Obama gặp Tập Cận Bình: Con dao hai lưỡi
Cuộc gặp không chính thức giữa Obama và Tập Cận Bình không đem lại gì nhiều cho Mỹ mà còn làm cho Trung Quốc càng tự tin hơn vào sức mạnh và “ lợi ích cốt lõi” của mình.
Kể từ sau chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 2/1972 của Tổng thống Richard Nixon, các Tổng thống Mỹ sau này đều hy vọng việc xây dựng quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tăng cường quan hệ song phương và ghi điểm chính trị tại nước nhà.
Trong khi chuyến công du của Tổng thống Nixon được coi là một chiến thắng về ngoại giao, các đời Tổng thống sau này không gặt hái được thành công như vậy. Họ thường phát hiện ra rằng loại tương tác cá nhân Mỹ-Trung kiểu này có tác động rất nhỏ đến quan hệ hai nước, và cuộc gặp gần đây giữa Tổng thống Obama với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không phải là ngoại lệ.
Chủ tịch Tập Cận Bình gặp gỡ Tổng thống Obama
Trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Obama lựa chọn hướng tiếp cận ở cấp thấp hơn. Năm 2009, ông Obama và cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thông báo về Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung. Đối thoại này là một loạt các hội nghị thường kỳ giữa các quan chức cấp cao hai nước do Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner dẫn đầu nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua thảo luận ôn hòa.
Tuy nhiên phương pháp này không phát huy hiệu quả vì các xung đột lợi ích căn bản chứ không phải sự thiếu tiếp xúc trong quan hệ Mỹ-Trung. Washington cáo buộc Trung Quốc dính líu vào các vụ tấn công mạng nhắm vào hệ thống máy tính của các doanh nghiệp và chính phủ Mỹ, hậu thuẫn cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên, ngăn chặn Mỹ thâm nhập thị trường Trung Quốc và gây căng thẳng trên khu vực Biển Đông và Hoa Đông. Kết quả là Washington muốn Bắc Kinh phải thực thi một loạt các thay đổi về mặt chính sách.
Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản ngăn chặn Hải giám Trung Quốc xâm nhập Senkaku
Còn về phía mình, Trung Quốc cho rằng Mỹ đang tìm cách kiềm chế và thay đổi hệ thống chính trị Trung Quốc nhằm hạn chế ảnh hưởng quốc tế của nước này. Bởi vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi thực hiện “hình thức quan hệ nước lớn mới” trong đó Mỹ phải thừa nhận sức mạnh quân sự đang lên, sự phát triển kinh tế và vị thế ngoại giao của Trung Quốc.
Dưới sức ép ngày càng tăng của dư luận, quốc hội và giới truyền thông nhằm đáp trả thái độ “hung hăng” của Trung Quốc, Tổng thống Obama đã sắp xếp cuộc gặp “mặt đối mặt” với ông Tập Cận Bình.
Cuối tuần trước, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau ở California để hội đàm “không chính thức” trong hai ngày. Thế nhưng kết quả đạt được có vẻ rất nghèo nàn. Tổng thống Obama chỉ có thể đưa ra một điểm thống nhất mơ hồ với ông Tập Cận Bình: “hợp tác với nhau và với các nước khác” để giảm thiểu phát thải khí HFC gây nên hiện tượng ấm lên toàn cầu. Cả hai bên cũng tuyên bố rằng Triều Tiên không nên sở hữu vũ khí hạt nhân.
Video đang HOT
Hai nhà lãnh đạo chỉ thống nhất được vấn đề Triều Tiên và giảm thiểu khí HFC
Ông Tập Cận Bình có rất ít động lực để biến những tuyên bố về tình hữu nghị hồi cuối tuần qua thành hành động cụ thể. Còn ông Obama cần một chiến thắng về chính sách đối ngoại và quan hệ công chúng hơn.
Hiện Tổng thống Obama đang vướng vào nhiều vấn đề rắc rối khi phải giải quyết nhiều vấn đề trong nước đầy tranh cãi, chẳng hạn như vấn đề thay đổi luật di trú. Trong khi đó, kể từ khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3/2013, Tập Cận Bình đã nhanh chóng củng cố quyền lực và không gặp nhiều vấn đề trong nước và trở nên tự tin hơn với những phát biểu thường gặp về sự phục hưng vĩ đại của Trung Quốc.
Tập Cận Bình cũng thường xuyên đòi Mỹ và các quốc gia láng giềng phải thừa nhận cái mà Trung Quốc cho là “lợi ích cốt lõi” của mình, trong đó có cả những tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đang tranh chấp với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.
Tàu chiến Trung Quốc xuất hiện trên Biển Đông
Chỉ với việc tham dự cuộc hội đàm này, Tập Cận Bình đã có được những gì mình muốn. Mục tiêu của ông Tập là đề cao sức mạnh và danh tiếng của Trung Quốc, và có vẻ như ông đã đạt được mục tiêu này mà vẫn né tránh được việc thảo luận chi tiết những vấn đề cụ thể.
Với dư luận Trung Quốc, Tập Cận Bình có thể sử dụng cuộc hội đàm này như một bằng chứng chứng tỏ rằng nỗ lực giành được sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc đang phát huy hiệu quả, rằng Trung Quốc có hướng tiếp cận duy nhất với các nhà lãnh đạo Mỹ, và rằng Washington có thể đánh giá quan hệ với Trung Quốc cao hơn so với các nước khác như Nhật Bản. Báo chí Trung Quốc rầm rộ đưa tin rằng Mỹ đã chấp nhận mô hình quan hệ nước lớn mới của Bắc Kinh.
Nhiều Tổng thống Mỹ rất muốn tái hiện thành công của Nixon trong cuộc gặp năm 1972 với lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên sức mạnh và thái độ của Trung Quốc ngày nay đã biến mong muốn đó thành nhiệm vụ bất khả thi.
Có vẻ như Tổng thống Obama phải thực hiện một nhiệm vụ bất khả thi
Đáng lẽ Tổng thống Obama không nên kỳ vọng rằng quan hệ ngoại giao cá nhân sẽ đem tới những đột phá lớn và nói thẳng với người Mỹ về những căng thẳng ngày càng tăng với Bắc Kinh. Washington cũng nên đảm bảo với những đồng minh lâu đời trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan rằng các cuộc hội đàm Mỹ-Trung sẽ không ảnh hưởng đến lợi ích của họ.
Nói cho cùng, vì nhiều vấn đề bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay có liên quan đến nhiều quốc gia khác nên chính sách ngoại giao đa phương vẫn là sự lựa chọn tối ưu hơn là các cuộc gặp song phương không chính thức.
Theo 24h
Trò chơi nguy hiểm của TQ trên biển
Việc Bắc Kinh coi sức mạnh trên biển là một mục tiêu quốc gia then chốt và sẵn sàng tranh giành các vùng biển ở châu Á cho thấy nước này sẽ trỗi dậy trong tranh chấp chứ không phải hòa bình.
Trung Quốc đang chơi một trò chơi nguy hiểm: Sử dụng biển cả làm nấc thang để tự chứng tỏ mình là cường quốc hàng đầu khu vực châu Á.
Những vùng biển ở châu Á gần đây không hề lặng sóng. Mới tháng vừa rồi, Việt Nam tố cáo tàu Trung Quốc cố tình đâm thẳng vào tàu cá của ngư dân Việt Nam khiến vỏ tàu cá bị hư hại. Philippines lên tiếng phản đối một tàu chiến và 2 tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của mình.
Còn trên biển Hoa Đông ở phía bắc, tàu công vụ của Trung Quốc lởn vởn quanh nhóm đảo do Nhật Bản kiểm soát năm ngày liên tiếp nhằm khẳng định chủ quyền đối với khu vực mà Nhật Bản tuyên bố thuộc lãnh thổ của họ.
Tàu Trung Quốc bị tố cáo đâm hư hại tàu cá của ngư dân Việt Nam
Trong vài năm qua, xung đột trên biển của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng đã được định hình bằng những vụ tranh chấp nhỏ được kiểm soát như vậy, đó là những lần đối đầu giữa các con tàu, những vụ va chạm tàu biển, bắt giữ ngư dân, trò chơi mèo vờn chuột bằng máy bay trên các vùng lãnh thổ tranh chấp.
Tuy nhiên, mật độ xảy ra các vụ việc này ngày càng dày đặc và tạo nên cái mà các chuyên gia gọi là chiến lược căn bản của Trung Quốc, đó là sử dụng biển cả làm nấc thang để Trung Quốc tự chứng tỏ mình là cường quốc hàng đầu khu vực châu Á.
Tàu Hải giám Trung Quốc và tàu Cảnh sát biển Nhật Bản trên biển Hoa Đông
Theo các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia an ninh, Trung Quốc đã khởi động một "sứ mệnh" nhằm kiểm soát các vùng biển xung quanh, đó là khuấy động các căng thẳng có thể kéo dài hàng thập kỷ trong khu vực.
Trong bối cảnh các tín hiệu gần đây chứng tỏ rằng thế hệ lãnh đạo mới của Bắc Kinh coi sức mạnh trên biển là một mục tiêu quốc gia then chốt và nước này sẵn sàng tranh giành một vùng biển rộng lớn bắt đầu từ Đông Nam Á tới Nhật Bản và thậm chí là vươn ra cả Thái Bình Dương, các chuyên gia này cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ trỗi dậy trong tranh chấp chứ không phải hòa bình.
Tuy các vụ việc diễn ra gần đây trên biển chưa đến mức kích động bạo lực nhưng chúng lại làm phức tạp thêm môi trường vốn dĩ đã tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, một môi trường khu vực mà các quốc gia đang tích cực hiện đại hóa quân đội của mình và không ai chịu xuống thang, làm tăng nguy cơ về một tính toán sai lầm có thể làm bùng nổ một cuộc chiến đẫm máu kéo theo sự tham gia của Mỹ theo hiệp ước phòng thủ ký kết với Nhật Bản và Philippines.
Tổng thống Philippines Aquino thề sẽ chiến đấu đến người lính cuối cùng để bảo vệ chủ quyền trên biển
Các tranh chấp trên biển ở châu Á hiện nay liên quan đến hơn 6 quốc gia, tuy nhiên các quốc gia khác đều coi Trung Quốc là kẻ khiêu khích cố tình gây sức ép lên những tranh chấp từ lâu vốn đã ngủ yên.
Một báo cáo gần đây của Lầu Năm Góc trước Quốc hội Mỹ khẳng định rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi hai thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 là một "cửa sổ cơ hội chiến lược" để mở rộng quyền lực quốc gia không chỉ bằng các tiêu chí kinh tế mà còn bằng khả năng bảo vệ các tuyên bố về lãnh thổ và "giành chiến thắng trong các xung đột tiềm tàng của khu vực."
Theo các chuyên gia phân tích, ngay cả khi Trung Quốc né tránh xung đột thì sự chuẩn bị kỹ càng cho xung đột của nước này cũng khiến quân đội các nước khác phải phản ứng, mà gần đây nhất là việc Philippines mua sắm tàu chiến. Thậm chí đảng cầm quyền của Nhật Bản hiện nay cũng đang xem xét thay đổi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình của nước này.
Tàu chiến Trung Quốc
Trong chuyến công du tới Mỹ hồi tháng 5, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã mô tả tình hình hiện nay trong khu vực là một nghịch lý - một khu vực mà các quốc gia thành viên gắn kết chặt chẽ với nhau về kinh tế nhưng lại ngày càng cảnh giác và gầm ghè lẫn nhau. Bà Park Geun-hye khẳng định: "Việc chúng ta giải quyết nghịch lý này như thế nào sẽ quyết định hình thái trật tự mới ở châu Á."
Theo 24h
Quan hệ ASEAN-Trung Quốc: Kinh tế hay chính trị? Quan hệ Trung Quốc-ASEAN đang ở thời kỳ thử thách, với các dự án liên kết và hội nhập tiểu vùng bị ảnh hưởng đáng kể bởi tranh chấp biển đảo. Cách đây không lâu, cơ sở hội nhập và liên kết kinh tế của quan hệ Trung Quốc-ASEAN từng được coi là bền vững, bất di bất dịch. Nhiều nhà phân tích...