Ô tô bị nổ lốp trên đường cao tốc: Nguyên nhân và cách phòng tránh
Ô tô bị nổ lốp sẽ rất chao đảo, dễ khiến tài xế hốt hoảng mà xử lý theo phản xạ, có thể dẫn tới tình huống xe bị lật hoặc mất lái, tông vào dải phân cách, va chạm với các phương tiện khác.
Chiếc xe chở Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình bị nổ lốp khi đang chạy trên đường cao tốc TPHCM – Trung Lương vào sáng 29/3.
Cách xử lý khi ô tô bị nổ lốp
Khi nghe tiếng xe nổ lốp và xe bắt đầu chao đảo, hầu hết tài xế sẽ cảm thấy hoảng hốt và lo sợ, rồi thường lập tức có phản xạ đạp phanh, hoặc đánh lái về phía ngược lại với hướng xe đang bị nghiêng. Tuy nhiên, việc này vô tình sẽ khiến cho tình trạng mất cân bằng của xe trở nên trầm trọng hơn, dẫn tới tình huống lật xe hoặc mất lái.
Dù biết là rất khó, nhưng trước tiên, tài xế cần nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, cố gắng không đạp phanh gấp, mà chỉ từ từ nhả chân ga, rồi dùng hết sức để giữ thẳng vô-lăng. Hãy nhớ rằng khi thấy ô tô bị mất cân bằng, các hệ thống an toàn như cân bằng điện tử (ESP) hay phân phối lực phanh điện tử (EBD) sẽ lập tức “vào cuộc”, nên thêm những thao tác hoảng loạn của bạn có thể khiến bộ điều khiển trung tâm (ECU) bị “rối”.
Sau khi đã giữ được vô lăng và hướng cho xe chạy thẳng, hãy từ từ rà phanh để giảm tốc độ, rồi tấp xe vào lề đường. Hãy nhớ bật đèn khẩn cấp để cảnh báo cho các phương tiện khác.
Những sai lầm dễ mắc
Khi xe ô tô bị nổ lốp, phản xạ cơ bản của con người là hoảng hốt, cuống, dễ dẫn tới cách xử lý sai lầm, khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Sai lầm đầu tiên tài xế dễ mắc phải khi ô tô nổ lốp đột ngột là đạp phanh gấp để xe dừng lại càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, điều này rất nguy hiểm, nhất là khi ô tô đang chạy tốc độ cao, vì phanh gấp dễ khiến xe bị nghiêng, mất trọng tâm dẫn đến bị lật, đặc biệt là với các dòng xe gầm cao như SUV và crossover. Phanh gấp khi ô tô bị nổ lốp cũng có thể khiến các bánh xe còn lại mất độ bám đường, dẫn đến mất lái.
Sai lầm thứ hai là tài xế thường có phản xạ đánh lái mạnh theo hướng ngược lại chiều nghiêng của xe. Việc này sẽ chỉ khiến xe càng thêm chao đảo.
Sai lầm thứ ba thường gặp là buông chân ga đột ngột, vì nhiều người cho rằng làm như vậy sẽ khiến xe chạy chậm lại. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tài xế nhả chân ga đột ngột có thể khiến xe bị mất kiểm soát. Thay vào đó, việc bạn giữ chân ga rồi giảm từ từ kết hợp rà phanh sẽ hiệu quả hơn.
Chiếc Nissan GT-R bị nổ lốp khi đang chạy ở tốc độ hơn 320 km/h, và tài xế đã có một tình huống xử lý bình tĩnh và chuẩn xác để chiếc xe không bị lật (Nguồn video: Youtube).
Nguyên nhân ô tô bị nổ lốp khi đang chạy
Video đang HOT
Lốp non hơi hoặc quá căng
Khi bị thiếu hơi, lốp xe sẽ phải chịu áp lực lớn hơn. Bên cạnh đó, bề mặt tiếp xúc của lốp với mặt đường lớn hơn, khiến lốp sinh nhiệt cao, cộng thêm ma sát với mặt đường sẽ dẫn tới tình trạng quá nhiệt và nổ.
Ngược lại, nếu lốp quá căng cũng dễ bị nổ, nhất là khi bị có va đập đột ngột, như khi xe đi trên đường xóc, sa “ổ gà”…
Bị vật sắc nhọn đâm, va đập đột ngột
Nguyên nhân nổ lốp thường gặp nhất là bị các vật sắc nhọn như đinh, đá, miếng kim loại… đâm vào. Việc này có thể chỉ khiến lốp xe bị thủng nhưng cũng có thể dẫn tới nổ lốp, đặc biệt là khi xe đang chạy tốc độ cao.
Tình huống lốp bị va đập đột ngột, đập mạnh vào “ổ gà” hay các gờ sắc nhọn cũng dễ xảy ra khi xe đang chạy tốc độ cao.
Nguyên nhân nổ lốp thường gặp nhất là bị các vật sắc nhọn như đinh, đá, miếng kim loại… đâm vào (Ảnh: Adobe Stock).
Lốp cũ, bị mòn nhiều
Thời gian sử dụng trung bình của lốp ô tô là 5 năm kể từ ngày sản xuất, tương đương 50.000km. Nếu xe đi ít, sau 5 năm lốp chưa mòn nhiều, vẫn dùng được thì chủ xe nên kiểm tra lốp tối thiểu mỗi năm một lần và thời gian sử dụng không nên quá 10 năm. Thời gian sản xuất có ở trên thành lốp.
Lốp ô tô quá cũ hoặc bị mòn nhiều thường có bề mặt rạn nứt, sợi cao su/sợi bố có dấu hiệu bị tách ra, vỏ lốp mỏng hơn, khả năng chịu áp lực giảm.
Trên lốp xuất hiện những chỗ phồng, bị bong tróc, hay có các vết cắt, nứt… cũng là những dấu hiệu không nên bỏ qua, để phòng nguy cơ nổ lốp xe khi đang chạy trên đường.
Dùng lốp không đúng thiết kế
Đây là lý do ít được nhắc đến nhưng cũng khá phổ biến. Các chủ xe thể thao thường thích thay bộ mâm nguyên bản của nhà sản xuất bằng loại có kích thước lớn hơn, đồng nghĩa với việc phải dùng bộ lốp có thành mỏng hơn. Khi va vào các gờ nhỏ hoặc cạnh đá sắc bén, sa ổ gà khi xe đang chạy tốc độ cao, loại lốp thành mỏng rất dễ bị nổ.
Chở quá tải trọng
Việc này nguy hiểm tương tự dùng lốp thành quá mỏng, vì cả lốp và xe ô tô đều được thiết kế với khả năng chịu tải nhất định. Nếu xe chở quá tải trọng, lốp sẽ phải chịu áp lực cao, dễ phát nổ.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác, như xe ôm cua gấp khi đang chạy tốc độ cao, khiến lốp bị bẻ ngang và chịu tải đè nặng, hoặc chất lượng mặt đường kém, độ nhám cao, tạo ma sát, sinh nhiệt lớn.
Cách phòng tránh nguy cơ nổ lốp khi xe đang chạy
Loại bỏ các nguyên nhân nêu trên chính là cách phòng tránh nguy cơ ô tô bị nổ lốp khi đang chạy.
Kiểm tra lốp định kỳ, bơm lốp đúng áp suất tiêu chuẩn
Việc kiểm tra, bảo dưỡng, đảo lốp định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm và loại bỏ các yếu tố dẫn tới nguy cơ nổ lốp. Ngoài ra, việc thường xuyên theo dõi áp suất lốp sẽ giúp ích. Việc sử dụng lốp đã bị đinh đâm nhiều lần cũng tiềm ẩn nguy cơ cao.
Bơm lốp bằng khí nitơ
Khí nitơ có ưu điểm là khả năng truyền dẫn tiếng ồn thấp hơn nên tạo độ êm ái cho xe, giảm sinh nhiệt ở lốp khi chạy tốc độ cao. Đó là lý do vì sao một số chuyên gia khuyên chọn bơm lốp bằng nitơ, nhất là với các xe thường xuyên chạy trên đường cao tốc.
Lốp không săm thường ít bị nổ lốp hơn lốp thường, vì khi bị chém, cắt, hay va đập đột ngột, loại lốp này thường sẽ xuống hơi từ từ.
Nói “Không” với lốp tân trang
Nhằm kiếm lợi, nhiều đối tượng tiến hành tái chế, tân trang lốp ô tô cũ bằng cách đắp thêm cao su hoặc khoét rãnh vân hoa (cắt gai) rồi đánh bóng, sơn đen để bán ra thị trường. Vì sự an toàn của bản thân, chủ xe nên tránh xa loại lốp này. Khi thay lốp, hãy kiểm tra kỹ thời gian sản xuất ở trên thành lốp để không dính phải lốp tân trang ép số.
Lốp đủ tiêu chuẩn có vân hoa sắc nét, đều nhau vì được vẽ bằng máy, còn lốp tân trang thường có vân hoa không đều nhau vì được ủi lại bằng tay (Ảnh: Standard).
Nếu lắp 1 đôi thì ưu tiên lốp trước hay lốp sau?
Dù 4 chiếc lốp xe cùng chịu trọng tải của ô tô nhưng độ ma sát của các lốp không giống nhau do việc phân bố trọng lượng của xe, do vậy sẽ có lốp mòn nhiều và lốp mòn ít. Để giảm bớt sự chênh lệch này và bảo đảm có mức mài mòn tương đối giống nhau trong quá trình sử dụng thì bạn phải đảo lốp và cân bằng động chiếc xe định kỳ, thường sau khoảng 1 vạn km bạn nên mang xe đi kiểm tra, cân bằng động và đảo lốp nếu cần.
Nguyên tắc quan trọng nhất trong việc đảo lốp là đảo vị trí của lốp mòn nhiều nhất cho lốp mòn ít nhất. Tùy từng loại lốp mà nhà sản xuất khuyến cáo người sử dụng đảo lốp sau khoảng 8.000-10.000 km.
Khi thay lốp, tốt nhất là thay cả 4 quả. Tuy nhiên nếu điều kiện chỉ có thể thay một đôi, thì lắp đằng hay đằng sau quan trọng hơn? Chắc hẳn sẽ rất nhiều người nói là thay vào phía trước, bởi đó là bánh dẫn lái, và truyền lực (đại đa số xe du lịch tại Việt nam có dẫn động cầu trước).
Trên thực tế, theo những cảnh báo từ các chuyên gia của hãng lốp Michelin, việc lắp lốp mới đằng sau sẽ giúp bạn điều khiển xe tốt hơn khi phanh gấp hoặc vào cua gấp, giảm nguy cơ mất lái, đặc biệt là trên những đường trơn trượt, điều này sẽ giúp xe bám đường tốt hơn…
Kinh nghiệm xử lý khi gặp xe phía trước phanh gấp trên đường cao tốc
Dù trong đô thị hay cao tốc thì việc xe trước đột ngột phanh gấp hâu hết cũng có thể gây nên những vụ va chạm, thậm chí dẫn đến tai nạn nghiêm trọng.
Việc lái xe trên đường cao tốc mới thể hiện được khả năng vận hành thực sự của chiếc xe. Tài xế sẽ ít bị ngăn cản bởi đèn giao thông hoặc tắc đường. Cũng chính bởi vậy đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều khả năng xảy ra va chạm do không làm chủ tốc độ.
Một trong số đó là những vụ va chạm từ phía sau, hậu quả để lại thật khó lường. Tài xế cần chuẩn bị một số kĩ năng cần thiết để xử lý, ngăn chặn và hạn chế tối đa thiệt hại của những lần va chạm này.
Trong trường hợp tốc độ xe không nhanh lắm, tài xế có thể kịp thời kiểm soát tốc độ và quan sát thấy không có xe phía sau gương chiếu hậu, thì hãy bật xi nhan và sau đó chuyển làn càng sớm càng tốt nếu thấy an toàn.
Việc lái xe trên đường cao tốc mới thể hiện được khả năng vận hành thực sự của chiếc xe
Như vậy, tài xế có thể ngăn chặn xe mình va chạm với xe phía trước. Sau khi xe đã dừng lại an toàn, hãy cắm biển cảnh báo ở phía sau đuôi xe ở một khoảng cách nhất định để nhắc nhở các phương tiện phía sau.
Trường hợp tốc độ xe đang cao, hãy đạp nhẹ phanh để giảm dần tốc độ, chú ý duy trì khoảng cách an toàn nhất định. Nếu xe đang chạy tốc độ 100km/h thì khoảng cách là 70m. Nếu tốc độ khoảng 80km/h thì khoảng cách tối thiểu là 50m.
Nếu tốc độ trên 80 km/h, tài xế phía sau có thể không kịp phản ứng nếu thấy xe phía trước phanh gấp. Do đó, tài xế nên nhấp nhả phanh để cảnh báo, cách này an toàn hơn so với đạp phanh đột ngột và cũng sẽ an toàn hơn. Khoảng cách giữa hai xe cũng được đảm bảo hơn.
Theo kinh nghiệm lái xe của các tài xế lâu năm, khi gặp trường hợp phanh gấp ở tốc độ cao, không nên đánh lái gấp, vì như vậy sẽ khiến xe mất kiểm soát, có thể khiến xe bị lật và văng ra khỏi đường cao tốc. Lái xe trên đường cao tốc là bài kiểm tra kĩ năng và phẩm chất tâm lý của tài xế, vì vậy phải chú ý tuân thủ luật lệ giao thông và tập trung vào việc lái xe.
Kiến thức cơ bản giúp 'tài mới' lái xe an toàn trên đường cao tốc Tuân thủ luật giao thông đồng thời "khắc cốt ghi tâm" những kiến thức cơ bản... sẽ góp phần giúp các tài xế, đặc biệt là các tài mới tự tin, lái xe an toàn khi lưu thông trên đường cao tốc. Tuân thủ luật giao thông, việc trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức... là những điều cần thiết để giúp các...