Ô nhiễm ở Chùa Cầu đang ‘đuổi du khách’ đến Hội An
Chính phủ vừa ký thỏa thuận với Nhật Bản để đưa công nghệ xử lý nước thải trị giá hơn 220 tỷ đồng để xử lý vấn nạn ô nhiễm tại điểm du lịch nổi tiếng Chùa Cầu (Hội An).
Ngày 3/12, UBND TP Hội An (Quảng Nam) đối thoại với gần 200 chủ nhân di tích để lắng nghe ý kiến về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa thế giới.
Mở đầu buổi đối thoại, ông Nguyễn Sự, Chủ tịch HĐND TP Hội An cho rằng sinh khí của phố cổ chính là nếp sống của người dân Hội An. “Vai trò quan trọng nhất trong bảo tồn di sản là chính chủ nhân của những di tích, những người đang sống trong chính những quần thể kiến trúc. Nếu không tỉnh táo nhìn nhận, vun trồng thêm nhiều giá trị mới thì không biết di sản sẽ đi về đâu”, ông Sự nói.
Nhiều nhà cổ Hội An đang xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng. Ảnh. Tiến Hùng.
Trong cuộc khảo sát thực tế mới đây, nhà chức trách cho biết có 61 di tích trong khu phố cổ đang xuống cấp nghiêm trọng, có dấu hiệu nguy hiểm tới tính mạng và tài sản của người dân. Trong năm 2015, thành phố đã hỗ trợ kinh phí tu bổ cho 49 di tích, ngoài ra còn tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức tu bổ. Trung tâm Quản lý và Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cũng đang triển khai chống đỡ cho 8 di tích và lập dự án chống mối cho 31 ngôi nhà.
“Bảo tồn di tích, thì không chỉ là việc của Nhà nước, nhà quản lý, mà phải xác định là việc của mỗi người dân, không riêng người dân phố cổ. Từ lâu, người dân Hội An đã ý thức và quý trọng giá trị phố cổ”, ông Phan Xuân Nhẫn, một chủ nhân nhà cổ nói. Theo ông, đã đến lúc phải giáo dục ý thức của du khách khi đến tham quan phố cổ. Mỗi du khách phải hiểu rằng không chỉ tham quan đơn thuần mà có ý thức góp sức vào bảo tồn không gian phố cổ.
Phần lớn thời gian buổi đối thoại, những chủ di tích bày tỏ bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường trong những năm qua. “Vấn nạn ô nhiễm ở Chùa Cầu bây giờ là một việc bức bách nhất của Hội An. Mùi hôi thối đang dần đuổi hết du khách”, một chủ nhân trong khu phố cổ nói.
Video đang HOT
Ô nhiễm ở Chùa Cầu đang trở thành vấn nạn vài năm trở lại đây, dòng kênh dưới chân cầu nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Ảnh. Tiến Hùng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An cho hay Chính phủ vừa ký một thỏa thuận với Nhật Bản để đưa công nghệ xử lý nước thải hiện đại vào khu vực Chùa Cầu với tổng kinh phí lên đến 223 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ được triển khai vào năm 2016 và đưa vào sử dụng năm 2017. Không chỉ ô nhiễm, việc tu bổ Chùa Cầu cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong khi di tích này đang ngày càng có dấu hiệu hư hại, thậm chí có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Kết thúc buổi tối thoại, Chủ tịch thành phố Hội An một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của gần 200 chủ nhân di tích. “Những ý kiến đóng góp đều rất quý, giúp chính quyền có cơ sở trong các chính sách bảo tồn di sản. Hội An sẽ khuyến khích và tạo điều kiện để người dân cùng chung tay bảo vệ di sản”, ông Dũng nói.
Cả trăm du khách chen chân trên Chùa Câu, di tich này hư hỏng rất nặng nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp trùng tu. Ảnh. Tiến Hùng.
Chùa Cầu được xây dựng cách đây 400 năm, bởi các loại vật liệu chính là đá ở phần hạ bộ, vôi vữa ở phần tường và phần thân cầu được làm bằng gỗ. Trải qua hàng trăm tồn tại, nhiều cấu kiện gỗ tại các vị trí khác nhau trên chùa đã bị hư hỏng nặng. Các vị trí liên kết giữa đòn tay đỡ mái với các cột xuất hiện nhiều chỗ mục ruỗng. Nhiều xà gỗ bị nứt nẻ, cong vênh khiến chúng không thể khớp nối nhau. Nghiêm trọng nhất, do sàn chùa làm bằng ván, thường xuyên tiếp xúc với giày dép của người qua lại nên bị mài mòn nghiêm trọng. Các phần mố trụ đỡ Chùa Cầu còn xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc vôi vữa….
Tiến Hùng
Theo VNE
Đền thờ Vua Mai Hắc Đế chờ... sập
Được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1996, chỉ sau 10 năm trùng tu, đến nay đền thờ Mai Hắc Đế ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã phải chống đỡ bằng tre và có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.
Tòa Hạ điện phải chằng chống vì hệ thống cột, xà, kèo bị mối mọt ăn rỗng ruột - Ảnh: K.Hoan
Đền thờ Mai Hắc Đế là ngôi đền uy linh, nổi tiếng từ hàng trăm năm nay, gắn với lễ hội Đền Vua Mai được tổ chức vào dịp rằm tháng Giêng hằng năm. Năm 1996, đền thờ và khu mộ vua Mai Hắc Đế (dân gọi là Vua Mai) được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Năm 2004, đền được trùng tu, làm mới theo kết cấu: Hạ điện, Trung điện, Thượng điện và khuôn viên.
Tuy nhiên, đến năm 2013, đền thờ đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt tòa Hạ điện. Tòa này là nơi thờ cộng đồng, hành lễ, có long ngai, bài vị, đồ tế khí.
Ông Nguyễn Cảnh Hòa, Phó ban quản lý Đền thờ Vua Mai cho biết do bên ngoài cột, xà đều được sơn son thếp vàng nên rất khó nhận biết bên trong đã bị mối mọt ăn. Năm 2013, ông Hòa phát hiện mối bò lên các cột, lấy cây sào chọc lên các xà nhà thì thấy hầu hết xà nhà đã bị rỗng ruột do mối xông. Các cột cũng tình trạng tương tự. "Ngay hôm đó, chúng tôi báo cáo cho Trung tâm Văn hóa huyện, đơn vị trực tiếp quản lý Đền, biết để xử lý vì nếu chậm trễ, tòa nhà có nguy cơ bị sập", ông Hòa nói.
UBND huyện Nam Đàn sau đó gửi công văn tới Sở VH-TT-DL Nghệ An thông tin thực trạng trên và đề nghị có phương án bảo vệ khẩn cấp. Ngày 26.8.2014, Sở VH-TT-DL Nghệ An đề nghị UBND huyện Nam Đàn chằng chống để bảo vệ tòa nhà, tạm ngưng các hoạt động hành lễ và lập phương án để tu bổ di tích. UBND huyện Nam Đàn đã lên phương án dùng tre, gỗ chằng chống tòa nhà để tránh sập.
Ông Bùi Trọng Lĩnh, Phó trưởng Phòng VH-TT huyện Nam Đàn cho biết ông đã 2 lần ra Cục Di sản (Bộ VH-TT và DL) báo cáo tình hình và kiến nghị cho tu bổ gấp di tích vì tình hình đã rất nguy cấp. Ngoài tòa Hạ điện, tòa Trung điện và Thượng điện mái ngói phía trước và phía đông cũng bị oằn khiến nhiều viên ngói tuột xuống khỏi mái. Trên các đầu cột cũng đã xuất hiện dấu vết của mối xâm nhập.
"Mặc dù di tích mới được trùng tu, làm mới vào năm 2004 nhưng giờ đã xuống cấp, hư hỏng là có vấn đề về chất lượng. Dự án trùng tu lần trước do Ban quản lý Di tích và danh thắng Nghệ An (trực thuộc Sở VH-TT-DL Nghệ An) làm chủ đầu tư nên chúng tôi không biết chất lượng gỗ thế nào", ông Lĩnh nói.
Ông Đặng Minh Năm, Phó ban quản lý Di tích và danh thắng Nghệ An cũng cho rằng tuổi thọ của di tích sau khi được trùng tu bằng vật liệu mới hoàn toàn chưa đầy 10 năm là quá ngắn. Dự án trùng tu Đền Vua Mai năm 2004 do Ban quản lý làm chủ đầu tư nhưng thời điểm đó ông chưa về Ban quản lý nên không biết có thi công đúng chủng loại gỗ đã thiết kế hay không.
Hiện UBND huyện Nam Đàn đã lập phương án trùng tu di tích này, dự tính khoảng 19 tỉ đồng, để trình Sở VH-TT-DL và Cục Di sản. Tuy nhiên, theo ông Lĩnh, chưa biết bao giờ dự án mới được triển khai vì "kinh phí để thực hiện dự án này chưa biết nhìn vào đâu".
Mai Thúc Loan là người tổ chức cuộc khởi nghĩa Hoan Châu chống lại sự xâm lược của nhà Đường (Trung Quốc). Năm 713, ông xưng đế, lấy hiệu là Mai Hắc Đế, cho xây thành lũy, lấy quốc hiệu là Vạn An, lập kinh đô tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn ngày nay, rèn binh chuẩn bị cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân nhà Đường. Cuộc nổi dậy của ông được nhân dân khắp nơi ủng hộ.
Năm 714, Mai Hắc Đế tiến binh ra thành Tống Bình (Hà Nội), đánh tan quân nhà Đường. Từ ngày lên ngôi, Mai Hắc Đế đã giải phóng được đất nước và giữ vững nền độc lập đến năm 723.
Nhà Đường sau đó huy động 10 vạn quân sang đàn áp, quân của Mai Hắc Đế sau nhiều trận đánh khốc liệt nhưng không chống cự được, phải rút lui về thành Vạn An. Vua Mai Hắc Đế thất thủ rồi mất. Để ghi nhớ công ơn của một vị vua yêu nước, đền thờ ông được xây cất trên chính mảnh đất ông đã xây dựng căn cứ cuộc khởi nghĩa.
Khánh Hoan
Theo Thanhnien
Hoang tàn chùa cổ hơn 200 tuổi ở Sài Gòn Mái chính điện Chùa Giác Viên cũ nát, ngói xô lệch, rơi vỡ, dột nhiều nơi; khu vực Đông lang tan hoang, kèo cột mối mọt có nguy cơ sụp đổ... Chùa Giác Viên (còn gọi là chùa Hố Đất) gắn với quá trình hình thành và phát triển Sài Gòn, được thành lập từ am thờ Quan âm vào thế kỷ 18...