Ở nơi nhiều người công khai mình nhiễm HIV
Nhiều người khi biết mình có “H” luôn mặc cảm, chán nản, sống trong tuyệt vọng, có người chọn cho mình lối sống cực đoan. Nhưng ở xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, Ninh Bình có những người có “H” sống nhân ái, đùm bọc, giúp đỡ nhau chống lại căn bệnh thế kỷ.
Đa phần tâm lý chung của những người nhiễm “H” là luôn sống trong mặc cảm lo sợ, trốn tránh, che giấu việc mình bị bệnh với những người xung quanh. Họ chọn cho mình cách sống âm thầm, lặng lẽ và đợi cái chết đã được báo trước. Thậm chí có nhiều người chọn cho mình lối sống cực đoan để “trả thù đời”.
Nhưng đến xã Ân Hòa, sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng ở đây có những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ nhưng họ công khai việc mình có HIV, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau làm ăn kinh tế, chống lại bệnh tật và tham gia câu lạc bộ (CLB) Khát vọng tình thương của Hội liên hiệp Phụ nữ xã.
Chị Xuân rất hạnh phúc bên cô con gái nhỏ. Ước muốn của chị là sẽ vận động được nhiều sách cho người dân đọc
Tìm về gia đình chị Vũ Thị Xuân và anh Vũ Xuân Huệ – Chủ nhiệm CLB ở xóm 2, xã Ân Hòa, được biết vợ chồng chị là hai người đầu tiên của xã công khai việc mình đang mang trong người căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Cũng như những người khác, sau khi biết mình mắc bệnh, cuộc sống của vợ chồng chị là những chuỗi ngày dài sống trong đau khổ, tuyệt vọng. Nhưng từ những đau khổ ấy, vợ chồng anh chị đã đứng lên, gắng gượng sống và nuôi dạy con nhỏ.
Chị Xuân tâm sự: “Lúc biết mình bị nhiễm HIV, gần như mọi thứ trước mắt sụp đổ. Bao ước mơ, kế hoạch của hai vợ chồng tan thành mây khói. Thậm chí nhiều lúc tôi định tìm đến cái chết. Nhưng thương hai đứa con còn thơ dại nên tôi và chồng động viên nhau gắng gượng mà sống”.
Sau nhiều năm vừa làm vừa điều trị bệnh, đồng thời học thêm các lớp ngoại khóa về kinh nghiệm sống chung với HIV ở Hà Nội, anh chị quyết định về quê công khai việc mình có “H”.
Bằng nỗi đau của bản thân, anh chị thấu hiểu nỗi đau của những người mang virus HIV khác. Ý định của vợ chồng chị Xuân là thành lập một CLB để chia sẻ những kinh nghiệm về “H” cho những người quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau vươn lên trong cuộc sống.
Video đang HOT
Nghĩ là làm, vợ chồng chị Xuân lên UBND xã trình bày về việc thành lập một CLB của những người nhiễm “H”. Tháng 1/2008, CLB “Khát vọng tình thương” với 11 thành viên do chị Xuân làm trưởng nhóm được thành lập với sự đồng ý của chính quyền xã Ân Hòa.
Những ngày đầu mới thành lập, CLB gặp vô vàn khó khăn, từ sự miệt thị đến chính việc người trong CLB vẫn còn mặc cảm… Nhưng từ khó khăn mới biết những thành viên trong CLB luôn đứng ra giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau để vươn lên. Sự quan tâm của những thành viên chủ chốt khiến CLB ngày một vững mạnh hơn.
Từ sự ra đời của CLB Khát vọng tình thương, những người nhiễm “H” trong xã Ân Hòa dễ dàng chia sẻ, tâm sự với nhau nhiều hơn. Họ tìm lại được niềm vui, khát vọng sống, đồng thời thay đổi dần suy nghĩ của những người bình thường.
Từ những người sống vật vờ qua ngày tháng chờ cái chết được báo trước, họ giúp nhau vượt khó trong bệnh tật, tuyên truyền cho người dân xung quanh, tư vấn cho những người nhiễm “H” cách sinh hoạt lành mạnh, hỗ trợ nhau làm kinh tế thoát nghèo và góp phần thay đổi nhận thức của người dân xung quanh.
Mỗi tháng, các thành viên trong CLB sinh hoạt một lần, ngoài việc nói chuyện chia sẽ với nhau về sức khỏe, về những khó khăn trong cuộc sống, các thành viên còn thường xuyên tổ chức các buổi văn nghệ, trao quà cho con em thành viên trong CLB đạt thành tích cao trong học tập.
Gia đình chị Xuân chính là điển hình trong việc người nhiễm “H” vươn lên trong cuộc sống. Không chỉ tham ra tích cực các phong trào xã hội, chị còn hoàn thành tốt vai trò của một người vợ, một người mẹ. Hai con chị là cháu Vũ Thị T.H. đang học lớp 7, và cháu Vũ T.T. đang học lớp 4, luôn là học sinh tiên tiến xuất sắc của trường. Nhờ động viên nhau làm kinh tế, gia đình chị cũng có một mái ấm tươm tất.
Một thành viên trong CLB Khát vọng tình thương chia sẻ: “Từ khi biết mình mắc căn bệnh thế kỷ, cuộc sống với tôi là một màu đen, người dưng xa lánh đã đành, thậm chí người thân của mình cũng ghẻ lạnh. Lúc ấy tôi chỉ muốn tìm đến cái chết cho thanh thản. Nhưng từ khi tham gia CLB, tôi được các anh chị em tư vấn, động viên giúp đỡ trong cuộc sống, rồi tư vấn cho tôi việc sử dụng thuốc cho nên tôi mới sống được đến ngày hôm nay”.
Không chịu khuất phục trước bệnh tật, các thành viên trong CLB giúp đỡ nhau làm kinh tế thoát nghèo
Chị Xuân tâm sự: “Hiện CLB đang tích cực tuyên truyền cho cộng đồng và người thân không phận biệt, xa lánh với những người mắc bệnh HIV/AIDS. Sau 8 năm thành lập, nhưng những thành viên trong CLB vẫn rất tự hào vì hiệu ứng mà CLB tạo ra rất rõ nét”.
Hiện tại CLB có 42 thành viên, không chỉ là người bệnh trong xã mà có cả những người ở xã lân cận.
Để tuyên truyền về căn bệnh thể kỷ HIV/AIDS cho những người bình thường, đồng thời giáo dục cho lớp trẻ tháng CLB đã mở tủ sách, truyện, báo… cho người dân và nhất là học sinh đến đọc, một phần để mở mang sự hiểu biết đồng thời tránh xa các tệ nạn xã hội.
Dự định sắp tới của CLB là sẽ tiếp tục kêu gọi quyên góp thêm sách mở rộng tủ sách cho người dân trong xã và các xã lân cận đến đọc.
Đức Văn
Theo Dantri
Ám ảnh căn bệnh thế kỷ nơi xã nghèo
Những người vợ mất chồng, những đứa trẻ mất cha và cả những đứa trẻ bơ vơ không nơi nương tựa. Căn bệnh thế kỷ đã len lỏi vào từng bản làng nơi xã nghèo miền sơn cước...
Xã Hồi Xuân nằm ngay cạnh thị trấn Quan Hóa, huyện vùng cao Quan Hóa, Thanh Hóa, vốn là một xã còn nhiều khó khăn. Toàn xã có chưa đến 1.000 hộ dân với 3.573 nhân khẩu. Trình độ dân trí nơi đây còn nhiều hạn chế. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tệ nạn ma túy len lỏi, đeo bám khiến bao gia đình phải chịu khổ đau, ám ảnh.
Bản Khằm, xã Hồi Xuân được coi là điểm nóng với số người nghiện và mắc căn bệnh thế kỷ cao.
Theo con số báo cáo của Trạm Y tế xã Hồi Xuân, tính đến nửa đầu tháng 4/2013, toàn xã Hồi Xuân có 93 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 17 nữ (đã tử vong 2 người); nam giới 76 người (đã tử vong 28 người).
Khi được hỏi về tình hình tệ nạn xã hội nơi đây, Phó Chủ tịch UBND xã Hồi Xuân - ông Lữ Đình Bưu - thẳng thắn thừa nhận, 5, 6 năm trở về trước, tình hình tệ nạn ở địa phương rất phức tạp. Những năm gần đây, nhờ công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương ngay tại các điểm trường mà tệ nạn đã giảm hẳn.
Ông Lữ Đình Bưu, Phó chủ tịch UBND xã Hồi Xuân trao đổi với PV.
Cả xã có 7 thôn bản, khu phố, trong đó bản Khằm và bản Cốc là hai địa bàn phức tạp nhất. Nói về nguyên nhân dẫn đến tình hình người địa phương nghiện ma túy những năm qua, ông Bưu nhận định: có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản nhất là hai khu vực này rất nhiều dân vãng lai đến. Hơn nữa đây là điểm giao lưu giữa Mai Châu (Hòa Bình) và Quan Hóa. Thanh niên ở đây ăn chơi đua đòi, ngay tại bản Khằm đã có khoảng 20 thanh niên vướng vào tệ nạn xã hội và mắc HIV/AIDS, nay đã chết.
Trước tình hình phức tạp của căn bệnh thế kỷ, để tuyên truyền, vận động người dân phòng tránh bệnh, chính quyền địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, tệ nạn xã hội cao điểm nhất là năm 2005 - 2009. Những năm trở lại đây, nhận thức của người dân về tệ nạn xã hội cũng như căn bệnh này đã ngày càng được nâng cao.
Bản Khằm, bản nằm gần trung tâm xã Hồi Xuân, cả bản có hơn 200 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu, là một trong những bản có nhiều người nghiện và mắc phải căn bệnh thế kỷ. Trưởng bản Phạm Hồng Sơn cho biết: "Đây là bản nghèo, lứa tuổi nghiện ngập chủ yếu ở 35 - 40, họ trước đây vốn là những thanh niên trai tráng của bạn, nhưng sa vào con đường ăn chơi, đua đòi. Vào khoảng những nằm từ 2000 - 2005, số người nghiện cái chết trắng ở bản tương đối nhiều".
Cũng bởi ngày trước, thanh niên trong bản ít học, không hiểu được tác hại của ma túy, cứ tưởng tiêm, chích hút vào là khỏe. Sau đó các cấp ngành tuyên truyền nên người dân đã hiểu. Trong năm 2013, cả bản không có thêm trường hợp nghiện ngập nào phát sinh. Trưởng bản thở dài khi nhớ lại những năm 2009 - 2010, mỗi tháng trong bản có 4 - 5 người chết vì căn bệnh AIDS. Hiện trong bản chỉ còn khoảng 9 người nghiện ma túy. Những ai bị nghiện, những ai đã bị AIDS cướp đi sự sống, trưởng bản Sơn đều nhớ cả.
Ánh mắt đượm buồn, trưởng bản kể đến những gia đình cả bố mẹ đều bị nhiễm HIV rồi lây sang con. Đó là gia đình anh C.V.T và chị H.T.P. Có những trường hợp cả hai vợ chồng chết vì AIDS, bỏ lại đứa con gái đang tuổi ăn, tuổi học cũng bị lây nhiễm. Có điều, ở xã nghèo này trẻ nhiễm HIV vẫn được đến trường đều đặn, ở đây không có sự kỳ thị với người nhiễm HIV. Các thầy cô giáo rất quan tâm đến những trường hợp học sinh đặc biệt này, vừa giúp các em không bị xa lánh, vừa bảo đảm an toàn cho những học sinh khác.
Khi được hỏi về những trường hợp người phụ nữ nuôi con một mình, ông Sơn nói: "Nhiều lắm, hơn 10 trường hợp, chủ yếu là chồng chết vì AIDS". Hầu hết các trường hợp này đều được nhận trợ cấp hàng tháng nhưng cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn...
Trần Lê - Thái Bá
Theo Dantri
"Đông si đa" - tình nguyện viên "người nhà" của HIV/AIDS 48 trong số hàng vạn người mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đã vĩnh viễn ra đi, nhưng chắc hẳn dù ở nơi chín suối, họ sẽ không thể quên người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi tận tụy bón từng thìa cơm, chén sữa, không đeo găng tay vẫn chẳng ngại tắm rửa trên những cơ thể đầy ung nhọc,...