Ocean Group muốn thoái toàn bộ vốn tại BOT Hà Nội – Bắc Giang và “dứt áo ra đi” với PVR
Ocean Group cũng muốn thoái toàn bộ vốn tại Fafim Việt Nam.
CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group – mã chứng khoán OGC) vừa thông qua việc thực hiện thoái vốn tại một loạt các đơn vị thành viên với các nội dung cụ thể sau:
-Thoái toàn bộ phần vốn góp của Ocean Group tại CTCP Fafim Việt Nam
Theo đó Ocean Group dự kiến thoái toàn bộ phần vốn góp tại Fafim Việt Nam, ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT xem xét, quyết định về việc lựa chọn đối tác chiến lược, giá chuyển nhượng nhưng không thấp hơn giá trị định giá của đơn vị thẩm định độc lập hoặc giá trị ghi sổ của Fafim Việt Nam.
Theo số liệu trên BCTC soát xét bán niên 2019 cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2019, Ocean Group nắm giữ 50,94% tỷ lệ lợi ích tại Fafim Việt Nam với tỷ lệ biểu quyết 60,69%. Trên BCTC còn ghi rõ, Ocean Group đang cầm cố 3.289.102 cổ phần Fafim Việt Nam và một số cổ phần khác tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam để đảm bảo cho hợp đồng vay giữa CTCP Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang với Ngân hàng này.
Cùng với đó Ocean Group cũng giao người đại diện phần vốn của Công ty tại các CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương ( OCH) và CTCP Đầu tư Đại Dương Thăng Long cùng có ý kiến đề xuất về việc cùng thoái vốn tại Fafim Việt Nam. Tính đến 30/6/2019 OCH đang nắm giữ 21,17% tỷ lệ lợi ích tại Fafim Việt Nam, giá trị ghi sổ theo phương pháp vốn chủ sở hữu hơn 21,4 tỷ đồng.
-Thoái toàn bộ phần vốn góp tại CTCP Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang
HĐQT Ocean Group cũng đồng ý chủ trương thoái toàn bộ vốn tại BOT Hà Nội – Bắc Giang, ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT tìm kiếm đối tác đàm phán về giá chuyển nhượng, nhưng không thấp hơn giá trị định giá của đơn vị thẩm định giá độc lập hoặc giá trị sổ sách của công ty.
BOT Hà Nội – Bắc Giang là công ty liên kết do Ocean Group nắm giữ 21% vốn điều lệ với giá trị ghi nhận theo phương pháp ghi sổ tính đến 30/6/2019 gần 127 tỷ đồng, tăng hơn 7 tỷ đồng so cới thời điểm đầu năm 2019. Lợi nhuận của nhà đầu tư được tính trên phần vốn CSH tham gia dự án theo quy định nhân với tỷ suất lợi nhuận 12%/năm. Dự án có thời gian hoàn vốn dự kiến trong 15 năm 3 tháng từ tháng 7/2016 đến tháng 9/2031.
-Thoái toàn bộ vốn góp tại CTCP Đầu tư PVR Hà Nội
Ban Tổng Giám đốc cũng đã đề xuất và được thông qua việc tiếp tục thoái toàn bộ vốn của Ocean Group tại PVR bao gồm cả lượng cổ phần mà OGC đặt mua từ Công ty TNHH VNT nếu thực hiện được với phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận hoặc các hình thức khác.
Theo báo cáo, tổng giá trị cổ phiếu PVR mà Ocean Group nắm giữ đến ngày 30/6/2018 là hơn 50,4 tỷ đồng, tương ứng hơn 5 triệu cổ phiếu, trong đó giá trị hợp lý hơn 6 tỷ đồng. Khoản đầu tư này đã được công ty trích lập dự phòng hơn 44,3 tỷ đồng. Trên thị trường, cổ phiếu PVR đang giao dịch ở mức 1.400 đồng/cổ phiếu.
Trong cơ cấu cổ đông của PVR, hiện Công ty TNHH VNT – đơn vị mà Ocean Group đang đàm phán mua cổ phần PVR – đang là cổ đông lớn sở hữu hơn 8,1 triệu cổ phiếu PVR tương ứng 15,35% VĐL công ty.
Video đang HOT
Đối với PVR, Ocean Group cũng thông qua các đề xuất giải quyết phần công nợ và các vấn đề còn lại. Cụ thể, ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT quyết định, phê duyệt các đề xuất để thanh lý, chấm dứt hợp đồng đặt cọc giữa OGC và PVR, trong đó số tiền OGC được nhận về tối thiểu bằng 70% số tiền cọc mà OGC đã chuyển cho PVR.
BCTC của Ocean Group thể hiện, OGC ghi nhận khoản trả trước dài hạn hơn 41,22 tỷ đồng cho PVR. Trong số này có hơn 40 tỷ đồng là là khoản ứng trước để nhận chuyển nhượng toàn bộ 5 tầng TTTM của dự án Hanoi Tower tại Văn Phú, Hà Đông. Ngoài ra còn hơn 1,2 tỷ đồng liên quan đến việc chuyển giao quyền đầu tư dự án TTTM, Văn phòng, Khách sạn tại Khu trung tâm Cột đồng hồ, Tp Hạ Long. OGC đã trích lập dự phòng khó đòi 100% đối với các khoản tiền này.
-Xử lý công nợ liên quan PVR, CTCP Xây dựng Sông Đà và CTCP Đầu tư CIC
Ocean Group cũng thống nhất giao Chủ tịch HĐQT tìm kiếm phương án bán nợ hoặc thu hồi nợ với số tiền thu về không thấp hơn 30% giá trị khoản nợ phải thu tại PVR, CTCP Đầu tư CIC và CTCP Đầu tư Xây dựng Sông Đà.
BCTC thể hiện khoản phải thu về cho vay ngắn hạn đối với Sông Đà là 40 tỷ đồng.
-Thực hiện việc cho Chủ tịch mượn xe
HDQT Ocean Group cũng thông qua đề xuất của Ban Tổng Giám đốc về việc mượn xe ô tô phục vụ việc đi lại của Chủ tịch HDQT.
Mạnh Linh
Theo Nhịp sống kinh tế
Báo cáo tài chính 'be bét', Tập đoàn Đại Dương gấp rút thoái vốn loạt công ty con
Sau khi công bố báo cáo tài chính 6 tháng 2019 với loạt ý kiến của đơn vị kiểm toán, CTCP Tập đoàn đại Dương (HoSE: OGC) vừa thông báo sẽ thoái vốn cũng như xử lý vốn đầu tư tại loạt đơn vị liên quan.
Lỗ bê bết, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Soi các chỉ số tài chính tại thời điểm cuối tháng 6/2019 của OGC cho thấy nhiều vấn đề. Trong đó, tổng tài sản giảm hơn 280 tỷ đồng, xuống mức 4.435 tỷ đồng.
Vay nợ tài chính ngắn và dài hạn lần lượt là 666 tỷ đồng và 185 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là từ các ngân hàng TMCP Quốc Dân (NVB), TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).
OGC ghi nhận tới hơn 5.666 tỷ đồng nợ xấu, do đó sau khi trích lập dự phòng, giá trị các khoản phải thu này chỉ còn 1.968 tỷ đồng.
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán ngoại trừ loạt ý kiến về các khoản nợ phải thu, góp vốn với số tiền nợ gốc đã bù trừ với số dư phải trả và dự phòng đã lập là 241,5 tỷ đồng, dư nợ gốc là 3.681 tỷ đồng. Tuy nhiên, OGC và các đối tác liên quan chưa cung cấp đầy đủ thông tin và tài liệu về các giao dịch này.
Chưa hết, OGC có các khoản hỗ trợ vốn và phải thu về chị phí sử dụng vốn, cùng các khoản đầu tư khác đã quá hạn thanh toán là 115 tỷ đồng, số dư gốc 1.602 tỷ đồng.
Cả hai vấn đề này đơn vị kiểm toán không thể đánh giá khả năng thu hồi cũng như khả năng tiếp tục thực hiện dự án và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai của các khoản này.
Đối với CTCP Dịch vụ hỗ trợ và phát triển đầu tư (IOC), đơn vị này có nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 584 tỷ đồng, lỗ lũy kế 304 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ của Công ty. Đồng thời, toàn bộ khu du lịch Sunrise Hội An Beach Resort và trang thiết bị hiện có của IOC đang được thẩm định giá tài sản để kê biên theo yêu cầu của Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam.
Các dấu hiệu này cho thấy sự nghi nờ về khả năng hoạt động liên tục của IOC. Tuy nhiên, theo OGC, IOC vẫn hoạt động bình thường. Tình trạng nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn và có lỗ lũy kế do liên quan đến việc phát hành trái phiếu, không có tài sản đảm bảo cho Ngân hàng MSB. OGC tin rằng IOC sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ dựa trên nguồn thu từ hoạt động kinh doanh.
Kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của OGC.
Sau khi đưa ra loạt ý kiến ngoại trừ, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, tại thời điểm 30/6/2019, tài sản ngắn hạn của OGC nhỏ hơn nợ ngắn hạn là 457 tỷ đồng. Thêm vào đó, lỗ lũy kế tới 2.873 tỷ đồng.
Những yếu tố này cùng với những vấn đề ngoại trừ, đơn vị kiểm toán cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của OGC.
Nói về vấn đề này, OGC cho biết, Công ty đang có chủ trương thoái vốn, chuyển nhượng ở một số dự án và tích cực thu hồi các khoản công nợ hỗ trợ vốn ngắn hạn cho đối tác và các khoản đã góp vốn vào các dự án đầu tư. Chính vì vậy báo cáo của OGC được lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục là phù hợp.
Về tình hình kinh doanh, từ quý 2/2016, OGC cứ ghi nhận lỗ lãi xen kẽ, trong đó nặng nhất vẫn là quý này với 446 tỷ đồng; còn quý 2/2019 gần đây nhất mức lỗ chỉ còn 19 tỷ đồng.
Thoái vốn đồng loạt nhưng vẫn 'kẹt' nhiều khoản đã thế chấp tại ngân hàng
Với những rối rắm trong báo cáo tài chính trên, HĐQT OGC vừa thông qua đề xuất của ban Tổng giám đốc về hiện trạng đầu tư tại Fafim Việt Nam và đề xuất chủ trương thoái vốn.
Theo đó, OGC sẽ thoái toàn bộ vốn tại CTCP Fafim Việt Nam với giá chuyển nhượng không thấp hơn giá trị định giá của đơn vị thẩm định và giá trị sổ sách.
Được biết, khoản đầu tư của OGC vào Fafim chỉ hơn 3,5 tỷ đồng và hiện phải chưa trích lập dự phòng. Tuy nhiên, hơn 3 triệu cổ phiếu Fafim Việt Nam này đã được OGC cầm cố tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB).
Danh sách công ty con của OGC.
Bên cạnh đó, OGC cũng sẽ thoái toàn bộ vốn tại CTCP đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang, CTCP đầu tư PVR Hà Nội (trước đây là CTCP Kinh doanh Dịch vụ Cao cấp Dầu khí Việt Nam - PVR).
Đáng nói, trong số gần 54 tỷ đồng đầu tư chứng khoán thì chiếm chủ yếu chính là cổ phiếu PVR với giá gốc hơn 50 tỷ đồng, và OGC đã phải trích lập hơn 44 tỷ đồng cho khoản đầu tư này. Trong khi đó so giá thị trường thì khoản đầu tư này chỉ còn lại hơn 6 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến PVR là các khoản công nợ và các vấn đề còn tồn tại, OGC cho biết sẽ thanh lý/chấm dứt hợp đồng đặt cọc. Trong đó, số tiền mà OGC được nhận về tối thiểu bằng 70% số tiền đặt cọc OGC đã chuyển cho PVR.
Còn khoản đầu tư vào BOT Hà Nội - Bắc Giang được OGC ghi nhận giá trị ghi sổ theo phương pháp vốn chủ sở hữu gần 127 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ 21%) tại ngày cuối quý 2/2019.
Riêng khoản công nợ liên quan đến Đầu tư và Xây dựng Sông Đà, OGC ghi nhận khoản đã trả trước cho Công ty này gần 182 tỷ đồng ở 2 dự án khách sạn StarCity Nha Trang, StarCity Westlake Hà Nội; khoản phải thu về cho vay ngắn hạn ở Đầu tư và Xây dựng Sông Đà là 40 tỷ đồng và khoản cho vay khác gần 673 tỷ đồng.
Được biết, OGC sẽ chuyển nhượng hai dự án đang tạm dừng triển khai là Saigon Airport Plaza và Starcity Westlake Hà Nội.
Trước đó, OGC cũng có chủ trương giải thể Công ty TNHH đầu tư Kinh doanh Bất động sản TKD Việt Nam và CTCP Sở giao dịch hàng hóa Info.
Ngược lại, trong những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9, OGC đã mua vào gần 6,7 triệu cổ phiếu của CTCP Khách sạn và Dịch vụ đại Dương (HNX: OCH), tăng sở hữu từ 56,5% lên 59,85%.
Với loạt những hành động tái cấu trúc này, bao giờ OGC mới "làm sạch" được báo cáo tài chính cũng như mang lại những con số đẹp cho nhà đầu tư?
Tại thời điểm cuối tháng 6/2019, cổ đông lớn của OGC chính là Cục thi hành án dân sự TPHCM với 12,02%, Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo 5,33% và ông Nguyễn Thành Trung 5%.
Tương tự tình hình tài chính của OGC, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu OGC đang bị kiểm soát và giao dịch quan mức giá bèo bọt 4.000 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức giảm hơn 85% kể từ khi niêm yết.
Minh An
Theo vietnamdaily
Lãi suất ngân hàng SeABank mới nhất Thông tin từ ngân hàng SeABank, mức lãi suất cao nhất tại nhà băng này là 7,43%/năm áp dụng tại kì hạn gửi 36 tháng với số tiền gửi từ 10 tỉ đông trở lên. Theo đó, trong tháng 9, lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kì hạn tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) dao động từ 0,85% đến 7,43%/năm...