Ô tô được chạy vượt tốc độ tối đa trên đường cao tốc?
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang nghiên cứu sửa Thông tư 13 để trong điều kiện đảm bảo an toàn giao thông, ô tô sẽ được phép chạy vượt tốc độ tối đa từ 10-20% mà không bị xử phạt, trong khi mức phí đường cao tốc vẫn được giữ nguyên.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã trao đổi như vậy khi PV Dân trí đề cập đến vận tốc xe lưu thông trên đường cao tốc và mức phí áp thu hiện nay liệu có phù hợp.
Hiện nay các tuyến đường cao tốc đang triển khai đều là đường thiết kế tốc độ từ 80km – 120km/h. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, về mặt lý thuyết thì tốc độ thiết kế là tốc độ thấp nhất mà ở những đoạn khó khăn nhất phương tiện có thể đi qua được, còn những chỗ khác thì xe có thể chạy với tốc độ cao hơn; nhưng về thực tế, do yếu tố môi trường, ý thức giao thông, yếu tố kỹ thuật… nên đưa ra tốc độ giới hạn cho phép xe chạy để đảm bảo an toàn giao thông.
“Việc chạy tốc độ cao hơn thì Bộ GTVT đang nghiên cứu, đang sửa Thông tư 13 để trong điều kiện đường tốt, xe tốt, đảm bảo an toàn giao thông thì có thể cho phép xe lưu thông vượt tốc độ thiết kế từ 10-20% mà không xử phạt, tức là đoạn đường cao tốc có vận tốc thiết kế là 100km/h nhưng đảm bảo điều kiện an toàn thì xe chạy vượt tốc độ lên 120km/h” – Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay.
Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai
Trên thực tế, khi phương tiện được lưu thông với vận tốc thiết kế tối đa thì sẽ phát huy được tối đa hiệu quả đầu tư. Bởi vậy, nghiên cứu nâng vận tốc chạy xe trên cao tốc của Bộ GTVT được cho là điều kiện tốt để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế khi thác thác đường cao tốc.
Hiện tại, các tuyến cao tốc đang được khai thác đúng với vận tốc thiết kế là cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đang khai thác là 120km/h và cao tốc Nội Bài – Lào Cai với vận tốc tối đa 100km/h. Với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, vận tốc thiết kế là 120km/h nhưng hiện mới chỉ khai thác được với vận tốc 100km/h, lí do là việc xử lý nền đất yếu chưa xong, giải phóng mặt bằng chậm, đường vẫn đang chờ bù lún… Theo Tổng Công ty Đầu tư phát triểnđường cao tốc Việt Nam (VEC), tới đây sau khi những vấn đề kỹ thuật ổn định và đủ điều kiện thì VEC sẽ làm lớp tạo nhám để đưa vận tốc của tuyến cao tốc này lên 120km/h.
Người dân có thiệt khi bỏ tiền “mua” đường cao tốc?
Mức phí đang áp thu trên các tuyến cao tốc hiện nay là một vấn đề đáng quan tâm, nhiều ý kiến cho rằng khi vận tốc thiết kế là 120km/h mà vận tốc xe chạy thực tế giới hạn 100km/h thì liệu người tham gia giao thông có bị thiệt khi bỏ tiền ra “mua” đường?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Quan điểm của Bộ GTVT về thu phí đường cao tốc là không phải xe chạy với tốc độ tối đa cho phép thì mới được thu mức phí đó, vấn đề chính ở đây là đảm bảo được tốc độ và đảm bảo an toàn, thời gian đi lại. Phí được áp dụng tính cho cao tốc loại A, loại B hay cao tốc loại thường. Hiện nay Bộ đang xây dựng các tuyến cao tốc đều là cao tốc loại A nên mức thu phí giống nhau”.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, mức phí áp thu hiện nay nằm trong khung đã quy định của Bộ Tài chính và đảm bảo đạt tiêu chuẩn về vận tốc cao tốc, trong đó khung áp dụng với từng loại cụ thể: từ 80 – 100km/h và từ 100 – 120km/h. Người dân hoàn toàn không bị thiệt với mức phí đang áp dụng thu trên các tuyến cao tốc, trường hợp nâng vận tốc chạy xe vượt tốc độ thiết kế thì mức phí áp thu vẫn được đảm bảo trong khung quy định.
Video đang HOT
“Mức phí trên đường cao tốc tính theo cây số, áp dụng từ 1.000 – 1.500 đồng/km. Còn mức phí áp dụng trên những tuyến đường thường được tính theo xe tiêu chuẩn là khoảng 30.000 đồng cho 70km đường, tức là mức phí bằng 1/2 đường cao tốc nhưng hiệu quả thấp hơn đường cao tốc” – Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thông tin.
Mức phí thu đối với đường cao tốc hiện nay là 1.500 đồng/km
Trong khi đó, chủ đầu tư của nhiều tuyến đường cao tốc hiện nay tại Việt Nam là Tổng Công ty Đầu tư phát triểnđường cao tốc Việt Nam (VEC)cũng đưa ra những giải thích cụ thể về phương án phí thu trên cao tốc.
Ông Mai Tuấn Anh – Tổng Giám đốc VEC – cho biết, phương án phí dựa theo các căn cứ cụ thể về phương án tài chính, dự báo lưu lượng xe, phí đầu tư và thời gian hoàn vốn, hông sử dụng tiêu chí vận tốc để xây dựng phương án phí trên cao tốc. Phí đường cao tốc tính theo km và các mức được lấy từ cao xuống thấp để áp dụng phù hợp với từng loại xe.
“Song song với các tuyến đường cao tốc hiện nay đều có các tuyến quốc lộ, vậy nên mức phí trên đường cao tốc được tính toán làm sao thu hút được người tham gia giao thông. Người tham gia giao thông có quyền lựa chọn hoặc đi cao tốc phải nộp phí hoặc đi các tuyến đường quốc lộ cũ và không phải nộp phí. Phương án này được thực hiện đúng theo cơ chế thị trường” – ông Mai Tuấn Anh giải thích.
Khẳng định đường cao tốc rất hấp dẫn và được người tham gia giao thông lựa chọn, ông Mai Tuấn Anh dẫn chứng cụ thể về tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình. Song song với tuyến này là tuyến Quốc lộ 1 mở rộng với 4 làn xe và không thu phí, nhưng người tham gia giao thông vẫn chọn nộp phí để đi cao tốc.
Sản lượng khai thác trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình cao, tốc độ tăng trưởng rất tốt, vì đi dường cao tốc an toàn hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm được thời gian, theo tính toán hiệu quả kinh tế cao hơn 10-15% so với đường ngoài cao tốc. Với cao tốc Nội Bài – Lào Cai dài 245km, chỉ tính riêng về chi phí vận tải trên tuyến cho thấy tiết kiệm được 1.800 tỷ đồng/năm, so với tuyến đường song song thì hiệu quả kinh tế cao hơn 30%.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Những vụ tai tiếng bậc nhất của Keangnam tại Việt Nam
Sau gần 8 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc "dính" phải một số tai tiếng liên quan tới chuyển giá, kiện tụng...
Sau khi dính phải nghi vấn tham nhũng, Tập đoàn xây dựng Keangnam của Hàn Quốc mới đây đã chính thức bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Hàn Quốc làm dấy lên lo ngại khối bất động sản do hãng này phụ trách ở nước ngoài, trong đó bao gồm cả Việt Nam sẽ rơi vào nguy cơ đổ vỡ.
Tại Việt Nam, Tập đoàn này được biết đến là chủ đầu tư tòa tháp Keangnam Hanoi Landmark Tower. Đồng thời, là chủ thầu của gói thầu xây lắp A4 và A5 thuộc dự án Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tham gia dự án "Thu gom, xử lý nước thải thành phố Việt Trì" giá trị hàng chục triệu USD tại Việt Trì, Phú Thọ.
Keangnam vào Việt Nam từ tháng 7/2007, tham gia vào một số dự án trọng điểm trong nước và được hưởng khá nhiều ưu đãi từ phía Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động tại đây, điểm lại có thể thấy vị đại gia xứ Hàn này đã vướng phải không ít tai tiếng.
Đường cao tốc vừa xong đã nứt, lún
Sau khi thông xe được 2 ngày, cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã xảy ra lún nứt tại Km83 với chiều dài 73m, thuộc gói thầu do Keangnam thực hiện.
Nội Bài - Lào Cai là dự án đường cao tốc dài nhất Việt Nam với 245km. Dự án có 8 gói thầu xây lắp, trong đó Keangnam là chủ thầu của gói thầu xây lắp A4 và A5 (đoạn qua tỉnh Phú Thọ và Yên Bái) thuộc dự án Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Trong thời gian thi công, gói thầu A4 và A5 từng chậm tiến độ và phải gia hạn nhiều lần phần nào ảnh hưởng tới việc đưa vào khai thác đồng bộ toàn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Vì nguyên nhân này, có thời điểm Bộ trưởng Đinh La Thăng phải yêu cầu đại diện chủ đầu tư Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phải chấm dứt hợp đồng và tịch thu bảo lãnh hợp đồng đối với nhà thầu Keangnam. Tuy nhiên sau đó, Keangnam đã kịp thời xử lý nên hợp đồng đối với Keangnam vẫn được duy trì.
Sau khi thông xe được 2 ngày, cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã xảy ra lún nứt tại Km83 với chiều dài 73m, thuộc gói thầu A4. Mặc dù vị trí vết nứt mặt đường tại km83 là một trong 10 đoạn xung yếu trên toàn tuyến, nhưng vết nứt ương đối lớn được cho là bất thường. Keangnam đã lên tiếng nhận trách nhiệm về sự cố lún nứt trên cao tốc dài nhất Việt Nam này, đồng thời cam kết sử dụng nguồn lực tài chính của Tập đoàn để khắc phục, sửa chữa dứt điểm sự cố.
Ngoài dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Keangnam còn tham gia dự án hệ thống thu gom, xử lý nước thải thành phố Việt Trì được khởi động từ năm 2009, trị giá hơn 41 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Hàn Quốc gần 33 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh. Dự án được xây dựng tại phường Minh Nông và Dữu Lâu của TP Việt Trì với diện tích gần 10 ha. Trong đó, trạm xử lý đặt tại phường Minh Nông với công suất xử lý đạt 15.000 m3 ngày/đêm.
Nghi án chuyển giá "khủng"
Keangnam Vina từng bị buộc phải thừa nhận vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng.
Trong hơn 5 năm đầu tư vào Việt Nam từ 2007 - 2011, Keangnam Vina (công ty 100% vốn Hàn Quốc của Keangnam) liên tục báo lỗ vài chục tỷ mỗi năm. Năm 2011, dù bắt đầu có doanh thu từ dự án Landmark Tower nhưng vị đại gia ngoại này vẫn tiếp tục báo lỗ tới 140 tỷ đồng. Do khai báo lỗ liên tiếp nên sau nhiều năm hoạt động tại Việt Nam, Keangnam Vina vẫn chưa đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, ngoại trừ đóng thuế VAT, thuế sử dụng đất không đáng kể.
Tuy nhiên, bất ngờ vào năm 2013, Keangnam Vina đã bị Tổng cục Thuế phanh phui làm rõ và buộc phải thừa nhận vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng. Kết luận tại thời điểm đó, Cục thuế Hà Nội yêu cầu Keangnam Vina phải nộp 95,2 tỷ đồng truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp cho mảng kinh doanh bán căn hộ.
Đặc biệt, khi kế hoạch thanh tra giá chuyển nhượng tại Keangnam Vina được duyệt, đại gia xứ Hàn này đã có những bước đi để đối phó. Mức lãi suất của khoản vay 400 triệu USD mà Keangnam-Vina vay từ ngân hàng Kookmin Bank (Hàn Quốc), cũng là một người anh em trong cùng tập đoàn ban đầu được kê khai tới 12%/năm, gấp đôi cả mức lãi suất vay USD của các ngân hàng Việt Nam thời điểm đó, khiến tổng mức chi trả cho lãi vay lên tới 2.030 tỷ đồng. Nhưng ngay trước thời điểm đoàn thanh tra thuế đến làm việc, khoản vay này đã được chủ đầu tư tự hạ khai hạ thấp lãi suất xuống còn 5-7%.
Liên tiếp tai tiếng tại tòa nhà cao nhất Việt Nam
Keangnam Hanoi Landmark Tower được mệnh danh là tòa nhà chọc trời tại Việt Nam.
Tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower cao 72 tầng được biết đến là tòa nhà hiện đại cao nhất việt Nam và đứng thứ 5 thế giới về tổng diện tích của một công trình kiến trúc đơn lẻ. Năm 2008, bắt đúng đỉnh của cơn sốt bất động sản Việt Nam, giá căn hộ tại đây được rao bán ở mức cao kỷ lục khoảng 3.000 USD/m2, đẩy giá căn hộ lên tới 7-8 tỷ đồng/căn.
Keangnam Landmark cũng là dự án vướng phải khá nhiều kiện tụng do phí chung cư quá đắt đỏ. Năm 2012, chủ đầu tư này còn dọa cắt điện, cắt thang máy của cư dân, rồi tuyên bố sẽ trả lại tòa nhà cho TP Hà Nội vì... lỗ, phí chung cư không đủ trang trải phí vận hành tòa nhà. Chủ đầu tư này cũng từng bị phạt do thanh toán căn hộ bằng ngoại tệ, phải hầu tòa do khách hàng kiện tính gian diện tích...
Mới đầu năm nay, tại tòa nhà này lại chứng kiến một sự kiện khá hy hữu khi một thương hiệu bán lẻ hạng sang ngoại có mặt tại Việt Nam từ lâu là Parkson đột ngột tuyên bố đóng cửa trung tâm mua sắm lớn nhất của mình tại Hà Nội với nguyên nhân là làm ăn thua lỗ và còn nhiều khúc mắc với phía Keangnam Hanoi Landmark 72.
Phương Dung
Theo Dantri
Khởi công KCN ưu tiên phát triển gần đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai Sáng 26/2, tại Phú Thọ đã diễn ra Lễ khởi công khu công nghiệp (KCN) Phú Hà. Đây là KCN có lợi thế lớn về giao thông, giá đất, nhân lực được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục các KCN ưu tiên phát triển với tổng mức đầu tư xây dựng trên 1.730 tỷ đồng. KCN Phú Hà giai đoạn I...