũy kế của Công ty mẹ – Vinachem tính tới cuối năm 2017 lên đến 872 tỷ đồng.
Cho Đạm Ninh Bình vay hàng trăm tỷ đồng trong năm 2017
Dù vẫn trong tình trạng thua lỗ, nợ nần. Song trong năm 2017, Vinachem vẫn rót thêm hàng trăm tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, chủ yếu là cho vay lại (lãi suất 6,5%/năm) để dự án này trả nợ ngân hàng. Dư nợ ngắn hạn của Đạm Ninh Bình tại Vinachem đến cuối năm ngoái đã nâng lên hơn 2.598 tỷ đồng, tăng hơn 850 tỷ đồng so với năm 2016. Trong đó, con số dự phòng rủi ro cho khoản vay này là 258,28 tỷ đồng.
Còn khoản đầu tư hơn 2.313 tỷ đồng của Vinachem vào Đạm Ninh Bình cũng đã trích lập dự phòng 100%.
Ngoài ra, khoản vay trị giá hàng trăm tỷ đồng từ năm 2016 được hai bên đã phải ký phụ lục để gia hạn, chuyển sang năm 2017, nhưng đến hết năm 2017 số nợ gốc vẫn còn nguyên.
Vinachem còn có 10 hợp đồng cho vay với Đạm Ninh Bình (Ảnh minh họa)
Cụ thể, khoản cho vay 120 tỷ đồng để Đạm Ninh Bình bổ sung vốn lưu động thực hiện tháng 2.2016 đã phải ký phụ lục đến 31.12.2017 là đáo hạn, nhưng số dư khoản vay này đến cuối 2017 vẫn y nguyên 120 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vinachem còn có 10 hợp đồng cho vay với Đạm Ninh Bình. Trong đó có những khoản rất lớn như khoản vay hơn 568 tỷ đồng ký hồi tháng 9.2015, khoản vay 366 tỷ đồng ký hồi tháng 8.2015, khoản vay 248 tỷ đồng ký hồi tháng 2.2016…
Nợ dài hạn của Đạm Ninh Bình với Vinachem trong năm ngoái giảm 441 tỷ đồng, nhưng dư nợ vẫn rất lớn, lên tới 6.726,5 tỷ đồng. Theo ghi nhận của Vinachem, tại dự án này, Tập đoàn có 625,8 tỷ đồng khoản phải thu cho vay bị xếp vào diện “nợ khó đòi” và khả năng chỉ thu hồi được 367,5 tỷ đồng trong số này.
Thêm vào đó, khoản phải thu khác, trong đó có khoản thu ngắn hạn với BQL Dự án Đạm Ninh Bình tính tới ngày 31.12.2017 cũng đã lên tới 1.159 tỷ đồng.
Trước đó, liên quan đến xử lý vi phạm tại Vinachem (đặc biệt là tại dự án Đạm Ninh Bình), Ủy ban Kiểm tra Trung ương, kỳ họp thứ 17 đã ra thông báo đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật với ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn này.Đề nghị kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng với ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinachem; kỷ luật cảnh cáo với các ông Đỗ Quang Chiêu, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty và ông Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Vinachem.
Theo Danviet
Đại dự án nghìn tỷ tai tiếng: Sếp lớn Vinachem bị kỷ luật
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật 1 loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vì những dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Trong đó nhiều dự án thuộc danh sách đen 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương.
Dự án Đạm Ninh Bình tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư. Từ 2013-2016, nhà máy này đã lỗ tổng cộng 2.700 tỷ đồng.
Tại Kết luận thanh tra dự án này, Bộ Công Thương đã chỉ ra một số sai phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình.
Dự án đạm Ninh Bình gặp nhiều rắc rối với nhà thầu Trung Quốc
Cụ thể, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) phê duyệt điều chỉnh dự án trên cơ sở kết quả đánh giá hiệu quả tài chính thấp, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, công tác dự báo còn hạn chế. Ngoài ra, việc bổ nhiệm Giám đốc Ban quản lý dự án chưa chưa tuân thủ quy định.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án này với nhà thầu Trung Quốc là Tổng công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu.
Chẳng hạn, chủ đầu tư cấp than cho nhà thầu phục vụ chạy thử vượt so với Hợp đồng EPC. Qua nhiều lần đàm phán, Chủ đầu tư và Nhà thầu vẫn chưa thống nhất được giá trị và trách nhiệm của mỗi bên đối với lượng than chạy thử cấp vượt. Hợp đồng EPC còn có điểm bất lợi cho Chủ đầu tư về trách nhiệm của nhà thầu khi vượt lượng than chạy thử.
"Đây là một trong số các nguyên nhân của việc chưa quyết toán được Hợp đồng EPC", Bộ Công Thương lưu ý.
Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu xử lý tồn tại của hợp đồng EPC dự án nhà máy đạm Ninh Bình.
Dự án đạm Hà Bắc vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ, lỗ hơn 1.700 tỷ
Đạm Hà Bắc, 1 trong 4 nhà máy đang thua lỗ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, từng là &'cánh chim đầu đàn' của ngành công nghiệp phân bón Việt Nam. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, từ khi đầu tư mở rộng nhà máy với số vốn hơn 10.000 tỷ, cánh chim ấy phải mang trên mình gánh nặng với khoản lỗ ngày một lớn.
Dự án đạm Hà Bắc vẫn thua lỗ.
Năm 2015 năm đầu tiên nhà máy mở rộng đi vào hoạt động, đạm Hà Bắc đã lỗ 669 tỷ đồng. Cả năm 2016 số lỗ lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Như vậy, sau 2 năm hoạt động, nhà máy mở rộng số lỗ của đạm Hà Bắc ước tính lên đến hơn 1.700 tỷ.
Với một nhà máy có số vốn đầu tư lớn, việc lỗ trong những năm đầu là bình thường. Ngay trong báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án, chủ đầu tư cũng đã tính toán trong 2 năm đầu khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ lỗ. Số lỗ được tính toán là 596 tỷ đồng trong năm đầu. Năm thứ hai số lỗ nhỏ hơn, chỉ là 127 tỷ đồng.
Thế nhưng, điều không bình thường là số lỗ của đạm Hà Bắc 2 năm đầu đã vượt mọi tính toán, lớn hơn rất nhiều con số cho phép như đã liệt kê ở trên. Điều lo ngại nữa, sang năm thứ 3, con số lỗ chắc chắn chưa dừng lại dù dự án mở rộng này chỉ được phép lỗ 2 năm đầu.
Hệ quả là, đạm Hà Bắc phải loay hoay trong nợ nần. Số lỗ đang dần vượt quá ngưỡng chịu đựng.
Mới đây, Đạm Hà Bắc đã đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM với giá 6.800 đồng/cổ phiếu nhưng gần như không có giao dịch.
DAP Lào Cai nhiều sai phạm, chuyển công an điều tra
Dự án DAP Lào Cai có vốn đầu tư hơn 5.100 tỷ đồng. Báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án xây dựng công trình nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Vinachem ngày 27/10/2016 của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm.
Đáng chú ý là từ khi Nhà máy đi vào sản xuất thương mại từ tháng 7/2015 đến thời điểm 30/6/2016 sản lượng sản xuất không đạt được mục tiêu của Dự án được duyệt. Hiệu quả sản xuất kinh doanh thua lỗ, cụ thể, năm 2015 lỗ trên 154,5 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2016, lỗ trên 281 tỷ đồng.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước phát hiện Dự án trong quá trình thực hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nên qua kiểm toán đã chuyền hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ.
Cụ thể, phê duyệt tổng mức đầu tư không chính xác 70,2 tỷ đồng; trong quá trình đàm phán giảm giá dự thầu Gói thầu số 3 EPC1 38,48 triệu USD, chủ đầu tư đã hạ thấp yêu cầu kỹ thuật, xuất xứ, chất lượng một số thiết bị, chưa tuân thủ triệt để thiết kế cơ sở, hồ sơ mời thầu; thực hiện một số gói thầu không cần thiết làm lãng phí chi phí đầu tư 9,3 tỷ đồng,...
Ngoài ra, công tác quản lý đầu tư, nghiệm thu, thanh toán tồn tại nhiều sai phạm nên KTNN đã kiến nghị giảm thanh toán 34,5 tỷ đồng, xử lý khác 795 tỷ đồng.
Loạt sếp của Vinachem bị kỷ luật
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Nguyễn Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn nhiệm kỳ 2010-2015; Thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện Dự án DAP số 2 Lào Cai. Chịu trách nhiệm chính về những vi phạm trong việc triển khai dự án đạm Hà Bắc.
Những sai phạm của ông Nguyễn Anh Dũng bị đánh giá là "rất nghiêm trọng", đến mức phải thi hành kỷ luật.
Hai lãnh đạo của Vinachem bị Ủy ban Kiểm tra trung ương nêu tên.
Một sếp Vinachem khác là ông Nguyễn Gia Tường, Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tập đoàn bị UBKT Trung ương yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc.
Một loạt nguyên lãnh đạo khác của Vinachem cũng phải chịu án kỷ luật. Đó là ông Đỗ Quang Chiêu, nguyên Bí thư Đảng ủy Cơ quan, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hoá chất Việt Nam; Ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn; Ông Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Cơ quan; nguyên ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng công ty; nguyên Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn
Ngoài ra, một cựu lãnh đạo khác là ông Nguyễn Đình Khang, nguyên Phó bí thư Đảng uỷ, nguyên Thành viên HĐTV, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn, bị UBKT Trung ương yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc. Ông Khang hiện là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam.
Theo Vietnamnet
Những dự án thua lỗ nghìn tỉ tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Một loạt các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) phải chịu kỷ luật do những sai phạm liên quan đến những "dự án thua lỗ lên tới hàng nghìn tỉ đồng gồm đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP Lào Cai. Dự án đạm Hà Bắc là một trong những dự án thua lỗ của Vinachem có...