Obama tự tay gấp hạc giấy khi đến thăm Hiroshima
Trong chuyến thăm lịch sử đến Hiroshima ngày 27/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tặng bảo tàng thành phố những con hạc ông tự gấp theo nghệ thuật origami của Nhật Bản.
Theo Asashi Shimbun, hai con hạc giấy đã được ông Obama tặng hai học sinh trong đoàn tiếp đón tổng thống. Ông để hai con hạc còn lại lên cuốn sổ lưu niệm với thông điệp: “Tất cả chúng ta đều biết nỗi đau khổ của chiến tranh. Giờ đây, chúng ta hãy can đảm để cùng nhau nhân rộng hòa bình và theo đuổi một thế giới không vũ khí hạt nhân”.
Ông chủ Nhà Trắng cho biết ông gấp hạc giấy với sự hỗ trợ của một số người, sau khi được Ngoại trưởng Fumio Kishida giới thiệu bảo tàng và đặc biệt quan tâm đến những con hạc giấy origami mà nữ sinh Sadako Sasaki đã gấp. Những con hạc giấy của Sadako trong bảo tàng được coi là biểu tượng minh chứng cho sự thảm khốc của vụ đánh bom hạt nhân Hiroshima vào ngày 6/8/1945.
Hai trong số 4 con hạc giấy tự tay ông Obama gấp theo nghệ thuật xếp giấy origami. Ảnh: Asashi Shimbun
Sadako là một trong những nạn nhân của vụ thả bom nguyên tử khi mới hai tuổi. Cô bé được chẩn đoán bệnh máu trắng khi học lớp 6. Trong thời gian nằm trên giường bệnh, Sadako đã gấp hơn 1.300 con hạc giấy từ vỏ hộp thuốc với niềm tin rằng người gấp 1.000 con hạc giấy có thể biến một điều ước thành sự thật. Mặc dù vậy, Sadako đã qua đời năm 1955.
Các nhân viên của Bảo tàng Hòa bình Hiroshima đều ngạc nhiên và xúc động trước món quà của tổng thống Mỹ. Bào tàng cho biết sẽ họ trưng bày chúng nhằm gửi đi thông điệp về một thế giới không vũ khí hạt nhân.
Tomiko Kawano, người sống sót trong vụ thả bom và là bạn cùng lớp của Sadako khi đó, nói rằng bà rất cảm động trước hành động của tổng thống Mỹ.
Video đang HOT
“Điều ước của Sadako, thể hiện trong bức tượng cô gái giơ cánh tay về phía bầu trời, cuối cùng cũng đã chuyển đến tổng thống. Tôi hy vọng nó cũng sẽ đến được với nhiều người khác”, bà chia sẻ.
Trong khi đó ông Masahiro, anh trai của Sadako, nói rằng: “Tôi coi cử chỉ này là lời xin lỗi của ông ấy, là sự quyết tâm mạnh mẽ nhằm khôi phục hòa bình và một trái tim ấm áp, rộng lượng”.
Tổng thống Obama đến Nhật dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước có nền công nghiệp phát triển (G7). Tại đây, ông đã đến Hiroshima và trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân tới thành phố này kể từ khi quân đội nước này thả bom nguyên tử năm 1945.
Chiều 27/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm Hòa bình ở thành phố Hiroshima. Trước đó, ông Obama tới thăm bảo tàng của thành phố, nơi trưng bày các bức hình ám ảnh về nạn nhân của vụ thả bom nguyên tử do quân đội Mỹ tiến hành hồi cuối Thế chiến II.
Theo Hoàng Anh
news.zing.vn
Vì sao người Nhật thích Obama thăm Hiroshima?
Ngày 27/5, Barack Obama sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Hiroshima, nơi Mỹ thả một quả bom nguyên tử xuống hồi gần cuối Thế chiến II.
Quả bom làm hàng nghìn người chết ngay tức khắc và hàng nghìn người sống sót khác bị nhiễm phóng xạ. Nagasaki cũng hứng một quả bom tương tự, ba ngày sau khi Hiroshima bị đánh bom. Ước tính, có tới hơn 200.000 người đã thiệt mạng tại hai thành phố trên vì bom nguyên tử Mỹ tính đến cuối năm 1945. Nhật đã đầu hàng ngay lập tức sau khi bị đánh bom.
Ảnh AP
Nhà báo Ryan Takeshita, phụ trách chi nhánh của báo Huffington Post ở Nhật vừa có bài viết nói về việc vì sao người Nhật mong chờ Tổng thống Obama tới Hiroshima:
Một người bạn Mỹ của tôi, là một nhà báo, gần đây hỏi tôi rằng liệu người Nhật có thấy không thoải mái với chuyến thăm sắp diễn ra của Tổng thống Mỹ hay không. "Người dân Hiroshima chắc chắn rất giận dữ. Các bạn có định yêu cầu Mỹ xin lỗi không".
Câu trả lời của tôi khiến anh ấy ngạc nhiên.
"Không", tôi nói. "Người dân Hiroshima và Nagasaki sẽ không tức giận". "Cảm xúc hiện giờ không giống như hồi năm 1945. Trên thực tế, một trong những tờ báo hàng đầu của Nhật là Asahi Shimbun vừa tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý và kết quả cho thấy 89% người Nhật thực tế đánh giá cao chuyến thăm của Obama.
Mỹ và Nhật không còn là những kẻ thù thời chiến mà là đồng minh thân cận. Người dân Nhật ở thế hệ chúng tôi lớn lên xem các bộ phim Hollywood và nghe nhạc Michael Jackson, Nirvana. Chúng tôi uống cà phê Starbucks và đầy phấn khích khi Apple tung ra một sản phẩm mới.
Dù người Nhật chưa bao giờ quên những gì đã xảy ra cũng như những đau khổ lớn lao mà chúng tôi phải hứng chịu từ bom nguyên tử thì chúng tôi vẫn cho rằng việc hợp tác với Mỹ để hướng tới một thế giới không vũ khí hạt nhân còn quan trọng hơn nhiều.
Chúng tôi tin tưởng vào lời nói của ông Obama tại Prague năm 2009: "Là cường quốc hạt nhân duy nhất từng sử dụng vũ khí hạt nhân, Mỹ có trách nhiệm đạo đức khi hành động". Vì tin Mỹ nên chúng tôi nghĩ rằng có thể gạt giận dữ sang một bên và tiếp tục tiến lên".
Một thế giới phi hạt nhân rất có ý nghĩa với người Nhật. Trong khi nhiều người Mỹ nói rằng bom nguyên tử đã rút ngắn cuộc chiến và cứu mạng vô số người thì người Nhật vẫn cho rằng đó là một thảm kịch kinh khủng nhất.
Trẻ em Nhật được dạy về bom tại trường học, được đi học thực địa ở Hiroshima hoặc Nagasaki. Các sinh viên được biết các thành phố bị tàn phá khủng khiếp ra sao sau khi hứng chịu vụ tấn công bằng bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới. Nhiều người đã "bốc hơi" ngay lập tức trong khi nhiều người sống sót bị vùi lấp dưới các ngôi nhà và bỏ mạng, người nọ rồi tới người kia, do nhiễm độc phóng xạ.
Khi tôi tới thăm Bảo tàng kỷ niệm hòa bình Hiroshima với con trai 8 tuổi của tôi cách đây ba năm, tôi không để cháu đi vào trong. Tôi cảm thấy vẫn có thể nghe thấy tiếng la hét của những đứa trẻ. Tôi không muốn con trai mình bị sốc".
Theo Daniel Sneider, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương Walter H.Shorenstein tại đại học Stanford, có 3 kiểu nói về chiến tranh. Cách đầu tiên là của những người thủ cựu, theo chủ nghĩa xét lại, họ cho rằng Nhật đã giải phóng châu Á khỏi chủ nghĩa thực dân, và Thế chiến II là hành động tự vệ chống lại chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Cách suy diễn về chiến tranh thứ hai là của những người cánh tả, với quan điểm Nhật bị những người theo chủ nghĩa quân phiệt chiếm quyền lãnh đạo và dẫn tới sự hủy diệt của cả quốc gia. Cách hiểu thứ ba và mang tính bao quát hơn cả là chiến tranh là một điều khủng khiếp, chúng ta đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi chọn con đường chiến tranh. Đó là một sai lầm mà người Nhật không bao giờ được phép phạm phải một lần nữa.
Khi Obama tới thăm Hiroshima và sát cánh với Thủ tướng Shinzo Abe, người Nhật sẽ không yêu cầu Mỹ xin lỗi cũng như đổ lỗi cho Mỹ.
Chuyến thăm Hiroshima chỉ là bước khởi đầu của nhiều bước tiếp theo nhằm hướng tới một thế giới phi vũ khí hạt nhân. Người Nhật cũng nên nhớ rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm về một cuộc chiến tranh khủng bố. Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ sẽ không làm mờ vai trò khởi xướng của Nhật.
Tôi muốn thấy Tổng thống Obama hành động sau chuyến thăm Nhật của ông. Tôi muốn thấy Thủ tướng và người dân Nhật hành động. Tôi muốn thấy các nhà lãnh đạo thế giới hành động. Hành động đáng giá hơn nhiều những lời xin lỗi và nó là một cách thức mạnh mẽ để tránh lặp lại bất cứ thảm họa nào.
Theo_VietNamNet
Tranh cãi trước chuyến thăm của ông Obama đến Hiroshima Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến Hiroshima, một trong 2 thành phố của Nhật Bản bị Mỹ ném bom nguyên tử thời Thế chiến 2, vào hạ tuần tháng nay. Chuyến thăm làm dấy lên tranh cãi từ truyền thông Trung Quốc và Hàn Quốc. Đài tưởng niệm các nạn nhân của bom nguyên tử ở Hiroshima. REUTERS Tờ China Daily, trong...