Obama gặp gia đình các nạn nhân bị thảm sát, kêu gọi kiểm soát súng
Tổng thống Barack Obama hôm qua đến thành phố Orlando gặp gỡ 49 gia đình nạn nhân và đội ứng phó khẩn cấp trong vụ xả súng ở hộp đêm đồng tính, mô tả hành động này là “khủng bố và thù hận”.
Tổng thống Obama và phó tổng thống Joe Biden đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân. Ảnh: AP
Phát biểu tại Orlando, ông Obama cho hay thành phố này và cả nước Mỹ “đã bị chấn động bởi một hành động ác quỷ, thù hằn”, một vụ tấn công vào cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới), nhưng thông qua nỗi đau, “trên tất cả, có một tình yêu thương”.
Ông nói rằng tình yêu thương này có thể soi sáng và nước Mỹ vẫn có thể là một quốc gia mang lại bình đẳng cho tất cả mọi người.
“Khả năng phục hồi của chúng ta rất mạnh mẽ”, NBC News dẫn lời ông nói.
Vụ xả súng vào hộp đêm Pulse rạng sáng 12/6 làm 49 người chết và 53 người bị thương là vụ thảm sát bằng súng tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ.
Đầu ngày hôm qua, ông Obama đã cùng phó tổng thống Joe Biden viếng một đài tưởng niệm tạm thời và đặt những vòng hoa trắng lớn cho các nạn nhân. Tổng thống Mỹ được thị trưởng Orlando Buddy Dyer tặng một chiếc áo phông in hình trái tim cầu vồng có dòng chữ “Orlando United” (Orlando đoàn kết).
“Trái tim của chúng tôi cũng tan vỡ”, tổng thống nói. “Chúng tôi luôn bên cạnh các bạn”.
Video đang HOT
Thị trưởng Orlando Buddy Dyer tặng Tổng thống Obama một chiếc áo phông in hình trái tim cầu vồng có dòng chữ “Orlando United”. Ảnh:Twitter
Ông Obama khẳng định cuộc chiến chống IS vẫn tiếp tục và nước Mỹ cần thắt chặt quyền sở hữu vũ khí hơn để tránh việc những tay súng gây ra các vụ giết người hàng loạt.
“Nền chính trị của chúng ta đã tiếp tay để một tên khủng bố dễ dàng mua được các vũ khí hạng nặng và có thể làm điều đó một cách hợp pháp”, ông nói và cho hay đã gặp các gia đình đau đớn vì có người thiệt mạng. “Những người ủng hộ việc tiếp cận dễ dàng vũ khí tấn công nên gặp các gia đình này”.
Các nhà điều tra đang nỗ lực xác định động cơ của tay súng Omar Mateen, tiếp tục thẩm vấn vợ y nhưng cho rằng y hành động một mình.
Anh Ngọc
Theo VNE
Tổng thống Obama và 'kinh nghiệm' hàng chục lần phát biểu sau xả súng
Chẳng ai thống kê nhà lãnh đạo nào có nhiều kinh nghiệm nhất soạn diễn văn sau một vụ xả súng giết người hàng loạt. Chỉ có một điều chắc chắn: Tổng thống Mỹ Barack Obama "kinh nghiệm đầy mình", từng trên chục lần làm chuyện đó.
Tổng thống Obama bật khóc khi nhắc tới vụ xả súng làm 27 người chết, chủ yếu là trẻ con, ở trường tiểu học Sandy Hook. REUTERS
Còn một điều chắc chắn khác, nếu có ai muốn cạnh tranh "kỷ lục" đáng buồn này với ông Obama thì trong danh sách bao gồm nhiều vị cựu tổng thống Mỹ.
Ở đất nước giàu có nhất hành tinh này, súng là thứ hợp pháp, tiền là chuyện nhỏ mà con người thì cũng như ở những xứ sở khác: người tốt có, kẻ xấu có, người giỏi kiềm chế có, người nóng giận có, người giàu lòng yêu thương có, người căm hận xã hội có... Thế nên xả súng cứ xảy ra dài dài, những tiếng nói đòi thắt chặt kiểm soát súng như của ông Obama thật ra rất yếu ớt trước lợi nhuận quá lớn của ngành công nghiệp súng ống.
Mà thôi, hãy xem ông Obama xoay sở ra sao để tạo sự khác biệt trong các bài diễn văn sau ít nhất là 11 vụ xả súng giết người hàng loạt mà ông phải chứng kiến từ khi vào Nhà Trắng. Chỉ hy vọng ông sẽ không phải lại đánh vật soạn diễn văn kiểu này một lần nữa trước khi hết nhiệm kỳ vào đầu năm tới.
Đã bao nhiêu lần, nước Mỹ phải tang thương vì các vụ xả súng nhưng nó vẫn cứ lặp đi lặp lại.REUTERS
Tháng 11.2009. "Đã là đủ khó khăn khi chúng ta mất đi những công dân Mỹ can trường như thế này trong những trận chiến ở nước ngoài. Còn một khi họ bị bắn chết ngay tại một căn cứ quân sự trên đất Mỹ thì quá là khủng khiếp". Vụ xả súng ở Căn cứ quân sự Fort Hood (Texas), 13 người chết.
Tháng 1.2011. "Đây là một thảm kịch cho Arizona và là thảm kịch cho cả đất nước chúng ta". Vụ xả súng tại buổi tiếp xúc cử tri ở Tucson, bang Arizona, 6 người chết.
Tháng 7.2012. "Chúng ta có thể sẽ không bao giờ hiểu được điều gì đã dẫn dắt một con người để khủng bố đồng loại của họ như thế này". Xả súng tại rạp chiếu phim ở Aurona (bang Colorado), 12 người chết.
Tháng 8.2012. "Những thảm kịch kinh khủng như thế này đang xảy ra quá thường xuyên". Ngôi đền Silk ở bang Wisconsin bị tấn công, 6 người chết.
Tháng 12.2012. "Phần lớn những người bị giết chết hôm nay là trẻ con, những đứa trẻ đáng yêu từ 5 tới 10 tuổi". Vụ thảm sát ở Trường tiểu học Sandy Hook (bang Connecticut), 27 người chết.
Tháng 9.2013. "Đó là những người đàn ông, những người phụ nữ đang trên đường đến công sở, đi làm công việc của họ - công việc bảo vệ tất cả chúng ta. Họ là những người yêu nước và họ biết mối nguy hiểm khi phải phục vụ ở nước ngoài. Nhưng khi họ tại ngũ ngay trên quê hương, họ phải được có cảm giác an toàn. Vậy mà họ đã không có". Vụ xả súng tại National Navy Yard thuộc Hải quân Mỹ, 12 người chết.
Tháng 4.2014. "Chúng ta chưa rõ chuyện gì đã xảy ra trong đêm nay nhưng rõ ràng cảm giác an toàn lại một lần nữa bị phá vỡ". Căn cứ quân sự Fort Hood (bang Texas), 3 người chết
Tháng 6.2015. "Sẽ có những lúc đất nước này phải liệt kê lại rằng những vụ bạo lực gây chết người hàng loạt như thế này đã không xảy ra ở những nước phát triển khác". Nhà thờ Charleston (bang Nam Carolina), 9 người chết.
Tháng 10.2015. "Chúng ta không phải là đất nước duy nhất trên hành tinh này có những người mắc các chứng bệnh về tâm thần hoặc muốn làm hại người khác". Trường cao đẳng cộng đồng Roseburg (bang Oregon), 9 người chết.
Thương tiếc các nạn nhân vụ xả súng chết người nhiều nhất ở Mỹ, vụ hộp đêm Pulse ở Orlando vừa xảy ra ngày 12.6 làm 49 người chết. REUTERS
Tháng 12.2015. "Có những biện pháp chúng ta có thể làm để dù không thể loại trừ hoàn toàn những vụ xả súng gây chết người hàng loạt, nhưng ít ra cũng có thể làm tăng xác suất là chúng không xảy ra quá thường xuyên như thế này nữa". Vụ thảm sát ở San Bernadino, bang California, 14 người chết.
Ngày 12.6.2016. "Vụ thảm sát này một lần nữa nhắc chúng ta nhớ việc người ta đã dễ dàng như thế nào để chạm tay vào một loại vũ khí cho phép họ bắn người khác ở trường học, ở nơi thờ tự hay trong rạp chiếu phim, hộp đêm. Chúng ta phải quyết định đây có phải là loại đất nước mà chúng ta mong muốn hay không". Thảm sát ở Hộp đêm Pulse tại Orlando (bang Florida), 49 người chết.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Chờ 3 tiếng mới đột kích diệt kẻ xả súng, cảnh sát Mỹ gây tranh cãi Việc lực lượng cảnh sát phải mất ba giờ mới quyết định xông vào hộp đêm đồng tính ở Orlando để giải cứu con tin hôm 12/6 đang gây tranh cãi. Một thành viên đội SWAT hôm 12/6 có mặt tại hiện trường vụ xả súng. Ảnh: AP Một số chuyên gia về chiến thuật cho rằng từ các bài học rút ra...