Oằn mình đóng quỹ, phí: Đủ kiểu tận thu
Nuôi cá, trồng lúa vất vả quanh năm, luôn đối diện thời tiết thất thường, giá cả trồi sụt nhưng nông dân nhiều nơi ở ĐBSCL vẫn phải còng lưng đóng rất nhiều loại quỹ, phí do địa phương đặt ra.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Sông Hậu, nguyên nhân sâu xa của việc nhiều địa phương tận thu các loại quỹ, phí là do đội ngũ cán bộ ở cấp gần dân nhất quá dư thừa. Để nuôi bộ máy này thì bắt buộc phải tìm nguồn thu và tiện nhất chính là từ người dân trực tiếp sản xuất.
Nợ quỹ, phí đầm đìa
Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Phúc (ngụ thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ), gia đình ông canh tác hơn 3 ha lúa nhưng mỗi năm phải đóng rất nhiều loại phí. Trong đó, mỗi công đất phải chịu 200.000 đồng tiền bơm nước, 6.000 đồng thủy lợi phí, 10.000 đồng quỹ phòng chống lụt bão, 70.000 đồng tiền hùn vốn mua đất làm đê bao chống lũ, hơn 250.000 đồng phí làm đường nông thôn…
Làm nông, nhiều gia đình chủ yếu kiếm hạt gạo sống qua ngày. Gặp lúc thời tiết không thuận lợi, bao nhiêu chi phí chồng chất thì xem như lỗ vốn. Đó là chưa kể vì không có vốn nên tất cả tiền mua giống, đầu tư sản xuất, phân bón… đều phải vay mượn rồi è cổ trả lãi. Mất một mùa lúa xem như mang nợ cả năm. “Làm nông là bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Đủ các loại phí cứ rỉa rói hết vào hạt lúa thì nông dân chúng tôi còn khổ dài dài” – ông Phúc than vãn.
Sản xuất khó khăn nhưng nông dân tại nhiều địa phương ở ĐBSCL phải đóng rất nhiều loại phí
Video đang HOT
Bức xúc hơn, bà Đặng Thị Hà (ngụ xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) cho biết vừa qua, 4 ha lúa của gia đình bà bị hạn hán chết sạch nhưng chỉ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Số tiền này chẳng thấm tháp vào đâu so với chi phí đã đầu tư vào mảnh ruộng. “Thế nhưng, khi tôi vừa ký nhận tiền hỗ trợ thì lập tức một cán bộ ấp kéo lại bắt buộc phải đóng các loại quỹ, phí tổng cộng 220.000 đồng mà không ghi biên lai cũng không giải thích là thu tiền gì. Tôi đành phải đóng cho yên chuyện” – bà Hà nhớ lại.
Trong khi đó, bà Phan Thị Oanh (ngụ ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận) cũng bị mất trắng 3 ha lúa khi vừa trồng 60 ngày. Vừa nhận được tiền hỗ trợ, bà bị “cắt” 440.000 đồng cho quỹ an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, kết cấu hạ tầng, đền ơn đáp nghĩa, giao thông nông thôn… “Tôi chưa kịp mừng vì nhận tiền hỗ trợ, có vốn liếng đầu tư cho mùa sau thì đã bị đòi nợ. Hiện rất nhiều người còn nợ đầm đìa các loại quỹ như thế. Khi họ có chút tiền liền bị cán bộ ấp, xã trừ nợ” – bà Oanh cho biết.
Đóng phí mới được cấp giấy chứng nhận
Trồng lúa thì như thế, nuôi cá cũng không thoát. Nhiều năm qua, các hộ dân và doanh nghiệp nuôi cá tra ở ĐBSCL phải gánh những khoản phí cao ngất ngưởng. Đã vậy, họ còn phải đóng những khoản bắt buộc khác như bảo vệ môi trường hoặc kiểm tra mẫu trước khi cá được xuất bán…
Ông Lê Văn Nước (ngụ xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), cho biết thông thường, người nuôi cá tra phải đóng 3 triệu đồng tiền kiểm mẫu cho một ao cá chuẩn bị thu hoạch. “Giá cá tra hiện khoảng 17.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành 2.000 đồng/kg. Người nuôi còn cõng thêm bao nhiêu chi phí không tên khác thì càng nuôi càng lụn bại” – ông lo lắng.
Thế nhưng, những khoản phí trên chẳng thấm tháp vào đâu so với phí tiền tỉ mà doanh nghiệp nuôi cá phải trả. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang, tiết lộ các doanh nghiệp và người nuôi cá tra muốn có vùng nuôi đạt tiêu chuẩn phải đóng phí rất cao mới được cấp giấy chứng nhận. Chẳng hạn, để có chứng nhận theo tiêu chuẩn HQF 1000 CM, Global Gap hay ASC, doanh nghiệp nộp phí lần đầu khoảng 14.000 USD. Sau một năm tái kiểm, nếu đạt yêu cầu, họ sẽ được cấp giấy chứng nhận mới với mức phí bằng 50% lần trước.
Cụ thể, nếu nuôi với diện tích 20 ha, sản lượng 8.000 tấn cá, chủ vùng nuôi phải bỏ ra chi phí khoảng 300 triệu đồng cho chứng nhận ban đầu. Theo đó, giá thành sản phẩm cũng đội lên 300-400 đồng/kg. Với giá cả khá bấp bênh như hiện nay cộng với hàng loạt khoản phí, nhiều doanh nghiệp khó thể đủ sức đeo đuổi nghề nuôi cá.
Bày vẽ để thu tiền GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng hiện nay, nông dân phải chịu những khoản phí không cần thiết như việc được cấp chứng nhận GlobalGAP đối với các mặt hàng nông, thủy sản. Nhiều tổ chức “bày ra GAP này, GAP nọ chỉ để móc túi nông dân”. Nông dân hoàn toàn có khả năng làm ra các sản phẩm sạch mà không phải chịu những khoản phí, làm gia tăng giá thành sản xuất. Nhiều nơi làm ra sản phẩm xuất khẩu được, như gạo hữu cơ của Công ty Viễn Phú ở huyện U Minh (Cà Mau), mà không cần chứng nhận của những tổ chức trên vì đã sản xuất theo quy trình của Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố. Công ty chỉ mời 1 chuyên gia Mỹ sang kiểm tra rồi chứng nhận nên chỉ tốn tiền mua vé máy bay và một ít tiền bồi dưỡng là xong. “Việc sản xuất theo quy trình công nghệ cao là xu hướng tất yếu nhưng cũng đừng xem nó quá ghê gớm. Phần lớn những người ở các công ty tư vấn chỉ đến hỏi tới, hỏi lui nông dân hoặc kinh nghiệm của địa phương rồi ghi vào sổ. Sau đó, họ đưa thêm một số tiêu chuẩn quốc tế cho từng loại sản phẩm rồi cho ra quy trình của riêng mình, thế là thu tiền. Tôi từng giúp nhiều HTX sản xuất lúa sạch trong hệ thống nông nghiệp GAP mà không tốn kém gì cả. Cụ thể, HTX Mỹ Lộc ở tỉnh Vĩnh Long đã hoàn toàn làm chủ công nghệ và cho ra sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn mà không mất tiền cho các công ty tư vấn” – GS-TS Võ Tòng Xuân khẳng định.
Theo THỐT NỐT (Người lao động)
Cá ở dưới ao
Thú đi chợ hàng ngày của chị bạn hiện đang bị tắc nghẽn do lo ngại chuyện thực phẩm bẩn. Và cách mà chị đang thực hiện khiến những người xung quanh phải suy nghĩ rất lâu...
1. Hôm rồi, chị Giang điện thoại hỏi vài người bạn của tôi về việc mua 1 bồn tắm đã cũ. Ai cũng gạt đi, bồn tắm là một trong những "món" cần sự sạch sẽ nhất sau ngày làm việc mệt nhoài. Người kỹ lưỡng thậm chí không bao giờ tắm bồn ở khách sạn. Gần như món đồ xài có chút relax này phải đảm bảo sự riêng tư và sạch tuyệt đối. Vậy chị Giang mua bồn tắm cũ làm gì?
Sau hồi nói tới nói lui, chị cho biết cần mua vài bồn. Một bồn trồng sen, bồn nữa trồng súng, và cuối cùng, thì để nuôi cá. Bồn sen và súng được chủ nhà bố trí phía sau nhà, nơi gần bếp cho có không gian thư giãn. Còn bồn nuôi cá thì sẽ được đưa lên trên sân thượng, nơi có nhiều thùng xốp đã được chuẩn bị trồng rau sạch khá chu đáo. Chị Giang tính nuôi cá rô đồng, giống cá này khỏe, dễ nuôi, cũng dễ ăn. Nhỏ thì có thể là rô bí chiên giòn. Lớn thì kho hoặc làm canh cải. Nghe chị nói, thấy cũng có sự dễ thương.
Nhà chị Giang là căn nhà phố nằm trong khu dân cư đã được quy hoạch. Cách nay 5 năm, chị Giang đã xây nhà cao ráo theo đúng chuẩn cho phép. Gần đây, căn nhà bắt đầu xuống cấp do không có kinh nghiệm lựa chọn vật liệu và nhóm thợ có tay nghề tốt, do vậy chị Giang đang sửa sang căn nhà với kiến trúc khác hơn. Mọi việc diễn ra rất tốt, những ý tưởng của chị lượm lặt từ nhiều nguồn, và cuối cùng được thống nhất bởi bộ lọc sáng tạo của 1 người bạn kiến trúc sư quen biết.
Cuối cùng thì chị Giang cũng mua được các bồn tắm cũ đúng như ý. Hai bồn đưa vào việc trồng sen và súng đã được sơn thành màu nâu đất, cho hạp với vị trí như mong muốn của chủ nhân. Riêng bồn tắm dành để nuôi cá thì không cần sơn gì cả, mang để trên sân thượng với bao nhiêu công sức của nhóm thợ. Chị Giang mua cá giống đổ vô, nuôi cá bằng cơm, thức ăn dư và rau muống. Có vẻ mọi sự rất ổn trong khoảng vài tuần đầu. Chủ nhà đang tính mua thêm bồn nữa, để nuôi cá điêu hồng. Cách nay chục bữa, do mưa gió quá lớn, nhà lại không có người ở nhà để đậy lại miếng che mưa cho bồn tắm nuôi cá, nước mưa tràn ra lôi theo lượng cá khá nhiều. Có vẻ như công cuộc nuôi cá tại gia phục vụ món ăn sạch gặp rất nhiều trở ngại. Chị Giang bắt đầu tính sang chuyện khác...
2. Cuối tuần, chị Giang nói phải đi gặp người chủ của xe kobe múc đất nên không thể đi cà phê cùng nhóm bạn, chúng tôi lại hiểu thêm về ý tưởng mới của chị.
Năm trước, chị Giang mua miếng đất ở ngoại ô rộng 1.000 m2 với giá 275 triệu đồng. Khi ấy, bạn bè hỏi sao không mua lớn hơn, trồng cây cũng cần diện tích lớn, nuôi gà nuôi vịt nuôi heo cũng cần có cây xanh che bóng mát. Đã mất công ra ngoại thành mua đất thì ráng chút xíu sẽ có cơ ngơi tốt sau này. Nhưng khổ chủ than rằng đã hết tiền rồi, chỉ đủ có chừng đó thì cứ mua chừng đó. Cũng không tính được quá xa.
Đến giờ, khi công cuộc nuôi cá trên sân thượng gặp nhiều khó khăn, chị Giang quyết định đào ao để nuôi cá và vịt xiêm. Ông chú bà con ở dưới quê được mời lên làm quản gia trông nom. Căn nhà mái dừa xây lên cũng đủ để che mưa che nắng. Xoài, mít được trồng, ao được đào, và vài sự chuẩn bị khác cho việc nuôi vịt xiêm cùng ngỗng đã đi vào ổn định.
Chị Giang bàn tính với anh xe kobe về độ sâu và chiều dài của ao sao cho hợp lý. Việc nước ra nước vô cũng được tính đến để đảm bảo ao luôn sạch sẽ. Bà chủ này đang rất hào hứng khi tính thời gian thu hoạch cá trong ao nhà. Cuộc sống có lẽ chỉ cần vậy thôi, cũng đủ để thấy dễ chịu và đáng sống.
Theo NTD
Củng cố niềm tin xuyên Đại Tây Dương Sự kiện Thượng viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo về một "sân chơi" bình đẳng xuyên Thái Bình Dương. Thượng viện Mỹ tán thành hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn. Nỗ lực của cả "hai phía", trong đó có giới...