Ở Quảng Ninh có thác Khe Vằn Bình Liêu đẹp xao xuyến
Thác Khe Văn Bình Liêu được biết đến là một trong những thác nước đẹp nhất của tỉnh Quảng Ninh.
Chinh phục thác Khe Văn là cơ hội để bạn trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ, bình dị của vùng Đông Bắc.
Nhắc tới Bình Liêu, người ta sẽ nghĩ ngay đến đồi cỏ cháy đẹp ngất ngây vào độ cuối năm. Ít ai biết rằng, thác Khe Vằn Bình Liêu cũng đẹp không kém, thu hút nhiều tín đồ xê dịch. Nếu đã quá quen với những điểm du lịch Quảng Ninh khác thì bạn có thể đổi gió ghé thăm con thác xinh đẹp này trong chuyến đi sắp tới.
1. Thác Khe Vằn Bình Liêu – đã đi chẳng muốn về
1.1. Thác Khe Vằn ở đâu
Thác Khe Vằn có địa chỉ chính xác tại xã Húc Động, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Thác cách trung tâm huyện chỉ tầm 10km. Năm 2011, tỉnh Quảng Ninh đã công nhận thác Khe Vằn là di tích danh thắng cấp tỉnh.
Thác Khe Vằn Bình Liêu – nàng tiên của Quảng Ninh. Ảnh: Helen Hà
Thác Khe Vằn là một trong những thác nước lớn nhất Quảng Ninh. Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Khe Vằn là điểm đến du lịch sinh thái tuyệt vời cho các bạn trẻ và cả gia đình.
1.2. Đường đi thác Khe Vằn
Cách trung tâm TP Hà Nội hơn 270km, đường đi thác Khe Vằn khá xa nhưng nhờ có đường cao tốc nên bạn chỉ mất khoảng 4-5 tiếng đồng hồ tùy phương tiện xe ô tô hay xe khách.
Từ Hà Nội, khách du lịch di chuyển theo đường cao tốc Hải Phòng – Móng Cái đến đoạn Mũi Chùa thì rẽ trái theo hướng Tiên Yên, tiếp tục đi theo Quốc lộ 18C, qua thị trấn Bình Liêu là tới. Đoạn từ thị trấn Bình Liêu vào tới thác Khe Vằn khoảng 10km, quãng đường không xa nhưng ngoằn ngoèo nên bạn cũng cần chú ý cẩn thận.
Đường đi thác Khe Vằn Bình Liêu không khó nhưng có nhiều đoạn tương đối gập ghềnh. Ảnh: mrhocbui
Thác Khe Vằn Bình Liêu cách TP Hạ Long hơn 100km, thời gian di chuyển từ 2-2,5 tiếng. Du khách có thể đi theo cao tốc Hạ long – Móng Cái, hành trình tương tự như trên hoặc theo Quốc lộ 18 đều được, thời gian không quá chênh lệch nhau.
Thác Khe Vằn Bình Liêu thu hút nhiều bạn trẻ. Ảnh: hocthuy_toui
Nhìn chung, đường đi thác Khe Vằn không quá khó, bạn lựa chọn ô tô hoặc xe máy tùy theo sở thích. Tuy nhiên, nếu đi xe máy sẽ khá xa, đòi hỏi thể lực tốt. Ngoài ra, bạn có thể bắt xe khách tới huyện Bình Liêu sau đó thuê xe ôm hoặc taxi, thuê xe máy để tới thác Khe Vằn.
1.3. Chinh phục thác Khe Vằn Quảng Ninh
Thác Khe Vằn bắt nguồn từ dãy Khe Vằn nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Ngay từ cái tên đã khiến không ít người phải tò mò. “Vằn” trong tiếng địa phương là khói, Khe Vằn tức là khe nước có khói nên người ta còn gọi thác Khe Vằn là thác Khói. Quả thực là vậy, dòng nước chảy từ độ cao nghìn mét xuống dưới tạo nên cảnh quan kỳ vĩ, tung bọt trắng xóa tựa như mây khói.
Chinh phục thác Khe Vằn Bình Liêu trong chuyến đi tiếp theo của mình nhé. Ảnh: fanshixuan99
Không như các thác nước khác ở tỉnh, thác Khe Vằn Bình Liêu Quảng Ninh có tới 3 tầng, dài 100m, mỗi tầng lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Tất cả góp phần tạo nên một bản tình ca giữa rừng núi.
Nhìn từ trên cao, thác Khe Vằn như một dải lụa đào trắng muốt uốn lượn uyển chuyển, len lỏi qua vách đá, qua lá cây để rồi đổ xuống dưới, tưới mát cho cả khu vực xung quanh.
Thiên nhiên thật hiền hào và trìu mến. Nhưng càng lại gần, bạn lại càng cảm nhận được sự kỳ diệu, hào hùng của thiên nhiên. Thác Khe Vằn là vậy, nhìn xa thì nên thơ, càng gần càng cảm thấy kỳ vỹ, choáng ngợp. Con người bỗng như cảm thấy thật nhỏ bé trước mẹ tạo hóa.
Thác Khe Văn Bình Liêu có 3 tầng độc đáo. Ảnh: phuong_ous
Video đang HOT
Khung cảnh xung quanh thác Khe Vằn Bình Liêu Quảng Ninh càng thêm xao xuyến khi xung quanh là đồi núi, là cỏ cây, không hề có khói bụi hay những tòa nhà cao tầng che khuất tầm nhìn. Cảnh tượng hoang sơ, bình dị như chính con người nơi đây vậy.
Dưới chân tầng thứ nhất của thác là hồ nước trong xanh, có thể nhìn thấy cả những hòn đá cuội hay đàn cá đang tung tăng bơi lội phía dưới. Khách du lịch thác Khe Vằn Bình Liêu có thể thoải mái ngồi xuống bên phía đá, ngâm chân xuống dòng nước trong veo, mát lành, để tận hưởng sự khoan khoái hiếm có khó tìm ở thành thị. Hãy thử nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu và cảm nhận sự thanh bình, dịu dàng của nơi đây.
Dưới chân thác có thể ngồi chill chill. Ảnh: huuthang1990
Lên tới tầng thứ hai, thác Khe Vằn lại khiến khách du lịch phải thốt lên ngạc nhiên khi thác được chia thành hai dòng chảy, một dòng thác bé và một dòng thác lớn hơn. Nước vẫn đổ từ trên cao xuống, tung bọt trắng xóa, phía dưới có hồ nước có thể tắm được. Trên tầng hai có những hòn đá khổng lồ bằng phẳng, nhẵn mịn là không gian nghỉ ngơi “hết nước chấm”. So với quãng đường lên tầng thứ hai, tầng thứ ba khó nhằn hơn, có phần trơn trượt. Do đó, bạn cần chú ý cẩn thận để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc nhé.
Hồ bơi vô cực tự nhiên giữa thiên nhiên Bình Liêu. Ảnh: sunrai84
Tầng thứ ba nước chảy có phần xiết hơn nhưng phần hồ phía dưới chân thác lại rộng hơn, xanh hơn, cho bạn thỏa thích vẫy vùng. Không ngoa khi nói, không gian ở tầng thứ ba như một hồ bơi vô cực, vừa cho bạn bơi lội vừa được ngắm cảnh thiên nhiên xinh đẹp của vùng Đông Bắc.
Thác Khe Vằn Bình Liêu – điểm check in tuyệt đẹp. Ảnh: d_minhtuyet
Mỗi mùa, thác Khe Vằn lại mang sắc thái riêng. Mùa mưa dòng nước trở nên dữ dội hơn, tuôn trào xối xả, lất át cả con người. Mùa khô tới, thác lại chảy hiền hòa, nhẹ nhàng như một thiếu nữ e thẹn. Do đó, bạn có thể du lịch Quảng Ninh hay thác Khe Vằn bất kể thời điểm nào. Vào mùa hè, đây sẽ là nơi tránh nóng lý tưởng còn khi thu đông đến lại là dịp để bạn tận hưởng thiên nhiên bình dị, êm đềm và xả stress.
1.4. Tìm hiểu văn hóa địa phương
Không chỉ có cảnh đẹp mê hoặc lòng người, chuyến đi tới thác Khe Vằn Bình Liêu còn là dịp để bạn tìm hiểu về văn hóa địa phương. Hiện, xã Húc Động có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống là Sán chỉ chiếm 82%, người dân tộc Dao (Dao Thanh Phán), Tày và Kinh. Suốt bao nhiêu năm qua, phong tục tập quán truyền thống nơi đây vẫn được gìn giữ.
Khung cảnh bình yên tại xã Húc Động, rất đáng để khách du lịch thác Khe Vằn Bình Liêu ghé thăm. Ảnh: trangvy8814
Tới đây, bạn sẽ được dịp tìm hiểu về dòng chảy văn hóa đa sắc màu của các dân tộc anh em. Khe Vằn có điệu hát Soóng Cọ nổi tiếng của người Sán Chỉ, người Dao Thanh Phán lại có điệu hát Sán Cố, tấu kèn “gẹt”… Những câu hát trữ tình, mềm mại ra đời từ hàng trăm năm trước gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây.
Ở Húc Động có tổ chức Lễ hội tháng ba vào ngày 16/3 âm lịch hàng năm, đây cũng là lễ hội lớn nhất của người Sán Chỉ. Trong ngày này, trai gái Sán Chỉ gặp gỡ trao duyên ở chợ huyện. Từng tốp nam nữ say sưa hát những khúc ca về tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước.
Tới đây để trải nghiệm đời sống văn hóa địa phương độc đáo. Ảnh: hoailinh
Sau khi thăm quan thác Khe Văn, du khách còn được trải nghiệm trồng dong riềng, lao động ngoài đồng ruộng, bóc quế, hái hồi, gặt lúa… cùng bà con Sán Chỉ. Những công việc tay chân không hề nhẹ nhàng nhưng lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười của bà con. Xã Húc Động có nghề làm miến dong truyền thống, bạn có thể tham gia vào một số công đoạn hoặc mua chúng về làm quà cho người thân sau chuyến đi.
Đặc biệt, vào mùa hoa dong riềng nở, quanh bản làng thôn xóm rực rỡ sắc hoa, sắc xanh, sắc đỏ trông rất đẹp mắt. Lúc này, người dân tấp nập đi thu hoạch dong riềng, rất đông vui.
Miến dong – một đặc sản của bà con Sán Chỉ. Ảnh: Thác Khe Vằn
Ẩm thực của Bình Liêu cũng là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch. Nơi này có món gà nấu miến dong hoàn toàn từ tự nhiên cùng gia vị quế, hồi vừa bổ dưỡng lại thơm ngon nức tiếng. Đến Húc Động vào mùa ốc, bạn còn tha hồ thưởng thức ốc núi của bà con Sán Chỉ, nấu hoặc xào với rượu và măng chua thì quả thực hết nước chấm.
2. Điểm du lịch Bình Liêu đẹp khác
Trong chuyến ghé thăm thác Khe Văn Bình Liêu, khách du lịch đừng quên check in những địa danh nổi tiếng khác của huyện miền núi này.
2.1. Mốc biên giới
Bình Liêu là vùng biên giới có tầm 50 km đường biên giáp với Trung Quốc nên việc chinh phục các cột mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc là điều không thể bỏ qua. Trong số đó có bốn cột mốc chính là 1300, 1302, 1305 và 1327.
Ngoài thác Khe Vằn, Bình Liêu còn có sống lưng khủng long nổi tiếng. Ảnh: hahalolo
“Sống lưng khủng long” nổi tiếng ở Bình Liêu là đoạn đường tới cột mốc 1305 dài khoảng 2km. Vào mùa cỏ lau khoảng tháng 10 – tháng 11, khung cảnh nơi đây tựa như trong tranh, đẹp không từ nào diễn tả nổi. Đây chắc chắn sẽ là background chụp ảnh đẹp lung linh không thể bỏ qua cho bạn.
2.2. Đỉnh Cao Ly
Cao Ly là dãy núi trải dài trên diện tích 40km2. Núi Cao Ly có 8 đỉnh núi ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, cao nhất là đỉnh Cao Xiêm 1.429m. Vào mùa hè tháng 7 – tháng 9, Cao Ly đẹp mơ màng bởi sắc tím của hoa nở, đến tháng 10 trở đi, đây lại là điểm săn mây lý tưởng. Trekking chinh phục Cao Ly chỉ cách xã Húc Động 10km vừa rèn luyện thể lực vừa để bạn chiêm ngưỡng biển mây tuyệt đẹp.
Đỉnh Cao Ly – nơi cắm trại xịn sò cho bạn trẻ. Ảnh: _minngling
Thác Khe Vằn Bình Liêu đẹp xao xuyến lòng người, kích thích những đôi chân ham đi. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích cho chuyến đi tiếp theo của mình nhé.
Bình Liêu - Vẻ đẹp hùng vĩ miền biên viễn
Quảng Ninh không chỉ có vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, Quảng Ninh còn có Bình Liêu với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và những sắc màu văn hóa dân tộc độc đáo nơi miền biên cương Tổ quốc.
Bình Liêu là huyện miền núi nằm ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, cách Hà Nội khoảng 270 km. Để tới Bình Liêu, du khách có thể đi bằng ô tô theo hướng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, đi tiếp theo hướng Quốc lộ 18 và 18C là đến nơi.
Huyện Bình Liêu là điểm đến còn khá hoang sơ nhưng lại là nơi lý tưởng cho du khách tận hưởng hết tất thảy đặc trưng của thiên nhiên núi rừng, nơi biển gặp núi, nơi được bao phủ bởi núi non hùng vĩ, thác nước thơ mộng và bồng bềnh mây trôi.
Nơi đây có khí hậu quanh năm ôn hòa, cấu trúc địa hình đa dạng cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hứa hẹn trở thành 'nàng thơ' mới cho những tín đồ 'ưa xê dịch' tới khám phá.
Huyện Bình Liêu là điểm đến còn khá hoang sơ nhưng lại là nơi lý tưởng cho du khách tận hưởng hết tất thảy đặc trưng của thiên nhiên núi rừng
Dù tới Bình Liêu vào thời điểm nào trong năm, du khách cũng được tận hưởng và trải nghiệm những đặc trưng của huyện miền biên cương này.
Mùa xuân là thời điểm cho du lịch tâm linh, là dịp tham gia các lễ hội đặc sắc như lễ hội đình Lục Nà, hội hát Soóng Cọ giao duyên.
Mùa hè với những thác nước cuồn cuộn và ruộng bậc thang xanh mướt mắt, và để chứng kiến một "nàng thơ" Bình Liêu đỏng đảnh chỗ nắng, chỗ mưa, đi mấy bước là trời quang mây tạnh, bước thêm bước thứ hai là mưa rào tí tách.
Vào mùa thu đông, cỏ lau phủ khắp một vùng trời biên cương rộng lớn, với mùa thu hoạch và dịp lễ hội hoa sở - loài hoa đặc trưng của Bình Liêu và là loài hoa duy nhất nở vào mùa đông, cùng lễ mừng cơm mới, thưởng thức phong hương lá đỏ.
Lễ hội hoa sở - loài hoa đặc trưng của Bình Liêu và là loài hoa duy nhất nở vào mùa đông
Tới Bình Liêu, du khách đừng bỏ qua các món ngon đặc trưng của vùng núi miền biên cương này như Miến dong Bình Liêu, cá suối nướng, rượu rễ cây, rượu bao thai, cháo hoa nấu từ gạo bao thai, đỗ Mèo, măng rừng xào, dầu Sở...
Miến dong: đặc sản của Bình Liêu
Tháng 10 hàng năm là thời điểm Bình Liêu trở nên thơ mộng cùng hương thơm ngọt ngào của hương lúa, màu vàng trải dài trên những cánh ruộng bậc thang. Du khách muốn tận hưởng cảnh sắc Bình Liêu mùa lúa chín không nên bỏ qua một số địa điểm sau: Các bản Khe O, Cao Thắng, Ngàn Pạt (xã Lục Hồn), nằm ở sườn tây núi Cao Xiêm, cách Quốc lộ 18C khoảng trên 3km.
Ngoài ra, bản Sông Moóc và Khe Tiền (xã Đồng Văn), bản Ngàn Cậm, Cao Sơn, xã Hoành Mô là những địa điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng Bình Liêu vào vụ lúa chín vàng.
Tháng 10 hàng năm là thời điểm Bình Liêu trở nên thơ mộng cùng hương thơm ngọt ngào của hương lúa, màu vàng trải dài trên những cánh ruộng bậc thang.
Thác Khe Vằn bắt nguồn từ dãy núi Khe Vằn - Thông Châu với độ cao địa hình khoảng 330m, thuộc huyện Bình Liêu. Thác Khe Vằn nằm ẩn mình giữa núi rừng hùng vĩ hiện ra như một bức tranh thủy mặc.
Thác nước với 3 tầng nước chảy với độ cao khoảng 100m, đổ xuống trắng xóa giữa rừng cây, bên dưới là những tảng đá lớn, hai bên là vách đá phủ rêu phong. Bao quanh Thác Khe Vằn là rừng phòng hộ nguyên sơ, thảm thực vật phong phú là điểm đến tham quan thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên rừng núi, suối trong mát.
Thác Khe Vằn bắt nguồn từ dãy núi Khe Vằn - Thông Châu với độ cao địa hình khoảng 330m, thuộc huyện Bình Liêu.
Cửa khẩu Hoành Mô, một trong những cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đến Hoành Mô, du khách có thể kết hợp được tham quan mốc 1317 nằm bên phía Việt Nam.
Cột mốc 1305 nằm trên đường tuần tra biên giới Bình Liêu, là một trong hai mốc giới nằm ở vị trí cao nhất trên thực địa Quảng Ninh. Đường tới Mốc 1305 uốn lượn, ôm núi, đây là công trình do bộ đội biên phòng huyện Bình Liêu thực hiện. Đây cũng là đoạn đẹp nhất của con đường lên mốc.
Sống lưng Khủng Long là cụm từ để chỉ sống núi đường lên mốc 1305. Sống lưng Khủng long chính là cung đường trekking lý tưởng với hơn 2.000 bậc thang và dốc, cùng 3 trạm nghỉ dừng. Đi vượt qua Sống lưng Khủng long khoảng 2 giờ du khách sẽ đến được mốc.
Cửa khẩu Hoành Mô, một trong những cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đến Hoành Mô, du khách có thể kết hợp được tham quan mốc 1317 nằm bên phía Việt Nam.
Cao Ly là dãy núi cao trải dài với diện tích trên 40 km2 với 8 đỉnh cao hơn 1.000 m thuộc huyện biên giới Bình Liêu. Đây là một điểm cắm trại, dã ngoại phù hợp cho các nhóm bạn trẻ hoặc gia đình. Thời điểm từ tháng 7 tới cuối tháng 10, du khách sẽ được thưởng thức sắc tím của hoa mua nở muộn, trải dài bao phủ các vạt đồi và săn biển mây.
Săn mây trên đỉnh núi Cao Ly thuộc huyện biên giới Bình Liêu.
Bình Liêu có trên 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn là người Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Hoa... Du khách tới với Bình Liêu sẽ có cơ hội hòa mình vào bản sắc văn hóa của người dân nơi đây, mặc lên mình các bộ trang phục đồng bào nổi bật với nhiều họa tiết và màu sắc rực rỡ.
Phiên chợ Trung tâm huyện Bình Liêu
Cuối tuần ghé Bình Liêu, du khách có cơ hội dạo chợ phiên ở trung tâm thị trấn hay chợ xã Đồng Văn. Chợ họp vào thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, bà con khắp thôn bản từ những xã huyện lân cận cũng mang hàng hóa, nông lâm sản về chợ trao đổi buôn bán. Lá tắm, dược liệu chữa bệnh của đồng bào dân tộc, mật ong rừng, măng rừng... là những mặt hàng đặc trưng tại chợ phiên vùng cao này.
Trải nghiệm hấp dẫn cho hội mê 'xê dịch' tại Bình Liêu, Quảng Ninh Bình Liêu vốn được ví như Sapa thu nhỏ của mảnh đất Quảng Ninh, hiện đang trở thành điểm thu hút khách du lịch 'check-in' và trải nghiệm. Là một huyện miền núi phía đông bắc của tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu cách Hà Nội khoảng 270 km. Bình Liêu có khí hậu quanh năm ôn hòa, địa hình đa dạng cùng cảnh...