Ở nhờ nhà người thân: Tiết kiệm tiền nhưng đủ thứ mệt mỏi
Hiện nay có rất nhiều người trẻ chọn ở nhờ nhà người thân thay vì thuê trọ bên ngoài. Họ cho rằng làm vậy vừa giúp bản thân tiết kiệm tiền vừa không phải đối mặt với những nỗi lo khác trong cuộc sống.
Nhưng thực tế, không phải ai ở cùng người thân cũng có được một cuộc sống “màu hồng” như những gì tưởng tượng. Mệt mỏi, ngột ngạt, khó xử đều có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Ở nhờ nhà người thân không phải lúc nào cũng sướng. (Ảnh: SCMP)
1001 chuyện mệt mỏi khi ở nhờ nhà người thân
Thay vì thuê trọ bên ngoài, nhiều bạn trẻ khi mới lên thành phố đã chọn ở nhờ nhà người thân để tiết kiệm chút chi phí. Thế nhưng, không ít người trong số họ lại rơi vào một cuộc sống ngột ngạt, chẳng “màu hồng” như những gì bản thân từng tưởng tượng. Giữ được chút tiền nhà nhưng phải đánh đổi cả sự tự do.
Điển hình như câu chuyện của cô bạn V.T.H.T (21 tuổi, sống tại Hà Nội). Cô nàng kể: ” Đợt đầu mình còn vui lắm, vì tiết kiệm được 4,5 triệu bạc chứ ít gì đâu, lại còn có người thỉnh thoảng nấu cơm cho nữa chứ. Nhưng tầm 1 tuần thôi là thấy vấn đề liền. Mình bị cô chú quản lý thời gian chặt lắm, ngay cả thứ 7, chủ nhật cũng không được ra ngoài chơi.
Mỗi lần xin ra ngoài liền bị nói ‘đi ít thôi, học không học còn suốt ngày đàn đúm’. Chưa kể còn liên tục hỏi mình đi với ai, sao về muộn thế, kiểm soát hơn cả bố mẹ mình ở quê. Có đợt xe hỏng, bạn nam học cùng mình đưa về nhà, thế là cô liền gọi mách bố mẹ mình, tự dưng bị mắng không ngóc đầu lên được.”
Họ hàng đôi khi quan tâm chúng ta quá mức. (Ảnh: China Daily)
Nhiều người phải chịu đựng sự kiểm soát vô lý từ người thân. (Ảnh: NBC)
Ở nhờ nhà người thân cũng đồng nghĩa với việc bạn đang “mang ơn” họ. Thay vì trả tiền nhà, một số người lại “đền ơn” bằng cách làm việc vặt. Tuy nhiên chính hành động đó lại khiến họ vô tình trở thành “ô sin bất đắc dĩ”. Kể về điều này, cô bạn N.K.L (21 tuổi, sống tại Nam Định) cho biết: ” Ban đầu, thím chỉ bảo mình rảnh thì giúp thím. Lúc đó cũng chẳng nghĩ gì nhiều, vui vẻ làm ngay, nhưng lâu dần bỗng thành nhiệm vụ hàng ngày lúc nào không hay. Có đợt máy giặt trong nhà hỏng, mình phải nai lưng suốt 2 tiếng đồng hồ để giặt hết đống đồ của 5 người.
Lúc chú bảo sửa, thím mình còn bảo ‘thôi sửa máy giặt làm gì, cái L. giặt tay cũng được mà’. Nghe bực kinh khủng. Biết là ở nhờ thì phải có ý thức làm việc nhà, nhưng không phải dồn hết việc lên vai mình như vậy. Vừa bị nói ở nhờ nhà người khác, vừa không được trả công giặt đồ, quét dọn, nấu cơm mỗi ngày. Thà sức đó mình đi làm thêm kiếm tiền thuê nhà còn đỡ bực hơn ấy.”
Đôi khi bạn phải làm nhiều việc hơn bình thường. (Ảnh: NBC)
Video đang HOT
Một trong những nỗi sợ nhiều người muốn né nhất khi ở nhờ nhà người thân chính là anh/chị họ vô duyên, khó tính. Cô bạn H.N (24 tuổi, sống tại H.P) cũng từng phải xin bố mẹ ra ở trọ gấp chỉ sau vài tháng sống chung cùng chị họ. Cô bạn kể lại: “Đến giờ vẫn thấy quyết định ra ở riêng là đúng đắn. Ban đầu tưởng ở cùng chị họ bằng tuổi còn vui mừng, nghĩ hai đứa bằng tuổi lại là con gái sẽ dễ làm thân. Ai dè như cơn ác mộng. Mỗi lần mình mua đồ mới, chưa kịp mặc thử đã bị chị dùng mất. Có lần rách áo, tức lên đòi nói chuyện rõ ràng thì lại bảo mình làm quá, ở nhờ nhà người khác còn không biết điều, sống ích kỉ.
Có lần cãi nhau, chị ấy còn nói thẳng mình chỉ là con ở đợ từ quê ra. Lúc đó ấm ức lắm, khóc mấy ngày nhưng không dám nói với hai bác. Vì hai bác tốt với mình nên không muốn để họ phiền lòng. Còn bố mẹ mình ở quê, lại nghèo nên mình cũng không muốn cả nhà buồn. Cuối cùng đành ngậm ngùi cho qua.
Nhưng đến khi biết chị lấy tiền của mình tiêu không xin phép, mình đã thẳng thừng dọn đồ ra ở riêng. Từ đó đến giờ có về quê mình cũng không còn muốn gặp hay chào chị nữa”.
Giống như H.N, có rất nhiều người ở nhờ nhà người thân nhưng không dám nói lên sự bất mãn của mình. Họ chấp nhận sống dựa vào sắc mặt của người khác để đổi lấy một chỗ ở miễn phí. Tuy nhiên, sau cùng họ vẫn chọn cách rời đi vì không thể chịu được cuộc sống ngột ngạt.
Ở cùng nhà đôi khi cũng sinh ra đủ thứ chuyện đau đầu. (Ảnh: Pexels)
Khó thở quá thì đừng ngại “dứt áo ra đi”
Không thể phủ nhận, ở nhờ nhà người thân có cả đống lợi ích. Ngoài việc tiết kiệm tiền nhà, bản thân còn được sống gần với gia đình hơn. Nếu gặp khó khăn hay vấn đề gì liên quan đến tiền bạc, sức khỏe còn có người ở bên chăm sóc, bảo vệ. Nhưng đây là khi chuyện “sống chung” diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Còn trong trường hợp bạn cảm thấy cuộc sống của mình quá khó thở, ngột ngạt, đừng ngần ngại xin ra ngoài ở riêng.
Tất nhiên, khi thuê trọ, bạn sẽ phải đối mặt với cuộc sống tự lập đầy rẫy khó khăn. Chuyện gì cũng phải tự làm, tự giải quyết, kể cả những chi phí ăn uống, điện nước hàng ngày. Đổi lại bạn sẽ có sự tự do, không phải sống trong sự soi xét, kiểm soát của bất kỳ ai. Vì vậy, hãy suy nghĩ thật kĩ trước khi quyết định sống một mình hay với bạn bè, người thân. Hãy nhớ, chỉ khi bản thân đủ khả năng mới tính đến chuyện sống một mình.
Sống một mình, mọi người có thể tự do làm những điều bản thân muốn mà không sợ ai nhòm ngó, đánh giá. (Ảnh: Pexels)
Tuy nhiên đôi lúc cũng cô đơn, nhiều nỗi vất vả. (Ảnh: VCG)
Nhận định về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (cựu giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) trao đổi với Thanh Niên rằng: “Việc lựa chọn sống như thế nào còn phụ thuộc vào điều kiện, sở thích của cá nhân. Tuy nhiên việc ở đâu, có lựa chọn nào thì bản thân mỗi bạn trẻ cũng đều phải tự học, tự lo được cuộc sống của mình.
Trước khi ra riêng cần cân nhắc quyết định của mình, đặt lộ trình và thích nghi tốt với môi trường đó. Đối với những bạn vừa vượt qua tuổi 18, chưa có nhiều kinh nghiệm sống mà ra riêng thì cần nhất là luôn giữ kết nối, chia sẻ với gia đình, bạn bè để không bị ‘ngộp’ khi sống riêng”.
Sống cùng người nhà đôi khi cũng có nhiều lợi ích. (Ảnh: NPR)
Mọi người nên suy nghĩ thật kĩ trước khi quyết định sống chung hay ở riêng. (Ảnh: Pexels/Chinlingo)
Tóm lại, ở trọ một mình hay sống nhờ nhà người thân đều có những mặt ưu và nhược điểm rõ ràng. Bạn nên suy nghĩ thật kĩ trước khi quyết định bất kỳ điều gì.
Làm việc cùng người quen: Vui thì ít, khó xử thì nhiều
Có nhiều người bảo rằng "sướng nhất là có người quen trong công ty", nhưng mấy ai biết đằng sau đó lại là vô vàn những tình huống đau đầu, khó xử.
Công việc suôn sẻ thì không sao, nhưng cứ xảy ra vấn đề là chẳng biết xử sự thế nào cho thỏa đáng. Mà công việc chẳng bao giờ tránh khỏi những xích mích, không khôn khéo sẽ dễ mất luôn mối quan hệ, thậm chí từ quen thành thù.
Làm việc với người quen, vui thì ít, khó xử thì vô vàn.
Nhiều người sẵn sàng từ chối làm việc cùng người quen.
Làm việc cùng người quen không phải lúc nào cũng vui
Nhắc đến câu chuyện "làm việc cùng người quen", cô bạn H.H (26 tuổi, Hà Nội) lại nhớ về những kí ức không mấy tốt đẹp. Dù từng rơi vào cảnh thất nghiệp, mong được đi làm từng ngày nhưng H. vẫn giữ vững quan điểm không làm cùng bạn bè, người thân. Bởi với cô, trong công việc không có chỗ cho hai chữ "tình cảm", nếu không sẽ dễ dẫn đến những tình huống khó xử hoặc phiền phức.
Cô bạn kể: " Hồi đó mình mới ra trường, được người quen giới thiệu vào làm cùng còn vui sướng lắm, nghĩ may có quý nhân phù trợ. Nhưng khoảng 3 tháng thôi là biết mùi liền, làm được thì không sao, cứ có vấn đề gì là tự dưng sượng ngang. Nói thẳng thì sợ mếch lòng người ta, rồi lại tới tai bố mẹ, nhưng không nói thì cũng không được, vì đi làm hiệu quả không có thì vị trí của mình cũng bị ảnh hưởng.
Nhất là cái đợt cả phòng cạnh tranh nhau để được khen thưởng, ái ngại vô cùng, không dám phản bác người kia vì quen thân. Cuối cùng cứ phân vân mãi nên đấu tranh vì quyền lợi của mình hay là tiếp tục 'dĩ hòa vi quý' để giữ mối quan hệ."
Ai đi làm cũng muốn có người ở bên hỗ trợ mình.
Tuy nhiên rất khó làm việc thẳng thắn với người quen.
Khó xử nhất vẫn là những người khởi nghiệp cùng người thân, bạn bè. Ban đầu chắc chắn ai cũng sẽ trải qua những cảm xúc vui vẻ, hào hứng, nhưng sau đó mọi chuyện lại trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bình Nguyên - Giám đốc một công ty thuộc lĩnh vực Marketing và Truyền thông - nhận định: "Khởi nghiệp cùng người thân quen sẽ có nhiều khó xử, đặc biệt khi xảy ra xích mích dễ dẫn tới mất lòng nhau. Cùng với đó, sức ép không đủ lớn, đối với người quen do đã hiểu khả năng của họ đến đâu nên thường áp lực đặt lên không nhiều lắm. Trong khi, với một người lạ, mình hoàn toàn có thể đặt ra những yêu cầu đòi hỏi khắt khe để thử thách".
Trong công việc, mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi. Nếu không rạch ròi thật kĩ ngay từ ban đầu sẽ rất dễ lẫn lộn công tư. Vì vậy, hiện nay, nhiều người ưu tiên làm thân với đồng nghiệp, rồi biến người đó thành người thân quen còn hơn mời những người thân quen từ trước trở thành đồng nghiệp của mình.
Không còn tiếng nói chung, người quen cũng dễ quay lưng.
Đã đi làm, đừng quan tâm người quen hay người ngoài
Đã là công việc thì chẳng có gì quan trọng hơn là hiệu quả. Dù có làm với người quen hay người lạ thì đều phải hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Nếu cứ mãi "dĩ hòa vi quý", người khổ nhất chỉ có mình bạn. Chưa kể nếu không thể thẳng thắn trao đổi trực tiếp với nhau thì việc hợp tác giữa hai người sẽ không thể đem lại kết quả tốt nhất.
Vì vậy thay vì để mối quan hệ cá nhân xen vào công việc, bạn nên rạch ròi mọi thứ ngay từ ban đầu, đặt trách nhiệm đi cùng với quyền lợi, tuyệt đối không giải quyết mâu thuẫn bằng tình cảm.
Đã ở công ty thì chẳng có gì quan trọng hơn hệ quả công việc.
Nếu có vấn đề gì đó, đừng ngần ngại trao đổi thẳng thắn.
Thực tế làm việc cùng người quen cũng có nhiều lợi ích, nếu bạn biết cách tận dụng chính xác. Khi đã có thể trao đổi, nói chuyện thẳng thắn với nhau, hai người sẽ làm việc ăn ý hơn nhiều so với người lạ. Chưa kể, từ đối phương, cả hai cũng có thể học hỏi thêm nhiều điều khác, khắc phục khuyết điểm giúp bản thân ngày càng phát triển hơn.
Hãy tận dụng lợi thế người quen thay vì để điều đó cản trở công việc của bạn.
Đã đi làm thì luôn phải đặt quyền lợi bản thân lên hàng đầu, đừng vì bất kỳ ai mà khiến công việc của mình bị ảnh hưởng. Nếu có vấn đề gì, đừng ngần ngại lên tiếng từ chối hoặc đưa ra quan điểm của bản thân.
Cậu bé lớp 6 để lại thư: 'Xin lỗi con học kém, chào bố mẹ con đi' và bài học cho nhiều phụ huynh Lời nhắn trên lá thư của bé G.H khiến phụ huynh lo lắng, tá hỏa đi tìm khắp nơi. Bé G.H được tìm thấy vào khuya cùng ngày Mới đây mạng xã hội xuất hiện bài đăng thông báo tìm trẻ lạc. Nội dung bài viết cho biết, bé trai tên N.M.G.H (SN 2011, đang ở tại tòa chung cư thuộc P. Trung...