Ở Vũng Tàu có đặc sản gì? Top 10 đặc sản nhất định phải thử khi ghé Vũng Tàu
Ăn gì ở Vũng Tàu? luôn là thắc mắc lớn nhất của du khách khi đặt chân đến nơi đây. Nếu bạn đang loay hoay tìm kiếm những đặc sản trứ danh tại Vũng Tàu thì hãy cùng đọc ngay bài viết này nhé!
Vũng Tàu được mệnh danh là một thiên đường “ăn – chơi” với rất nhiều địa điểm check-in nổi tiếng, cùng với đó là vô số những nơi ăn uống “ngon – bổ – rẻ”. Tuy nhiên, để chọn mặt gửi vàng vào những quán “đặc sản Vũng Tàu” đích thực thì quả là một điều khó khăn.
Vậy, bạn còn chần chờ gì nữa mà không tham khảo ngay danh sách những “đặc sản Vũng Tàu real” mà Bách hóa Xanh gợi ý ngay sau đây.
Lưu ý: Đây là danh sách những quán ăn, nhà hàng được tuyển chọn dựa trên trải nghiệm của thực khách, người dân địa phương và các đánh giá của các website uy tín như Google, Foody, Địa Điểm Ăn Uống,…
1Đặc sản mang về làm quà khi đến Vũng Tàu
Bánh bông lan là một trong những đặc sản có 1-0-2 mà bất kỳ du khách sành ăn nào cũng nên thử khi đến Vũng Tàu. Món ăn hấp dẫn này có nhiều loại nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bánh bông lan trứng muối phô mai và bánh bông lan trứng muối chà bông.
Ở Vũng Tàu, bánh bông lan được bày bán rất nhiều nơi từ các tiệm bánh cho đến những hàng ven đường với giá cả khá mềm. Ngoài ra, bánh bông lan ở các tiệm bánh có thể đóng hộp gói về và thường được du khách lựa chọn làm quà biếu cho gia đình, bạn bè như một cách check-in “rất Vũng Tàu”.
Một số nơi bán bánh bông lan trứng muốn ngon tại Vũng Tàu:
Bánh kẹp – Bánh bông lan trứng muối Góc Cột Điện: 17B Nguyễn Trường Tộ, P2, TP Vũng Tàu. Quán bánh bông lan trứng Ngọc Hiệp: 11 Đồ Chiểu , Tp. Vũng Tàu Bông Lan Trứng Muối – Lê Lai: 129 Lê Lai, P. 1, Tp. Vũng Tàu
Nước mắm Trí Hải đặc sản Vũng Tàu
Nước mắm Trí Hải đặc sản Vũng Tàu
Nhắc đến Bà Rịa-Vũng Tàu là nhắc đến Nước mắm Trí Hải. Thương hiệu có tuổi đời trên 25 năm này luôn là sự lựa chọn quà biếu hàng đầu có khách du lịch khi có dịp đến thăm thành phố Vũng Tàu.
Một trong những ưu thế níu chân khách của Trí Hải đến từ sự đa dạng của các dòng sản phẩm: từ “thiên đường” mắm ruốc, mắm tôm, mắm nêm,… đến “ thế giới” hải sản tươi sống, hải sản đông lạnh, hải sản một nắng,…Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến các loại nước mắm “danh bất hư truyền” đến từ thương hiệu này.
Địa chỉ: 1700 Võ Nguyên Giáp, P.12, Thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu
Điện thoại: 093 873 78 38
Mứt hạt bàng là một trong những đặc sản ở mảnh “đất địa linh nhân kiệt” Côn Đảo (Vũng Tàu). Mứt được làm bằng cách phơi khô trái bàng từ 4-5 nắng rồi tách đôi lấy hạt. Khâu tách hạt bàng là công đoạn kỳ công nhất. Nó đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ phải thật đều và nhẹ tay, nếu không hạt sẽ bị vỡ.
Để có được 1kg nhân hạt bàng, người làm mứt phải chẻ hết 1 bao trái bàng khô nặng khoảng 50kg. Đây cũng chính là nguyên nhân lý giải vì sao hạt bàng Côn Đảo lại có giá cao đến thế.
Mứt hạt bàng có hai loại, mặn và ngọt, tức là được rang với muối hay đường. Nhưng thông thường, loại rang muối là thơm ngon hơn cả do còn giữ được hương vị bùi bùi nguyên gốc của trái bàng tươi. Giá bán mứt hạt bàng khá cao, dao động từ 200.000-500.000/kg tùy mùa.
Bạn có thể tìm mua ở các chợ tại Vũng Tàu hoặc đến ngay Côn Đảo đều có bán mặt hàng này.
Cá Thu một nắng Côn Đảo
Video đang HOT
Đi du lịch Vũng Tàu, đặc biệt là Côn Đảo có lẽ sẽ là một thiếu sót lớn nếu du khách không chọn đặc sản cá thu một nắng để làm quà cho người thân, bạn bè. Cá thu một nắng vốn là món ăn quen thuộc trên mâm cơm của gia đình Việt bởi hương vị thơm ngon đặc trưng và hàm lượng dinh dưỡng cao mà nó mang lại.
Bên cạnh đó, từng vùng miền khác nhau cũng có những “bí kíp” riêng để chế biến và phơi cá. Theo đó, điều làm nên thương hiệu cá thu một nắng Côn Đảo không chỉ nằm ở nguyên liệu cá tươi ngon mà còn nằm ở “cái nắng gắt” ở Côn Đảo.
Công thức tổng quát nhất để có được những mẻ cá một nắng thơm ngon chính là: cá sau khi ngâm xong vớt ra để ráo nước rồi xếp lên vỉ tre hoặc vỉ lưới, sau đó mang đi phơi nắng. Đối với những ngày nắng to chỉ cần phơi 5-7 tiếng là bà con đã có thể thu được một mẻ cá thu một nắng thơm ngon.
Cá thu lúc này sẽ từ từ chuyển từ màu đỏ tươi sang màu xám, bề mặt da cá sẽ xuất hiện một lớp phấn trắng. Cá sau khi phơi đủ nắng sẽ được cho vào túi ép chân không, có thể bảo quản trong vòng một năm mà vẫn đảm bảo chất lượng thơm ngon.
Giá cả của cá thu một nắng nguyên con trên dưới 190.000/kg và cá thu một nắng lát dao động trong khoảng 220.000-300.000/kg.
Mực một nắng Vũng Tàu được biết đến như một trong những đặc sản được nhiều người ưa thích. Mực một nắng tại đây nổi tiếng bởi thịt mực dai ngon, dày và thơm. Theo kinh nghiệm của những “thổ địa” Vũng Tàu thì mực một nắng có rất nhiều loại như mực lá, mực nang,… Nhưng mực ống một nắng mới là loại ngon nhất. Cũng giống như những sản phẩm một nắng khác, mực sau khi được sơ chế thì chỉ được phơi duy nhất một lần vào ngày nắng to.
Để chọn mua được loại mực một nắng Vũng Tàu “xịn” bạn cần phải lưu ý một số đặc điểm sau:
Không quan trọng mực phải to nhưng thân mực phải thẳng và mình dày, bụng mực sẽ có màu trắng, lưng có màu hồng nhạt tự nhiên. Bên trong và ngoài tươi tắn, đều màu đặc biệt là chỗ khoang tiếp xúc giữa đầu và thân mực. Phần đầu mực phải gắn liền và chắc vào thân mực, râu còn nhiều có màu trắng hồng, thẳng.Mực ngon là khi nướng lên, xé nhỏ ra thịt bên màu hồng nhạt và dẻo, dai, không vụn, càng nhai càng ngọt.
Nếu nói tới đặc sản Vũng Tàu mà không nhắc đến lẩu cá đuối thì quả thật là một thiếu sót lớn. Lẩu cá đuối được làm từ nguyên liệu chính là cá đuối đại dương kết hợp với các loại rau củ tươi sạch.
Phần nước dùng ngọt có vị chua chua ngọt ngọt thường được ăn kèm với bún hoặc mì tùy sở thích. Đặc trưng của món lẩu cá đuối Vũng Tàu đó chính là phần thịt cá đuối. Do được đánh bắt ngay tại chỗ nên phần thịt cá còn giữ nguyên độ ngon ngọt, thớ thịt dai sừng sực và thơm lừng mùi hải sản tươi sống.
Một nồi lẩu cá giá chỉ từ 130.000 – 250.000 (tùy quán) cũng là một điểm cộng to đùng cho món ăn hấp dẫn này.
Bật mí nhỏ cho các bạn, bánh khọt không chỉ là đặc sản Vũng Tàu mà còn là một trong 12 món ăn Việt Nam được xác lập kỷ lục châu Á. Nhắc đến bánh khọt bạn sẽ nghĩ ngay đến một món ăn “nhỏ nhưng có võ”, nó vừa dân dã không quá cầu kỳ nhưng lại ăn rất chắc bụng. Nếu bạn là một tín đồ bánh khọt và đồ biển thì Vũng Tàu chính là sự lựa chọn sáng suốt để bạn thỏa mãn sở thích.
Bánh khọt Vũng Tàu là sự hòa quyện giữa phần vỏ bánh bằng bột gạo truyền thống và nhân thịt tôm. Bánh khọt ngon nhất là khi ăn với nước chấm được pha chế theo công thức riêng, ăn kèm với nộm đu đủ và rau sống các loại. Tất cả các hương vị kết hợp tạo nên đặc sản bánh khọt Vũng Tàu làm nao lòng biết bao du khách gần xa khi có dịp thưởng thức.
Giá bánh khọt dao động từ 30.000-110.000đ tùy vào quán và khẩu phần ăn.
Ốc Vú Nàng
Vũng Tàu là một trong những ngư trường đánh bắt lớn của cả nước, do đó nơi đây bất cứ khi nào cũng đầy ắp cá tôm và hải sản. Trong đó, có một loại ốc mà chỉ cần nghe tên bạn đã có thể hình dung ra hình dạng, đó chính là ốc Vú Nàng. Đây cũng chính là một đặc sản quý hiếm ở biển Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Loài ốc này có thể chế biến thành vô số món ăn ngon miệng như: luộc, hấp, xào tỏi, xào me, nướng,… nhưng ngon nhất vẫn là Ốc Vú Nàng luộc bởi sau khi luộc xong ốc vẫn giữ nguyên được độ tươi ngon và mùi hương vốn có của nó. Người dân Côn Đảo vẫn truyền miệng câu thơ sau như bày tỏ sự tự hào khi nói đến loại ốc đặc sản quý hiếm này:
“Ai qua đất Thắm, Bãi Bàng
Hỏi thăm Ông Đụng, Vú nàng lớn chưa?”
Nếu bạn định du lịch Long Hải thì đừng bỏ qua món ăn cực ngon và độc đáo: tiết canh tôm hùm. Đây là món ăn đặc sản “trứ danh” mà chỉ có tại Vũng Tàu. Theo như những chia sẻ của người dân tại đây, để làm được món ăn này, thì phải chọn loại tôm rồng mới cho ra được thành phẩm tiết canh đúng điệu nhất.
Lý do là vì, so với sáu loại tôm hùm khác, tôm rồng cho ra “tiết canh” nhiều nhất, hương vị cũng thơm ngon, đặc biệt nhất. Tiết canh tôm hùm không phải màu đỏ mà là màu trắng, hương vị mặn ngọt kết hợp, thường ăn kèm với khế chua, bánh tráng và rau diếp cá.
Theo như nhiều “thổ địa” tại Vũng Tàu chia sẻ, nếu đã đến Vũng Tàu mà chưa thưởng thức món gỏi cá Mai thì xem như chuyến đi du hí chưa được trọn vẹn. Gỏi cá Mai là món ăn đặc sản đã có từ lâu đời của ngư dân vùng biển Vũng Tàu.
Để có được một dĩa gỏi cá Mai thơm ngon đúng chuẩn, trước hết phải chọn được cá Mai tươi, sau đó rửa sạch rút xương rồi ướp cá với giấm, tỏi, ớt; cuối cùng là trộn cá với thính cho thơm. Nhưng yếu tố quyết định của gỏi lại nằm ở phần nước chấm. Bí quyết nước chấm gỏi ở Vũng Tàu chính là: nước chấm được nấu bằng chính xương cá Mai kết hợp với mè, đậu phộng rang và các loại gia vị truyền thống khác, đảm bảo “không đụng hàng”.
Trên đây là top những đặc sản Vũng Tàu mà bạn không thể bỏ qua khi đến thăm thành phố biển xinh đẹp này. Hy vọng với những chia sẻ của Bách hóa Xanh đã giúp du khách bổ sung thêm nhiều kiến thức về ẩm thực Vũng Tàu cũng như có những kinh nghiệm cần thiết để tha hồ khám phố những món ăn khó cưỡng tại đây.
Hãy cùng theo dõi Bách hóa XANH để cập nhật kinh nghiệm du lịch Vũng Tàu nữa nhé! Đừng ngần ngại chia sẻ những thông tin bổ ích này đế bạn bè và người thân nhé!
Đến Vũng Tàu qua món bánh khọt làm tại nhà
Bánh khọt - nghe tên có vẻ kì lạ nhưng thực ra là một món bánh dân dã, bình dị, quen thuộc của các vùng miền Trung. Đặc biệt là bánh khọt ở Vũng Tàu, đây là món đặc sản nức tiếng, làm nhiều thực khách say mê bởi hương vị hấp dẫn, thơm ngon và béo ngậy.
Với hình dạng đặc trưng hình tròn, vỏ bánh không quá dày cũng không quá mỏng, được rán vàng rụm, nhân bên trong nào tôm, nào mực, bánh khọt là món đặc sản không thể không thử mỗi khi tới thành phố biển Vũng Tàu. Ăn kèm với chút gỏi xoài, đu đủ thái sợi, chấm vào bát nước mắm chua chua ngọt ngọt, tất cả tạo nên một tổng thể hoàn hảo đến bất ngờ.
Bánh khọt - món đặc sản không thể không thử khi đến Vũng Tàu.
Hôm nay, hãy cùng vào bếp cùng Wanderlust Tips làm món bánh khọt Vũng Tàu nhé.
1. Nguyên liệu
Bột bánh khọt 200gr
Nước cốt dừa 400 ml
Tôm thẻ 300 gr
Mực 300 gr
Nước cốt chanh 2 muỗng cà phê
Hành lá 50 gr (cắt nhỏ)
Tỏi băm 2 muỗng cà phê
Rau thơm 1 ít
Ớt băm
Nước mắm 2 muỗng canh
Đường 4 muỗng cà phê
Dầu ăn 1 ít
Vì cần sử dụng những nguyên liệu như tôm, mực, rau thơm... các bạn hãy lưu ý khi đi chọn mua nguyên liệu sao cho thật tươi nhé. Có như vậy món bánh khọt mới đạt được độ ngon nhất.
2. Cách làm
Bước 1 : Sơ chế Tôm Mực
Mực mua về, rút lấy phần đầu mực, rút bỏ nhẹ nhàng phần túi mực để tránh làm vỡ túi, xương sống, rửa thật sạch dưới vòi nước nếu làm vỡ túi mực. Cắt bỏ phần mắt mực và khối tròn cứng ở giữ đầu mực hay còn được gọi là răng mực. Sau đó rửa lại với nước sạch rồi cắt khoanh.
Tôm mua về lột vỏ, rút chỉ, bỏ đuôi rồi lấy thịt, sau đó xé nhỏ thịt.
Sơ chế tôm mực để làm bánh khọt.
Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn, phi thơm hành và cho 1/2 phần tôm và mực vào xào sơ. Phần tôm và mực còn lại luộc chín, giã thật nhuyễn. Làm nóng chảo trên bếp, cho tôm và mực đã giã nhuyễn vào, để cháy đều đến khi chúng mịn và khô rang là được.
Bước 2: Các loại rau
Hành lá xắt nhỏ, đảo qua với chút mỡ để dậy mùi thơm. Phần hành lá này sẽ được dùng để cho lên phần tôm và mực cũng như mặt bánh khọt .
Các loại rau củ quả ăn kèm như xoài, đu đủ bào thành sợi nhỏ, rau thơm rửa sạch. Tất cả các loại rau bày lên đĩa riêng.
Các loại rau củ quả ăn kèm bánh khọt để riêng trên đĩa.
Bước 3 : Pha bột bánh khọt
Trộn bột bánh khọt với 400ml nước cốt dừa, 50gr hành lá cắt nhỏ, nêm một chút muối, bột nêm sao cho vừa với khẩu vị, sau đó khuấy đều. Để ngâm bột khoảng 10 phút sau đó cho bột nghệ và hành lá vào, tiếp tục khuấy.
Hỗn hợp bột bánh khọt vàng óng sau khi trộn các nguyên liệu vào.
Bước 4: Đổ bánh và chuẩn bị nước chấm
Đây là bước cuối cùng trong các công đoạn làm món bánh khọt Vũng Tàu.
Bắc khuôn bánh lên bếp, để lửa vừa phải. Chờ khuôn nóng, phết dầu đều lên các khuôn nhỏ. Múc bột đổ vào 2/3 khuôn, đậy nắp khoảng 30 giây cho bánh hơi chín thì cho tôm và mực lên mặt bánh.
Đậy nắp và canh cho bánh vàng giòn (khoảng 1 phút), dùng đũa dài, muỗng nhỏ lấy bánh ra rồi cho chút hành mỡ và tôm cháy lên trên.
Công đoạn này vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận quan sát từ người làm. Nếu để quá lửa, hay quá thời gian, chiếc bánh có thể bị cháy, hoặc nếu đổ bột bánh quá tay ra ngoài khuôn, chúng ta cũng sẽ gặp phải những rắc rối không đáng có với căn bếp của mình.
Công đoạn đổ bánh khọt vào khuôn.
Với nước chấm của món bánh khọt , cũng tương tự như bánh xèo, nêm nếm các gia vị: nước mắm, hạt nêm, dấm, một chút tỏi và ớt, thêm chút sợi xoài và đu đủ vào. Hỗn hợp nước chấm này sẽ được chế biến với lượng các gia vị, nguyên liệu tùy theo khẩu vị mỗi người, mỗi nhà.
Vậy là chúng ta đã hoàn thành món bánh khọt nức tiếng Vũng Tàu rồi. Lấy một lá cải xanh, một lá xà lách, bên trên là các loại rau như diếp cá, đu đủ thái sợi, húng thơm... gắp một cái bánh khọt cho lên trên, cuốn tròn lại chấm vào nước chấm. Cắn miếng bánh vàng ươm, cảm nhận hương vị bột gạo nguyên chất, thấy cái béo ngậy của dầu mỡ thấm lên vỏ bánh, mùi hành lá, vị đậm đà của tôm mực, vị chua chua của gỏi đu đủ và mùi thơm quyến rũ của nước chấm...
Đây là món ăn cực kì phù hợp cho những ngày cuối tuần họp mặt gia đình. Hãy cùng bắt tay vào làm ngay thôi nào!
5 quán bánh khọt ngon ở Sài Gòn rất đáng để thử Bánh khọt là món ăn nổi tiếng ở Vũng Tàu nhưng không cần phải ra tận Vũng Tàu để ăn bánh khọt nữa vì đã có 5 quán bánh khọt ngon ở Sài Gòn rất đáng thử sau đây. Bánh khọt là loại bánh đặc trưng của miền Nam Việt Nam rất được yêu thích. Dân sành ăn Sài Gòn cũng cố gắng...